Ít ai biết, người con gái ấy tuy đã trải qua không ít khổ đau sóng gió, thế nhưng trái tim vẫn là một mảnh thủy tinh dễ vỡ, tâm hồn vẫn là một mẩu giấy mỏng manh có thể bị chọc thủng. Cái mác cũng chỉ là thứ bề ngoài, là lớp mặt nạ cô tạo nên để che chắn nội tâm yếu đuối, bảo vệ bản thân khỏi những nghiệt ngã xô bồ.
Nhận được cái gật đầu từ người ca sĩ, Trần Cảnh Lam đặt tay lên phím đàn. Từng nốt nhạc du dương trầm bổng vang lên từ đôi bàn tay nhỏ nhắn, cao có, trầm có, vui có, buồn có. Trông cô không phải như phiêu với âm nhạc, mà đang trút hết nỗi buồn vào những nốt phím trắng đen ấy. Nỗi buồn đi theo cô cả cuộc đời, cào nát trái tim cô từng chút khiến nó rỉ máu. Để rồi như có ai bơm vào đó loại chất chống đông, huyết tươi từ tim cô vẫn liên hồi nhỏ xuống, cho đến khi cô kiệt sức ngã quỵ.
Trên sân khấu, người ca sĩ đang hát bài “Lạc nhau có phải muôn đời”. Trần Cảnh Lam còn nhớ trước đây có một đồng nghiệp làm cùng cô ở phòng trà cũng đã từng hỏi. Khi ấy, anh ta đang ngồi sửa soạn chuẩn bị lên trình diễn, tai có earphones nghe nhạc giải sầu. Bỗng nhiên anh ta quay qua Trần Cảnh Lam đang ngồi bên cạnh, hỏi một câu:
– Lạc nhau có phải muôn đời?
Tuy chỉ là câu nói bông đùa không chút ác ý nhưng khi ấy, tim cô vô tình bị ai đó cứa một nhát đau điếng. Trong đầu, câu nói cuối cùng của Diệp Dương lại vang vọng. Kể từ khi đó, cô và anh đã lạc nhau thật rồi!
Năm năm, một khoảng thời gian không ngắn cũng không dài. Nếu bạn cứ sống cho qua ngày đoạn tháng, năm năm sẽ chỉ trôi qua giống như năm giờ. Để rồi khi nhìn lại, bạn sẽ ngạc nhiên mà thốt lên: Ôi, năm năm rồi à? Nhưng nếu bạn đếm từng ngày để sống, năm năm sẽ dài dằng dặc như một thế kỷ. Bạn nhìn thời gian và bảo: Lâu thật!
Đối với Trần Cảnh Lam, một năm rưỡi khi cô bắt đầu bước chân vào đại học diễn ra quá nhanh. Nhanh vì có anh bên cạnh, nhanh vì cô mải chìm đắm trong tình yêu với Diệp Dương mà vô tình quên đi sức chạy của thời gian. Năm năm này đối với cô trở nên chậm chạp lạ thường. Chậm vì không có anh. Chậm vì cô phải đối mặt với nỗi đau không ngừng nghỉ, chỉ mong cho thời gian trôi qua thật nhanh để cô có thể quên hết muộn phiền.
Nhưng thực tế thì sao? Thời gian dù nhanh hay chậm cũng không thể khiến Trần Cảnh Lam quên đi Diệp Dương, ngược lại càng nhớ anh sâu đậm, hình bóng anh lại càng đi sâu vào trong tâm trí.
Trần Cảnh Lam xua đi ý nghĩa trong đầu. Cô đánh đoạn cuối, kết thúc bài nhạc.
Người đầu tiên vỗ tay là Đinh Trang.
Trần Cảnh Lam nâng mắt nhìn ra.
Từ khi bước lên sân khấu cô đã thấy Đinh Trang ngồi sẵn ở đó. Chắc lại vì mấy lí do vớ vẩn, đại loại như muốn biết xem phong thái của cô trên sân khấu rốt cuộc trông như thế nào.
Trần Cảnh Lam nhìn đồng hồ.
Hai mươi giờ mười lăm phút.
Xem ra hôm nay cô không thể ở lại được lâu. Đầu óc có chút váng rồi..
Trần Cảnh Lam thu mắt, vô tình chú ý đến một bóng người.
Gần chỗ Đinh Trang, người đàn ông mặc sơ mi trắng an tĩnh ngồi đó. Phòng trà quá tối, cô không thể nhìn thấy mặt anh, chỉ là bỗng nhiên lại có cảm giác thân thuộc đến lạ.
– Bé Lam!
Cái vỗ vai thật nhẹ của người phục vụ khiến Trần Cảnh Lam giật mình. Cô vâng một tiếng, nhìn lướt qua mảnh giấy cứng màu cam nhạt trên tay anh ta.
– Có khách yêu cầu em đệm nhạc.
Trần Cảnh Lam gật nhẹ, đón lấy tờ giấy từ tay anh.
Khách đến phòng trà này nhiều người khen cô đàn hay, vì vậy việc yêu cầu đàn nhạc không lời cũng là điều hết sức bình thường.
– Thể theo nguyện vọng của một vị khách, tôi xin phép nhường sân khấu lại cho bé Lam!
Mọi người vỗ tay, xen lẫn đâu đó còn có vài tiếng ồ nhẹ. Người ca sĩ lui vào phía trong, qua chỗ Trần Cảnh Lam còn nháy mắt một cái. Cô cong môi cười nhạt, coi như đáp lễ. Cái danh xưng “bé Lam” kia, cả khách khứa lẫn nhân viên phòng trà đều rất quen thuộc. Khi mới vào làm, bị mọi người gọi là “bé Lam”, Trần Cảnh Lam đỏ mặt không thôi. Cô bảo: Em lớn rồi, còn bé gì nữa. Thế nhưng mọi người thỉnh thoảng vẫn trêu, cứ gọi cô như vậy. Quả thực, xét về tuổi tác Trần Cảnh Lam thuộc tầng lớp bé nhất ở đây.
Cũng có đôi lần không cần đệm hát, Trần Cảnh Lam lại vòng đường sau chạy ra quầy pha chế gọi ly đồ uống. Vài nhân viên nam cũng đùa cô mà gọi hai tiếng “bé Lam”. Riết rồi cũng thành quen.
Trần Cảnh Lam lúc này mới cầm tờ giấy được đặt trên khung đàn lên xem thử. Cô thoáng giật mình, biểu cảm trên khuôn mặt bỗng chốc cứng đờ.
Trong mọi bản nhạc được tấu bằng dương cầm, Trần Cảnh Lam chỉ có một bài duy nhất cho vào danh sách đại kị.
Like tears in rain!
Nó mang đến cho cô quá nhiều nỗi đau, ùa về trong cô quá nhiều kí ức. Mà trong đó, hình ảnh nào cũng có Diệp Dương.
Năm ấy, anh dạy cô dương cầm. Đến khi chơi được, cô suốt ngày đàn bài này cho anh nghe.
Diệp Dương cười, bảo:
– Đánh bài nào khó hơn một chút đi!
Trần Cảnh Lam lắc đầu:
– Nhưng em thấy bản này hay!
Diệp Dương lật bài ngửa ngay lập tức:
– Anh thấy vì bản sheet của nó đơn giản thì đúng hơn.
Cô bị nói trúng tim đen, đỏ mặt. Diệp Dương thấy vậy còn cười lớn hơn.
Anh nói thế, nhưng lần nào cô đánh bản nhạc ấy cũng im lặng lắng nghe, đến khi Trần Cảnh Lam chơi xong mới lại tiếp tục trêu chọc cô.
– Lam! Lam!