Bên trong một quán ăn nhỏ ở khu thứ 10 thuộc thành phố Degola.
Hải An, một cậu thiếu niên 14 tuổi đang mang một phần cơm đến cho vị khách duy nhất ngồi trong quán.
Đây là một quán ăn nhỏ, thực đơn không quá đa dạng, nhưng giá cả lại rất bình dân. Thực khách mỗi ngày cũng chỉ tầm từ 15 đến 20 khách. Tính ra cũng khá là vắng vẻ. Cả quán ăn cũng chỉ có mỗi Hải An là nhân viên. Còn đầu bếp thì chính là chủ quán.
Chị Hà chủ quán rời khỏi gian bếp, chị tiện tay tháo luôn chiếc tạp dề trên người.
– An ơi! Xong em vào bếp xếp thùng khoai tây sang chỗ khác nhé. Cái ông giao hàng không hiểu suy nghĩ kiểu gì lại để thùng khoai tây lên trên mấy hộp trứng.
Hải An đang mang tai nghe chống ồn, cậu nhìn khẩu hình miệng của chị Hà và nhẹ gật đầu.
– Ừm… em nghe thấy rồi.
Hải An là một đứa trẻ đã sống chung với vất vả từ khi còn bé. Tính cách có chút lầm lì, ít nói nhưng thực ra cậu là một thiếu niên rất tử tế và hiền lành. Mọi người đều yêu quý cậu trai trẻ này. Nhưng hơn cả, là họ thương xót cho cuộc đời của Hải An, vì cậu mắc một số bệnh bẩm sinh khó chữa. So với đồng trang lứa thì Hải An khá gầy, chiều cao cũng chỉ ở mức phổ thông. Cậu trai trẻ lúc nào cũng mang theo khẩu trang khiến hình tượng của cậu lại càng trông yếu đuối.
Nhưng sự thật lại có chút khác biệt. Hải An từ khi còn nhỏ là một đứa trẻ rất bình thường. Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì mà các giác quan của cậu trở nên rất nhạy cảm. Thị lực phát triển một cách không cần thiết, thính giác mở rộng phạm vi tiếp nhận âm thanh, khứu giác nhạy bén theo hướng thái quá, cảm nhận của vị giác trở nên chi tiết và rõ ràng, xúc giác thì phóng đại những cảm giác nhận được. Các giác quan của Hải An đã phát triển một cách bất thường so với tiêu chuẩn của con người.
Vậy nên từ khi nhận ra sự bất thường đó, Hải An thường xuyên đeo kính, mang khẩu trang, bịt kín cả người bằng quần áo hoặc vải mềm. Thậm chí mẹ của cậu còn để tiền mua cho cậu một cặp tai nghe chống ồn.
Không phải Hải An chưa từng đến bệnh viện để kiểm tra nhưng kết quả kiểm tra lần nào cũng rất vô dụng. Cậu được chẩn đoán là bị Rối Loạn Cảm Giác thuộc về trường hợp Rối Loạn Tăng Cảm Giác. So sánh với các biểu hiện thì gần như trùng khớp. Hải An cũng đồng ý cho rằng mình mắc phải chứng bệnh đó, nhưng vô số lần điều trị đều không có kết quả.
Chứng bệnh đó khiến Hải An gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Mẹ và anh trai đều rất lo lắng. Bản thân cậu thì cảm thấy khó chịu và khó hòa nhập với tất cả mọi thứ. Mặc dù đã chi rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nhưng sau cùng thì số tiền chữa trị đều là công cốc.
Dần dần, Hải An cũng chẳng còn quá hy vọng về việc trị bệnh. Thay vào đó cậu đã tập cách thích nghi. Cậu luyện tập phản xạ đối với mọi thay đổi từ môi trường. Kiểm soát phản ứng của mình đồng thời cũng đè nén lại sự bùng nổ cảm xúc khi phải chịu những kích thích đến từ bên ngoài.
Và thế là, một Hải An gầy gò, chậm chạp, lầm lì và ít nói đã xuất hiện.
Nghe được câu trả lời của Hải An, chị Hà cũng không để ý nữa. Chị lấy ra một thiết bị hình cầu với kích thước lớn xấp xỉ một cái chén. Sau khi khởi động thì thiết bị đó tạo ra một màn chiếu lơ lửng trên không. Trên màn hình là vô số nội dung cùng thông tin. Chị Hà đang thuận tay dò tìm qua lại trong những nội dung đó.
Thiết bị đó là một máy chiếu thuộc những đời đầu. Chị Hà đã may mắn tìm được và mua lại nó từ một cửa hàng đồ cũ.
Thiết bị phát ra những tiếng rè rè. Màn hình lâu lâu lại bị giật lắc. Sau một lúc điều chỉnh, gõ tới gõ lui thì thiết bị đó cũng phát ra được những âm thanh nghe tạm ổn. Chị Hà đang tìm kiếm thứ gì đó để giết thời gian.
/Keng!Kenggg!/
/Bamm/
Âm thanh vang lên, màn hình chiếu đã ổn định lại. Đây là một đoạn ghi hình của các Du Hành* giả.
Hải An đi ngang qua khu vực chị Hà đang ngồi để tiến vào bếp. Thông qua cặp kính hơi tối màu, ánh mắt của Hải An lướt qua đoạn ghi hình mà chị Hà đang mở. Tâm trí cậu cũng dâng lên chút tò mò. Nhưng sau khi phát hiện ra đó chỉ là một đoạn ghi hình cũ mà bản thân đã từng xem thì lại thôi.
Chị Hà nhìn vào đoạn ghi hình đầy sôi động nhưng gương mặt lại có chút bất mãn.
– Haa… đám Du Hành giả đợt này cũng chán chết! Ngày càng chán! Toàn là một lũ trói gà không chặt*!
Giọng nói của chị Hà ngày càng lớn, lời nói ngày càng cộc cằn. Thậm chí chị còn quơ tay khắp nơi.
Hải An sau khi xếp lại thùng khoai tây, cậu cũng tiện cầm theo bọc rác chuẩn bị đem ra bãi tập trung. Hải An luôn mang đôi tai nghe chống ồn, câu không thể nghe thấy tiếng chị Hà nhưng hành động chỉ tay bốn hướng của chị lại khiến Hải An dễ dàng nhận ra, rằng chị lại đang chê bai những Du Hành Giả thế hệ này.
Hải An đã từng thông qua khẩu hình miệng của chị mà nghe thấy lời phàn nàn đó vô số lần. Theo cá nhân thì cậu cũng thấy sự thật chính là như thế. Ngày càng nhiều người xem việc du hành qua các mảnh thế giới đơn giản như là một lần đi chơi, một lần tụ tập. Giàng cảnh và ghi hình lại chỉ để nhận được sự chú ý. Sự nhiệt huyết, hăng hái và kích thích của lúc ban đầu đã không còn xuất hiện.
Hải An muốn tiến tới để nói với chị Hà rằng cậu cần đem rác ra bãi tập trung. Ngay lúc đó cậu cũng thấy chị Hà đang lẩm bẩm.
– Không được, những thứ nhàm chán này còn không thể được sử dụng cho giải trí. Chắc nên xem lại đoạn ghi hình của Trương Hoàng Lâm.
Hải An chậm rãi cười.
– Chị mới coi một lượt hôm trước mà? Chưa gì đã muốn coi lại?
Chị Hà nhìn lên Hải An. Hải An là nhân viên duy nhất của chị cũng gần 3 năm. Cả hai người đã quá quen thuộc với nhau nên chẳng còn thấy gượng gạo khi nói chuyện kiểu này. Chị Hà nói, Hải An đọc khẩu hình miệng rồi trả lời.
– Có sao đâu! Thà xem lại còn hơn nhìn đám trẻ kia làm trò!
Đây không phải là câu trả lời gì quá mới mẻ. Hải An lại cười khi cậu đã đoán đúng câu trả lời của chị. Cậu giơ lên cánh tay đang cầm lấy bọc rác đen. Chị Hà cũng cười rồi vẫy vẫy tay ra hiệu.
– Ừ, ừ… đi đi.
Ngay lúc Hải An quay người lại, cậu chạm mắt với vị khách duy nhất đang ăn cơm ở trong quán. Vị khách đó nhìn Hải An và bắt đầu nói.
– An này! Sao không thử làm một chuyến? Một chuyến Du Hành. Đang ở độ tuổi sung mãn* như thế, đi một chuyến là đổi đời không chừng.
Hải An trở nên yên lặng. Cậu có thể hiểu được người khách đó đang muốn nói cái gì nhưng cậu lại phân vân về câu trả lời.
Người khách này thật ra cũng không quá xa lạ đối với chị Hà và Hải An. Đều là những người sống quanh đây.
Hải An đang suy nghĩ về câu trả lời thì chị Hà đã lên tiếng.
– Ăn nhanh đi ông già! Sắp đóng cửa!
Vị khách kia trừng mắt.
– Gì hả! Cái con nhóc này?
Hải An đang tiến về phía cửa, cậu quay lưng lại với chị Hà nên đã không nhận ra chị Hà vừa mới lên tiếng. Hải An nhìn vị khách đang trợn mắt. Cậu bối rối trả lời.
– Thể trạng của cháu chắc không đủ tiêu chuẩn để được cấp phép tham gia đâu.
Hải An lúng túng. Cậu cười gượng gạo rồi nhanh chóng bước ra khỏi quán. Chị Hà nhìn bóng lưng Hải An, chị cau mày quát lên.
– Lần sau không bán cho ông nữa! Đừng có lại tới đây! Đi quán khác mà ăn!
Vị khách “???”
—————————— Chú thích ——————————
– Rối loạn cảm giác: là sự bất thường trong các phản ứng của cơ thể đối với môi trường xung quanh. Bệnh có thể ảnh hưởng tới một hoặc nhiều giác quan. Nếu không điều trị, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống.
– Có hai loại rối loạn cảm giác phổ biến là rối loạn [Tăng] cảm giác hay còn gọi là phản ứng quá mức. Trường hợp thứ hai là rối loạn [Giảm] cảm giác là trường hợp bệnh nhân trở nên kém nhạy cảm, phản ứng chậm chạp.
– Du hành: là hoạt động đi khắp nơi. Có thể là một chuyến đi chơi xa hay là một chuyến đi với mục đích khám phá và học hỏi.
– Trói gà không chặt: chỉ những người quá vụng về, không quen lao động, những người quá yếu ớt, không làm được gì.
– Sung mãn: là trạng thái phát triển đầy đủ nhất, tốt nhất.