[Quyển 3] Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện - Tình Nhi Nữ

Chương 26-2: Võ lâm độc tôn (hạ)



Tình trạng căng thẳng kết thúc, Cửu Dương mới cảm giác đau ở hai vai.  Vết thương trên vai chàng sâu đến tận xương, lại thêm gió núi thổi thấu áo, lẩn vào da thịt khiến chàng rùng mình.  

Cửu Dương trở ra bìa rừng, thấy Tế Độ vẫn còn ngồi dưới đất ôm thi thể Hà Tử Lăng.

Khi này hướng hẻm núi không còn vọng đến tiếng gươm đao.

Cửu Dương kéo khăn che mặt xuống, giắt cây quạt vào thắt lưng, sau đó cúi nhìn Tế Độ.  

Cửu Dương thấy đôi mắt Tế Độ thất thần, cặp mắt đang hướng tới một nơi nào đó, bất định.  Y phục cũng như thần sắc trên mặt Tế Độ tiêu điều xác xơ.  

– Vết thương các hạ thế nào? – Cửu Dương hỏi.

Tế Độ vẻ như không nghe câu hỏi của Cửu Dương, thể xác và tinh thần chàng đều quá mệt mỏi rồi.  

Cửu Dương lặp lại câu hỏi lần nữa, Tế Độ mới choàng tỉnh, nhìn Cửu Dương.  

– Tại hạ không sao, đa tạ các hạ đã ra tay tương cứu.

Tế Độ nói, đoạn nhìn y phục Cửu Dương đầy máu, Tế Độ nói tiếp:

– Còn các hạ…

Cửu Dương nhìn theo ánh mắt Tế Độ, lắc đầu cướp lời:  

– Không hề gì.

Tế Độ loạng choạng bế Hà Tử Lăng định đứng lên.  Cửu Dương bèn cúi xuống thay Tế Độ bế Hà Tử Lăng.  

Tế Độ chống hai tay lên gối chàng, chệnh choạng đứng dậy.  Đúng lúc này Sách Ngạch Đồ, Sách Ni, Mã Tề, Đông Quốc Duy cùng xa giá và đoàn quân Chính Bạch Kỳ tới bìa rừng.  

Sách Ngạch Đồ thấy Tế Độ lảo đảo, chụp lấy cánh tay Tế Độ.   Sách Ngạch Đồ quàng tay Tế Độ qua cổ chàng, giữ cho Tế Độ khỏi ngã.

Trong khi Cửu Dương nói với Tế Độ rằng Ngao Bái vẫn còn sống, bọn lính Chính Bạch Kỳ nhìn Cửu Dương trân trối.  Tất cả đều không ngờ cứu nhân của họ chính là Giang Nam Thất Hiệp lừng danh trong võ lâm, người mà mấy năm trước từ chối lời khuyên hàng của Trương Dũng trong hẻm Đá Ma.  

– Đa tạ các hạ đã từ kinh thành xa xôi đến tận nơi hoang sơn dã lĩnh này cứu giá.  Đám người chúng tôi sẽ không bao giờ quên ân nghĩa cứu mạng.

Sách Ni ôm quyền nói với Cửu Dương.  Cửu Dương cúi đầu đáp lễ Sách Ni.  Sách Ni tiếp:

– Công phu các hạ đúng là đã đạt tới cảnh giới “khí giới trong Tâm” rồi.  Mọi thứ xung quanh các hạ dù cho có là cỏ, cây, rơm, rạ, các hạ cũng đều có thể biến chúng thành binh khí.  Khi các hạ đánh bọn Huyết Trích Tử, lão phu thấy chiêu nào cũng giữ được khí trầm hai chân vững, thân pháp rất tự nhiên.  Còn khinh công thì như chim én vi vu chao liệng, thật làm lão phu vô cùng khâm phục!

Mã Tề nói:

– Tiếc quá!  Nếu mấy người chúng ta không bị bọn Huyết Trích Tử cầm chân ở hẻm núi đã có thể đi xem cảnh Ngao Bái bị đả bại như thế nào rồi!

Đông Quốc Duy tặc lưỡi:

– Chúng ta đã bỏ lỡ trận tỉ đấu có một không hai trong chốn giang hồ!

Từ đầu chí cuối Sách Ngạch Đồ chỉ im lặng, đưa mắt nhìn Tế Độ.  Trong lòng Sách Ngạch Đồ cảm thấy buồn cho Tế Độ.  Tế Độ giống như người trân quý một thứ đồ trong tay, đột nhiên bị người khác lấy mất, nét tiếc nuối và đau khổ hiện rõ trên mặt.  

Sách Ngạch Đồ nghĩ đến tình yêu mà Tế Độ dành cho Nữ Thần Y là thiên trường, địa cửu, kiếp này khắc cốt ghi tâm khó lòng quên được.  Người con gái đó đã đi qua cuộc đời Tế Độ, để lại một vết thương thật sâu.  Dấu vết ấy chính là hạnh phúc, nhưng cũng là nỗi đau khắc vào trong tim và trong tâm tưởng về sau này.  Cho dù thời gian có qua đi, vết thương đó lành lại, nhưng vẫn trở thành vết sẹo to tướng, chẳng thể nào hoàn toàn phai mờ theo thời gian, nó sẽ cứ nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời.

Sách Ngạch Đồ nén tiếng thở dài.  

– Các vị đã quá lời – Cửu Dương nói – Các vị đây đều là cao thủ chốn công môn cả.  Nhưng vì tình thế trước hẻm núi hiểm ác, kỳ dị, nên các vị mới chưa thể thi triển hết sở trường.  Bằng không cho dù Ngao Bái có mọc thêm một Thiết Đầu Công cũng chỉ có thể đưa cổ đợi các vị chém.

Sách Ni, Đông Quốc Duy, Mã Tề lắc đầu.  Cửu Dương nói thêm:

– Tại hạ nghe danh Thần Kiếm Song Lân của Mã đại nhân đã lâu…

– Thần kiếm gì đâu – Mã Tề khoát tay cười xòa, ngắt lời Cửu Dương – Mã mỗ tự biết bản thân không làm sao sánh bằng các hạ.  Các hạ là truyền nhân chính tông của đại sư Giác Viễn.  Cho nên phong cách đi quyền, cước, khinh công, các hạ đều thể hiện được chữ “ngạnh.”  Còn tại hạ, danh xưng đó chỉ là do năm xưa khi theo tiên hoàng săn nai ở vi trường Mộc Lan, tiên hoàng săn được cặp hươu trắng, trong lúc cao hứng đã ban thanh gươm có khắc hình song lân đang đeo bên hông cho tại hạ.  Sách thị lang đại nhân cũng có mặt lúc đó, ngài còn nhớ không, Sách thị lang đại nhân?

Sách Ngạch Đồ nghe Mã Tề hỏi, lên tiếng tiếp lời Mã Tề:

– Đúng là cha tại hạ và các vị đại nhân không nói quá lời.  Chẳng riêng gì chúng tôi, mà binh sĩ Chính Bạch Kỳ ở đây ai ai cũng đều ngó thấy khi các hạ đi quyền rất dũng mãnh, có lực, trong cương có nhu.  Chiêu chiêu thế thế thì không công thời thủ chứ không hề hoa dạng suông như khi đám người chúng tôi đi quyền.  Còn bàn về cước pháp, các hạ xuất cước vô cùng linh hoạt, công thủ gồm đủ cả, nhưng chủ yếu công kích.  Quyền và cước vừa có mỹ quan về ngoại hình vừa có nội lực thâm hậu không lường.  Thêm vào đó khinh công các hạ lúc tiến lui cũng vô cùng mau lẹ, khí trầm đan điền mỗi lần di chuyển.  Hai chân ra, vào, phải, trái, trước, sau đều nhanh nhẹn như hầu, nhưng không làm tà áo bay lên, cát bụi cũng không hề dịch chuyển chút nào.

Binh sĩ Chính Bạch Kỳ gật đầu cho lời Sách Ngạch Đồ là phải.  

Tối đó mọi người không nghỉ lại trong rừng tre mà đốt đuốc tiếp tục lên đường.  Khi xa giá đến Chiêu Tây Lăng, tia sáng của một ngày bắt đầu ló dạng trong vùng sơn dã.  Tứ bề gió thổi mạnh khiến những chiếc lá chạm nhau gảy nên giai điệu dồn dập.  Được một lúc gió thổi nhẹ, lá cây chuyển sang giai điệu chậm rãi đều đều.  Đâu đó có tiếng chim kêu ríu rít trong những bụi cây, thỉnh thoảng cũng chen vào tiếng hót cao vút của loài sơn ca.

(còn tiếp)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.