Kiến Lộc

Chương 39



Hôm ấy, mặt ta đã nóng bừng cả lên, nhưng nỡm lưu manh nhà ngài vẫn tiếp tục trêu ta. Đúng là tồi tệ mà! Ta không cho ngài gọi mình là bảo bối, thế là ngài thúc ngựa chạy vút đi thật nhanh, ta buộc phải ôm ngài, càng ôm chặt chặt bao nhiêu ngài càng hí hửng bấy nhiêu, còn bảo rằng khi ấy ta rất đáng yêu.

Yêu cái con của khỉ!

Hôm nay, Vãn Thược đã về. Ta phải ra sức đẩy đến đuổi Cảnh Yến thì mới lôi được ngài đến phòng nàng ta.

Khoan hãy xét đến cảm nhận của ta, bởi lẽ điều ta không muốn xảy ra nhất, đó là ngài bị liên lụy vì mấy chuyện ghen ghét nữ nhi thường tình.

Đêm còn chưa qua đã thấy phòng bên vọng sang tiếng cãi nhau, hình như Vãn Thược còn khóc. Ta cứ tưởng tại Cảnh Yến không biết lựa, mạnh bạo quá, nhưng thoáng cái thấy ngài đã chạy sang. Mặt ngài đỏ lựng nhưng lại tái dại cả đi, hình như ngài ngượng lắm.

Vãn Thược chạy theo ra đến cửa ấm ức khóc, rồi đóng sầm cửa lại, sau đó không nghe thấy gì nữa.

“Sao vậy, vương gia? Nàng ta cắn ngài sao?”

Nhìn ngài mà ta lại buồn cười. Ta rót cho ngài miếng nước, ngồi bên cạnh, vỗ lưng ngài.

“Nguyên Nguyên, nàng ta, nàng ta… Ôi trời, phải nói thế nào…” Ngài vừa nói vừa khua tay khua chân, khua như thể muốn cho da gà gai ốc tróc hết đi vậy, vừa nói vừa run run: “Nàng ta mặc cái ngữ gì, mặc như không mặc! Nghênh Xuân lầu còn chẳng bao giờ có kiểu đó!”

Ta nghe ngài miêu tả, không nhịn được, vỗ tay một cái, rồi bật cười: “Ôi vương gia, người ta nhọc tâm vì ngài cả đấy! Không ngờ rằng nàng ta ở với thái hậu mấy hôm lại học được cả bí thuật cơ đấy!”

Lúc này, thái hậu hẳn đã sốt ruột lắm rồi, cái cách “làm như không làm” này mà bà cũng bắt nàng ta thử.

Ngớt cười, ta cố điều chỉnh lại vẻ mặt, bới vết trong lời vương gia: “Vương gia, Nghênh Xuân lầu có những kiểu gì thế?”

Rất hiếm khi ta hỏi mà Cảnh Yến cứng miệng không trả lời nổi, giống như bây giờ, mặt mày xây xẩm.

Ta thấy ngài á khẩu, phải nhân cơ hội báo thù, bèn cười rõ tươi, ghẹo ngài: “Vương gia, ngài còn chịu được không? Khéo mai thiếp phải bảo nhà bếp ninh canh thập toàn đại bổ cho ngài.”

Ngài bị ta ghẹo, nghiến răng, nhìn ta, ánh mắt toát lên vẻ lưu manh, cái giọng sặc mùi ngạo nghễ: “Nguyên Nguyên, nếu như nàng chịu được, bổn vương sẽ tự biết đường tẩm bổ.”

Quả nhiên được nước lấn tới là dễ vỡ bờ, ta thức thời ngậm miệng lại, ảo não đi vào trong buồng ngủ.

Đùa vui thì vui vậy, nhưng từ chuyện lần này, ta và Cảnh yến đều có thể nhìn ra được sự lo lắng đang lấn át thái hậu, hình thành suy nghĩ có bệnh phải vái tứ phương. Hoàng đế không bằng lòng để Mạc hầu dẫn binh đánh trận, rõ ý là muốn chèn ép y. Nếu như Vãn Thược còn không chiếm được trái tim Cảnh Yến, vậy cục diện sẽ rơi vào thế bí.

Hôm sau là ngày đi săn cùng hoàng thượng. Vãn Thược vốn đã tức anh ách chuyện kia, giờ hoàng đế lại cho gọi ta nhưng không gọi ả, lúc này, ả nổi giận đùng đùng, dữ tợn y như ôn thần ai mà dám chọc vào ả.

Sự xuất hiện của ta như bôi tro trát trấu lên mặt Mạc hầu. Hoàng đế rõ ràng biết Vãn Thược gả cho Cảnh Yến, nhưng lại chỉ đích danh ta đi cùng, rõ ràng là muốn làm khó ông ta.

Mặc dù Mạc hầu là võ tướng, nhưng ông ta lanh trí hơn Nghiêm Phong nhiều. Biết rõ, trong những người ở đây, ông ta không dám đụng vào ai, ngoài ta.

Thông minh thì thông minh, nhưng những năm nay, ông ta ỷ vào chiến công của mình, tự dưng sẽ dễ sinh ra kiêu ngạo. Nói chi đến, con gái rượu bị ta cướp mất hào quang, không chọc ngoáy y không chịu được, nên ắt sẽ kiếm cớ châm chọc ta.

“Lần trước vẫn chưa nhìn thấy rõ, hóa ra đây chính là con chim hoàng yến Cửu vương gia quyến luyến không rời sao? Đúng là như hình với bóng, sủng ái hết mực.”

Ta biết ông ta muốn gây sức ép cho ta, nhưng cũng không muốn chuyện vỡ lở ra to. Hoàng đế không lên tiếng, đành đợi Cảnh Yến đỡ lời.

Thứ nhất, y muốn xem xem liệu Cảnh Yến có ra mặt thay ta không; thứ hai, y cũng muốn mượn danh Cảnh Yến để tăng thêm nhuệ khí Mạc hầu.

“Mạc hầu, nàng không phải hoàng yến gì đâu, mà là con sói con do chính tay bổn vương dạy, một khi đã cắn là chảy máu đấy.”

Cảnh Yến còn không thèm gọi một tiếng nhạc phụ đại nhân. Nhưng khi ngài nói, ngữ điệu nửa thật nửa đùa, thậm chí còn mang đến cảm giác mập mờ, làm người khác cũng phải ái ngại, không đào sâu thêm được.

Đến bấy giờ, hoàng đế mới giả vờ làm người tốt đứng ra giảng giải: “Tiểu Cửu, sao cứ dính đến phu nhân đệ là đệ lại nhỏ nhen thế? Trẫm khéo phải lo lắng về đằng Vãn Thược trong phủ đệ quá.”

Hoàng đế đúng là thâm độc, lôi con gái ra để mỉa mai phụ thân.

Chào hỏi xong xuôi, cũng đã đến lúc, Cảnh Yến bèn giới thiệu Nghiêm Phong.

Hoàng đế nói mấy câu: “Nghiêm Phong, nhiều lần Cảnh Yến khen ngươi là tướng tài hiếm có. Còn Mạc hầu, cũng là tướng tài, là trọng thần trẫm tin tưởng. Cả hai đều là võ tướng, nhân cơ hội hôm nay chi bằng tỉ thí một phen, ai thắng sẽ được trẫm trọng thưởng.”

Cả hai hành lễ, sau đó giơ roi thúc ngựa, chạy vào bãi săn trong rừng.

Hoàng đế lại nói: “Tiểu Cửu, hai huynh đệ ta, cũng không ham gì thắng thua, cứ coi như dạo bộ cho khuây khỏa.”

Cảnh Yến đáp “vâng”, kìm ngựa chạy chậm ngay sát phía sau, đi bên hoàng thượng. Ta giữ một khoảng cách nhất định với hai người họ. Ba người cứ thế rong ngựa nhẩn nha.

“Có hươu.” Ta nói.

Hoàng đế đánh mắt qua, rút một mũi tên từ ống tên phía sau ra, kéo căng dây cung. Con hươu kia rất nhạy người, khẽ động nó đã chạy tuột vào trong rừng, để lại mũi tên cắm trỏng trơ dưới đất.

Hoàng đế cười: “Tiểu Cửu, trẫm không muốn tỷ thí với ngươi cũng không được, hay là thử xem, con hươu này chết dưới tay ai?”

Cảnh Yến chỉ cười: “Hoàng thượng, thần chưa bao giờ thắng.”

Nhưng hoàng đế có vẻ rất kiên quyết: “Con hươu sao này hoa văn tuyệt đẹp, Tiểu Cửu, bắt về làm thảm cho phu nhân nhà đệ!”

Nói xong, hai người thúc ngựa đuổi theo, Cảnh Yến quay lại nhìn ta, ta cười nói với ngài: “Đừng nhìn thiếp, nhìn con hươu kìa.”

Ta cưỡi ngựa hãy còn chậm, khi đuổi đến, thấy cả hai tay đều đang giương cung, không chút lơ là. Ta im lặng quan sát, hươu bất động, người cũng bất động.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.