Dân chơi đồ cổ ở kinh thành không ai mà không biết tới Tụ Bảo Trai, bởi Tụ Bảo Trai là tiệm bán đồ cổ lâu đời và lớn nhất miền Bắc nằm giữa lòng chợ Đông Thành.
Tụ Bảo Trai được chia làm ba khu: gian phía trước dùng để trưng bày và bán đồ cổ, gian chính giữa dùng làm nhà kho, một căn phòng tao nhã nối liền gian trước và gian giữa lại với nhau, đó là nơi giám định đồ cổ của Châu đại nương, chủ nhân Tụ Bảo Trai. Gian sau cùng là nơi trú ngụ của Châu đại nương.
Gian trước lúc nào cũng thoang thoảng mùi trầm hương thơm dịu nhẹ, thanh mát, giống mùi mật ong pha với hoa cỏ, tỏa ra từ bốn chiếc lư hương hình rồng nạm vàng đặt ở bốn góc nhà. Từng sợi khói thơm chầm chậm nhả ra từ miệng bốn con rồng. Trên bốn vách tường của gian nhà trước treo Tứ Thủy Đồ, bốn bức tranh vẽ phong cảnh với nét vẽ cực kỳ tinh tế. Mỗi bức vẽ một mùa xuân, hạ, thu, đông. Khách nhân đứng ở giữa phòng, chậm rãi quay một vòng sẽ cảm giác như thể cả bốn mùa lần lượt trôi qua trước mắt. Từ cảnh tài tử giai nhân du xuân đến trẻ em nghịch nước dưới suối trong mùa hạ, cụ già trầm ngâm nhìn lá vàng rơi, lữ khách rong ruổi trong tuyết trắng, vô cùng sống động, thu hút.
Lúc này gian trước đang rất đông khách, mọi người nhìn ngắm những món đồ cổ được trưng bày trên các giá đỡ nhưng lúc một cô gái mặc y phục màu trắng như sương vén rèm đi ra từ phòng giám định đồ cổ, những đôi mắt đều hướng cả về nàng.
Quả thật cô gái áo trắng rất tuyệt, năm nay khoảng hai mươi mốt hăm hai tuổi. Nàng may mắn sở hữu nhiều nét đẹp trên mặt, mày lá liễu, đôi mắt hai mí to và rất sáng như cuốn hút người ta, thêm hai hàng lông mi cong đen, chiếc mũi dọc dừa thanh tú, khuôn miệng duyên dáng hình trái tim. Lại nữa thân hình nàng mảnh khảnh như liễu. Trên tóc cài cây trâm bạc, tai đeo đôi hoa tai cũng màu bạc sáng lấp lánh. Từ trên mình nàng toát ra ánh sáng như hai món đồ trang sức ấy, không khỏi khiến người ta nhìn ngắm.
Cô gái thấy mọi người nhìn nàng liền nhoẻn miệng cười không bỡ ngỡ, khoe những chiếc răng trắng đều. Từ bé, nàng đã biết mình xinh đẹp. Cho đến bây giờ, nhờ thêm lớp son phấn càng tăng thêm vẻ quyến rũ.
Một cô gái khác tuổi khoảng đôi chín tên Tiểu Khả đi phía sau bạch y nữ tử. Tiểu Khả là a hoàn của bạch y nữ tử, toàn thân khoác bộ y phục màu huyết dụ, mái tóc đen dài, tết thành một bím thả sau lưng. Chân mày Tiểu Khả thưa tản, đôi mắt mí lót, mũi ngắn, đôi môi mỏng, hai nửa môi bên trái và phải không đều. Làn da Tiểu Khả ngăm đen.
-Hà tiểu thư đã đến!
Một ông lão vận y phục màu cổ đồng nói với những người trong Tụ Bảo Trai, rồi bước lại gần cô gái áo trắng. Ông lão này là một trong những người làm của Châu đại nương, năm nay sáu mươi ba tuổi, tên gọi Việt Bân. Việt Bân có gương mặt dài, xương gò má và xương cằm gồ lên rõ rệt, đuôi mắt hình móc câu, nụ cười luôn thường trực trên môi.
Việt Bân đánh mắt về hướng một trung niên trong bộ đồ gấm đỏ sang trọng, hạ giọng nói với Hà tiểu thư:
– Ông ấy reo giá tới hai ngàn lượng bạc, số tiền lớn như vậy, lão không thể tự mình quyết định.
Cô gái họ Hà nhìn trung niên vận áo gấm đỏ, thấy đó là người đàn ông có xương mặt to và da mặt mỏng, hốc mắt lõm sâu, đang đứng bên chiếc bàn tròn làm bằng gỗ hoàng hoa lê, đặt ở giữa gian nhà, trên bàn chứa hai món đồ, gồm bức tranh lụa, và bình ngọc.
-Lúc nãy Tiểu Khả vào nhà kho bảo với cháu ông ta cần số bạc đó gấp lắm phải không Việt thúc? – Hà tiểu thư hỏi.
Việt Bân gật đầu:
-Ừ, lão đã nói Châu đại nương đi vắng, nói ông ấy sáng mốt trở lại Tụ Bảo Trai nhưng ông ấy không chịu, còn bảo nếu chúng ta không mua bình ngọc và tranh lụa nội trong nửa canh giờ là sẽ mang bán cho tiệm khác. Lão mời ông ấy mang hai món đồ đó vào phòng thẩm định đồ cổ uống trà chờ tiểu thư xem xét nhưng ông ấy khăng khăng nói chỉ đứng đây không đi đâu cả. Làm như là vào trong phòng giám định đồ cổ vắng vẻ rồi chúng ta sẽ ra tay cướp tranh lụa và bình ngọc của ông ta hay sao?
-Vậy để cháu ở ngay tại đây xem hai món đồ đó xem có phải là đồ cổ hay không.
Hà tiểu thư nói, nàng cùng Việt Bân đến gặp trung niên vận áo gấm đỏ.
– Hà tiểu thư – Việt Bân chỉ vào trung niên, nói – Đây là ông chủ Đạt. Ông chủ Đạt, cô ấy là đại đệ tử của Châu đại nương. Khi Châu đại nương đi vắng cô ấy là người giám định đồ cổ cho Tụ Bảo Trai.
Hà tiểu thư cúi đầu:
-Hà Tử Lăng kính chào ông chủ Đạt.
-Chào Hà tiểu thư, nghe danh đã lâu, hôm nay Đạt Khánh Bân mới có dịp gặp mặt, thật là một niềm vinh hạnh cho Đạt mỗ.
-Ông chủ Đạt đã quá lời – Hà Tử Lăng nói – Tiểu nữ chỉ vừa đảm nhiệm công việc giám định đồ cổ trong mấy tháng nay thôi.
Hà Tử Lăng nói xong Đạt Khánh Bân chỉ biết cười. Họ Đạt biết, gã vừa nói quá, nhưng cô gái đứng trước mặt gã quả tình rất đẹp. Từ khi nàng xuất hiện, đã kéo theo ánh mắt của tất cả mọi người, ai nấy đều dừng việc đang làm, ngẩn ra nhìn nàng.
Tiểu Khả hỏi Hà Tử Lăng:
-Có đúng là đồ cổ thật không vậy Hà tiểu thư?
Hà Tử Lăng chưa đáp, Việt Bân nói:
-Còn chưa xem qua, nào, bây giờ bắt đầu, mời Hà tiểu thư.
-Mời Hà tiểu thư.
Đạt Khánh Bân cũng nói, sau đó chỉ vào bình ngọc, tiếp:
– Chiếc bình có thủ công vô cùng tinh mỹ này là Ngự Tiền Đại Bảo bình.
Hà Tử Lăng cầm chiếc bình lên xem, gật đầu:
-Đây đúng là Ngự Tiền Đại Bảo bình của Đường Thiên Bảo.
Đạt Khánh Bân cười vui vẻ, lại chỉ vào tấm tranh lụa:
-Còn đây là bức Bá Di Tụng, tranh này, mới ban đầu là tác phẩm của Hạng Vũ, sau được Phạm Trọng Êm trùng tu và đề thơ.
Hà Tử Lăng đặt bình ngọc xuống bàn, cầm tấm tranh lụa lên.
Trong khi Hà Tử Lăng chăm chú xem tranh lụa, Đạt Khánh Bân và khách khứa trong tiệm chăm chú quan sát nàng, mọi người đều thấy thần tình và cử chỉ của cô gái này vô cùng khả ái, bất cứ hành động nhấc tay nhấc chân nào cũng vô cùng duyên dáng.
Hà Tử Lăng xem tranh lụa thật lâu, mọi người cũng nhìn nàng thật lâu, đến khi Tiểu Khả đưa tay vẫy vẫy trước mặt Hà Tử Lăng, Hà Tử Lăng mới bừng tỉnh.
– Cây trục bức lụa này là đồ vật của triều Tống.
Hà Tử Lăng nhìn mọi người trong Tụ Bảo Trai, chậm rãi nói, sau đó, nàng xoay bức tranh lại, chỉ cho mọi người thấy những chữ viết trên bức tranh, nói thêm:
– Những chữ này rất giống nét chữ của Phạm Trọng Êm, nếu đem so với bức Xuân Lâu Ký thì nét chữ y nhau…
Hà Tử Lăng nói tới đây, Đạt Khánh Bân ngắt lời nàng:
– Do chính tay Phạm Trọng Êm viết thì đương nhiên phải giống nét chữ của ông ấy! Mọi người, nhìn phía dưới có đóng quan ấn, ở đây này!
Khách nhân gật gù. Hà Tử Lăng nói:
-Nhưng tiểu nữ lại nghĩ bức Bá Vi Tụng này không phải là đồ thật.
Lời Hà Tử Lăng nhẹ nhàng, nhưng Đạt Khánh Bân nghe như tiếng sấm nổ bên tai ông ta.
– Không phải mới vừa nãy tiểu thư bảo giống nét chữ của Phạm Trọng Êm ư?
Đạt Khánh Bân hỏi. Hà Tử Lăng đáp:
-Người này viết giống như đúc, nhưng lại thiếu hai nét.
Hà Tử Lăng nói rồi thấy Đạt Khánh Bân vẫn không tin, chỉ vào hai chữ “Ân” trên tấm tranh.
Một người khách nói:
-Đúng là hai chữ Ân đó viết thiếu nét.
Hà Tử Lăng gật đầu:
-Phạm Trọng Êm là một nhà thơ đa tài, ông ta không thể viết sai, dầu có viết sai cũng không sai tới hai chỗ và cùng một chữ trên tranh.
Đạt Khánh Bân vẫn còn chưa chịu tin, gã thấy lòng đầy tự ái, hai má nóng lên. Gã nghĩ mình có gần chục năm kinh nghiệm chơi đồ cổ, không lẽ đã bị lừa mua tấm tranh này?
-Có thể nào do thời gian làm mực phai màu chăng? – Đạt Khánh Bân hỏi.
Hà Tử Lăng lắc đầu:
-Không thể như vậy, ông chủ Đạt và các vị có thể so với những chữ bên cạnh, vẫn còn nhìn rõ, không lý gì chỉ phai hai nét trong hai chữ Ân.
Hà Tử Lăng thấy Đạt Khánh Bân định mở miệng phản bác, nói thêm:
-Xin hỏi ông chủ Đạt, danh hiệu phụ thân của Tống Thái Tổ là gì?
Đạt Khánh Bân không nhớ, nhíu mày suy nghĩ. Một người khách nói:
-Hình như gọi là… Hoằng Ân thì phải?
Hà Tử Lăng gật đầu:
-Cho nên hai chữ Ân cần phải viết thiếu hai nét.
Nàng dứt lời, trong Tụ Bảo Trai lập tức vang lên tiếng trầm trồ. Một người ôm quyền nhìn Hà Tử Lăng, nói:
– Hà tiểu thư quả nhiên có cặp mắt tinh tường, quan sát thật tỉ mỉ, tiểu thư đúng là đã được chân truyền từ Châu đại nương!