Trước kia ba Khang luôn nghĩ rằng các nguyện vọng của anh đều là vào trường y. Cho đến hôm nay ông mới vỡ lẽ.
Hiếm khi gia đình tụ họp, quây quần bên nhau. Đáng nhẽ ra bầu không khí phải ấm cúng, sum vầy nhưng giờ đây bầu không khí nặng nề, áp bức khiến lòng dâng lên cảm giác khó chịu.
“Con nói rõ cho ba biết! Chuyện này là sao?”
“Con không muốn học y sao?”
Trái lại với thái độ giận dữ của ba Khang, Nguyên Khang lại rất đỗi bình thản. Giọng anh nhẹ bâng tựa như anh từng suy nghĩ và mong chờ đến ngày này lâu rồi.
“Con biết ba mẹ luôn muốn con kế nghiệp truyền thống học y của gia đình. Nhưng con không thích học y, con thích những thứ liên quan đến tính toán nên con cảm thấy phù hợp với ngành ngân hàng.”
Rầm.
Ba Khang đập bàn, tách trà nóng theo chuyển động mà rung lắc, nước bắn tung tóe ra khắp bàn. Giọng điệu lớn đến mức gần như quát tháo.
“Ba thật sự không hiểu tại sao con cứ cố chấp muốn học ngân hàng vậy?”
“Từ trước đến nay ngành y luôn là ngành được mọi người ao ước, coi trọng. Dựa vào những giải thưởng mà con có được ở năm cấp ba hoàn toàn đủ điều kiện để có thể đỗ vào Y Hà Nội.”
“Con có biết ngành y là ước mơ của biết bao người không hả?”.
||||| Truyện đề cử: Thống Đốc Đại Nhân, Em Xin Anh! |||||
“Con biết.”
Câu trả lời này càng khiến ông như nước sôi, lửa bỏng. Cuộc trò chuyện giữa hai bố con không khá khẩm hơn mà ngày càng chệch theo chiều hướng tiêu cực. Mặc dù mẹ Khang đã lời ra tiếng vào khuyên ngăn hai bên bình tĩnh nói chuyện nhưng đâu lại vào đấy.
Mâu thuẫn giữa hai cha con ngày càng tăng không hề giảm bớt.
“Con sẽ không học y.”
Lời nói Nguyên Khang chắc như đinh đóng cột đến nỗi cho dù ba Khang có đánh anh bằng roi mây đi chăng nữa, anh vẫn không thay đổi quyết định.
Đó là điều khiến cho mây đen ùn ùn kéo đến mang theo sấm chớp đoàng đoàng trong lòng ông. Chẳng thà anh đứng dậy, căng cổ cãi lại ông, ông còn cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Nguyên Khang cứ như tấm gương phản chiếu bản thân ông ngày trước.
Cố chấp, cứng đầu!
(…)
Nguyên Khang còn nhớ.
Khi anh học cấp một. Có một hôm, giáo viên đặt câu hỏi về vấn đề ba mẹ các bạn trong lớp làm nghề gì. Có bạn thì bảo ba làm phụ hồ, bạn thì bảo mẹ làm kế toán, nhà bán tạp hóa, công nhân, v.v.
Nguyên Khang có thể thấy rõ niềm vui sướng, hãnh diện khi kể về cha mẹ mình trên những gương mặt non nớt ấy. Đến lượt Khang, anh đứng dậy, giọng đều đều, không nhanh chậm, không mặn nhạt.
“Ba mẹ em đều là bác sĩ.”
Cả lớp liền ồ lên.
“Ngầu thật đó!”
“Có ba mẹ làm bác sĩ sướng thật.”
Có lẽ vậy thật, nhưng tại sao anh không cảm nhận được.
Đã có lần, Nguyên Khang ích kỷ ôm ấp một suy nghĩ.
“Giá như ba mẹ mình không là bác sĩ. Ba mẹ là người bán tạp hóa cũng được, phụ hồ cũng được, công nhân cũng được, kế toán cũng được.”
Bởi vì khi ấy, bọn họ sẽ dành nhiều thời gian, quan tâm anh hơn. Anh sẽ giống như mấy bạn cùng lớp, về đến nhà sẽ được ba mẹ ôm vào lòng xoa đầu hỏi rằng “Hôm nay đi học có vui không?”. Cuối tuần được ba mẹ đưa đây đi đó.
(…)
Từ nhỏ, ba mẹ anh đã định hướng cho anh theo học Y. Đến năm lớp bảy, ba mẹ cho anh theo học giáo viên nổi tiếng trong thành phố. Năm lớp tám, lớp chín anh thi học sinh giỏi Hóa theo nguyện vọng của ba mẹ. Năm lớp mười, mười một anh vẫn cứ tiếp tục thi học sinh giỏi Hóa.
Nguyên Khang không thích ngành bác sĩ. Nhưng có lẽ giống như ông bà, ba mẹ, chú bác nói.
“Ngành bác sĩ sẽ không bao giờ thất nghiệp.”
“Con là cháu đích tôn của gia đình. Vậy nên con phải kế nghiệp truyền thống học y. Giống như mấy chị họ, anh họ con vậy.”
Cứ như vậy, anh như robot được cài đặt chương trình sẵn, nghe theo chỉ định, sắp xếp của ba mẹ. Mặc cho bản thân có thích hay không.
Trước đây, anh không biết bản thân muốn gì? Anh đang sống nhưng cũng không thực sự sống. Đầu óc luôn trong tình trạng trống rỗng, cảm thấy bản thân giống như đang tồn tại vậy.
Mãi đến khi hè lớp mười một chuẩn bị vào mười hai. Nguyên Khang mới tìm được hướng đi của chính mình.