Đã Mất Nay Lại Tìm Thấy

Chương 3: Lời hứa



Johannes von Krolock từng là một hình mẫu lý tưởng. Không chỉ xuất thân từ gia đình gia giáo, ông ấy còn có vẻ ngoài ưa nhìn, ấy là nếu được miêu tả một cách khiêm tốn, và dù tước hiệu bá tước của ông không phải thuộc hạng to tát nhất vùng, thì cơ ngơi lẫn của cải mà ông ấy sở hữu cũng đủ để khiến nhiều kẻ muốn bắt quàng làm họ, nhất là khi ông ấy lại còn là một người hiền lành hơn cả so với người cha hà khắc đã quá cố, và đối đãi với tất cả mọi người bằng một thái độ đôn hậu như nhau. Thực không lạ gì khi không ít kẻ cảm thấy thôi thúc mạnh mẽ muốn sinh lòng ghen tỵ khi cô con gái đơn giản của gia đình lái buôn nhà Klein lại có thể được thành đôi với Johannes, càng xuýt xoa hơn khi nàng còn sớm hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh vô cùng, và thậm chí, Johannes còn chiều lòng nàng mà đặt tên cho con là Herbert.

Hiển nhiên ai cũng có thể mường tượng ra được rằng nhà Krolock sẽ lại tiếp tục phồn thịnh như từ trước đến nay, ấy là cho đến khi vợ của Johannes chẳng may qua đời vào mùa hạ năm 1617, tức bốn năm trước. Lời nói gió bay, tiếng rì rầm truyền từ bọn hầu cận đến các tay lái buôn rồi lại qua cả miệng của các mụ ngồi lê mách lẻo ngoài chợ, thêu dệt nên hàng vạn lý do vì sao nữ tước lại ra đi đột ngột như thế, kẻ thì kể rằng do bệnh tật, là hệ quả của việc lấy chồng quá muộn ở tuổi mười bảy[1], nhưng cũng có kẻ mạnh mồm hơn cho rằng đấy là một vụ tự sát hoặc mưu sát, mà lý do thứ hai hiển nhiên khiến Johannes tỏ thái độ thù hằn và kích động vô cùng, nhưng ông ấy cũng chẳng buồn phân trần với ai. Nói chung, chẳng có câu chuyện nào được thêu dệt ra hồn cả.

Cũng từ lúc ấy, Johannes bắt đầu thay đổi. Nét mặt ông không bao giờ ánh lên nụ cười, nói năng phớt lạnh, kiệm lời và trở nên khô khan, ảm đạm, ngay cả trang viên nhà Krolock cũng ngày càng ít dần người làm công đi, cho đến khi chỉ còn Johannes và đứa con hẵng còn quá nhỏ của mình cùng một người hầu duy nhất. Dinh thự từ lâu chỉ còn leo lét vài ánh đèn, cũng không còn khách khứa nào lui đến, nhưng không ai dám hỏi thăm hay buôn chuyện lớn tiếng, vì họ biết Johannes cũng từ lâu không còn giữ được sự kiên nhẫn lẫn nhân từ.

Đêm nay lại là một đêm lạnh. Herbert nằm trằn trọc mãi trên giường êm nệm ấm vẫn không ngủ được, bèn mò mẫm tìm đến thư phòng.

“Cha ơi?”

Giọng nói cao, mỏng và nhẹ, nhưng lại âm vang rõ rệt giữa đêm muộn tịch mịch khi Herbert đứng lấp ló nhìn vào trong. Cha cậu ngước nhìn lên khỏi quyển sách đương đọc dở, ông hỏi gọn:

“Sao vậy, Herbert?”

“Con không ngủ được ạ.” Cậu bé con lễ phép đáp, rồi trưng ra đôi mắt to tròn mà Johannes biết thừa con mình chỉ làm mỗi khi nó muốn vòi vĩnh. Tuy vậy, ông vẫn gọi Herbert vào, hỏi tiếp khi cậu đến trước mặt ông và ông phải cúi mình xuống để đưa tay vuốt nhẹ khuôn mặt cậu:

“Lại gặp ác mộng nữa sao?”

Giọng nói ông trầm đục, nhưng lại mang một ngữ điệu mềm mỏng duy nhất với con trai mình. “Dạ…” Herbert lí nhí, ngước nhìn lên giá sách rồi lại nhìn cha. “Cha đọc truyện cho con nghe có được không?” Cậu hỏi.

“Sao con không nhờ Frieda?” Johannes trả lời. “Cô ấy hẳn phải đọc tốt hơn ta chứ?”

“Không chịu.” Herbert ngúng nguẩy. “Con muốn cha đọc cơ, con quen rồi. Không thì con không ngủ được đâu.”

“Nào, Herbert, hôm nay cha đã có quá nhiều việc phải lo rồi. Cha mệt lắm.”

“Đi mà?” Herbert nũng nịu năn nỉ. “Ngày hôm nay con đã rất ngoan, con không trốn học đi chơi, và con còn giúp cô Frieda hái táo nữa. Nên cha đọc truyện cho con nghe đi? Con cũng muốn được cha ôm đến khi con ngủ, như vậy thì con sẽ không phải gặp ác mộng.”

Nói đoạn, Herbert tự động choàng tay đến mà ôm lấy cổ cha mình, bởi cậu ta hiểu rõ Johannes dù gì cũng không bao giờ nỡ từ chối. Thở một hơi dài nhưng nhẹ, Johannes buộc phải lắc đầu chịu thua. “Được rồi”, ông nói, trước khi bế Herbert lên để cậu bé tự chọn một quyển sách mà mình muốn, mà mười lần như một vẫn sẽ lại là quyển tuyển tập cổ tích và đồng dao. Herbert cười khúc khích khi cậu được đặt xuống giường:

“Chúng ta bật nhạc lên được không?”

“Ừ.”

Gương mặt cậu bé con tươi tỉnh trước câu trả lời ngắn ngủn của Johannes, ông lẳng lặng đến bên tủ đầu giường, vẻ sầu khổ phớt qua trên gương mặt đương chẳng biểu lộ thêm một cảm xúc nào khác, mở nắp chiếc hộp nhạc bằng đồng, rồi vặn dây cót. Herbert vui đến híp cả mắt khi tiếng nhạc nhẹ nhàng bắt đầu du dương, và tiếng khúc khích của cậu biến thành tràng cười nắc nẻ khi Johannes gãi xù cả tóc cậu.

Họ cùng nhau đọc sách đến tận khuya. Đến một lúc, khi lật đến trang sách với hình vẽ một chiếc bánh kem, Herbert bỗng dưng cất tiếng, “Sắp đến sinh nhật con rồi.”

Tiếng “ừ” cụt lủn lại đáp lời. Johannes lúc này đang nằm cùng Herbert không bày tỏ điều gì thêm, chỉ nhẹ nhàng vuốt tóc con trai mình, để cho cậu nói tiếp:

“Con cũng muốn có một chiếc bánh kem.”

“Để ta bảo Frieda làm cho con.”

“Dạ…” Herbert nói khẽ, cười hì hì một mình khi cậu nghĩ đến miếng bánh nướng mềm mịn, thơm mùi bơ sữa với lớp kem pho mát phủ lên trên. “Con thích bánh của cô Frieda làm lắm. Nhưng mà…” Cậu đột nhiên ngập ngừng, cắn cắn môi.

“Sao thế?” Johannes hỏi.

“Con tò mò lắm. Mẹ từng làm bánh bao giờ chưa ạ?”

Johannes im lặng mất một lúc lâu. “Ta cũng không nhớ nữa. Có lẽ là rồi.”

“Vậy ạ…” Herbert bĩu môi, “Chán thật,” cậu nói, tay mân mê vạt áo mình, “vì con không nhớ được gì về mẹ, hay những món mẹ nấu cả. Nhưng con đoán bánh nướng mẹ làm sẽ rất ngon. Bọn trẻ khác đều được mẹ nướng bánh cho vào sinh nhật. Nếu mẹ còn ở đây, có lẽ con cũng sẽ xin được mẹ một chiếc bánh như thế. Cha nghĩ năm nay mẹ có về thăm sinh nhật con được không?”

“Ta nghĩ là không đâu, Herbert.” Tiếng thở của Johannes bắt đầu trở nên nặng nề. “Và ta tin rằng chúng ta đã bàn với nhau về việc này rồi, đúng chứ?”

“Vâng ạ.” Herbert phụng phịu, nhưng vẫn ngoan ngoãn hiểu chuyện mà nép vào người cha. “Con chỉ hỏi vậy thôi. Mẹ còn phải đi xa để chữa bệnh mà.”

“Xin lỗi con, Herbert.”

“Không sao, con vẫn có cha và cô Frieda để cùng đón sinh nhật, rồi cả Giáng Sinh nữa.” Herbert lại liến thoắng. “Ngày mai là lễ hội mùa đông rồi, đó là điều con thích nhất mỗi khi gần đến sinh nhật mình. Con thích lễ hội. Bên ngoài có âm nhạc và mọi người tụ tập ca hát nhảy múa vui ơi là vui, và… và cô Frieda mỗi khi đi chợ về sẽ mua được bao nhiêu là quà nữa!” Vừa nói, Herbert vừa huơ huơ đôi bàn tay nhỏ xíu của mình, bắt chước động tác của những gã hề mua vui mà cậu từng thấy qua cửa sổ. “Mùa lễ năm nay cha cho con ra ngoài chơi nhé?”

“Không được.”

Cái gằn giọng phản đối của Johannes làm nụ cười trên mặt Herbert vụt tắt.

“Tại sao ạ?” Cậu bé con lè nhè.

“Bên ngoài nguy hiểm lắm.” Johannes đáp gọn, nhưng chỉ càng làm Herbert giận dỗi hơn. Cậu phồng má:

“Nhưng mà con lớn rồi, con muốn được ra ngoài chơi, rồi được kết bạn với mọi người nữa. Bấy lâu nay con chỉ được quanh quẩn trong sân nhà, chán chết.”

“Đừng làm khó ta, Herbert. Chuyện này ta cũng đã giải thích với con nhiều lần rồi. Bên ngoài nhiều người không tốt.”

“Không tốt?”

“Lớn lên con sẽ hiểu.”

“Cha cứ úp úp mở mở như thế, con lớn thật rồi mà cha!” Herbert bướng bỉnh tru tréo, kéo áo cha mình. “Con biết tự lo cho mình mà! Hay là…” Cậu suy nghĩ một lúc, trong đầu nảy ra một ý nghĩ chưa từng có trước kia, “hay là ngày mai, cha đi cùng với con đi?”

“Chúng ta cùng chơi trong sân nhà chẳng phải vẫn vui hay sao?” Một thoáng ngạc nhiên trong giọng Johannes khi ông hỏi lại.

“Sân nhà làm sao đông vui như lễ hội bên ngoài được chứ!” Herbert trả treo, rồi cậu xị mặt xuống. “Mà có ở trong nhà, thì con cũng chỉ biết chơi có một mình. Cô Frieda thì bận việc nhà, còn cha thì lúc nào cũng ở trong thư phòng, chán ngắt.” Cậu dậm dựt quẫy đạp một cái, rồi lại nằm yên bĩu môi, “Con thấy bọn trẻ khác đều được đi chơi, lại còn được cha mẹ đi cùng nữa. Con cũng muốn đi. Vậy nên ngày mai cha đi chơi hội với con đi, ngày mai con cũng không có lớp học. Con hứa sẽ ngoan, cha đi cùng con, như vậy, cha có thể trông chừng cho con. Có được không ạ?”

“Ta không biết nữa…” Johannes bất chợt ngập ngừng, lảng tránh ánh mắt, nhưng Herbert hẵng còn quá ngây ngô để hiểu vì sao ông ấy lại trốn tránh như vậy. “Để ta suy nghĩ đã.”

“Đi mà?” Herbert một lần nữa vòi vĩnh với giọng ngọt ngào. “Thư phòng của cha chỉ toàn sách là sách, có gì hay hơn lễ hội đâu…”

“Đủ rồi, Herbert, đừng quấy nữa.”

Giọng Johannes bất chợt lớn tiếng thành một lời quát nạt, làm vẻ nghịch ngợm đòi hỏi vụt tắt khỏi khuôn mặt của Herbert, mà thay vào đó là sự ủ dột, và sau cùng là một cái mếu máo bị kìm nén. Cậu bé hậm hực gập quyển sách lại không đọc nữa, rồi xoay mình nằm nghiêng qua một bên để không phải nhìn mặt cha. “Năm nào cũng vậy, con chỉ muốn cha dành thời gian với con thôi mà…” Cậu lí nhí, giọng vỡ ra, sụt sùi. Nhận thấy mình năn nỉ ỉ ôi mãi cũng chẳng có tác dụng, cậu nói gọn, “Chúc cha ngủ ngon.”

Song, Herbert rõ ràng không ngủ được. Cậu chỉ riết tấm chăn lên kín người, rồi lắng nghe từng tiếng thở dài khổ sở từ phía sau. Herbert quen lắm tiếng thở mệt mỏi này, nếu cậu đoán không sai, thì cha cậu hẳn lại đang mang một vẻ mặt thất vọng hệt như mọi lần cậu đòi làm trái ý ông, mà “ý” ở đây chỉ là một yêu cầu duy nhất – không được phép ra ngoài. Cậu bé con không hiểu vì sao cha luôn miệng dặn rằng bên ngoài là nơi nguy hiểm, trong khi qua cánh cửa sổ, cậu thấy nó thú vị vô cùng, dẫn đến việc này khiến cậu càng lớn càng thắc mắc hơn. Nhưng là một đứa bé ngoan, Herbert vẫn luôn vâng lời, song, việc cha cậu hôm nay bỗng nhiên lớn tiếng cũng đủ khiến một đứa bé nhạy cảm vốn quen được cưng chiều như cậu muốn bật khóc.

Mãi một lúc sau, khi Herbert thút thít đến sắp thiu thiu ngủ thì cậu cảm nhận được cha nhích lại gần mình, và cậu giật mình tỉnh giấc khi ông ấy kéo cậu vào lòng mà ôm. “Được rồi.” Johannes cuối cùng cũng thủ thỉ, hôn lên mái tóc của Herbert thay cho lời xin lỗi của ông. “Ngày mai chúng ta sẽ đi chơi.”

“Thật ạ?” Cậu bé con tươi tỉnh ngay.

“Ừ.” Johannes ngâm dài trong cổ họng, tự chậc lưỡi với chính bản thân mình. Tay ông miết ngang để lau đi giọt nước mắt của Herbert khi cậu ngước lên nhìn ông. “Nên đừng giận ta nữa nhé, có được không? Đừng khóc nữa nhé?”

“Vâng ạ.” Herbert là một đứa bé mau nước mắt, nhưng cũng là một đứa dễ dỗ dành. “Cha đừng lo, con không còn là em bé hay khóc nhè nữa đâu.”

“Herbert đã thật sự lớn rồi nhỉ?”

Herbert lập tức cười hì hì, “Thấy chưa? Con đã sáu tuổi rồi, năm sau đã có thể trở thành thị đồng[2] đó!”

“Phải…” Lần đầu tiên Johannes đáp lại tiếng cười của con mình, vỗ về mái đầu cậu. “Herbert đã lớn đến chừng này rồi.”

“Con tin ngày mai sẽ vui lắm.” Herbert tít mắt. “Con sẽ nhờ cô Frieda tết tóc cho con.” Vừa nói, cậu vừa lấy ngón tay nghịch ngợm với mấy lọn tóc vàng của mình. Johannes tiếp:

“Nhưng ta e rằng ta sẽ không đi cùng con từ sớm được…” Ông ngập ngừng, tìm kiếm một lý do, “vẫn còn một số việc ta cần phải làm xong… Nhưng con sẽ đi cùng Frieda, và ta sẽ gặp con ở hội chợ vào ban chiều, rồi chúng ta sẽ đi chơi đến tận tối nhé, có được không?”

“Được ạ!” Herbert không chất vấn gì mà gật đầu ngay, lập tức xoay người và rướn lên để hôn lên gò má cha mình. “Cha hứa nhé?”

“Ta hứa.”

_____

[1]: Có thể thấy bối cảnh truyện đang ở châu Âu thế kỷ 17. Vào thời điểm này, độ tuổi kết hôn phổ biến là 12 tuổi dành cho nữ và 14 tuổi dành cho nam, và thường thì cả hai đã được đính ước vào tầm 7-8 tuổi. Kết hôn ở tuổi 17 như vợ Johannes có thể bị người đương thời xem là quá muộn.

[2]: Thị đồng – một chức vụ nhỏ dành cho các cậu bé con nhà quý tộc Trung Cổ từ 7-14 tuổi, với nhiệm vụ học lễ nghi, chạy vặt, hầu cận các gia đình quý tộc khác lớn hơn hoặc các hiệp sỹ. Khi qua khỏi độ tuổi này, các thị đồng sẽ được học cách chiến đấu bài bản hơn thay vì chỉ khuân vác hay lau chùi vũ khí như trước kia, để được lên làm cận vệ, rồi sau này là hiệp sỹ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.