Tôi lật sang trang tiếp theo của nhật kí, trên đó có ghi ngày 10/8/20XX, tôi dám chắc rằng mấy con số này là do mẹ ghi hộ tôi, chứ năm đó tôi mới 6 tuổi, chữ số nhìn không thể trưởng thành thế này. Bên dưới phần ngày tháng là một bức tranh vẽ bằng màu sáp của tôi. Trong tranh có một nửa khung tròn màu vàng, phần bên dưới có mấy nét gạch màu cam, xung quanh còn có ba người que màu đen nữa. Tôi nheo mắt nhìn mãi mới hình dung ra những thứ ấy, cái vòng màu vàng là đống rơm, nét gạch màu cam là lửa, còn ba cái người que là tôi, thằng Tuấn và con Hằng. Nhà Hằng cách nhà chúng tôi hai con ngõ, mang tiếng con gái nhưng bất cứ trò nghịch ngợm nào của chúng tôi chỉ cần gọi thì nó sẽ có mặt.
…
Hôm ấy các nhà đều đã gặt hái và phơi rơm xong tất cả, nhà nào nhà nấy cũng đều có một đống rơm khô chất lên cao ơi là cao, có nhà thì để ở trong sân nhưng hầu hết đều chất ở ngõ. Thực ra cái dự tính đốt đống rơm này đã được một đứa trẻ con 6 tuổi như tôi lên kế hoạch từ lâu, chỉ là hôm nay nghe dự báo thời tiết nói là tầm chiều tối sẽ có mưa nên mới an tâm rủ thêm thằng Tuấn với con Hằng nữa.
Đống rơm may mắn được chúng tôi nhắm trúng là đống rơm nhà bà Tám. Bà Tám vô cùng không ưa đám trẻ con chúng tôi, chúng tôi gặp mà không chào thì hôm sau lập tức trở thành chủ đề nói xấu của bà cùng mấy bà xóm trên xóm dưới khác. Chúng tôi lễ phép chào thì cũng nhận được cái đáp lại của bà nhưng lạ cái là hôm sau vẫn bị kể xấu như thường. Có một số chuyện trong nhà, tôi còn chưa biết vậy mà đã bị người người truyền tai nhau rồi. Có lần mẹ bảo tôi sang nhà bà Tám xin hộ mẹ vài lá mủa [1], lòng tôi tuy không muốn nhưng vẫn lật đật chạy sang. Tôi thấy cổng mở, cửa cũng mở nhưng gọi mãi chẳng có ai trả lời lại, tôi ôm bụng tức, quay đầu chạy về. Mẹ mắng tôi vài câu rồi lại sang nhà bà Tám, lúc về đã lấy được thứ cần. Tôi nhìn mẹ, uất ức muốn thanh minh nhưng mẹ lại cho rằng tôi trốn việc, nói rằng nào bà tốt lắm, chỉ có tôi là giỏi nói xấu người khác thôi. Đương nhiên những đứa trẻ con còn lại trong xóm cũng chẳng thoát nổi bể khổ như tôi.
Ba đứa chúng tôi ngồi chồm hỗm ở chân đống rơm, đang nửa ngày nửa buổi nên mọi người đều bận chính sự ở ngoài đồng chứ chẳng có ai đi đường với ở nhà cả. Tôi mò túi quần lấy ra cái bật lửa để xuống đất. Ba đứa, sáu mắt nhìn nhau ý muốn nói ‘tao tưởng là mày’. Con Hằng xua tay đứng dậy trước
“Tao đúng là phá thật, nhưng cái này tao chưa dùng bao giờ.”
Thế là chỉ còn tôi và thằng Tuấn nhìn nhau rồi bất lực thở dài.
“Tuấn Anh, mày là đứa đầu têu cơ mà, mày làm đi.” – đúng chất giọng lanh lảnh của con Hằng.
Tuấn nghe thế lập tức gật đầu lia lịa.
“Gật đầu cái gì, mày làm đi.” – tôi trợn mắt, bày dáng vẻ hung dữ nhìn nó.
“Không không không.” – Tuấn nhấn mạnh ba lần bày tỏ việc quan trọng.
“Tao cũng không.”
Hằng khoanh tay, vẻ nghiêm nghị nhìn hai đứa tôi
“Thế có làm nữa không đây?”
“Có chứ.” – tôi và thằng Tuấn không hẹn mà đồng thanh nói.
“Thế thì làm đi, không quyết định được thì xu xàng xi [2].” – nó trông có vẻ hơi mất kiên nhẫn với việc đùn đẩy của hai thằng con trai – “Một keo quyết định nhanh đi.”
Tôi nhìn nó, nó nhìn tôi, hai đứa đưa tay ra rồi đọc bài ca
“Xu xàng xi, ra cái gì là ra cái này.”
Kết quả nó ra đấm, còn tôi ra kim [3]. Tôi chậc lưỡi thầm oán trời nhưng cũng cầm bật lửa lên, rút ra một nắm rơm nhỏ rồi châm lửa. Lửa cháy tôi đưa sát mồi lửa vào chân đống rơm, rơm khô nên lửa cứ thế lớn dần. Rõ ràng tôi đã tính kĩ lắm rồi thế mà trời đang âm u bỗng nhiên mây lại kéo đi đâu hết, mặt trời cũng ló dạng rồi. Ba đứa chúng tôi á khẩu nhìn nhau, rồi lại nhìn khói đen bốc cao dần.
“Mau dập lửa đi.” – Thằng Tuấn hét lớn.
Không biết là may hay xui mà nó vừa dứt lời thì bà Tám cũng về đến. Nhìn thấy đống rơm bùng cháy dữ dội thì mải móng vứt xe giữa đường rồi tìm đồ dập lửa. Chúng tôi cũng chỉ nhìn đến vậy rồi chạy ù đi, không quan tâm đến chuyện tiếp diễn sau đó. Cả ba đứa thì bà đều nhớ mặt nên chả đứa nào dám về nhà, thui thủi với nhau ở sân bãi đến khi mặt trời lặn.
“Tại mày hết đấy.”
Ừ thì tại tôi thật nhưng có câu này mà hai đứa nó nhai đi nhai lại còn nhiều hơn số lần bò nhai rơm nữa, tôi nghe cũng phát sầu cả lên. Tôi nhìn chúng nó, chúng nó cũng chỉ hận bây giờ không thể đánh tôi.
“Ngoài dự đoán thôi.”
“Giờ tính sao đây?” – Hằng khó chịu, đá mạnh chân tôi.
Tôi nhăn mặt định kêu đau nhưng khi nhìn lại cái ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống tôi của nó thì lại thôi
“Ai bắt chúng mày tham gia làm gì?”
Câu này của tôi dường như cũng làm chúng nó cứng họng, không đứa nào nói thêm gì
“Không có lần sau đâu, tao thề.”
Thằng Tuấn đặt tay lên vai tôi, tay còn lại thì chống xuống nền cỏ
“Mày làm gì kéo tao là được rồi, đừng kéo con Hằng nữa.”
“Ê, ê, làm vậy không được nha.” – Hằng kêu lên, có lẽ không chấp nhận được việc chúng tôi đánh lẻ mà bỏ lại nó.
“Mày đang kêu ca nãy giờ còn gì?”
Nghe Tuấn nói thế nét mặt Hằng cũng dịu lại
“Ờ thì thôi, tao không trách thằng Tuấn Anh nữa là được chứ gì?”
Thằng Tuấn gật đầu, coi như tôi với Hằng đã giải quyết xong mâu thuẫn
“Không giận nhau nữa là được rồi, giải tán, giải tán thôi, muộn rồi ở đây nhiều muỗi quá.”
Chúng tôi từ sân bãi lẽo đẽo đi vào trong làng, sau khi chào tạm biệt cái Hằng tôi với thằng Tuấn chẳng khác nào như vác theo tảng đá nặng bước vào ngõ.
“Không trách tao?” – trước khi nó bước vào trong nhà, tôi giữ tay nó lại hỏi. Tôi thành tâm quan tâm nó nhưng câu trả lời của nó lại là
“Không dám, làm giận rồi lại không dỗ được.” – nó chính là hạng người điếc không sợ súng, đến giờ phút này vẫn mang một vẻ mặt nhăn nhở mà trêu tôi.
Tôi tần ngần nhìn nó bước vào trong sân, đến khi nghe thấy tiếng mắng của mẹ nó mới thôi vểnh tai nghe ngóng mà chạy về nhà. Đèn ngoài sân sáng chói cộng hưởng cùng đèn trong nhà, vốn là khung cảnh bình thường mà giờ tôi lại thấy lạnh sống lưng đến lạ, con Ki thấy tôi thì cũng chạy ra vẫy đuôi mừng nhưng tôi thì chẳng dám bước vào chỉ đứng lấp ló ngoài cổng để xem xét tình hình.
“Đi vào đây mẹ bảo cái này.” – tôi giật mình với giọng nói ba phần lạnh nhạt, bảy phần ‘yêu thương’ của mẹ, cả quãng sân dài tầm 10 mét cũng là tôi cúi đầu đi vào, nhất là khi thấy cái roi mây đang đung đưa trên tay mẹ thì tôi bắt đầu mếu máo.
“Lúc làm cũng phải biết sẽ nhận hậu quả như thế này…”
“Nhưng…” – tôi mở miệng đều chỉ phát ra tiếng nấc, không nghe rõ được lời nói.
“Làm sao đang yên đang lành lại đi đốt đống rơm nhà người ta?”
“Con không…”
“Mẹ cho con đi học để con đi phá người ta thế này à?” – mẹ tôi vung tay đập roi mây xuống đất vang lên tiếng ‘chát’ rõ to.
Tôi không dám nhìn mẹ, chỉ cúi đầu khóc to hơn.
“Nín. Oan lắm đấy mà khóc?” – mẹ tôi quát lên – “Nếu hôm nay bà Tám không về kịp thì có khi cháy nhà đấy, biết không hả?”
Mẹ tôi không nhịn được nữa, cầm roi mây đứng dậy. Tôi thấy hành động của mẹ cũng vội vã vào tư thế chạy. Tôi vừa chạy vòng quanh sân, vừa lau nước mắt, vừa gọi lớn
“Chị ơi, cứu em..”
Tôi kêu cứu đến khàn cả giọng nhưng thứ nhận được chỉ là một câu nói không hơn phát ra từ nhà trên
“Tự làm thì tự chịu thôi, chị không cứu được mày đâu.”
Cuối cùng tôi vẫn bị mẹ tóm được rồi quất roi mây vào mông. Tôi không biết mẹ đã đánh bao nhiêu cái, thứ duy nhất tôi còn cảm nhận được là nỗi đau da thịt và cổ họng khô rát do kêu quá nhiều. Tôi bị trận đòn ấy làm cho đứng cũng không vững, mỗi bước đi chỉ chực sẽ lăn ra. Vết thương chồng vết thương mang lại cho tôi cảm giác đau đớn không thể nào quên, qua hai ngày mới có sự giảm bớt.
Mẹ tôi lúc đó chỉ buông một câu “cho chừa” nhưng lại chưa qua vài giờ mà đi hỏi han tôi, tôi vốn định làm mình làm mẩy quay đi nhưng khi thấy trên gương mặt khắc khổ của mẹ là hết thảy xót thương thì lại không nỡ giận dỗi. Tôi biết, có mẹ nào mà không xót con, mẹ đánh tôi cũng chỉ là muốn dạy lại cái thói nghịch phá của tôi. Đêm ấy tôi không ngủ được bao nhiêu, còn mẹ tôi thì gần như thức trắng vì tiếng kêu đau của tôi.
Vài ngày sau tôi gặp lại thằng Tuấn và con Hằng, hai đứa nó so với tôi chẳng khác là bao, đều được một trận lên bờ xuống ruộng với mẹ, tôi nhìn chúng nó cảm giác đầu tiên là tội lỗi.
“Sướng chửa, lần sau tiếp tục nhá.” – con Hằng chua ngoa cất lời.
“Tao thấy nhà bà Tám còn cây khế chín.” – tôi nói.
Hai đứa kia nghe xong lập tức tặng cho tôi một cái liếc xéo.
“Phần mày tất đấy, tao vẫn đau.” – biểu cảm trên mặt thằng Tuấn biến hóa có chút đa dạng, lúc đầu là nhăn mặt khó tin sau đó lại chuyển thành cái nhăn nhó khi da thịt gặp roi.
“Chị tao nói rồi, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia.”
“Còn chị tao nói có phúc cùng chia, họa đứa nào đứa đấy hưởng.” – thằng Tuấn bổ sung.
“Nhưng khế nhà bà Tám nhìn ngon lắm.” – tôi vẫn cố chấp với cây khế.
Con Hằng chống tay, gắt lên
“Tuấn, giờ mày chọn ở lại với tao hay chọn đi cùng thằng Tuấn Anh?”
“Tao không chọn, tao về nhà đây, trời sắp mưa rồi.” – nó rụt cổ lắp bắp mấy chữ rồi xách dép chạy vội.
Trước câu nói không có cơ sở của Tuấn tôi đưa mắt nhìn trời, ừm trong xanh không một gợn mây y như cái ngày lịch sử ấy, mưa thế quái nào được trời này.
[1] cây mủa (từ địa phương): hành hoa
[2] xu xàng xi (từ địa phương): oẳn tù tì
[3] kim, đấm, giấy (từ địa phương): kéo, búa, bao
_________
_Hết chương 02_