Ra khỏi phòng tắm, Phó Tam Sinh nghĩ: Chỉ trong lát nữa, e rằng Quan Cạnh sẽ nép vào anh, ghé bên tai anh thầm thì chuyện trên trời dưới đất; hoặc cậu sẽ luồn tay dưới chăn nắm tay anh, thậm chí có thể giống như lần trước, thừa dịp anh ngủ mà vòng tay ôm eo hôn trộm lên gáy. Nhưng điều không ngờ nhất chính là, khi vừa lên giường, Quan Cạnh đã ngang nhiên xốc chăn chui tọt vào trong. Cậu bám dính hệt như bạch tuộc, tay chân thiếu điều quấn thành vài vòng trên người anh. Và phải dành cho cậu một tràng pháo tay khi mà Quan Cạnh hoàn thành toàn bộ quá trình này chưa đến ba giây. Nếu tứ chi không phải bị cậu kiềm chặt, Phó Tam Sinh nhất định sẽ bật ngón cái khen cậu một phen.
Chỉ là tư thế này thực sự không mấy thoải mái. Phó Tam Sinh cười, bất đắc dĩ: “Quan Cạnh, em…”
Anh vốn muốn nói “Em có thể nới lỏng một chút được không? Anh cũng đâu phải không cho em ôm?” nhưng nửa câu còn chưa trọn, Quan Cạnh đã thình lình cúi đầu thơm một cái rõ kêu bên má phải.
Đúng thật là “rõ kêu”.
“… Hôn thì hôn,” Phó Tam Sinh nói, sau một đỗi im lìm. “Nhưng em có thể lau nước bọt sau khi hôn anh, được không hả?”
“Hahaha…” Quan Cạnh bật cười, xoa nhẹ hai bên má Phó Tam Sinh. Cậu ngượng, “Xin lỗi anh Tam. Em nhịn không nổi.”
“Nhịn không nổi cũng phải nhịn.” Phó Tam Sinh nghiêng đầu, nhìn khuôn mặt chìm trong tối của Quan Cạnh. “Đầu năm đầu tháng mà đánh em, có vẻ không ổn lắm nhỉ.”
Quan Cạnh lại cười, rồi chợt sực nhớ: “Hơn mười hai giờ rồi hả anh?”
“Ừ.” Phó Tam Sinh đáp.
“Năm mới vui vẻ, anh Tam.” Quan Cạnh (lại) dụi đầu vào cổ Phó Tam Sinh, “trưng dụng” hơn phân nửa gối đầu của anh. “Chúc anh Tam sức khoẻ dồi dào, vạn sự như ý, tiền tiêu không hết… À, còn ngày ngày vui vẻ nữa.”
Phó Tam Sinh cười mỉm, xoa mái tóc mềm sau gáy của Quan Cạnh. Anh nói, dịu dàng: “Cảm ơn em, Quan Cạnh. Chúc em năm mới vui vẻ.”
“Năm mới vui vẻ?” Quan Cạnh không bằng lòng, lời chúc gì mà giản đơn quá. “Anh Tam, anh làm chiếu lệ vừa vừa thôi, ít nhất cũng phải thêm thắt hai câu nữa chứ.”
“Rồi, thêm hai câu cho em.” Phó Tam Sinh bảo.
Anh bỗng dưng hít sâu, nói chầm chậm chầm chậm:
“Chúc bé Quan… đạt được những gì mình muốn, điều ước trở thành sự thật.”
Phó Tam Sinh chia tay cả nhà sau bữa sáng ngày đầu tiên của năm mới. Quan Cạnh tuy không nỡ nhưng, dẫu sao cũng cần theo gia đình chúc Tết, còn phải chiêu đãi người thân bạn bè đến thăm nhà, nên chỉ có thể trưng gương mặt buồn rượi chào tạm biệt anh.
Phó Tam Sinh trở về khách sạn tắm rửa thay quần áo, đến khi ra khỏi phòng tắm chuẩn bị sấy tóc thì điện thoại bỗng nhiên đổ chuông.
Anh nhìn lướt qua ID người gọi, đoạn cười: “Chúc mừng năm mới, dì Phương. Chúc dì một năm mới bình an.”
“Xem ra tâm trạng con rất tốt nhỉ?” Hứa Phương cũng cười. “Thế nào, ra ngoài du lịch vui không?”
“Khá vui ạ.” Phó Tam Sinh nói. “Chỉ là thời tiết nơi đây lạnh hơn con nghĩ.”
“Lạnh? Con không xuôi Nam à?” Hứa Phương ngạc nhiên. “Dì nghe Minh Kiệt bảo con đi Hải Nam?”
“Con vốn định đi Hải Nam nhưng…” Phó Tam Sinh khựng lại. “Con có một người bạn quê ở đây, nên sẵn tiện tới đây tham quan.”
Hứa Phương nhạy cảm, nghe ra được ẩn ý trong đó. Bà ngập ngừng: “Người bạn này của con… có phải cũng là người đến bệnh viện thăm con khi bố đang phẫu thuật không?”
“Làm thế nào mà dì có thể gắn hai việc không liên quan lại với nhau thế?” Phó Tam Sinh dở khóc dở cười; nhưng rồi anh thở dài, giọng cũng nghiêm túc hơn. “Vâng, cùng một người ạ.”
Những tưởng Hứa Phương sẽ tiếp tục gặng hỏi, ngờ đâu bà đột nhiên bỏ qua đề tài này, thay vào đó hỏi anh mồng mấy trở lại Du Thành.
Nhưng chỉ vài phút sau khi cúp điện thoại, Phó Minh Kiệt đã gửi một WeChat cho Phó Tam Sinh.
[Minh Kiệt]: Anh nè, mẹ nói anh có bạn trai rồi. Thật hả?
Phó Tam Sinh nhìn chằm chằm vào màn hình một lúc, cuối cùng chỉ trả lời đơn giản hai chữ “Đoán xem?”.
Đình Vụ là dãy núi có độ cao trung bình khoảng hai nghìn mét, tương truyền rằng có vị tiên nhân lưu luyến cảnh đẹp dân gian mà thường dừng chân tại đây. Chính vì lẽ đó, đỉnh núi quanh năm được bao phủ trong mây mù sương khói, cái tên “Đình Vụ[1]” cũng cứ thế ra đời.
[1] Đình Vụ (停雾) với “Đình” (停) ý chỉ dừng lại (nửa chừng dừng lại), và “Vụ” (雾) ý chỉ sương mù.
Và đây, chính là điểm đến cuối cùng trong chuyến dã ngoại của hai người.
Không vào núi ngắm mây, ngắm sương hay thưởng tuyết, họ vào đây để nhìn bầu trời đầy sao vào khi đêm xuống.
“Điểm dừng chân tuyệt nhất ở Đình Vụ là ngay bên hông quốc lộ dẫn thẳng lên đỉnh núi.” Quan Cạnh nói. “Mình không cần leo, có thể lái xe lên luôn.”
“Em có chắc là khu thắng cảnh không đóng cửa chứ?” Phó Tam Sinh vừa nghe điều hướng, vừa xác nhận lại với Quan Cạnh. “Theo anh biết, họ thường mở cửa lại từ mồng Bốn.”
“Hẳn chỉ đóng một phần thôi. Ngọn núi chúng ta đi nổi tiếng nhất với cảnh thác nước đóng băng, nên vẫn mở cửa bình thường cho khách tham quan.”
Phó Tam Sinh gật đầu, tập trung lái xe.
Lên đến đỉnh núi đã là hai giờ mười lăm phút. Vào mùa trái vụ, hầu hết các nhà nghỉ trên núi đều đóng cửa, chỉ còn hai homestay đang hoạt động. Quan Cạnh đặt một phòng đôi, điều kiện xem ra cũng tương đối; hai người bèn thu dọn đồ đạc, nghỉ ngơi chốc lát rồi ra ngoài.
“Em nói muốn ngắm sao mà?” Phó Tam Sinh hỏi. “Bây giờ định đi đâu?”
“Đi ước nguyện.” Quan Cạnh nhìn anh, mắt hấp háy cười. “Gần đây có một Khu Rừng Ước Nguyện.”
Nói là rừng, nhưng kỳ thực tổng cộng chỉ có hơn chục cây, nằm rải rác trên các triền dốc thoai thoải. Cách đó không xa, hai người nhìn thấy trên những tán lá treo từng dải tơ hồng nối liền với biển gỗ nhỏ, không biết phải mất bao lâu mới sum sê như hiện tại.
“Anh không có gì để ước cả.” Phó Tam Sinh ngẩng đầu nhìn tấm gỗ gần mình nhất, trên đó ghi rằng “Hy vọng năm sau có người cưới tui”. Anh cười, “Em muốn anh cầu nguyện trước những cái cây này à?”
“Em chuẩn bị hết rồi.” Hệt như trình diễn ảo thuật, Quan Cạnh lấy hai sợi tơ hồng và tấm gỗ nhỏ từ áo khoác ra. “Đi đi mà, anh Tam. Cho anh chọn trước đó.”
“… Anh thực sự phục em sát đất luôn đấy, Quan Cạnh.” Phó Tam Sinh bảo. “Sao em có thể chuẩn bị cả những thứ này.”
“Tơ hồng là mẹ cho, còn hai tấm gỗ…” Quan Cạnh cười tủm tỉm. “Hai năm trước, bố em thích nghe Tướng thanh[2]. Ông còn đến chợ Hoa Chim mua cặp khoái bản[3], giá mười lăm tệ, bị mẹ em mắng cả năm trời.”
[2] Tướng thanh (相声) là một kiểu tấu hài của Trung Quốc, và là hình thức nghệ thuật được mọi người yêu thích; một nghệ thuật đấu khẩu, cãi nhau nhưng rất lý lẽ và khôi hài (Trích trong chương 3 – Nguồn gốc tấu hài, của Nhất Như và Phạm Cao Hoàn).
[3] Khoái bản/ bài vè (快板), loại khúc nghệ vừa đọc vừa gõ phách (dụng cụ là hai miếng gỗ đánh vào nhau cho phát ra tiếng).
“Nhưng giờ ông ít nghe rồi.” Quan Cạnh nói. “Cũ người mới ta. Em lấy hai cặp khoái bản kia, cũng không sao đâu… nhỉ?”
“Ừ, không sao, không phải vấn đề gì lớn.” Phó Tam Sinh gõ gõ hai miếng gỗ. “Cùng lắm em chỉ ăn vài cú đấm Vịnh Xuân thôi.”
“Chết mất ạ.” Quan Cạnh nghe mà thấy đau đáu. “Bố em có luyện quyền thật đấy, tuy không phải Vịnh Xuân nhưng cũng luyện bài bản đâu đó hơn mười năm. Nếu là thời trai trẻ, một mình bố cũng có thể chấp hết hai người em và anh.”
“Không cần kể phần anh đâu, anh chỉ là đồng phạm.” Phó Tam Sinh nói. “Anh chẳng biết tí gì về kế hoạch này cả.”
Quan Cạnh mím môi ấm ức nhìn anh, thậm chí cậu còn hừ giọng.
E rằng ghẹo nữa thì bé Quan làm ầm lên mất. Phó Tam Sinh vội chuyển chủ đề, “Bút đâu? Em cũng mang theo rồi, phải không?”
“Chuyện đương nhiên.” Quan Cạnh lấy bút marker, dao gọt bút chì và mấy viên kẹo trái cây vị cam từ túi khác. “Em có mọi thứ anh cần.”
Phó Tam Sinh giờ đã chẳng buồn thắc mắc tại sao trong túi Quan Cạnh lại có dao gọt chì và kẹo. Anh vặn nắp, bắt đầu viết lên bảng gỗ: “Em muốn ước gì?”
“Ước cái anh đã chúc em đó. Em cảm thấy hay lắm.” Nói đoạn, Quan Cạnh nắn nót viết từng nét. “Đạt được những gì mình muốn, điều ước trở thành sự thật.”
Phó Tam Sinh sửng sốt; và khi định thần lại, anh nghe thấy Quan Cạnh hỏi mình: “Còn anh? Anh Tam, anh muốn ước gì?”
Phó Tam Sinh nhìn sợi dây màu đỏ trong tay, phải mất một lúc lâu anh mới trả lời: “… Dũng cảm.”
Và như để khẳng định suy nghĩ của mình, Phó Tam Sinh thấp giọng mà lặp lại: “Ừ, hãy dũng cảm.”