Bà chị của tôi thì lại khác, lỡ cắn một miếng thịt ba chỉ thôi đã lấy thước dây của ba ra đo lại cái bụng. Nhiều lúc tôi còn tưởng tượng đến cảnh chị ấy lấy giấy bút ngồi tính lượng calo, chất béo vừa nạp vào và phải chạy bao nhiêu cây số để tiêu hao bớt. Nghĩ kỹ thì, ngoài việc thích đọc truyện và hay hùa nhau trêu chọc tôi, chị Nhã với con Vy chẳng còn điểm chung nào nữa, không hiểu sao họ có thể thân nhau như vậy.
Nằm nghĩ linh tinh vậy thôi mà đã hết ngày. Buổi chiều mẹ tôi dọn hàng về sớm để vào bệnh viện trông tôi. Con Vy ngồi lại một chút, sau đó cũng xin phép mẹ tôi ra về. Không có nó, căn phòng trở nên yên tĩnh hẳn. Tôi cứ tưởng như vậy sẽ tốt hơn cho việc tĩnh dưỡng của mình, nhưng không hiểu sao trong lòng lại cảm thấy buồn nôn nao.
Không như con Vy, mẹ tôi lại thấy vui vì con trai mình đã làm được một việc tốt. Tất nhiên bà sẽ vui hơn nếu như tôi có thể bảo đảm được an toàn cho bản thân. Mẹ tôi hiền hòa như dòng nước vậy, không như ba tôi lúc nào cũng nóng nảy. Bà kể rằng hôm tôi được đưa vào bệnh viện, ba tôi đã làm loạn lên vì lo lắng. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, ông đã đến xin lỗi, cũng như cảm ơn bác sĩ và y tá. Ông đến nhìn tôi một lần khi tôi còn chưa tỉnh rồi vào rẫy ở luôn cả tháng. Nghe xong câu chuyện của mẹ, tôi có chút cảm động, nhưng tôi chỉ tin được ba phần trong đó. Mọi thứ luôn được phóng đại lên sau khi qua lời kể của bà, giống như lúc tôi nhìn đàn kiến bên dưới cái kính lúp vậy. Ba tôi đúng là nóng tính thật, nhưng không phải là người thích đập phá hay chửi bới người khác. Còn một điều nữa là mùa hè nào ba tôi chẳng vào rẫy. Có lẽ khi biết tôi không sao nữa, ông cũng chẳng còn lý do ở lại đây. Ông không giỏi chăm sóc người bệnh, và việc cứ ngồi một chỗ nhìn tôi như vậy cả ngày khiến ông không chịu được.
Mẹ tôi nói đứa con gái mà tôi cứu có đến vài lần, cùng với ba nó, nhưng lúc đó tôi còn chưa tỉnh lại. Toàn bộ tiền viện phí đã được ba nó chi trả hết nên không phải lo, tôi chỉ việc yên tâm mà tĩnh dưỡng. Ông ta đưa mẹ tôi thêm một số tiền nữa nhưng bà không nhận. “Cứu người là việc nên làm, quan trọng là người thân của mình vẫn còn ở bên mình chứ tiền bạc chỉ là vật ngoài thân” – mẹ tôi kể sau khi nghe bà nói câu đó thì ông ta gần như đã khóc. Tôi hơi tò mò về người đàn ông đó, nhưng suốt thời gian nằm viện, tôi không thấy ông ta xuất hiện. Hai cha con bọn họ có việc gia đình cần giải quyết nên không thể trực tiếp cảm ơn tôi được, ông ấy cũng gửi lời xin lỗi đến tôi vì việc đó.
Mẹ con Vy cũng có đến một lần, sau khi tôi tỉnh lại được vài ngày. Cô ấy tên Hà. Cô Hà và con Vy có gương mặt rất giống nhau, cứ như là từ cùng một khuôn đúc ra vậy. Từ khuôn mặt, đôi mắt, nụ cười, và cả nốt ruồi nhỏ ở cuối chân mày nữa. Chỉ khác là cô Hà trông chín chắn hơn con Vy nhiều, trong mắt cô có nhiều dấu vết của thời gian và sự từng trải trong cuộc sống. Không hiểu sao tôi có chút hồi hộp khi gặp mẹ con Vy, nhưng thật may cô ấy là một người hòa nhã và thân thiện. Cô hỏi thăm tôi vài câu, nói chuyện với mẹ tôi một lát rồi đi ngay. Có vẻ như cô đúng là người bận rộn như lời con Vy nói thật.
Thỉnh thoảng, mấy ông anh của tôi cũng đến, nhưng chỉ ngồi chơi một chút rồi đi. Hai anh đầu của tôi đều đã lập gia đình nên khá bận rộn. Anh Tư đang làm việc trong Sài Gòn nên chỉ về một ngày, và khi biết tôi vẫn còn sống thì anh ấy bắt xe đi luôn trong đêm.
Thằng Vũ với thằng Huy thì chỉ đến được một buổi sáng. Tôi nghe loáng thoáng bọn nó bàn với nhau lấy tiền đi chợ gì đó để chơi bida, sau đó thì chuồn thẳng. Như vậy cũng tốt, dù sao thì sự xuất hiện của hai đứa nó làm tôi cảm thấy không khí có vẻ căng thẳng. Hình như con Vy không thích hai đứa bạn của tôi. Nghe thấy tiếng hai đứa nó xì xầm với nhau, con Vy quát lên: “Tụi mày im lặng cho người khác dưỡng bệnh nữa chứ”, sau đó lại đọc tiếp cuốn truyện với vẻ mặt hằm hằm khó chịu. Chỉ khi hai thằng Vũ, Huy đi rồi, mọi thứ mới tạm trở lại bình thường.
Trong suốt thời gian tôi nằm viện, người thường xuyên ở bên cạnh nhất lại là con Vy chứ không phải ai khác. Nó thường đem theo một bịch trái cây, nhưng đa phần là để nó ăn chứ không phải dành cho tôi. Điều mà nó làm tôi cảm kích nhất là ngồi đọc truyện cho tôi nghe cả ngày, thay vì đọc thầm như mọi khi. Nhưng buồn một chuyện là tôi không nhìn thấy phần tranh vẽ nên chả hiểu được bao nhiêu. Con Vy chỉ đọc phần chữ, phần lời thoại của nhân vật, chẳng kèm theo cái chú thích nào hết. Ít ra thì cũng phải cho tôi biết ai đang nói chuyện chứ. Cảm giác cứ như xem phim mà chỉ nghe được tiếng chứ không thấy hình vậy.
Nằm một chỗ lâu như thế khiến tôi có chút buồn chán. Tôi lại nhớ đến mùa hè năm ngoái, khi mà mình còn có thể tung tăng chạy nhảy khắp nơi. Tôi nhớ những buổi sáng hái xoài, nhớ tiếng chó sủa khi nằm trên nóc nhà, nhớ bãi biển xinh đẹp. Tôi nhớ cảm giác mát lạnh phủ khắp toàn thân khi nhảy từ trên bãi cát vào trong những con sóng. “Ầm” một tiếng, tôi chui xuống dưới nước rồi ngoi lên ở một nơi cách đó không xa, cứ như vừa bơi qua một đường hầm không gian nào đó vậy.
Chợt tôi nhớ đến xấp thơ tình để ở nhà, không biết mấy ngày nay mẹ tôi có dọn dẹp cái bàn học của tôi không nữa. Nhưng tôi không thể hỏi mẹ tôi về việc đó, càng không thể nói rằng: “Mẹ, đừng dọn dẹp chỗ cái bàn học, không có gì ở đó đâu”. Vậy là tôi nhờ con Vy qua nhà tôi lấy giùm, dù sao thì cái xấp giấy đó cũng là của nó viết ra. Nó vui vẻ nhận lời, trông có vẻ như rất thích mấy chuyện mờ ám như vậy.
Khi có thể cử động nhẹ được đôi tay của mình, tôi mượn nó một cuốn truyện để đọc. Nhưng đọc lại mấy cái lời thoại đã nghe lúc trước, tự nhiên tôi thấy có chút kỳ quặc và không muốn đọc nữa. Mọi thứ trở nên nhàm chán, và tôi dành phần lớn thời gian chỉ để nhìn lên trần nhà hoặc nhìn ra ngoài của sổ, mơ tưởng về mặt biển gợn sóng của mình. Tôi muốn viết một bài thơ tặng con Vy. Tuy không hiểu sao nó lại trở nên thô lỗ, cộc cằn khi chỉ có hai đứa với nhau, nhưng tôi lại thấy thích điều đó. Có lẽ tôi đã thích con Vy thật rồi. Khi nào khỏe lại, tôi nhất định cùng nó ra biển ngắm bình minh. Và tôi bắt đầu viết nên những suy nghĩ của mình:
Em đã từng đi trên bờ cát trắng
Đặt chân lên những hạt cát mịn màng
Ngồi xuống giữa biển bao la, vắng lặng
Nhìn khơi xa chờ đợi ánh bình minh.
Em đã từng nhìn ngắm mặt biển xanh
Nắng lấp lánh rơi trên từng ngọn sóng
Gió rì rào như lời ru lắng đọng
Câu ca dao mẹ vẫn hát ngọt ngào.
Em đã từng ngồi đếm những vì sao
Giữa mênh mông, có em và có biển
Em sẽ nghe biển thì thầm kể chuyện
Biển chứng nhân cho bao câu chuyện tình.
Hãy cùng anh đi về với biển xanh
Anh sẽ gọi tên em vào mỗi sáng
Cùng nhau ngắm bình minh kia ló dạng
Anh ôm em như gió cuộn mây ngàn
Đi cùng nhau đến tận cùng thế gian.
Tay vẫn còn đau, dù tôi đã cố nắn nót từng chữ nhưng bài thơ vẫn nhấp nhô như từng đợt sóng biển. Tôi tưởng con Vy sẽ châm chọc tôi về điều đó, nhưng nó chỉ lặng im cất bài thơ của tôi vào cặp.
Giữa tháng Sáu, người chị yêu dấu của tôi về, nhờ vậy mà tôi không phải ngồi nghe con Vy lải nhải một mình nữa. Chị Nhã, tôi và con Vy lại chơi với nhau như trước kia. Không biết từ bao giờ, khi có đầy đủ cả ba người thì đó là lúc chúng tôi cảm thấy vui vẻ nhất. Hai người con gái nói chuyện với nhau rất hợp, còn tôi thì là vật trang trí yêu thích của bọn họ. Chị Nhã là người bày ra cái trò vẽ lên đống bột trắng trên tay chân tôi, nhưng con Vy lại là người hăng hái thực hiện nhất. Mỗi ngày nó lại vẽ một ít, và chẳng bao lâu trên người tôi đã lấp đầy những “hình xăm”.
Những ngày cuối cùng ở bệnh viện, tôi ngửi được mùi của mùa thu trong không khí. Những khối bột trắng trên người đã được tháo xuống khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều, nhưng tôi vẫn phải ở lại bệnh viện thêm vài tuần để tập các bài vật lý trị liệu. Bước từng bước tập tễnh ra vườn hoa, tôi tìm đến một chiếc ghế đá và ngồi xuống. Trước mặt tôi là những bông hoa cúc đang đung đưa trong gió, như những bàn tay xòe ra và đón lấy những tia nắng màu vàng cam.
Hóa ra mùa hè năm ấy cũng không hẳn là hoàn toàn trống rỗng đối với tôi. Khi nhìn lại, tôi mới biết rằng mọi thứ chỉ được đổ đầy trong một cái bình khác mà mình không để ý tới. Một bộ phim xem nhiều lần còn bị bỏ sót vài chỗ, vậy nên việc bỏ sót vài chi tiết trong cuộc đời, nơi mà tôi chỉ là một nhân vật trong đó, thì cũng không có gì là lạ. Có thể mọi thứ không xảy ra như tôi đã kỳ vọng, nhưng nó vẫn mang đến một ý nghĩa nào đó.