Lời Mị Hoặc

Chương 19: "Diễm lệ khiến người ta lóa mắt."



Dọc suốt đường đi, tôi cứ lén lút nhìn trộm Ma Xuyên ngồi bên ghế phụ, tính thử bắt chuyện nhưng cậu ta cứ nhắm mắt suốt, trông như ngủ mà lại không giống ngủ, hoàn toàn không để ý tới tôi.

Tịnh khẩu còn gọi là cấm khẩu hay thiền im lặng, tôi từng đọc trong sách rằng đây là một phép tu tâm dưỡng tính của nhà Phật dùng cách cấm bản thân nói chuyện để thanh lọc ba nghiệp thân – khẩu – ý.

Tục ngữ có câu “bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, bởi vậy có thể thấy rằng, miệng là cơ quan dễ gây tai họa nhất trên cơ thể, chừng nào miệng chưa dừng thì khẩu nghiệp vẫn còn tiếp tục. Do đó, để giảm bớt khẩu người, một số người sẽ tự đặt ra thời gian cho mình, bắt đầu tu tập “tịnh khẩu”. Có thể là vài ngày, vài tháng hay thậm chí là cả vài năm.

Ngoài ra cũng có thể tu tịnh khẩu vì chúng sinh, cầu cho thế gian này hết tai, hết nạn, hết khổ hết đau, chuyển công đức tịnh khẩu cho chúng sinh; hoặc như Ma Xuyên, do phạm phải một pháp tu nào đó nên gấp rút tịnh khẩu để gạt bỏ hết phàm tâm tạp niệm cho tâm thanh tịnh trở lại.

Nói chung, tịnh khẩu không phải chuyện gì quá lạ lùng và có thể hiểu được, tuy nhiên…

“Chỉ vì ăn hai lát bánh mì nhỏ ngoài giờ ăn mà cậu phải tịnh khẩu mất bảy ngày, có phải hơi quá không?”

Đương nhiên Ma Xuyên sẽ không trả lời tôi, đến nhìn cậu ta còn chẳng thèm nữa là.

Phạm giới “không ăn sái giờ” thôi mà đã thế này, vậy nếu phạm phải giới sắc thì chắc cậu ta bỏ lưỡi, làm thằng câm không nói luôn ấy nhỉ?

Tuy đã tạnh mưa nhưng đường về Thố Nham Tung vẫn rất lầy lội, cũng may con Jeep của Nghiêm Sơ Văn đủ khỏe, lốp xe bị trượt mấy lần đều tự vọt ra được khỏi vũng nhờ mã lực mạnh.

Do lái xe chậm nên gần giữa trưa, chúng tôi mới về đến Bằng Cát. Chắc sợ đi cổng chính sẽ bị người khác bắt gặp, Ma Xuyên bảo tôi lái vòng ra sau núi hẵng cho cậu ta xuống.

Tôi đỗ xe trước đường mòn, xuống xe với cậu ta rồi mở cửa sau, đưa cho cậu ta chỗ thuốc mà bệnh viện kê đơn.

Cậu ta cầm túi, nhắm mắt gật đầu, coi như cảm ơn tôi, sau đó đi thẳng lên con đường núi quanh co.

Tôi đứng ở dưới, đút hai tay trong túi, tựa người vào cửa xe, nhìn theo bóng lưng ngày càng xa dần của cậu ta cho đến khi khuất hẳn.

Tôi lấy thoi kẹo toffee ở trong túi ra, bóc lớp giấy gói ra từng chút một, nhưng do để kẹo trong túi lâu, bị nóng nên có dấu hiệu chảy, dính vào giấy gói kẹo.

Quả nhiên là bị chảy rồi…

Tôi nhìn đống bầy nhầy trên tay mà hết muốn ăn, tôi gói nó lại vào giấy rồi nhét vào túi.

Lúc tôi về đến viện nghiên cứu thì Nghiêm Sơ Văn cũng đã dậy. Thấy tôi về, nó thậm chí còn chẳng đợi nổi đến lúc tôi tắm xong đã trực sẵn ngoài cửa phòng tắm, hạch hỏi chi tiết chuyện hôm qua.

“Mày thấy chưa, mày còn nói người ta kì thị mày cơ à, kì thị mày mà chắn dao cho mày đấy?” Kể đến đoạn Ma Xuyên bị thương, Nghiêm Sơ Văn không nhịn được mà nói chen vào.

Tôi cào bọt trên đầu, dừng tay một lát rồi lại nhanh chóng tiếp tục, nói: “Mày quen cậu ta bao năm như thế mà vẫn không biết ư? Đổi thành ai cậu ta cũng làm vậy thôi, chuyện này với chuyện cậu ta có kì thị tao hay không là hai chuyện khác nhau.”

Nghiêm Sơ Văn ngán ngẩm: “Ờ ờ ờ, mày kể tiếp đi.”

“Rồi… Sau đó đi bệnh viện… Mưa dông… Tịnh khẩu…”

Kể xong thì tôi cũng đã tắm rửa sạch sẽ, tôi lau đầu, đẩy cửa ra thì thấy Nghiêm Sơ Văn đang khoanh tay dựa vào tường, nét mặt trầm ngâm chẳng biết đang nghĩ gì.

“… Hôm nay lại không có ai nấu cơm à?” Tôi phỏng đoán theo sắc mặt nó.

Nghiêm Sơ Văn im lặng một lúc rồi ngẩng đầu lên: “Tối nay tao với mày cùng đi thăm Ma Xuyên.”

Tôi sửng sốt: “Cậu ta đang tịnh khẩu thì thăm đếch gì?”

“Cậu ấy tịnh khẩu là chuyện của cậu ấy, chúng ta đến thăm là chuyện của chúng ta, hai việc khác nhau.” Nói rồi, Nghiêm Sơ Văn đứng thẳng dậy đi ra ngoài, “Tao ra xem xem mua được quả gì.”

Kết quả do đã bỏ lỡ phiên chợ buổi sáng, không mua được gì nên Nghiêm Sơ Văn đành bỏ hai quả táo, hai củ khoai tây hôm qua tôi cho vào một cái túi, tối xách lên đền.

Tôi thấy làm thế là hơi mặt dày, nói thẳng ra là nếu không có gì để biếu thì thôi đừng biếu nữa, Ma Xuyên người ta chẳng thiếu mấy miếng ăn này đâu.

“Của ít lòng nhiều, mình có tâm là được.” Nghiêm Sơ Văn cười hềnh hệch, trông giống bố nó kinh khủng.

Ăn tối xong, chúng tôi ra ngoài, lên tới đền thì cũng chỉ mới hơn sáu giờ, cổng đền mở toang, đèn trong chính điện cũng được thắp sáng. Đến gần có thể loáng thoáng nghe thấy tiếng nói chuyện bên trong.

Tôi và Nghiêm Sơ Văn nhìn nhau, nó lên tiếng trước: “Ma Xuyên, bọn tôi đến thăm cậu này!”

Trong điện bỗng im lặng, chúng tôi đi vào thì thấy Niết Bằng đang ngồi đối diện với Ma Xuyên.

“Cậu cũng đến đấy à?” Niết Bằng đang ngồi trên nệm hương bồ dưới sàn với Ma Xuyên, thấy chúng tôi tới thì đứng dậy, “Đúng lúc anh vừa nói chuyện xong, không quấy rầy nhóm bạn các cậu gặp nhau nữa, anh đi trước đây, mọi người nói chuyện đi nhé…”

Trên chiếc bàn lùn kê giữa hai người có trải một thếp giấy trắng rất dày, trên giấy có vài câu chữ được viết ngay ngắn bằng bút lông, xem ra đây là cách giao tiếp chủ yếu giữa Ma Xuyên và người khác trong thời gian tịnh khẩu.

“Không cần đâu, anh Niết Bằng ngồi chung luôn đi ạ…” Nghiêm Sơ Văn đưa tay ngăn Niết Bằng đứng dậy, nói rồi tự lấy một tấm đệm hương bồ ngồi xuống.

Thấy vậy, tôi cũng học theo, ngồi bên phía Ma Xuyên.

Chắc do có Niết Bằng ở đây, Nghiêm Sơ Văn sợ mang quà ra bị mất mặt nên nó đặt túi rau quả thăm bệnh sang một bên.

“Xem nào, tôi nghe Bách Dận kể cậu phải khâu 16 mũi à? Không để lại di chứng đấy chứ?” Nghiêm Sơ Văn cúi xuống, đỡ gọng kính, săm soi kỹ lưỡng cánh tay đang duỗi ra của Ma Xuyên như thể thấy được vết thương gớm ghiếc bên dưới lớp băng quấn chặt.

Ma Xuyên lắc đầu, vén gọn ống tay áo lên, cầm bút viết xuống tờ giấy mới toanh hai chữ: “Không sao.”

Cậu ta viết bằng bàn tay phải bị thương nên ít nhiều gì cũng có ảnh hưởng, nét chữ không còn thẳng nữa mà hơi run run.

“Lê Ương không có ở đây, cậu dùng một tay cũng bất tiện, cần tìm ai đến chăm sóc mấy ngày không?” Nghiêm Sơ Văn đề nghị.

Không biết tại sao mà khi nghe nó nói vậy, tôi cứ có cảm giác nó đang liếc tôi với ẩn ý sâu xa.

“Đúng đấy, tắm rửa thay đồ mà có một tay thì không tiện, sao anh không nghĩ đến nhỉ.” Niết Bằng vỗ đầu, chủ động xin ra trận, “Tần Già, không thì mấy hôm này tôi ở lại đền chăm sóc ngài nhé, ngài thấy sao…”

“Ôi anh Niết Bằng! Anh là trưởng làng, công việc hàng ngày vốn đã bận, sao có thể làm phiền anh thế được?” Nói rồi, Nghiêm Sơ Văn nhìn tôi, “Em thấy Bách Dận ok đấy. Vì nó mà Tần Già bị thương, nó ở lại chăm sóc Tần Già cũng là hợp tình hợp lý.”

Tôi giật mình: “Tao á?”

Tuy hơi bất ngờ… nhưng… cũng không phải là không được? Dù sao thì, đúng là Ma Xuyên bị thương vì tôi thật.

“Tôi thế nào cũng được, cậu thấy sao?” Tôi nhìn sang Ma Xuyên, hỏi ý kiến cậu ta.

“…” Cậu ta nhăn mày, im lặng cầm bút viết, nét chữ run dữ dội, mới viết được nửa chữ “không” thì cây bút đã bị Nghiêm Sơ Văn rút ra.

“Cậu hạn chế dùng tay đi, cứ thỏa thuận vậy nhé.” Nghiêm Sơ Văn cẩn thận đặt lại cây bút lên giá, cười bảo, “Đừng cố chấp nữa, khó lắm mới có cơ hội này, cậu cứ sai bảo Bách Dận thỏa thích đi, chứ đợi nó đi rồi, sau này chẳng biết bao giờ mới gặp lại.”

Nghe xong, Niết Bằng cười giòn tan, bật ngón tay cái với Nghiêm Sơ Văn: “Ông em đúng là bạn tốt đấy.”

Dường như đã nghe lọt lời nói của Nghiêm Sơ Văn, hoặc do thấy quá khó để từ chối tấm thịnh tình này, lúc này, Ma Xuyên không khước từ nữa mà chỉ cụp mắt, nhìn chằm vào chữ “không” mới viết được một nửa trên tờ giấy, coi như ngầm chấp nhận chuyện này.

Niết Bằng ngồi thêm một lúc, nhìn giờ rồi bảo mình phải đi thật, chứ không lát đường tối quá thì khó đi. Thấy vậy, Nghiêm Sơ Văn cũng đứng dậy đi cùng.

“Hai người cứ yên tâm mà đi, ở đây có tôi rồi.” Chỉ trong chớp mắt, tôi đã làm quen với thân phận mới của mình.

Ma Xuyên đứng dậy, tiễn hai người ra cổng, một chốc sau, cậu ta quay lại chính điện, liếc tôi một cái rồi ngồi quỳ xuống đệm hương bồ.

“Nơi này không cho người Hạ ngủ lại, đi về.” Tôi chống cằm nhìn cậu ta viết từng chữ lên giấy, cười giễu bảo, “Biết rồi, sẽ không làm bẩn ngôi đền của cậu đâu.”

Tôi nhìn quanh bốn phía, tìm việc mà bản thân có thể làm, thấy trong lò còn ít củi, có vẻ sẽ không đủ để đốt cả đêm, tôi đứng dậy, chủ động nói muốn ra kho lấy ít củi vào.

Ma Xuyên gật đầu, để mặc tôi đi.

Tôi bật đèn pin, cẩn thận mở cửa kho củi ra. Cánh cửa gỗ kia đã mục nát hơn nhiều so với mười mấy năm trước, thậm chí nó còn phát ra âm thanh kì lạ khiến người ta ghê răng, sợ nó rơi xuống bất cứ lúc nào.

Đèn pin chiếu vào vách kho, từng hàng củi được xếp ngay ngắn sát tường, tôi bê lấy một ít, khó nhọc kẹp điện thoại giữa các ngón tay, đi về.

Chật vật mãi mới về đến chính điện thì tôi lại chẳng thấy bóng dáng Ma Xuyên đâu.

Toàn bộ ngôi đền được bao phủ trong một mùi hương kì lạ là sự kết hợp giữa củi, bơ và hương trầm. Thêm củi xong, tôi ngẩng đầu nhìn bức tượng Thần hươu khổng lồ một hồi, sau đó bắt đầu tìm kiếm Ma Xuyên ở khắp nơi.

Lần đầu vào chính điện, Lê Ương kể rằng hàng ngày Ma Xuyên sẽ tiếp khách và ăn cơm ở đây, đến tối sẽ nghỉ ngơi trong gian phòng nhỏ bên cạnh, vậy nên tôi chẳng do dự mà đi thẳng tới đó.

Cách cửa gỗ màu son mở rộng, phía sau tấm rèm thả rũ, căn phòng nhỏ hiện ra không sót thứ gì.

Tủ quần áo che kín một mặt tường được chạm khắc hoa văn tinh xảo; kê bên cửa sổ là chiếc giường đơn trông vừa giống giường, vừa giống sô pha; tủ sách với tài liệu được xếp từ cao xuống thấp; và thứ khiến tôi bất ngờ hơn cả chính là cây giá treo đồ với đủ loại chuỗi hạt, bối vân ở trong góc phòng.

Không chỉ hấp dẫn ánh mắt người nhìn, đống trang sức phỉ thúy lộng lẫy kia còn suýt cuốn theo trái tim họ đi.

Người Tằng Lộc ơi là người Tằng Lộc… Gặp được tôi đúng là phúc khí của mấy người, nếu là kẻ khác, chỉ riêng đống của cải trên giá kia thôi cũng đủ sức làm cho tên đó bí quá hóa liều, giết người cướp của.

Thế nhưng rất nhanh, tôi đã bị một thứ khác ở giữa phòng thu hút sự chú ý.

Ma Xuyên không cảm nhận được sự hiện diện của tôi, cậu ta cầm cái áo ngủ lông màu ngà trên tay trái, có vẻ đang muốn thay. Cậu ta quay lưng về phía tôi, phần áo trên tuột xuống, quấn bên hông, để lộ ra bờ vai cơ bắp rắn rỏi cùng với một phần thắt lưng thon gọn nửa ẩn nửa hiện.

Chuỗi hạt ngọc bích bị dính máu vào ngày hôm qua đã được thay thế, bây giờ cậu ta đang đeo một chuỗi hạt san hô màu đỏ tươi, bối vân sau lưng dùng dây bện màu đỏ sẫm khảm bạch ngọc làm nút thắt. Đáng nhẽ dải tua phải rủ xuống thấp hơn, nhưng do bị mắc vào áo choàng nên không còn gọn gàng như trước, tua rua chảy đổ tán loạn bên hông cậu ta như máu, rơi trên làn da trắng bệch, tạo nên vẻ đẹp diễm lệ khiến người ta lóa mắt.

Ôi trời người Tằng Lộc ơi là người Tằng Lộc… Tôi nhắm mắt, nghiến răng nghiến lợi nghĩ, con mẹ nó, các người nên biết ơn vì tôi không phải là thằng điên hàng thật giá thật.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.