Loại như mi mà cũng xứng nghe cậu đây hát hí à?
Sau đợt rét nàng Bân, mùa xuân mới bước vào giai đoạn tươi đẹp nhất, rặng tường vi trụi lủi mùa đông bắt đầu nảy ra những mầm non xanh mượt. Để chăm chút cho sân nhà, mẹ Thẩm Tử Thiện đã cho người trồng hạt giống từ lâu, nay là lúc chúng nảy mầm, vừa hay có thể sửa sang thành những khoảnh cỏ có hình thù khác nhau. Mảnh sân của họ nhìn đâu cũng thấy màu xanh tươi, duy chỉ có một mảng hoa nhài mùa đông trên bức tường đối diện đầu ngõ là đang tô điểm thêm màu vàng tươi mỡ màng xinh xắn cho khuôn viên nhà.
Nếu muốn so sánh thì phủ Thành mới được tính là đẹp. Trong vườn có hoa đào, hoa mần tưới, hoa thược dược, còn có cả một gốc hải đường Tây Phủ mà ngày nào ra sân Thẩm Tử Thiện cũng phải ngẩng đầu lên ngắm. Cây hải đường không to lắm, trên thân cây có vô số cành nhánh dài mảnh vươn cao vươn xa. Cành cây mảnh mai lại điểm xuyết vô vàn phiến lá xanh biếc, dưới phiến lá là những bông hoa đỏ kiều diễm chẳng kém gì phấn son. Lúc hoa tươi tốt nhất, màu đỏ hồng bao phủ cả tán cây, tựa như cả một rặng mây rực sáng rỡ ràng.
Thẩm Tử Thiện chú ý đến gốc cây này từ một buổi sáng đi học. Những bông hoa đỏ hồng nở rợp tán cây ấy dường như đã bất ngờ xuất hiện từ thinh không chỉ trong vòng một đêm, khiến cậu không khỏi ngỡ ngàng. Cha Thẩm Tử Thiện bảo rằng đó là thượng phẩm trong các giống hải đường, tên là hải đường Tây Phủ – loài hoa được gọi là “tuyết son” trong văn của Đông Pha cư sĩ mà cậu từng học qua.
Thẩm Tử Thiện gật đầu rồi rảo bước đến chỗ cha.
Khi mùa xuân kết thúc, phủ Thành ở cách vách lại ồn ào thêm một trận. Đài diễn kịch vốn được làm để tổ chức tiệc cưới cho con gái, nay họ lại tìm người mang thêm gỗ, gạch, đá, ngói đến để xây lên. Qua mấy hôm cành cạch thình thịch ồn ào, nơi đó biến thành một căn lầu gỗ có mái ngói cong vút, cao hơn tất thảy kiến trúc trong phủ Thành.
Chỉ vài ngày sau, nhà họ Thành lại có tiếng thanh la trống phách, đàn hát huyên náo, thì ra là có người đang hát kịch trên đài. Thẩm Tử Thiện vẫn không nghe hiểu kịch ở Bắc Kinh, chỉ cảm thấy giọng hát cao vút nọ nghe thật tuyệt vời.
Cha Thẩm Tử Thiện cũng nghe thấy. Tối hôm đó ông về nhà khá sớm, người diễn kịch bên phủ Thành vẫn chưa hát xong. Ông nắm lấy lan can trên ban công tầng hai, tập trung lắng nghe một lúc, ngón tay gõ nhịp tựa như hòa cùng tiết tấu trống. Thấy Thẩm Tử Thiện nhìn mình, ông mỉm cười bảo:
– Người nhà họ Thành thú vị thật, còn tự lên đài hát hí.
Rồi ông lại nói thêm:
– Tay ngang mà cũng hát được thế này, xem chừng cũng có tài đấy!
Ồ? Cậu Thành cũng biết hát hí cơ à, cũng hiếm thấy ghê.
Cũng đã đến sinh nhật tám tuổi của Thẩm Tử Thiện. Cha cậu từng ở phương Tây, nên những bữa tiệc nhỏ trong nhà đều được làm theo kiểu Tây cả. Từ sớm, cha cậu đã bảo mẹ cậu rằng Thẩm Tử Thiện còn nhỏ, sinh nhật cứ làm đơn giản thôi, ông sẽ xem xem có thể đặt bánh ga tô cho cậu hay không.
Thời gian ấy, mọi việc dường như hơi bất thường. Càng ngày cha Thẩm Tử Thiện càng về nhà muộn, nhưng cậu lại thấy nét mặt ông hết sức vui vẻ. Bên nhà họ Thành mấy hôm nay cũng chẳng thấy khách khứa tấp nập mấy nữa.
Cậu đã ngủ một mình rất lâu rồi, nhưng lúc đó, cha lại kiên trì bảo cậu ngủ cùng cha mẹ. Cậu không hiểu lắm, mẹ xoa đầu cậu, nói rằng bà cũng không hiểu.
Mãi đến một buổi tối nọ, có tiếng súng khiến Thẩm Tử Thiện choàng dậy. Đang đêm hôm khuya khoắt, khoảng trời phía Đông lại rực một màu đỏ.
Đó là màu của lửa.
Thẩm Tử Thiện dụi mắt rồi ngồi dậy, thấy ánh đỏ ngoài cửa sổ thì sợ hãi tột cùng. Mẹ cậu cũng thức dậy và ôm cậu vào lòng. Không ngờ, tia lửa sáng rỡ cứ ngày một gần bọn họ, khiến cả căn phòng dù không bật đèn vẫn sáng như ban ngày. Cùng với lửa, bên ngoài còn truyền đến tiếng chân rảo bước loạn nhịp. Dường như đám người đó đang vừa cười vừa nói, cái gì mà “Khám nhà!”, rồi “Làm gì còn Hoàng thượng nữa, các người là cái thá gì?”
Sau đó là tiếng đập phá và tiếng gào khóc xé toạc cả đất trời. Nửa đêm, âm thanh ấy lại càng khiến người ta phải thót tim sợ hãi. Thẩm Tử Thiện nắm chặt góc áo mẹ, đến mức ngón tay cậu cũng đau đớn tê rần.
Hôm sau, Thẩm Tử Thiện thấy phủ Thành hệt như vừa bị cướp. Mấy hòn sơn thạch lăn lóc bừa bãi, đài diễn kịch vừa xây chẳng bao lâu đã ngã sụp giữa mảnh vườn hoang lạnh, dẫu rường cột vẫn còn màu sơn rực rỡ như xưa.
Trong phủ Thành vẫn còn người qua kẻ lại, chỉ là đã tĩnh mịch hơn rất nhiều.
Buổi chiều, cha Thẩm Tử Thiện xách một chiếc hộp vuông về nhà. Trong mắt ông toàn là tơ máu, nhưng biểu cảm thì lại hết sức mừng vui:
– Tử Thiện, sinh nhật vui vẻ!
Ông mở hộp ra, bên trong là một chiếc bánh ga tô trắng muốt.
Thẩm Tử Thiện đáp:
– Con cảm ơn cha ạ.
Lúc ăn cơm tối, Thẩm Tử Thiện ngậm một thìa bánh ga tô, hỏi với vẻ cẩn thận:
– Cha ơi, sao phủ Thành lại bị phá rồi ạ…
Sắc mặt cha cậu thay đổi. Ông nhìn cậu bằng ánh mắt phức tạp, nói:
– Đại khái là vì nhà họ thuộc chế độ cũ.
Chế độ cũ? Thẩm Tử Thiện nhìn gương mặt đầy vẻ gượng gạo của cha, không nói thêm gì nữa.
Đã tối mịt rồi mà vẫn còn rất nhiều người đến nhà Thẩm Tử Thiện thăm hỏi. Họ vào thư phòng ở tầng hai, nên cậu cũng không tiện ở lại đó, chỉ đành xuống dưới vườn.
Dưới ánh trăng, khu vườn rất mực yên tĩnh. Bãi cỏ xanh biếc, xích đu trắng muốt, tường vi hồng phấn, trong lùm cây chỉ có tiếng dế kêu chích chích.
Theo âm thanh ấy, Thẩm Tử Thiện đi đến cánh cửa nối liền hai ngôi nhà. Mẹ đã nói với cậu, hôm nay cậu không cần đi học. Ban ngày cậu đã thấy cậu Thành cuộn tròn ngồi một mình bên chiếc ao có đặt núi giả ở nhà bên.
Thẩm Tử Thiện lại đến trước cánh cửa và gõ nhẹ lên khóa. Bên kia chẳng có chút động tĩnh nào. Thẩm Tử Thiện không để tâm, cứ chậm rãi ngồi xuống.
– Cậu Thành này, cậu ở bên đó sao?
Không ai trả lời.
– Chắc cha tôi bận quá nên quên mất, thật ra hôm qua là sinh nhật tôi…
– Dạo này cha mi bận lắm, chắc là bận khám nhà ta nhỉ?
Tiếng nói của cậu Thành vừa lạnh nhạt vừa tức giận.
– Tôi… Tôi không biết.
Thẩm Tử Thiện lắp bắp trả lời. Thấy thế, cậu Thành hỏi một câu cực kỳ sắc bén:
– Không biết cái gì? Không biết mi hại nhà ta suýt thì chết hết, hay không biết ta đang ở đây?
Một lúc sau, cậu Thành chợt cười lạnh một tiếng:
– Đừng nói mi chưa từng thấy ta hát hí ở đây. Thế nên, mi đến diễu võ giương oai đúng không?
Thẩm Tử Thiện vội vàng phân trần:
– Không… Không phải. Tôi sang đây tại vì… Tôi nghĩ chắc là cậu sẽ không vui…
– Thẩm Tử Thiện!
Thẩm Tử Thiện ngoảnh đầu, thấy cậu Thành đã đi đến trước cửa và nhìn xuống từ trên cao. Dưới ánh trăng, khuôn mặt Thành Bích được phủ một tầng ánh sáng bàng bạc. Cậu không tính là cao, nhưng vẫn luôn đứng thẳng lưng như thế.
Thành Bích nhếch môi rồi nói bằng giọng cao ngạo:
– Loại như mi mà cũng xứng nghe cậu đây hát hí à?
Nói xong, cậu Thành xoay người đi mất.
Thẩm Tử Thiện nhìn cánh cửa trân trân, rồi đột nhiên bật khóc.
───────────
Lời người dịch:
1. Biệt danh “tuyết son” của hải đường Tây Phủ gốc là “yên chi tuyết”. “Yên chi” vừa chỉ màu đỏ rực rỡ, vừa chỉ phấn son. Trong tiếng Việt mình thì cũng có từ “son” vừa chỉ son phấn, vừa chỉ màu đỏ nên mình dịch thành “tuyết son”.
Đông Pha cư sĩ là tên hiệu của Tô Thức, nên người đời sau vẫn thường quen gọi là Tô Đông Pha. Cụm “yên chi tuyết” được ông viết trong bài “Hoàng Châu Hàn thực thiếp”, cả câu là “ngọa văn hải đường hoa, nê ô yên chi tuyết”, mình tạm hiểu đại khái là “nằm nghe hoa hải đường, tựa tuyết son giữa chốn bùn dơ”. Không biết có phải tác giả muốn ví von Thành Bích chính là đóa hải đường tựa tuyết son giữa bùn dơ ấy hay không?
2. “Hát hí” trong câu “loại như mi mà cũng xứng nghe cậu đây hát hí à?” gốc là 吊嗓子, đây là một kĩ thuật hát của Kinh kịch. Dịch ra thì rất dài, mà câu này Thành Bích lại nói với “người ngoài ngành” là Thẩm Tử Thiện, nên mình dịch đại khái đại ý thôi.
3. Ảnh bìa truyện mình chọn dựa trên hình ảnh của chương này, trong ảnh là Sướng Âm các thuộc Ninh Thọ cung – một lầu xem hí nổi tiếng nằm trong nội đình Thanh cung.