Rời khỏi Lạc Thành cũng đã gần 12 giờ đêm, tôi chẳng có tâm trạng nói chuyện nên mệt mỏi tựa đầu vào thành ghế, lơ đãng nhìn người đi đường.
Đêm khuya, đường phố Hà Nội thời điểm chẳng còn mấy ai qua lại nữa, cũng hiếm thấy hàng quán nào còn mở cửa, nhưng khi đi qua một con phố quen thuộc thì bỗng dưng lại thấy quán mì gà tần mà ngày trước tôi vẫn hay ăn còn đang sáng điện.
Mùi gà tần thơm nức theo gió lan đến cánh mũi tôi, làm dạ dày rỗng tuếch của tôi bắt đầu kêu gào ầm ỹ, lúc này thấy đói mới nhớ từ trưa đến giờ mình chưa được ăn gì, bụng dạ kêu gào khá to nên người ngồi bên cạnh vẫn có thể nghe được.
Khi sắp qua tiệm gà tần đó, anh ta bỗng nhiên dừng xe lại rồi bảo tôi:
– Muốn ăn mì gà tần không?
– Giờ ấy hả? Muộn rồi, thôi để khi khác.
Tôi ngại nên từ chối thế, tuy nhiên Huy cũng chẳng bận tâm mà vẫn tháo dây an toàn rồi bảo:
– Mời cô mì gà tần để cảm ơn cô hôm nay đã giúp tôi.
– À… không có gì đâu, tôi cũng chỉ tiện tay thôi.
– Đi thôi.
Lần thứ hai anh ta nói cảm ơn, lại còn có thành ý mời tôi ăn mì gà tần, tôi cũng chẳng muốn vì sự chấp nhặt trong lòng mình mà khó chịu với Huy nữa. Dù sao anh ta cũng không làm gì sai cả, việc có vợ chưa cưới và sắp kết hôn là chuyện riêng của anh ta, chẳng liên quan gì đến tôi. Thế nên sau cùng tôi đành lén lút thở dài trong lòng một tiếng rồi xuống xe theo anh ta.
Hai chúng tôi vào quán, gọi ra hai suất mì gà tần rồi ngồi ở chiếc bàn nhỏ trong góc chờ đợi. Chắc vì ngại vì chuyện chạm môi vừa rồi mà tôi với anh ta không ai nói thêm với ai câu gì, may sao chủ quán là một anh đầu bếp trông có vẻ hiền lành vui tính, sợ bọn tôi chờ lâu mới nói chuyện:
– Hai người chịu khó đợi một tý nhé. Có ngay đây. Mì gà tần chỗ tôi là ngon nhất dãy phố này đấy, bình thường hôm nào cũng hết trước 9 giờ. Hôm nay vợ tôi trót làm nhiều nước nên giờ mới còn đấy.
Tôi cười đáp:
– Thế hả anh? Ngày trước em thỉnh thoảng vẫn ra đây ăn, 8h tối là đã hết rồi ấy. Mì gà tần ở đây ngon nổi tiếng mà.
– Thế à? Khách đến đây tôi vẫn hay nhớ mặt mà, sao tôi không nhớ mặt chị nhỉ?
– Chắc tại vì lâu không đến đấy ạ. Ngày trước sinh viên em có đến quán nhà anh ăn, có một lần em mang thiếu tiền, anh còn cho em nợ ấy, anh có nhớ không? Hồi ấy em cắt tóc ngắn ngang vai thế này này.
– A, ngày ấy có phải chị hay đi cái xe đạp mini màu xanh không?
– Vâng, đúng rồi. Nhưng mà em trả tiền rồi nhé, anh đừng tưởng em thiếu nợ đến tận bây giờ đấy.
Tôi nói nửa đùa nửa thật như vậy khiến chủ quán bật cười, anh ấy bảo tôi:
– Yên tâm đi, nếu nợ đến tận giờ là tôi nhìn mặt đã nhớ ngay rồi. Nhưng mà lâu lắm không thấy chị ghé qua, phải đến mấy năm rồi ấy nhỉ? Hay là sợ tôi đòi nợ thật nên mới không qua thế?
– Không, tại giờ mới có tiền ăn để ăn mì nhà anh.
– Thôi, hôm nay mới có người yêu nên dẫn người yêu đến thì có. Trông hai người đẹp đôi lắm nhé? Đã cưới chưa?
Chủ quán tự nhiên nói thế làm tôi tự nhiên thấy ngại vô cùng, theo phản xạ liếc nhìn Huy một cái, thấy gương mặt của anh ta vẫn dửng dưng không biểu cảm. Cuối cùng, tôi đành gượng gạo đáp:
– À… không, bọn em chỉ là bạn thôi ạ.
– Thế hả? Bạn mà nhìn đẹp đôi thế này thì xem xét tiến thêm một bước nữa đi thôi, không phải ai tôi cũng khen đẹp đôi đâu nhé, tôi nói thật đấy.
Tôi không biết nói sao nên chỉ cười cười cho qua chuyện, chủ quán lúc ấy cũng làm xong mì nên phấn khởi bưng ra cho hai người bọn tôi:
– Mì xong rồi đây, chúc hai bạn ăn ngon miệng nhé. Ăn ngon lần sau lại đến ủng hộ quán của tôi tiếp nhé.
– Vâng ạ.
Lúc hai tô mì nóng hổi được đặt lên bàn, ngửi mùi hương thơm phức của mì gà gần, tự nhiên tôi lại có cảm giác như mình đang được quay lại hồi sinh viên ngày xưa vậy. Tôi háo hức định lấy đũa thì bỗng nhiên lại thấy Huy đặt một đôi đũa đã được lau sạch sẽ lên bát tôi, ban nãy tôi ngồi nói chuyện với chủ quán nên quên béng việc này, giờ bỗng dưng thấy “cậu cả quyền uy” của Lạc Thành đã âm thầm làm điều nhỏ nhặt ấy, khiến tôi rất ngạc nhiên, mà cũng có cảm giác như một thứ gì đó mềm mềm chạm vào tim vậy.
Tôi ngượng ngập bảo:
– Tôi tự làm cũng được mà.
– Ăn đi.
– Vâng, cảm ơn anh. Anh cũng ăn đi.
Đói quá nên mời anh ta xong, chờ Huy cầm đũa là tôi cũng cúi đầu ăn, có điều lát sau ngước lên thì thấy có “ai đó” mãi vẫn chưa ăn nổi miếng nào mà lại đang loay hoay nhặt rau ngải cứu từ trong bát mì ra. Anh ta không chê bát đũa không sạch, cũng không chê mì hay gà, nhưng hình như có thù với rau ngải cứu nên nhất quyết không động loại rau này, dù chỉ là một cọng.
Tôi định không nói, nhưng anh ta cứ tỉ mỉ ngồi nhặt từng cọng khiến tôi cảm thấy ngứa ngáy, cuối cùng mới đành lên tiếng bảo:
– Anh không ăn được rau ngải cứu à?
– Đắng.
– Rau này lúc đầu ăn thấy đắng thế thôi, nhưng nhai xong sẽ thấy ngọt đấy, anh thử ăn mà xem.
Anh ta có vẻ không tin, chỉ cúi đầu nhìn bát mì của tôi rồi khẽ cau mày lại:
– Rau này ăn có tác dụng gì?
– Hình như giúp lưu thông máu lên não, trị suy nhược cơ thể. Nói chung có nhiều tác dụng tốt, còn làm thuốc nữa.
– Mùi của nó hơi khó chịu.
– Ừ, giống vị thuốc bắc mà.
Nghe tôi nói vậy, Huy mới thử cầm đũa lên ăn một cọng rau ngải cứu, nhưng đưa lên miệng nhai xong thì lập tức nhăn mặt, biểu cảm đầy khổ sở và miễn cưỡng nhưng lại không thể nhổ ra, cuối cùng đành cố sống cố chết nuốt hết miếng ngải cứu đó.
Thấy anh ta như vậy tôi cảm thấy hơi buồn cười, nhưng không dám cười mà đành lén lút cúi xuống, vừa cười tủm tỉm vừa ăn mì trong bát. Huy thấy tôi như vậy thì cau mày:
– Có gì đáng buồn cười à?
– Không có gì.
– Không có gì thì tại sao cô lại cười?
– Tôi đâu có cười, tôi đang ăn mì.
Anh ta định nói gì đó, nhưng chắc thấy tôi đang cố nén cười, sợ nói thêm thì tôi lại càng cười to nên quyết định không thèm để ý đến tôi nữa, sĩ diện cúi xuống ăn một mạch hết nửa phần ngải cứu trong bát để chứng minh cho tôi thấy anh ta không có thù với loại rau này.
Cuối cùng, tôi sợ anh ta ăn không nổi nên đành nhịn không cười nữa, cố bày ra vẻ mặt thật bình thường bảo anh ta:
– Để tôi ăn hết cho.
– Tôi tự ăn được.
– Mì gà tần phải có rau ngải cứu mới đúng vị. Nhưng đúng là hơi đắng thật. Hôm nay rau hơi già nên đắng, tôi ăn được đắng thế này, để tôi ăn hết cho.
Nghe tôi nói vậy, cuối cùng anh ta cũng chịu dừng lại rồi đẩy bát mì của mình về phía tôi. Huy nói:
– Cô ăn hết rau ngải cứu với gà đi, tôi ăn mì.
– Anh không ăn thịt gà à?
– Không, ngấm vị rau kia vào, đắng.
– Ừ, thế anh ăn mì đi, còn lại để tôi ăn cho.
Tôi khẽ gật đầu, sau đó gắp hết ngải cứu và đùi gà từ bát của Huy về bát mình, còn anh ta thì lặng lẽ ăn hết phần mì còn lại.
Huy không chê đắng nữa mà chỉ yên lặng ăn, lúc này, nhìn bát mì đầy ắp “topping” ở bát mình và bát lõng bõng mì ở bên đối diện, tự nhiên lòng tôi lại trào dâng một cảm giác rất kỳ lạ.
Lần đầu tiên hai chúng tôi ăn riêng ở bên ngoài, lại ngồi trong một quán hàng cũ kỹ và chẳng mấy sạch sẽ thế này ăn hai tô mì nóng, giống như một người bạn bình thường đi ăn một bữa bình thường vậy. Lúc này, tôi bỗng dưng cảm thấy Huy ở rất gần tôi, gần đến nỗi chỉ cần tôi vươn tay là có thể chạm đến, gần đến độ có thể chia sẻ một phần đồ ăn của anh ta cho tôi… Khác hẳn với 8 tháng trước đây, khi tôi ngồi cạnh ăn cùng anh ta một bữa cơm cũng cảm thấy áp lực.
Và có lẽ cũng vì thế mà nỗi muộn phiền vì tin nhắn kia trong tôi cũng bất giác giảm đi một chút, không thể coi như không có gì được, nhưng hiện tại anh ta chưa kết hôn, vẫn có thể ở cạnh tôi ăn một bát mỳ thế này là cũng quá tốt rồi.
Ăn xong hai tô mì đó, lúc đứng dậy đi về, Huy còn cẩn thận dặn chủ quán làm thêm một suất mì gà tần mang về cho con tôi. Tôi thấy cái tên này chẳng biết gì về đồ ăn cả nên đành bảo:
– Giờ này Bí Ngô ngủ rồi, không ăn được nữa đâu, anh không cần mua cho nó.
– Để ngày mai ngủ dậy ăn.
– Mì để một tý là nó trương lên hỏng rồi, không để qua đêm được.
Chủ quán nghe vậy mới cười nói:
– Tôi để mì riêng, nước và gà riêng, chị cứ mang về bỏ tủ lạnh, ngày mai hâm lại rồi bỏ mì vào là được nhé.
– Thế cũng được hả anh?
– Được mà, nước vẫn còn nóng. Giờ mang về bỏ tủ lạnh rồi sáng mai ăn là không sao.
– Vâng.
– Lần sau nhớ đến quán nữa nhé, tớ làm một suất to cho hai người mang về đấy.
– Vâng, cảm ơn anh ạ.
Hôm ấy, bởi vì quá mệt nên về đến nhà, sửa soạn linh tinh xong là tôi leo lên giường đi ngủ luôn. Sáng hôm sau dậy sớm nấu mì gà tần cho Bí Ngô ăn, biểu cảm của con bé cũng giống y hệt “bác cả”, chỉ ăn mỗi mì và gà, còn lại rau ngải cứu thì nhất quyết nhặt ra không ăn.
Nó bảo với tôi:
– Mẹ ơi, rau này đắng lắm, Bí Ngô không ăn đâu.
– Rau này ngọt mà, Bí Ngô nhai xong sẽ thấy ngọt ngay, con thử ăn xem.
Con bé cũng gắp một cọng rau cho vào miệng, điệu bộ miễn cưỡng và nhăn nhó giống hệt bố, cả hai cha con nhà này đều có thù với rau ngải cứu nên kiên quyết lắc đầu:
– Mẹ ơi đắng, Bí Ngô không ăn đâu. Bí Ngô ăn mì cơ.
– Thế Bí Ngô có ăn gà không?
– Không ạ, gà cũng đắng lắm. Chỉ có mì là không đắng mấy thôi, Bí Ngô ăn mì này mẹ nhé?
Tôi bất lực chẳng biết nói sao, cuối cùng đành bảo:
– Ừ, thế Bí Ngô ăn mì đi, mẹ ăn rau ngải cứu.
– Yeahhh, vâng ạ.
Con bé sung sướng ăn một mạch hết tô mì, còn tôi từ hôm qua đến giờ vẫn chăm chỉ ăn rau ngải cứu và thịt gà của hai cha con nhà này. Ăn uống xong, Bí Ngô được chú tài xế đưa đi học, còn tôi lại lếch thếch đi xe máy điện đến công ty, lúc mới bước vào phòng đã nghe mấy anh chị trong phòng đang xôn xao bàn tán về việc đổi giám sát:
– Ôi sao tự nhiên sếp đổi giám sát bất thình lình thế nhỉ? Cứ tưởng hôm nay giám sát kiểm tra một lượt nữa là xuất hàng xuống chi nhánh chứ. Giờ tự nhiên đổi giám sát rồi bắt cân từng thùng máy một, mất thêm bao nhiêu thời gian.
– À thì chắc sếp chưa yên tâm nên thế. Sếp nhà mình có bao giờ làm việc gì mà không cẩn thận đâu.
– Ừ, công nhận. Chắc sếp cũng chọn vợ cẩn thận quá nên giờ vẫn chưa có em nào lọt được vào mắt xanh của sếp ấy nhỉ?
– Ơ con này, mày chả biết gì cả, sếp chuẩn bị cưới vợ rồi còn gì?
– Tin gì hot thế? Lấy ai? Ai lấy? Sao tao không biết?
– Ối zời, cả công ty đồn ầm lên mà mày như con ngáo ngơ ấy, sếp cưới con gái của ông chủ tịch tập đoàn Hoàng Phát chứ ai nữa. Mẹ, đúng là trời sinh một cặp, giàu đẹp cả đôi. Đấy, người ta chọn vợ phải chọn thế chứ, ngon nghẻ như sếp thì thèm vào mà để mắt đến mấy nhân viên quèn bọn mình.
– Mày nói thật không đấy? Sao sếp cưới vội thế, huhu, tao còn chưa kịp tán sếp mà. Sếp lấy vợ rồi thì tao biết làm sao đây. Tưởng tượng ra cảnh sếp mình ngủ với vợ là lòng tao đau như cắt.
– Mẹ mày, không ngủ với vợ thì chả lẽ ngủ với mày chắc, thôi im mồm rồi làm việc đi không chị trưởng phòng cho mày về quê chăn lợn bây giờ.
– Cho tao xin bịch giấy, tao chui vào nhà vệ sinh khóc lóc cho tâm hồn đau khổ của tao đã.
Thấy các chị ấy nói thế, trong lòng tôi cũng nặng nề thở dài một tiếng, nhưng thật đáng buồn là ngay cả việc chui vào nhà vệ sinh khóc lóc tôi cũng chẳng làm được, tôi không có tư cách gì để đau buồn trước việc anh ta lấy vợ, thế nên có muộn phiền đến thế nào cũng chỉ có thể giấu riêng cho mình mình biết mà thôi.
Sau hôm ấy, tôi để ý thấy bên phía Hải không có thêm động tĩnh gì, mà Huy cũng không vạch trần anh ta, mọi việc vẫn diễn ra rất bình thường, y như chưa hề có chuyện Hải hại con tôi hay cố ý trộn lô máy kém chất lượng vào sản phẩm xuất ra của Lạc Thành vậy.
Trong lòng tôi vốn dĩ rất thắc mắc về vấn đề này, nhưng tôi hiểu Huy là người làm việc gì cũng đều có lý do cả, có lẽ anh ta chưa vạch trần Hải không phải là vì không dám, mà là chưa đến lúc. Bởi vì dù sao em trai anh ta vẫn đang nắm giữ 24% cổ phần Lạc Thành, lại là kiểu đàn ông bụng dạ thâm sâu chứa đầy dao găm, Huy cẩn thận tính từng bước cũng là điều nên làm.
***
Trôi đi thêm một tuần nữa cũng đến giáp tết âm lịch, mọi người bắt đầu nô nức sắm sửa đồ đạc tân trang lại nhà cửa, người người háo hức đặt mua online mấy món đồ xinh xinh chuẩn bị cho một kỳ nghỉ dài. Ngay cả phòng kinh doanh tôi làm bận tối mắt tối mũi như vậy mà mấy anh chị vẫn dành thời gian để mua mấy tờ giấy hình hoa đào dán khắp nơi.
Luật sư Vinh bảo tôi:
– Đúng là không khí tết sắp tràn đến tầng 10 rồi. Năm nay nhuận nên tết muộn hơn mọi năm, thấy dài quá đi.
– Anh lớn rồi còn thích tết à?
– Thích chứ. Tết được ở nhà ngủ thì chẳng sướng à? Em không biết đâu, lên công ty suốt ngày nhìn thấy đống hợp đồng rồi điều khoản các kiểu đã thấy đau cả đầu. Ở nhà xem tiktok ngắm gái đẹp và ngủ là sướng nhất.
– Thôi đi, anh không định đi tán tỉnh ai đó để còn lấy vợ hả?
– Sếp 33 còn chưa lấy, anh mới 29 thì sợ gì. Em đã mua sắm gì cho Bí Ngô chưa? Tết chắc là cũng phải mua sắm ít quần áo cho con bé hả?
– Vâng, nhưng em bận quá chưa mua được, chắc chủ nhật tuần này em mới đi.
– Ừ, nhớ mua cho con bé mấy cái váy công chúa xinh xinh vào nhé. Đáng yêu như Bí Ngô thì phải làm công chúa.
Tôi bật cười:
– Vâng, em sẽ mua váy xinh rồi chụp gửi hình cho anh xem để anh lấy động lực cưới vợ đẻ con.
– Ý kiến được đấy. Muốn có đứa con gái xinh như con gái em. Tên đẹp như con gái em. Đoàn Trường An… chà chà… Đẹp y hệt Đoàn Việt Huy vậy.
– Xùy, không nói chuyện với anh nữa, em về phòng dán hoa đào đây.
Cuối tuần đó, vì đã lâu không có dịp gặp chị Thanh nên tôi mới gọi điện cho chị, rủ chị Thanh đi mua sắm ít đồ cùng tôi. Chị Thanh nghe thế thì đồng ý ngay, cười tươi rói bảo tôi:
– Ôi giời ơi, chị chờ mỗi câu này của mày thôi đấy. Định lúc nào đi? Chị qua đón.
– Em đi taxi qua chỗ chị nhé? Tiện đi luôn.
– Thế có cho Bí Ngô đi không?
– Sáng nay cháu không có nhà bác ạ, để lần sau em đưa cháu đến.
– Ơ, chủ nhật mà vẫn phải đi học à?
Dạo gần đây tần suất học của con bé đã giảm đi một nửa rồi, nghe nói cô giáo dạy lễ nghi của con bé chuẩn bị đi nước ngoài nên nghỉ, “bác cả” của con gái tôi tạm thời vẫn chưa tìm được người nào dạy lễ nghi thay nên quyết định để qua tết mới tính tiếp. Có điều, sáng nay ông nội của con bé lại đưa nó đến bệnh viện thăm Tuấn, mà tôi cũng không được đưa con ra ngoài nên đành bảo với chị Thanh:
– Không ạ, cháu đi thăm bố với ông nội nên không có nhà. Thôi giờ để em đi taxi qua.
– Ừ, qua siêu thị nhé. Chị chờ.
– Vâng.
Lâu rồi chẳng có bộ quần áo nào mới nên tôi với chị Thanh quyết định đến một cửa hàng đồ nữ giá bình dân, ban đầu, tôi chỉ chọn mấy bộ quần áo đứng đắn bình thường, nhưng chị Thanh cứ gạt đi:
– Thôi tao xin mày đấy, từ xưa đến giờ toàn thấy mày mặc quần áo, đã thấy mày mặc váy bao giờ đâu. Đổi gu đi. Mua lấy mấy bộ váy mà mặc cho đẹp.
– Nhưng em quen mặc quần áo rồi, mặc váy cứ vướng víu thế nào ấy.
– Mày tồ lắm, phải mặc váy thì mới thướt tha, bọn đàn ông nhìn thấy mới lác mắt. Mẹ, mày chưa nghe gái một con trông mòn con mắt à? Người mày đẹp thế, không mặc váy thì phí bỏ mẹ. Để yên, chị chọn cho mấy bộ váy.
Tôi ngại nên bảo thôi, nhưng chị Thanh vẫn cứ kiên quyết chọn váy bắt tôi mặc, bà ấy mua liền một lúc 6 bộ váy, chia đều mỗi người 3 bộ. Xong lúc thanh toán tiền còn nhất định trả thay cho tôi. Tất nhiên là giờ tôi vẫn nghèo nhưng không đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc, phải để chị Thanh cho tiền như xưa nữa, tôi nhất quyết bảo:
– Thôi tý chị mua cho Bí Ngô đồ chơi, còn giờ cái này để em trả tiền. Nhiều thế chị để em trả, không tối nay em ăn không ngon ngủ không yên.
– Mày thì có bao nhiêu tiền mà trả?
– Em có tiền thật mà, chị xem này. Em có tiền.
Tôi chìa mấy tờ tiền trong túi ra, ở trong đó là mấy triệu tiền dành dụm từ hồi tôi làm một ca ở siêu thị, tôi tiết kiệm nên không ăn không tiêu gì. Chị Thanh thấy tôi kiên quyết đòi trả, cuối cùng cũng phải chịu để tôi thanh toán. Xong xuôi chị ấy mới kéo tôi sang một trung tâm thương mại cao cấp ở ngay gần đó, vẻ mặt háo hức nói với tôi:
– Hôm qua chị thấy trong trung tâm thương mại này có một bộ váy xinh lắm, Bí Ngô chắc mặc vừa đấy. Váy đẹp như công chúa Elsa ấy.
– Nhưng đồ trong ấy đắt lắm bác ơi, thôi đi ra ngoài mua cho rẻ, nó còn nhỏ, mặc xong lại phải lớn rồi bỏ đi, tiếc lắm chị ạ. Chị em mình ra ngoài mua thôi.
– Yên tâm, chị có cái voucher VIP trong này, hôm trước bà giám đốc siêu thị mình vừa cho chị xong. Đúng cái quầy hàng đó luôn. Được giảm 35% đấy. Sắp đến tết rồi còn gì, chị mua quà tết cho con bé luôn.
Nói mãi chị ấy không được, thế là tôi đành phải theo vào trung tâm thương mại cao cấp đó. Chị Thanh dẫn tôi vào một cửa hàng bán váy công chúa cho trẻ em, chọn một chiếc rất xinh rồi chìa voucher ra, mặt mày phấn khởi nói:
– Đây, tôi có cái voucher giảm giá đây, nhớ giảm cho tôi nhé.
– Ơ chị ơi, nhưng mà phải mua trên 2 triệu mới được giảm chị ạ.
– Nhưng trong voucher có ghi giới hạn số tiền đâu. Đây, chị xem đây này, chỉ ghi là giảm 35% thôi.
– Thế chắc cái này bị in lỗi ấy chị ạ. Em vẫn có mẫu voucher đây, để em cho chị xem.
– Không, tôi không biết, voucher này in lỗi là do bên các chị chứ, có phải do tôi tự tẩy xóa đâu.
– Chị ơi em cũng là nhân viên thôi ạ, em chỉ chấp nhận voucher đúng thôi, voucher lỗi mà em nhận là em phải đền tiền chị ạ. Chị thông cảm.
– Thế thì chị gọi quản lý ra đây, tôi có voucher này thì phải giảm 35% cho tôi chứ, chị cứ gọi quản lý ra đây nói chuyện với tôi.
Tự nhiên tranh cãi vì cái voucher thế này làm mấy người đi qua ai cũng nhìn, mà vào nơi này thì toàn người có tiền, chẳng ai thèm để ý đến giá cả chứ đừng nói là voucher giảm giá, thế nên tôi thấy ngại vô cùng.
Tôi nói:
– Thôi chị ơi, váy này giảm rồi vẫn còn hơn một triệu, đắt quá, đừng mua nữa, tiếc tiền lắm. Mình đi thôi.
– Không, thế tự nhiên bỏ cái voucher này đi chả phí à? Mày cứ đứng đây đợi chị, kiểu gì chị cũng đòi bằng được giảm 35% váy cho con mày.
Chị Thanh thì nhất quyết không nghe tôi, cứ đứng đó đòi nhân viên bán hàng phải giám giá theo đúng voucher, không giảm thì không đi. Tôi ngượng với những người xung quanh quá nhưng kéo thế nào cũng không được, chị Thanh đang cãi hăng mới theo phản xạ vung tay ra, làm tôi mất đà loạng choạng lùi về phía sau vài bước rồi vô tình va phải người đang đi đến.
Tôi chưa kịp nhìn rõ là ai đã vội vàng cúi xuống nhặt mấy túi đồ rơi vung vãi rơi dưới đất, toàn là hàng hiệu, sợ hỏng của họ nên rối rít nói xin lỗi:
– Xin lỗi ạ, tôi không nhìn đằng sau nên va phải chị, xin lỗi chị ạ.
– Không sao.
Giọng nói này hình như có chút quen tai nên tôi hơi sững lại, lúc này, nhìn sang bên cạnh thì lại thấy bên cạnh đôi giày cao gót của cô gái ấy còn có một đôi giày da quen thuộc.
Huy lặng lẽ cúi xuống nhặt đồ cùng tôi, lúc này tôi không dám nhận người quen nên mím môi im lặng, vội vã cúi thấp đầu tỏ ra không quen anh ta. Cô gái kia thấy Huy nhặt thì cũng chậm rãi cúi xuống, cầm lấy túi đồ trong tay tôi rồi mỉm cười đáp:
– Không sao đâu chị ạ. Tại em đi không cẩn thận nên va vào chị. Chị có đau chỗ nào không?
– Không. Tại tôi không để ý nên mới đụng vào chị. Xin lỗi.
– Không sao mà, chị đứng dậy đi.
Giọng của cô ấy rất nhẹ nhàng, những ngón tay cũng thon dài và mảnh khảnh, lại trắng tinh, khác hẳn đôi bàn tay chuyên khuân vác đồ trong siêu thị của tôi. Khi ấy, cảm giác cách biệt thân phận giữa tôi và thế giới thượng lưu lại càng kéo thật xa hơn, nhưng số mệnh con người vốn là như thế, chẳng ai chọn được nơi mình sinh ra, cho nên tôi chỉ cười rồi đứng lên trả mấy túi đồ hàng hiệu cho cô ấy:
– Xin lỗi chị ạ.
Linh nhận lấy mấy túi đồ từ tay tôi, khẽ mỉm cười một cái:
– Em nói là không sao mà, chị đừng khách sáo.
– Vâng.
Nói đến đây, tôi cũng không dám liếc Huy mà chỉ gật đầu với cô ấy một cái rồi định đi lại chỗ chị Thanh. Ai ngờ vừa bước được hai bước, anh ta đột nhiên lên tiếng:
– Đi đâu thế?