“Ting… ting… ting!”
Tờ mờ sáng.
Khi hạt sương vẫn còn đọng trên từng kẽ lá, tôi đã lết ra khỏi giường từ lâu, trước cả khi điện thoại reo vang tiếng chuông báo thức để chuẩn bị cho việc tắm rửa, chải chuốt lại tóc tai rồi phóng xe lên trường học.
Đây là ngày đầu tiên tôi đi học ở trường cấp Ba. Cái cảm giác này khó tả lắm, nó xen lẫn giữa sự hào hứng lẫn rụt rè vì lần đầu bước chân vào môi trường mới. Nhưng chỉ rụt rè khi đi một mình thôi, chứ tôi còn có người đi cùng nữa cơ.
Tôi gọi điện cho nhỏ bạn thân sau khi dừng xe trước cửa nhà nó. Lúc hồi chuông ngưng bặt và màn hình hiển thị số giây đang đếm, tôi cất giọng hỏi:
– Ê, mày thức chưa?
– Hả gì?
Nghe thấy giọng nói nặng âm mũi của Thu Hoài ở đầu dây bên kia, tôi cũng hiểu cuộc gọi của tôi vừa rồi cũng là cái đồng hồ báo thức cho nó.
– Tao đang ở trước cửa nhà mày nè.
Nó ngơ ngác:
– Hả?
Tôi đáp gọn lỏn:
– Đi học.
– Ê, còn sáng sớm mà?
– Không phải hôm qua tao với mày cùng thống nhất sáu giờ mười lăm là khởi hành sao?
Bên kia vọng tới tiếng sột soạt, vài giây sau tôi nghe nhỏ Hoài lên tiếng:
– Mày chờ chút, tao ra liền.
Nhưng phải tận mười lăm phút sau nó mới xuất hiện trước cửa. Ôi, nhìn cái áo dài trắng nó mặc mà tôi thấy lạ lẫm kinh khủng. Đơ người ngắm nghía con bạn trong vài giây, tôi mới bừng tỉnh mà hỏi kháy nó:
– Ê, “một chút” của mày nói là tới bây giờ mới ra hả?
Nó vừa chỉnh lại tà áo vừa cằn nhằn:
– Mày con trai thì hiểu gì, con gái tụi tao còn phải dưỡng da, chăm sóc mặt nữa chi? Như vậy là nhanh lắm rồi ấy.
Không đợi tôi trả lời, Hoài liền đổi tông giọng dịu dàng hơn, nó quay sang hỏi ý kiến của tôi:
– Nhật Duy, mày thấy tao mặc áo dài nhìn được không?
Tôi nheo mắt, trả lời đại:
– Ừ, cũng được.
Thu Hoài không nói gì nữa, nó chỉ thỏa mãn gật đầu, vừa khoác cái cardigan vô rồi chuẩn bị lên xe ngồi.
– Ê nón mày đâu? Muốn bị thổi còi hả?
– Ấy chết tao quên.
Đến chịu cái con bé này.
Nếu nói hai đứa tôi là bạn với nhau từ thuở nhỏ thì cũng không sai. Vì cả hai bắt đầu chơi với nhau từ những năm Tiểu học, tôi với nó quen biết nhau còn vì nhà nó với tôi đều chung một con ngõ.
Nhưng để trở nên thân thiết thì phải tới những năm cấp Hai trở lên cơ, khi ấy chúng tôi được xếp chung một lớp suốt bốn năm liền. Và tôi là người hiểu biết về nhỏ Hoài nhiều hơn bao giờ hết, nhìn con này đần đần mà không hiểu sao lúc nào cũng thu hút được cả tá thằng con trai theo đuổi, thậm chí còn lụy nó sau khi đã chia tay mấy tháng trời. Có khi tôi thầm nghĩ chắc bọn này não tàn cộng thêm cặp mắt mù lòa mới đi thích một đứa như nó.
Ấy vậy mà đến giờ tôi vẫn đường đường chính chính làm bạn thân khác giới với nó mới chiến. Tôi đợi con bạn đi lấy nón xong cũng tốn cả một phút cuộc đời.
– Rồi mày xong chưa?
Tôi hỏi nhỏ Hoài, thấy nó vừa gật đầu vừa cài dây nón xong xuôi rồi leo lên yên sau, tôi mới đề máy khởi động xe. Tự nhiên nó đánh vào lưng tôi bôm bốp:
– Mắc gì đi sớm dữ vậy? Giờ này chắc còn chưa có ai vô trường.
Tôi bất lực nói:
– Thì hôm qua mày đồng ý với tao đi đúng giờ đã định rồi còn gì?
Người ngồi sau im lặng. Đến khi tôi chạy ra khỏi ngõ được một lúc thì nó lại cất lời:
– Ê, mày có mua đồ ăn sáng không?
Tôi nhìn con bạn qua gương chiếu hậu:
– Hồi tao quất ổ bánh mì.
– Có gì mày mua giùm tao với, lúc về nhà tao trả tiền cho. Nãy tao quên đem ví.
Tôi hơi nhướn mày:
– Quên đem tiền thì nhịn đi.
Nói bâng quơ vậy thôi chứ khi ghé cửa tiệm, tôi vẫn kêu người ta lấy cho hai ổ, một ổ có ớt cho tôi và một ổ không ớt cho nó. Bạn bè là phải tinh tế như vậy đấy. Tôi thậm chí còn biết nhỏ Hoài còn không ăn được hành và mắm tôm nữa cơ.
– Nè, mày cầm giùm tao.
Thu Hoài nhận lấy cái bọc quai xách, rồi nó hỏi tôi:
– Còn mấy phút nữa là vào học?
Như hiểu ý đối phương, tức khắc tôi trả lời thành thạo:
– Chắc cỡ mười lăm phút nữa. Mày không muốn ăn trên lớp thì xử trước trên xe luôn đi, tao chạy lai rai hồi cũng kịp giờ à.
Ừ thì đúng là kịp thật, lúc chúng tôi chạy vào cổng là đã đánh trống tựu. Con bé cũng vừa xử lý xong ổ bánh mì, còn cái của tôi thì treo bên hông xe để ăn trong mười lăm phút đầu giờ. Sau khi cất xe xong thì hai đứa tôi phân tách ra đường ai nấy đi.
Tôi và Thu Hoài không học chung lớp, đã vậy còn cách nhau một tầng lầu. Trong khi nhỏ Hoài học ở dưới tầng trệt thì lớp tôi lại ở bên trên và nằm ở cuối dãy hành lang. Bước vào cửa lớp, điều đầu tiên tôi làm nhìn ngó xung quanh, thấy toàn những gương mặt lạ lẫm, tôi hoàn toàn không quen biết ai trong này cả. Sau một lúc thăm dò, tôi quyết định chọn ngồi ở một cái bàn trống cuối dãy giữa, lôi trong cặp ra ổ bánh mì rồi gặm trong âm thầm.
Mặc kệ xung quanh, tâm này vẫn bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Vừa lướt điện thoại vừa nhâm nhi, một lúc sau tôi đã xơi được gần hai phần ba cái bánh. Lúc này bên cạnh tôi đột nhiên vang lên một giọng nói trầm ấm, là của một bạn nam.
Tôi giật mình ngước đầu lên nhìn sang.
– Xin lỗi… nhưng tôi ngồi đây được không ông?
Mắt tôi thoáng lướt từ trên xuống, rồi thu ánh nhìn tại khuôn mặt cậu bạn đang đứng trước mình. Cậu ta đeo cặp kính cận, không cao cũng chẳng lùn, ánh mắt sau gọng kính kia như đang chờ đợi một câu trả lời từ tôi.
Trong một giây, tôi vô thức gật đầu, vô thức nhích vào trong để chỗ cho cậu bạn kia. Tầm nhìn của tôi sau đó hoàn toàn cắm thẳng vào màn hình điện thoại, không di chuyển dù chỉ một li. Tôi cũng không hé răng lấy nửa lời vì ngại chào hỏi, tiếp tục xơi nốt một phần ba còn lại của cái bánh trong thinh lặng.
Trong tuần đầu này, học sinh chủ yếu là làm quen với trường lớp chứ chưa thực sự đi vào chương trình chính khóa. Chủ nhiệm lớp tôi là cô Huyền dạy môn Anh, khá trẻ. Chỉ có điều khi vừa bước vào cửa, chưa gì cô đã xổ một tràng tiếng Thái khiến ai nấy đều hoang mang tột độ. Tôi đang ăn cũng bị nghẹn giữa chừng, may thay là tôi có đem theo chai nước suối nên dễ dàng đẩy miếng bánh trôi xuống dưới.
Sau khi gây ấn tượng đầu năm với cả lớp xong, cô tươi cười hướng mắt về phía bọn tôi, dõng dạc nói:
– Chào lớp nha, năm nay cô sẽ đảm nhận vai trò là giáo viên chủ nhiệm của các em! Xem trong danh sách lớp chắc các em biết tên cô rồi ha?
Rồi cô quay mặt về phía bàn giáo viên, cầm lấy cái điện thoại để trên đó lên vuốt màn hình trong vài giây rồi ngưng động tác.
Sau này tôi mới biết, ngoài việc làm giáo viên dạy tiếng Anh trên trường, cô chủ nhiệm còn mở riêng một lớp dạy tiếng Thái ở nhà. Tôi nghe nói hồi trước cô học và theo đuổi cả hai ngôn ngữ tiếng Anh lẫn Thái cùng một lúc. Một điều bất ngờ là lớp tôi cũng có nhiều đứa có hứng thú với tiếng Thái, kéo nhau đăng ký ồ ạt hơn phân nửa danh sách. Hỏi ra thì tụi nó bày tỏ muốn sau này xem phim Boyloves với phim học đường Thái không cần phải đọc Vietsub. Ôi tôi không biết phải nói gì trong trường hợp này.
Ừ thì đó là chuyện của tương lai, giờ thì quay về thực tại.
Cô Huyền mở danh sách ra điểm danh từng người một. Sau khi đảm bảo rằng lớp đã đông đủ, cô bắt đầu phổ biến sơ qua về những quy định và nề nếp của trường đặt ra, sau đó là màn bầu chọn ban cán sự lớp. Tôi không biết mình nên vui hay buồn, khi bản thân là “người may mắn” được chọn làm… lớp phó ngoài giờ kiêm lao động. Cái này không phải do ai bầu cử, mà của chính cô chủ nhiệm chọn, chỉ vì…
– Cái em ngồi bàn cuối dãy giữa số thứ tự 5/45 cô vừa đọc tên là Hà Nhật Duy phải không em?
Cô vừa nói vừa chỉ tay về phía tôi, đồng thời kéo theo nhiều cái đầu khác đồng loạt quay xuống dưới. Tôi nghe thấy ai gọi tên mình khẽ giật bắn rời mắt khỏi điện thoại, ngước đầu lên với khuôn mặt biểu lộ sự ngơ ngác, kiểu: “ủa gì vậy?”.
– Nhìn em trắng trẻo đẹp trai như này, hay em làm phó ngoài giờ của lớp nhé?
Sao ai cũng nhìn tôi thế này? Chuyện gì đang xảy ra vậy?
– Kiêm cả lao động. – Cô Huyền bổ sung ngay sau đó.
Cho dù tôi có từ chối đi chăng nữa thì cũng như không, vì nhìn ánh mắt của cô lúc ấy cũng đủ thấy một điều rằng: “dù mày có chạy đằng trời thì mày sẽ không thoát được đâu, con trai!”.
Chỉ vì thấy tôi “trắng trẻo” với “đẹp trai” mà cô bắt tôi vào cái chức vụ này sao? Đầu tôi bây giờ chỉ toàn dấu ba chấm quay mồng mồng.
Da tôi trắng thì tôi không phủ nhận, nhưng “đẹp trai” thì tôi không nghĩ bản thân mình đủ tiêu chuẩn. Những năm tháng học cấp Hai tôi đã từng nuôi nấng hy vọng khi lên cấp Ba, mình sẽ thoát khỏi thứ mang tên “ban cán sự”. Dường như số phận đã an bài, có lẽ cuộc đời không muốn tôi làm thường dân một tẹo.
Nhưng cái này cũng đỡ hơn so với chức lớp phó học tập mà tôi đã đảm nhận bền bỉ suốt bốn năm cấp Hai – ngày ngày phải lặn lội xuống văn phòng lấy và cất sổ đầu bài khi ra về, mà lớp tôi lại cách chỗ đó tận một khu phòng học, lâu lâu thầy cô quên ký tên thì tôi chính là đứa có nhiệm vụ đi tìm để xin được chữ ký. Tôi chạy qua chạy lại nhiều đến mức khi tham gia phong trào, cụ thể là thi chạy điền kinh tôi đã dễ dàng vượt qua các đối thủ và ẵm giải thưởng về cho lớp năm lớp Chín. Vui thì vui nhưng mệt lử thì cũng không kém phần.
– Nếu em Nhật Duy không có ý kiến gì thì cô chốt luôn nha.
Ừ thì tôi không có ý kiến gì, vì nếu có thì cũng chỉ để câu giờ là cùng. Với lại thấy ai cũng hướng mắt về phía mình, đột nhiên tôi thấy ngại ngại.
Tầm khoảng nửa tiếng sau, cô chủ nhiệm không còn gì để nói nữa nên bọn tôi được ra về. Tôi chỉ đợi đến cái thời khắc này, vừa đứng chào xong là dọn đồ vọt ra khỏi lớp ngay. Trong khi lớp của con bé Thu Hoài vẫn chưa được ra, nên tôi phải đứng đợi nó bên ngoài hành lang một lúc. Không lâu sau, tôi chợt nghe tiếng ai đó văng vẳng gần đây, hình như đang gọi tên mình:
– Ông là Nhật Duy phải không?
Ngoảnh mặt qua, tôi nhận ra cậu bạn đeo kính lúc nãy ngồi chung bàn đang tiến lại chỗ tôi đang đứng. Cậu này tên gì nhỉ? Vừa rồi tuy có điểm danh học sinh nhưng chỉ đợi sau khi đọc tên mình ở đầu danh sách thì đầu óc tôi không còn một chút để tâm đến xung quanh nữa.
Trong một giây ngắn ngủi, mắt tôi vô thức lia xuống cái hoodie đang vắt trên cánh tay cậu ấy. Lúc này mới bàng hoàng nhận ra khi nãy bản thân vội quá nên quên lấy cái áo khoác để trên bàn.
– Cái này của ông phải không?
Cậu ấy hỏi tôi, giọng điệu bình thản. Tôi thở hắt ra, chớp mắt vài cái trước khi gật đầu rồi nhận lấy cái hoodie từ tay cậu, vừa cười xòa:
– Ừ, cảm ơn ông nha, phiền ông quá.
– Không gì đâu.
Chẳng hiểu sao khi quan sát khuôn mặt của đối phương trong vài giây, tôi buột miệng hỏi:
– Mà ông tên gì vậy?
Cậu bạn tròn mắt nhìn tôi, sau đó thong dong đáp:
– Thế Phan.
– …
– Võ Hoàng Thế Phan.