Ngồi trong quán bar tôi hỏi:
Vì sao sổ tay cô lại ghi: “Đến nay cây đã um tùm tán xanh?” (1)
Cô ấy thing lặng không đáp.
Nửa đời trước của Ba Đóa Kim Hoa có thể tổng kết bằng cụm từ “Dương Quan tam điệp” (2).
Cô ấy viết một câu vào trang lót cuốn sổ tay:
Đến nay cây đã um tùm tán xanh.
Có lần, cô ấy gọi điện cho một gã:
– Chia tay hay không chia tay?
Cô ấy khóc như mưa trong điện thoại. Mãi cho đến một hôm, cô ấy bảo:
– Tôi đã được giải thoát. Tôi sẽ không bao giờ khóc trong điện thoại nữa.
Tôi hỏi:
– Vì sao?
– Khi người ta không còn yêu anh, thì anh khóc lóc cũng là sai, mỉm cười cũng là sai, bình tĩnh cũng là sai, nổi nóng cũng là sai, còn sống, còn hít thở cũng là sai, thậm chí lăn đùng ra chết cũng là sai. Trái lại, dù tôi khóc lóc hay mỉm cười, bình tĩnh hay nóng giận, còn sống hay đã chết, mẹ tôi vẫn luôn yêu tôi.
Sau này cô còn định thảo luận với đàn ông về chuyện chia tay nữa không?
Chia chia chia, thà chia tiền còn hơn!
Đó là bước ngoặt đầu tiên, khúc Dương Quang thứ nhất.
Nhưng chẳng bao lâu sau, cô ấy lại tiếp tục yêu đương cuồng si.
Lần này, gã đàn ông của cô ấy rất dị, chẳng có việc gì cũng xức nước hoa nồng nặc và cài nơ.
Ở đoạn cuối của câu chuyện tình yêu này, gã ái nam ái nữ kia tặng Ba Đóa Kim Hoa một câu thơ cổ:
Trả ngọc chàng, lệ như mưa.
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng. (3)
Đồ thần kinh, đồ bất nam bất nữ, đồ bệnh hoạn!
Tuy ngoài miệng mắng chửi tình cũ thậm tệ, nhưng Ba Đóa Kim Hoa vẫn giam mình trong nhà khóc ròng.
Một thời gian sau, trong khi rót nước, cô ấy vẫn bần thần nhớ lại chuyện cũ, nỗi đau ùa về, đau đến nỗi nước trào ra khỏi cốc, nước lênh láng nền nhà và cô ấy lại ngồi sụp xuống mà khóc.
Xem ti vi, dù là phim hài, nước mắt cô ấy cũng có thể trào ra như suối tuôn, rồi cô ấy kéo chăn trùm kín đầu, toàn thân co quắp như một con tôm.
Tôi không sống nổi, cô ấy thầm nghĩ, nếu không thể quay lại, tôi không muốn sống tiếp nữa.
Cô ấy sẽ mất ngủ, cầm cốc cà phê ngồi ngoài ban công, lặng lẽ chờ trời sáng. Và dòng trạng thái trên trang cá nhân của cô ấy sẽ có một câu văn sến súa của gã nhà văn hạng ba Trương Gia Giai:
Yêu anh nhiều lắm, nhiều nhiều lắm!
Yêu anh nhiều lắm, nhiều nhiều lắm!
Yêu anh nhiều lắm, nhiều nhiều lắm!
Yêu anh nhiều lắm, nhiều nhiều lắm!
Nếu ta yêu nhau, nhất định sẽ bên nhau.
Có thể từ bỏ tất cả, nhưng nhất định không thể từ bỏ “nhất định”.
Khi chủ nhân đã thành cái xác không hồn, thì căn nhà cũng trở nên hoang vu, lạnh lẽo.
Căn phòng của cô ấy trở thành đống rác. Quần áo và thực phẩm ở chung một chỗ. Khách viếng thăm chỉ có ruồi và kiến.
Mẹ cô ấy đến thăm, giúp cô ấy dọn dẹp.
Mẹ cô ấy ở quê, buổi chiều không có chuyến xe nào để về, nhà Ba Đóa Kim Hoa lại cách bến xe rất xa, vì thế mẹ cô ấy phải dạy từ rất sớm.
Lúc mẹ về, Ba Đóa Kim Hoa vừa tăng ca về nhà, vì quá mệt cô ấy thiếp đi, không đủ sức tiễn mẹ.
Mẹ nói:
– Không cần tiễn mẹ đâu, mẹ quen đường rồi.
Ba Đóa Kim Hoa nói:
Ba Đóa Kim Hoa nói:
– Thế con ngủ đây.
Mẹ bảo:
– Mau ngủ đi.
Ba Đóa Kim Hoa không nghe tiếng mẹ khép cửa, nhưng cô nghe thấy mẹ khóc.
Ba Đóa Kim Hoa lập tức bật dậy, gọi:
– Mẹ sao thế?
Mẹ vừa khép cửa vừa nói:
– Không sao, không sao! Con mau ngủ đi!
Nhưng rõ ràng mẹ đã khóc kia mà. Ba Đóa Kim Hoa không kịp xỏ dép, vội vàng chân trần lao ra ngoài, gọi:
– Mẹ ơi, mẹ, có chuyện gì vậy?
Cửa thang máy đã đóng, tiếng mẹ thổn thức:
– Ngày nào cũng đi làm về khuya, mẹ không thể yên tâm về con…Con không biết chăm sóc bản thân gì cả. Con cứ thế mẹ làm sao yên lòng cho được…
Từng tiếng, từng tiếng thẫm đẫm nước mắt của mẹ.
Ba Đóa Kim Hoa không mở cửa, cô vịn tay vào cửa, nước mắt lã chã.
Suốt một thời gian, cô ấy ở lì trong nhà uống rượu.
Đồng nghiệp chúng tôi đến uống với cô ấy.
Cô ấy say khướt, bắt đầu nổi điên.
Chúng tôi định đưa cô ấy về phòng ngủ.
Nhưng cô ấy bỗng nhiên bật khóc. Chúng tôi để mặc cô ấy.
Bởi vì chúng tôi cũng đang khóc.
Cô ấy nằm bò ra bàn, say mềm, giọng lè nhè:
– Mẹ ơi, vì sao mẹ già đi? Mẹ ơi, vì sao mẹ già đi?
Con muốn về, con muốn về lại ngày xưa. Hồi đó, mẹ vẫn là một giáo viên cấp hai bình thường. Con gầy gò ốm yếu, bị đám con trai bắt nạt. Con cãi nhau với đám con gái, bị thầy cô trách phạt. Con không muốn bắt đầu lại từ đầu, không muốn trải qua những kỳ thi cuối khóa. Nhưng con vẫn muốn trở lại ngày xưa. Bởi vì mẹ của con đã già. Mẹ ơi, con muốn mình chỉ lẫm chẫm đến đầu gối mẹ thôi. Mẹ hãy cho phép con bỏ nhà ra đi những khi bị mắng chửi. Mẹ hãy cho con được đi hái dâu rừng cùng chúng bạn. Mẹ hãy cho con được cưỡi chiếc xe đạp cao lênh khênh ấy. Mẹ hãy phạt con đứng úp mặt vào tường. Mẹ ơi, chỉ cần mẹ không già đi…
Sau đó, Ba Đóa Kim Hoa nằm vật ra đất.
Chúng tôi vội đến dìu cô ấy.
Nhưng cô ấy lại khóc và gào thét. Chúng tôi không dìu cô ấy nữa.
Vì chúng tôi cũng khóc.
Cô ấy quỳ dưới đất:
– Mẹ ơi, con yêu mẹ.
Mẹ ơi, vì sao mẹ già đi? Mẹ ơi, con yêu mẹ.
Mẹ ơi, vì sao mẹ già đi?
Mẹ ơi, con lạy mẹ. Một lạy, tạ ơn sinh thành của mẹ. Một lạy tạ ơn dưỡng dục của mẹ. Một lạy tạ ơn mái tóc ngày càng nhiều sợi bạc của mẹ.
Mẹ ơi, hãy cho con dập đầu trước mẹ.
Mẹ ơi, khi còn là đứa bé vui vẻ, mẹ vẫn còn trẻ. Khi con tung tăng ca hát, mẹ vẫn còn trẻ. Nhưng con nay đã khôn lớn và mẹ đã già.
Sau đó, cả bọn say bí tỉ, đều khóc hết hơi. Kể từ hôm ấy, trong vòng một tháng, Ba Đóa Kim Hoa không đến gần bất cứ người đàn ông xa lạ nào.
Đó là bước ngoặt tiếp theo, khúc Dương Quang thứ hai.
Bước ngoặt cuối cùng, cũng là kết thúc.
Cô ấy lại chia tay.
Sau khi chia tay, cô ấy trở nên cau có, khó chịu, Giám đốc và đồng nghiệp đều muốn tránh xa ba mét.
Nghe nói phụ nữ trái tính, trái nết là do nội tiết bất thường.
Và trên dòng trạng thái trong trang cá nhân của cô ấy liên tục đăng tải những câu văn sến súa mới nhất của gã nhà văn hạng ba Trương Gia Giai:
Kiêu ngạo để thua thời gian, kiến thức để thua thực tiễn, vui vẻ để thua nhung nhớ, quyết tâm để thua lưu luyến, sức khỏe để thua đêm trắng, gắn bó để thua tháng năm.
Hôm đó, đang họp thì Ba Đóa Kim Hoa nhận được điện thoại. Thế là chân va vào ghế, đầu đập vào cánh cửa, cô ấy lảo đảo chạy đi tìm thang máy.
Phòng họp chỉ cách thang máy mười mấy mét.
Chưa đến nơi nước mắt cô ấy đã tuôn rơi như mưa.
Không có chuyến xe đêm đường dài.
Cô bắt taxi về quê.
Mẹ bảo:
– Đừng tăng ca nữa, hại sức khỏe lắm con ạ.
Ba Đóa Kim Hoa vừa khóc vừa gật đầu.
Mẹ bảo:
– Nhớ dọn dẹp phòng ốc. Mẹ lo lắm, nửa đêm nửa hôm con ra ngoài làm gì, ăn mặc phong phanh như thế…
Lúc nói những lời này, mẹ vẫn siết chặt tay Ba Đóa Kim Hoa. Lời vừa dứt, tay mẹ đã trôi xuống.
Đó là câu nói cuối cùng của mẹ với Ba Đóa Kim Hoa.
Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng.
Trước kia, nếu vì thất tình, nhiều nhất Ba Đóa Kim Hoa cũng chỉ bỏ việc một tuần.
Lần này là cả tháng. Hết tháng cô mới quay lại công ty.
Giám đốc không trừ một đồng lương nào của cô.
Tháng đầu tiên khi quay lại làm việc, nước mắt Ba Đóa Kim Hoa tuôn rơi lã chã trong lúc cô đánh máy.
Vì vậy, cô ấy không dám đánh máy nữa.
Ngày nào uống nước, cô ấy cũng khóc.
Vì vậy, cô ấy không nuốt nổi hạt cơm nào.
Lúc nào vào họp cô ấy cũng khóc.
Vì vậy, cô ấy không có thành tích.
Nhưng giám đốc không trừ một đồng lương nào của cô ấy.
Mẹ bảo: Con không biết chăm sóc bản thân, mẹ làm sao mà yên tâm được…
Mẹ bảo: Nhớ dọn dẹp phòng ốc. Mẹ lo lắm, nửa đêm nửa hôm con ra ngoài làm gì, ăn mặc phong phanh như thế…
Sau khi hồi tỉnh, cô ấy biến thành Ba Đóa Kim Hoa.
Cô ấy vốn cười không hé răng, thì nay lại thích thét gào, đầu lưỡi lúc nào cũng như muốn chọc thẳng lên lợi.
Cô ấy vốn đi lại nhẹ nhàng, thì nay lại thích chạy nhảy, đã nhiều lần dép cao gót đá văng ghế ngồi.
Ngồi trong quán bar, tôi hỏi:
– Vì sao sổ tay cô lại ghi: Đến nay cây đã um tùm lá xanh?
Rồi tôi chợt nhớ, câu đó trong bài Hạng Tích Viên chí của Quy Hữu Quang:
Cây sơn trà trong sân
Tôi trồng cây ngày vợ mất
Đến nay cây đã um tùm lá xanh
Ba Đóa Kim Hoa thích ăn đào.
Trước ngày mẹ mất, mẹ trồng một cây đào trong sân. Nhưng cây chưa kịp ra hoa kết quả, mẹ đã về với tổ tiên.
Cây đào ngày ấy, đến nay đã um tùm tán xanh.
(1) (3) Những câu thơ trong bài Tiết phụ ngâm (Khúc ngâm của người tiết phụ) của nhà thơ Trương Tịch, thời Đường, Trung Quốc. Bản dịch thơ của Ngô Tất Tố.
(2) Bài hát Khúc Dương Quan tam điệp thường được hát khi tiễn biệt nhau. Dương Quan là một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, trong văn chương, địa danh này được sử dụng với nghĩa bóng để chỉ nơi tiễn biệt.