Nhặt Ánh Bình Minh

Chương 15: Góp nhặt lần thứ mười bốn: Tiệm trang sức



Ngày tiếp theo Dư Niên phải trở về.

Lý Kinh Trọc nói muốn lên trấn mua vài thứ nên nhân tiện tiễn Dư Niên đi một đoạn. Liễu Tức Phong còn chưa ngủ dậy, chỉ dán một tờ giấy ngoài cửa phòng ngủ viết qua loa: Vọng quân yên thủy khoát, huy thủ lệ triêm cân*.

*Tiễn anh khói nước xa mờ, Vẫy tay khăn đẫm lệ chờ chực rơi

(Trích từ bài thơ “Tiễn biệt Vương Thập Nhất về nam” của Lưu Trường Khanh – thi sĩ thời Thịnh Đường – bản dịch của Huyền Lâm trên thivien.net)

“Khăn đẫm lệ? Tôi thấy vui như Tết mới đúng.” Dư Niên giật tờ giấy kia xuống vò thành một cục muốn vứt đi, cuối cùng vẫn không vứt mà nhét vào túi áo.

Lý Kinh Trọc nói: “Liễu Tức Phong thích thơ cổ.”

Dư Niên bổ sung: “Thích cả thơ nước ngoài nữa. Cái gì mà cậu ta chả thích, nhưng thật ra lại không thích gì cả.”

Lý Kinh Trọc bật ra một câu chua đến rụng răng: “Vừa đa tình lại vô tình.”

Dư Niên nói: “Câu này tính là đánh giá cao rồi.”

Lý Kinh Trọc: “Tôi vừa nhớ ra, có lẽ có một chuyện mà anh ấy thực sự thích: nghe kể chuyện.”

Dư Niên lắc đầu: “Nếu cậu ta sinh ở xã hội cũ thì chính là loại công tử ca vô công rỗi nghề mỗi ngày đi nghe thuyết thư chơi chim đá dế. Không phải quý tộc nhưng toàn tật xấu quý tộc.” Nói rồi anh ta lại liếc Lý Kinh Trọc một cái, “Sao rồi, cũng kể chuyện cho cậu ta rồi chứ gì?”

Lý Kinh Trọc đáp: “Ừm, có kể một ít, không nói hết toàn bộ.”

Dư Niên dặn: “Cậu ít kể chuyện cho cậu ta nghe đi, kể nhiều quá là gặp rắc rối đấy.”

Lý Kinh Trọc hỏi: “Có thể xảy ra chuyện gì?”

Dư Niên mỉm cười: “Cậu nói xem? Một người chuyên viết tiểu thuyết, nói trắng ra là kinh doanh truyện kể kiếm sống. Lúc có cảm hứng thì không nói, nhưng trần đời có ai mỗi ngày đều sinh ra cảm hứng? Lúc không còn hứng nữa, cậu nói xem cậu ta có thể làm ra chuyện gì?”

Lý Kinh Trọc: “Biến chuyện của người khác thành chuyện của chính mình?”

Dư Niên không trả lời, theo thói quen sờ sờ vào túi lấy một hộp đựng thuốc lá mỏng bằng kim loại, mở ra, bên trong trống không. Anh ta hỏi: “Ở đây có chỗ nào bán thuốc không?”

Lúc này hai người đã đi được một đoạn đường, vừa vặn là nơi trước không có thôn sau không có tiệm, Lý Kinh Trọc nói: “Hoặc là quay về đường cũ, gần nhà tôi có tiệm tạp hóa nhưng chỉ bán vài loại thuốc bản địa; hoặc là tiếp tục lên trấn, hơi xa một chút, nhưng có nhiều loại để chọn hơn.”

Dư Niên quyết định: “Đi thị trấn đi.”

Đúng lúc này có một chiếc xe máy kéo đi sau bọn họ vượt lên trước, Dư Niên vẫy vẫy tay kêu: “Bác gì ơi —— cho chúng tôi quá giang một đoạn với ——”

Lý Kinh Trọc hơi ngại gây phiền cho người khác, Dư Niên lại nói: “Da mặt mỏng như vậy, chắc là bị Liễu Tức Phong bắt nạt suốt đúng không?”

Lý Kinh Trọc chỉ cười không đáp.

Hai người bò lên xe máy kéo, ngồi tạm trên cái bao da rắn lớn đựng thức ăn chăn nuôi.

Bác nông dân châm thuốc, hỏi: “Đi đâu đới?”

Lý Kinh Trọc dùng tiếng địa phương trả lời: “Trấn Thái Bình. Cảm ơn bác ạ.”

Bác nông dân gật đầu, cong môi bật cười nhìn Dư Niên, dùng tiếng phổ thông nói lại: “Chúng ta lên Trấn Thái Bình.”

Dư Niên học theo khẩu âm tiếng địa phương, nói với bác nông dân nọ: “Cho em xin điếu thuốc.”

Bác nông dân móc trong túi quần ra một hộp Phù Dung Vương giấy cứng màu lam, hào phóng mở ra cho Dư Niên tự lấy.

*Thuốc lá Phù Dung Vương 芙蓉王

Dư Niên rút ra một điếu, tỉ mỉ nhìn kỹ một phen rồi mới để sát vào đầu thuốc của bác kia mồi lửa, hút một hơi, cảm thán đầy hưởng thụ: “Thuốc thơm lắm. Cảm ơn bác nhớ.”

Ánh mắt bác nông dân đầy đắc ý, ngoài miệng vẫn khiêm tốn: “Thường thôi thường thôi, hôm nay quên không mang đồ mềm.”

Suốt dọc đường Dư Niên dùng tiếng địa phương sứt sẹo kẹp tiếng phổ thông tán gẫu với bác nông dân lái máy kéo, Lý Kinh Trọc ngồi một bên nghe. Máy kéo chạy ầm ầm một đường đến thẳng Trấn Thái Bình, Lý Kinh Trọc và Dư Niên lần lượt xuống xe.

Dư Niên bước vào cửa hàng bán thuốc lá, nhìn khắp kệ hàng rồi quay ra, đi hết mấy tiệm mới mua được loại thuốc lá ngoại đắt tiền trong một cửa hàng chuyên bán rượu thuốc lá ngoại nhập mới mở. Anh ta tháo bao thuốc, rút từng cây ra xếp vào hộp thuốc kim loại. Lý Kinh Trọc nhìn thân thuốc, nhận ra chính là loại hôm qua Dư Niên hút, liền nói: “Cái này còn đắt hơn cả Phù Dung Vương.”

Dư Niên nghe xong, rít một hơi thuốc rồi nheo mắt lại: “Cậu có thấy loại thuốc ông bác vừa nãy hút không?”

Lý Kinh Trọc hỏi: “Không phải Phù Dung Vương à?”

Dư Niên nói: “Không phải. Trong túi áo sơ mi ông ấy có một hộp Bạch Sa, bản thân ông ta cũng hút Bạch Sa, hộp Phù Dung Vương thì cất trong túi quần. Cạnh hộp Phù Dung Vương bị mòn kha khá, thuốc bên trong vẫn còn hơn nửa, nhìn là biết được dùng rất dè sẻn. Ông ấy cố tình mời tôi hút loại tốt hơn.”

Lý Kinh Trọc hiểu được: “Bác ấy sĩ diện.” Nói rồi lại nhìn Dư Niên, hành vi của anh ta khiến anh nhớ đến Liễu Tức Phong, đôi khi hắn cũng có một mặt như vậy, quan sát mọi vật rất tinh tế, rất tự nhiên khiến cho người xa lạ phải vô thức cung phụng mình như khách quý. Lúc Dư Niên ngồi trên máy kéo nói chuyện với ông bác nông dân rất giống Liễu Tức Phong, cái gì cũng hiểu biết, cái gì cũng nói được.

Dư Niên phát giác ra ánh mắt của Lý Kinh Trọc: “Sao, chưa thấy đàn ông trung niên bao giờ à?”

Lý Kinh Trọc cảm thán: “Tôi cảm thấy Liễu Tức Phong rất giống biên tập Dư.”

Dư Niên: “Đừng hạ thấp tôi như vậy.”

Lý Kinh Trọc mỉm cười: “Biên tập Dư lên xe ở chỗ nào? Để tôi tiễn anh.”

Dư Niên nói: “Không cần. Thường ngày đều là cậu ra ngoài mua đồ, Liễu Tức Phong ở nhà ăn rồi nằm ườn như đại gia hả? Da mặt cậu có thể dày thêm chút nữa, thật đấy. Liễu Tức Phong không biết xấu hổ đâu. Người như cậu ta mặt nói đỏ là đỏ, nói trắng là trắng cứ như tắc kè hoa, cậu đừng quá tin.”

Lý Kinh Trọc biện giải cho Liễu Tức Phong: “Cũng không hẳn. Đợt trước tôi và anh ấy cùng lên trấn đụng phải một người, hình như là có thù với Liễu Tức Phong. Sau đó tôi sợ gặp phải chuyện nguy hiểm nên tự lên trấn một mình.”

Dư Niên nghe xong sắc mặt vẫn bình thường, thuận miệng hỏi: “Là ai?”

Lý Kinh Trọc đáp: “Tên là Tào Sâm Nham.”

Dư Niên cúi đầu rít thuốc: “Nghiệp chướng.”

Lý Kinh Trọc không nghe rõ: “Cái gì?”

Dư Niên nói: “Đường do mình tự chọn, hôm nay không đi ngày mai cũng phải đi. Tránh không thoát.”

Lý Kinh Trọc nghe xong liền hỏi: “Biên tập Dư cũng biết Tào Sâm Nham? Rốt cuộc gã có thù gì với Liễu Tức Phong? Anh ấy cũng mang thái độ thế này, nói là trước sau gì cũng phải gặp Tào Sâm Nham, tránh không khỏi.”

Dư Niên không trả lời, hút hết điếu thuốc mới nói: “Nếu có lỡ gặp lại, chỉ cần Tào Sâm Nham không đánh chết Liễu Tức Phong, cậu cứ để kệ cho gã đánh, đứng một bên nhìn không cần phải xen vào. Liễu Tức Phong thiếu nợ gã.”

Lý Kinh Trọc nhíu mày: “Như vậy sao được?”

Dư Niên lại cười: “Nếu thấy không vừa mắt quá thì cậu cứ chịu đánh cùng đi. Người trẻ tuổi sức dài vai rộng, gãy mấy cái xương liền lại cũng nhanh. Đánh xong sớm thì hết nợ sớm, đừng chờ đến khi Liễu Tức Phong bảy tám chục tuổi còn bị đánh, khi đó lại không chịu nổi mấy quyền đâu.”

Lý Kinh Trọc nói: “Biên tập Dư, tôi tưởng anh là người văn minh.”

“Đương nhiên tôi là người văn minh. Tôi sẽ không ra tay với người khác.” Vẻ mặt Dư Niên kinh ngạc cứ như hoàn toàn không hiểu vì sao Lý Kinh Trọc lại nói như vậy, nhưng kiểu kinh ngạc này rõ ràng là giả vờ, “Người không văn minh là Liễu Tức Phong.” Dứt lời, anh ta đứng dậy khỏi vỉa hè bê tông, vỗ vỗ bụi đất trên quần, “Thôi tôi đi đây. À còn chuyện này nữa, nếu Liễu Tức Phong ném thư của tôi vào thùng rác, cậu giúp tôi nhặt rồi trải lại lên bàn cậu ta nhé.”

Lý Kinh Trọc nghĩ thầm, năm nào tháng nào rồi mà còn có người gửi thư tay, bèn tò mò hỏi: “Vẫn gửi được đến nơi à? Tôi chưa gặp bưu tá đi đưa thư bao giờ.”

Dư Niên trả lời: “Bưu tá ở đây một hai tuần mới tới một lần. Cậu không biết sao, Liễu Tức Phong không dùng điện thoại, mấy năm nay đến máy vi tính cũng không dùng, giữ liên lạc với bạn bè chỉ qua thư từ, sống lạc hậu như người tiền sử trên núi ấy. Cậu ta còn thích sưu tập tem, cất được một chồng sách tem lớn rồi. Tôi đi gửi thư, nếu tem thư mà đẹp cậu ta liền lột xuống dán vào sổ sưu tập, tem xấu trực tiếp vứt luôn.”

Lý Kinh Trọc dường như vừa bắt được một thông tin độc nhất vô nhị, không khỏi vui vẻ: “Ngoại trừ sưu tập tem, anh ấy còn thích gì nữa?”

Dư Niên hỏi: “Cậu định thờ cậu ta như thờ Phật đấy à?”

Lý Kinh Trọc thử mặt dày một lần: “Xem như thần tiên đi.”

Dư Niên gạt phắt “Thôi khỏi.”

Lý Kinh Trọc lại hỏi: “Anh ấy còn thích cái gì? Sở thích giống như sưu tầm tem ấy.”

Dư Niên đáp: “Sách cổ độc bản, đĩa nhạc cũ… nói chung là đồ cổ đông tây, hoặc là dây buộc tóc xinh đẹp, trâm cài… Cậu cứ tưởng tượng cậu ta là con công lòe loẹt thích khoe mẽ đi, hễ đẹp là thích.”

Lý Kinh Trọc ghi nhớ trong lòng: “Còn có gì khác không?”

Dư Niên: “Tôi phải đi rồi, nếu không lại lỡ tàu lửa.”

Lý Kinh Trọc gật đầu.

“Cái mũ tre này là của chủ nhà Liễu Tức Phong, cậu giúp tôi trả về đi. Ra cửa quên lấy xuống.” Dư Niên vừa nói vừa gỡ mũ rộng vành trên đầu.

Lý Kinh Trọc không ngờ, dưới chiếc mũ là một đầu tóc ngắn vừa đen vừa rậm.

Dư Niên nói: “Lời cuối, đừng tùy tiện tin tưởng những gì Liễu Tức Phong nói. Thôi, tôi đi đây.”

Lý Kinh Trọc cười đáp: “Được.” Nhưng anh sẽ không thật sự không tin lời Liễu Tức Phong, dù sao đùa giỡn và nói dối vẫn là hai việc khác nhau.

Dư Niên có vẻ hiểu rõ: “Cậu nghe không lọt rồi.”

Lý Kinh Trọc vẫn cười.

Dư Niên lại nói: “Thật ra nếu muốn cậu ta thích cậu… Thôi vậy.”

Lý Kinh Trọc hỏi: “Vì sao anh không nói cho hết câu?”

Dư Niên lắc đầu: “Vẫn là thôi đi.”

Lý Kinh Trọc nói: “Nói chuyện đừng nói nửa câu.”

Dư Niên: “Tôi gọi xe.”

Cuối cùng Lý Kinh Trọc vẫn không nghe được nửa câu bị thiếu kia.

Dư Niên mỉm cười, xoay người phất tay.

Lý Kinh Trọc đứng yên tại chỗ một lát rồi đi mua đồ.

Anh đi dọc đường, thấy một hội quán quyền Thái* đề tấm biển “Quyền Thái Văn Võ”, liền đi vào đăng ký học. Lý do là vì anh chợt nhớ năm ngoái phòng mình có một vị đàn anh học tiến sĩ mới tới, người này luyện quyền Thái quanh năm nên cơ bắp cường tráng, chỉ cần cởi áo blouse trắng ra là trông lực lưỡng uy mãnh hơn cả nhân viên bảo vệ. Người nhà bệnh nhân đến bệnh viện náo loạn rất có mắt nhìn, quậy kiểu gì cũng không dám quậy đến chỗ vị đàn anh tiến sĩ kia.

*Quyền Thái là môn võ thuật xuất xứ từ Thái Lan với tên gọi Muay Thái. Đây là môn võ được đánh giá có tính thực chiến cao và rất nguy hiểm, sử dụng tay, chân, cùi chỏ kết hợp với kỹ thuật di chuyển để tấn công đối thủ.

Tuy Lý Kinh Trọc tự nhận mình là người văn minh, nhưng bây giờ vẫn phải làm vài bước chuẩn bị cho cuộc sống có lẽ không quá văn minh của Liễu Tức Phong.

Đăng ký xong, anh lại dạo một vòng trên trấn, muốn tìm xem có cửa hàng bán tem cũ nào không. Cửa hàng tem thì không thấy nhưng lại phát hiện ra một cửa tiệm bán trang sức kiểu cũ mặt tiền rất hẹp. Bởi vì mặt tiền quá hẹp nên vừa rồi Lý Kinh Trọc đi đường suýt nữa đã bỏ sót. Bên cạnh cửa tiệm cũng chỉ dựng một tấm biển gỗ không mấy nổi bật khắc ba chữ: Thoa Đầu Phượng. Trên khung cửa treo một tấm rèm châu đủ màu rũ xuống, mỗi lần đung đưa lại chiếu ra một mảnh sáng chói.

Lý Kinh Trọc đẩy rèm châu, thấy một bà lão đang ngồi cạnh bàn sửa một chiếc vòng tay.

“Cứ tự nhiên xem hàng.” Bà lão vẫn không ngẩng đầu lên.

Lý Kinh Trọc đi đến bên tủ bày hàng nhìn từng món trang sức, tưởng tượng hình ảnh chúng nó khi ở trên người Liễu Tức Phong. Vòng tay… không hợp, cổ tay hắn không đeo thứ gì, hơn nữa viết lách cũng không tiện. Chuỗi đeo cổ… cũng không hợp, giống mấy Lão Phật Gia phim cung đấu quá. Vòng kiềng… bộ tính làm Nhuận Thổ bắt con tra sao?

*Nhuận Thổ 闰土là một nhân vật trong tác phẩm Cố Hương của Lỗ Tấn, nhân vật này thời nhỏ được miêu tả là đầu đội mũ lông và đeo chiếc vòng bạc lấp lánh ở cổ, tay lăm lăm đinh ba muốn đâm một con tra.

Lý Kinh Trọc bỗng nhiên bật cười thành tiếng, bà lão ngẩng đầu cười tủm tỉm hỏi: “Thích món nào rồi à?”

Lý Kinh Trọc lắc đầu, bà lão lại nói: “Thế cậu cứ xem đi.”

Tủ tiếp theo bày trang sức cài tóc. Lý Kinh Trọc nhìn trúng một cây trâm hình hoa sen, viền cánh hoa màu vàng kim, chính giữa gắn đá màu đỏ, đang muốn hỏi thử giá cả, quay đầu lại đúng lúc thấy đầu tủ bên kia bày một con chuồn chuồn hai màu lam vàng xen kẽ. Anh đi qua cẩn thận nhìn kỹ chuồn chuồn, không biết cái này dùng để làm thứ gì, bởi vì nó không được nạm lên cây trâm, cũng không xâu vào vòng cổ.

“Bà chủ, cho hỏi ——”

Lý Kinh Trọc còn chưa hỏi xong, bà lão đã nói ngay: “Mỗi lần có người nhìn thấy con chuồn chuồn này đều hỏi giá bao nhiêu. Cái này không bán, là đồ một vị khách đặt làm, đá quý cũng do cậu ta mang tới, cho nên không có cái thứ hai.”

Đột nhiên có tiếng rèm châu kêu lạo xạo, bà chủ tiệm nhìn ra cửa, nói: “Ồ, là cậu khách kia đặt kìa.”

Lý Kinh Trọc quay đầu, dưới ánh rèm châu là bóng dáng ông chủ Tiểu Vân.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.