Edit: Hề Mặc
Hồi lâu sau, Từ Bác Nhã rũ mi cười hờ hững, nom lười biếng mà xấu xa vô cùng. Gã áp điện thoại lại bên tai rồi đáp.
“Tam gia à, anh biết đấy, nay em bận lắm. Vốn dĩ hôm nay em đã có hẹn với bạn ra ngoại ô cưỡi ngựa mất rồi. Hay là thế này đi, Tam gia có rảnh hãy đi cùng em đi, chuyện Sư gia để ta gặp mặt rồi hẵng bàn lại.”
Sau khi cúp máy, mặt gã u ám vô cùng, đoạn nhìn chăm chăm lên trần nhà một hồi rõ lâu, lòng rõ tựa tro tàn. Kế hoạch lúc đầu vốn không phải thế, chẳng qua Sư Tam gia cũng chỉ là một “con mồi” của gã thôi cơ mà. Nhưng, trông gã đã làm những gì kìa! Ngẫm lại về chính bản thân mình ngày hôm trước, mới thấy lúc ấy gã đã nực cười đến nhường nào, còn hơn cả thằng hề ấy chứ. Lâu nay, vốn dĩ chỉ có mỗi Từ Bác Nhã gã đùa bỡn kẻ khác, tự thưở nào bản thân cũng đã tự mình đa tình, mang lòng đơn phương vậy cơ chứ? Ưỡn cái mặt mo đấy ra có cho thêm tiền cũng chả ai thèm, nhẽ nào Từ Đại thiếu gã nay lại thành rẻ rúng thế kia sao? Tên Sư Tam đáng ghét, khinh người quá đáng! Gã nhất định phải dạy dỗ anh ta một trận ra trò mới được!
Từ Bác Nhã đứng dậy, bước ra khỏi phòng khách, mặt mày lãnh khốc vô cùng. Sau phòng ăn, cậu giúp việc kia – cũng chính là cậu bạn chơi từ bé của gã – a Chính đương bày biện bàn đĩa. Gã bước đến mà mắt chẳng buồn nhìn ngang ngó dọc gì, bỗng chợt, giật phăng tấm khăn trải bàn lên.
Ngay chốc ấy, “loảng xoảng” – dao nĩa, bát đĩa vỡ nát, rơi vãi đầy trên mặt đất. A Chính thấy tâm trạng gã cứ sáng nắng chiều mưa thế mà im như thóc, sợ mất hồn mất vía. Cậu đứng như trời trồng, mình vẫn giữ nguyên tư thế đương bày biện bát đĩa ban nãy, chẳng dám động đậy tí nào. Từ bé đến lớn nay, kể ra món ngon ngọt cậu xơi được từ ông cậu chủ này cũng không phải ít, song số quả đắng đã ăn phải nào có kém đâu. Tóm lại cứ theo ý gã là được, sau cơn mưa trời lại sáng ấy mà.
Từ Bác Nhã cười khẩy, mỉa mai: “Đồ ngu. Kẻ ta đùa bỡn mày thế mà mày vẫn không nhận ra đấy à? Im lặng nén nhịn ư? Mày là trái hồng mềm mặc người nắn bóp đấy phỏng? Mày tưởng tao ức hiếp mày rồi sẽ đối xử tốt với mày chút nào sao? Haha, mang lòng đơn phương, tự mình đa tình! Đồ ngu!”
A Chính chẳng tài nào hiểu nổi Từ Bác Nhã đang nghĩ gì: “Nhưng mà cậu chủ à, ai đùa bỡn em mới được cơ chứ?”
“Đến ai đùa bỡn mày mà mày cũng không biết à? Đúng, tao cũng mới biết ban nãy thôi! Chết tiệt, IQ thiếu gia tao đây lại bị cái hạng như mày hạ thấp!”
Đương nói, chợt gã giận điên lên, lật ngã bàn – “rầm”, đoạn bước đến đá thêm vài phát vào đấy, nom oán giận lắm.
“Cmn! Cmn thật chứ!”
Sau khi phát tiết hết thảy, Từ Bác Nhã vỗ vỗ tay, đoạn đi mất như không có chuyện gì xảy ra, để lại cậu giúp việc A Chính ngơ ngơ ngác ngác đứng giữa đống nồi niêu xoong chảo vương vãi đầy đất, im lặng nhìn bãi “tàn cuộc” mà gã ta quăng lại.
Từ Bác Nhã quyết định, giờ gã sẽ đi dụ đám đồng bọn nghĩ cách hòng trả đũa tên Sư Tam gia chết tiệt dám đùa bỡn gã kia một trận cho biết mặt mới được!
Từ Bác Nhã hẹn Sư Tam gia gặp ở trường đua ngựa thiên nhiên non xanh nước biếc tọa tại ngoại ô thành phố C.
Còn tại sao lại hẹn ở trường đua ngựa ấy hả? Vì gã biết, Sư Tam gia không biết cưỡi ngựa.
Tháng ba xuân cùng, chim oanh tung cánh, cỏ cây đâm chồi*. Bầu trời xanh biêng biếc như vừa được cơn mưa gột rửa, cái màu trong veo vẻo ấy tựa ngọn suối xanh vắt, chảy xuôi dòng. Ngọn gió mát nhẹ thoảng qua, ta chợt thấy màn trời thấp quá, rồi cứ ngỡ, rằng dường như ánh mặt trời thuần khiết kia cũng đương ở gần ta, rất gần, gần đến nỗi chỉ vươn tay là đã có thể chạm tới. Trên trường đua ngựa, mọc um tùm những vạt cỏ non xanh tươi mơn mởn đương mặc sức vẫy tay trong gió, nhìn từ đằng xa nom như thể cả vùng đại dương xanh biếc đang gợn sóng lăn tăn.
(*)Chim oanh tung cánh, cỏ cây đâm chồi: Xuất xứ từ một bộ sách của Lương Khâu Trí (Nam Triều) trong đó có câu: “暮春三月,江南草长,杂花生树,群莺乱飞” chỉ nét đẹp tiết trời cuối xuân.
Đặc biệt là Sư Tam gia – người có cái thú đắm say cảnh sông nước hữu tình. Vốn lúc đầu, trên đường đến đây, lòng anh vẫn đương còn vương chút kháng cự, mâu thuẫn. Song khi cánh cửa xe bật mở, đôi bàn chân kia giẫm trên thảm cỏ mềm mại, phóng mắt nhìn về đằng xa xăm, anh đã bằng lòng, ngay lập tức. Anh hít thật sâu, cảm nhận cái hương xuân trong lành vấn theo hơi lạnh sau cơn mưa tràn vào phổi mà thấy, rằng hết thảy nơi đây thật đẹp, đẹp đến độ giờ trông vài ba thanh niên đương dắt ngựa vui đùa trò chuyện đằng xa kia cũng thấy vui mắt đến lạ.
Và hiển nhiên, Từ Bác Nhã đã để ý thấy Sư Tam gia đến đầu tiên. Chẳng qua, nay Sư Thận Hành anh mới là kẻ phải đi cầu cạnh, nài nỉ người khác chứ nào phải Từ Bác Nhã gã đâu. Đã thế, tội gì gã phải mặt dày mày dạn sấn đến tiếp cận anh cơ chứ?
Khinh tôi cơ à? Được, chờ đấy, để ông đây “hầu hạ” cho anh một vố sướng sung vào, xem xem đến lúc đó anh có còn tỏ cái tướng kiêu ngạo đến nực cười đấy tiếp nữa được không?
Từ Bác Nhã bên đây hãy còn nhỏ nhen, ngấm ngầm lập kế quyết không để yên cho, thế mà Sư Tam gia đương đứng đằng kia lại chẳng hề nhận thấy chút khác thường nào cả. Sở dĩ thế cũng bởi Sư Tam gia sẵn tính ngay thẳng, cũng chả nghĩ xấu nghĩ xa cho ai bao giờ. Huống hồ, trước đấy đã thấy Từ Bác Nhã ăn năn hối lỗi năm lần bảy lượt, biểu hiện cũng tốt nên nay, anh cũng chẳng sinh lòng nghi ngờ gì gã nữa cả. Và hơn cả, chốn mỹ cảnh tao nhã nơi trường đua ngựa đây càng làm nảy lên trong tâm trí anh cơn ảo giác, rằng chính anh đương đi chơi xuân chứ nào phải bởi việc vàng gì.
Và thế là Sư Tam gia – mang trong mình tâm tình vui vẻ, thong dong hệt đi du xuân, mỉm cười, chậm bước đến trước mặt nhóm Từ Bác Nhã. Lấy Từ Bác Nhã làm đầu têu, mấy thằng bạn xấu gã thấy anh nhàn nhã bước đến thế, thảy đều thầm sinh lòng cảnh giác.
Đã biết thừa là đang đâm đầu vào chỗ chết mà vẫn chẳng “phòng thân” gì đặc biệt cả.
Mắt không liếc, chân không run, người người nhìn vào mà mặt mày vẫn chẳng mảy may đổi sắc, thiên quân vạn mã ồ ạt trước mắt lại tựa bước vào chốn không người.
Đây mới là phong thái của cao thủ, khí khái của thế gia chứ!
“Khí chất chín chắn, vững vàng, ánh mắt lại vương nét buồn thương, sầu muộn, vừa nhìn đã hay là kẻ đã trải qua bao cuộc bể dâu, những thăng trầm và thế sự vô thường của cuộc sống, muốn làm bạn với anh ta thật sự!”
Từ Bác Nhã sợ mất hồn mất vía, vội đưa tay che miệng mình lại.
Gã cứ ngỡ trong chốc ấy, bản thân đã kìm lòng không đậu để lộ thảy những lời đương diếm trong lòng. Song, trông thấy cái nhìn kỳ quái của mấy gã xung quanh, Từ Bác Nhã mới biết, rằng hoá ra kẻ vừa nói những câu mất giá kia nào phải là gã, mà chính là Triệu công tử đương đứng sau lưng.
Triệu công tử đương ôm mặt si mê nhìn Sư Tam gia đang bước lại gần mà bỗng bị Từ Bác Nhã lườm cái sắc lẹm.
Từ Bác Nhã nheo mắt nhìn gã rất hung dữ: “Mày mn muốn chết phải không? Còn nói vớ va vớ vẩn nữa, có tin ông móc mắt mày ra bắn bi không hả?”
Triệu công tử nghe thế bèn vội đưa tay làm động tác kéo khoá trên miệng, đoạn chớp mắt vô tội nhìn gã hòng tỏ ý sẽ trung thành tuyệt đối, không để sắc đẹp mê hoặc.
Mấy tên phú nhị đại đương đứng quanh đấy ngơ ngác nhìn nhau: Từ thiếu nói nhầm à? Đáng nhẽ phải chặn miệng gã chứ, tự dưng móc mắt làm chi?
Từ Bác Nhã hừ một tiếng khinh miệt, đoạn lia mắt xoáy thẳng ánh nhìn vào mặt Sư Tam gia. Gã siết chặt dây cương trong tay vang đôi tiếng “răng rắc”, lòng căm phẫn nghĩ: Anh thế mà dám ve vãn tán tỉnh người này kẻ nọ trước mặt ông, dòng yêu nghiệt, đợi đấy, xem xem ông chỉnh anh một trận cho nên thân thế nào, hừ!
Nghĩ thế, gã bèn bước đến đón Sư Tam gia chẳng chút do dự.
“Hey, đã lâu không gặp, Tam gia.”
Sư Tam gia nghi ngờ nói: “Không phải ta mới gặp nhau hôm qua sao?”
Từ Bác Nhã: “… Em mở lời thế thôi.”
Sư Tam gia: “Ồ.”
Mấy “vị khán giả” đương đứng sau chợt bừng tỉnh, quay lưng thì thầm: “Hoá ra hai người họ mới gặp nhau hôm qua à? Thế suy ra chẳng phải anh “người trong lòng” đến viện thăm cậu Từ hôm qua là Sư Tam gia sao? Thằng nhãi này được đấy, chuyện vậy mà không kể cho anh em mình biết một hai, đã thế còn đòi gì mà chỉnh người ta cơ. Tao nhìn phát biết ngay, rõ ràng là vợ chồng son cãi nhau nên mới gọi chúng ta đến giúp đỡ đây mà!”
“Anh Triệu, thế giờ anh em mình có chỉnh anh ta nữa không?”
“Chỉnh? Giờ mình mà chỉnh anh ta thì sẽ giúp cậu Từ hả giận được đấy, nhưng đó chỉ là trong nhất thời thôi, còn sau đấy – khi cậu Từ đã hết tức rồi thì sao? E ảnh lại giận anh em mình thấy ảnh phạm sai lầm thế đã không những không can ngăn mà còn xúi ảnh bắt nạt chị dâu thêm vào ấy chứ. Hơn nữa, theo tao thấy nhá, với cái tướng cậu Từ hôm qua, dễ có khi ảnh còn trách chúng ta gài người thương ảnh ác quá, đoạn xách đầu cả lũ đi cho chị dâu hả giận không biết chừng, mày có tin không?”
“Ừm… Xét thấy anh đã xem hết 500 tập Conan không sót tập nào, em tin!”
Vì lẽ đó, sau một hồi thảo luận hăng say, mấy gã phú nhị đại đấy cùng đi đến một thống nhất.
Người người đương đứng đấy không hẹn mà cùng dắt ngựa, đoạn mời mọc Sư Tam gia cùng cưỡi chạy vài vòng một cách nhiệt tình.
Sự đến nước này, song hãy còn trong kế hoạch của Từ Bác Nhã. Giờ, chỉ đợi để Sư Tam gia đi chọn ngựa xong nữa thôi, gã sẽ thách anh đua ngựa dưới cái lốt rủ rê, vui đùa hòng chỉnh cho anh một trận nên thân. Sở dĩ quyết định gài thế cũng bởi trước đây, Từ Bác Nhã có từng cho người đi điều tra về Sư Tam gia – đã phát hiện, rằng anh chưa từng có bất cứ ghi chép nào liên quan đến việc cưỡi ngựa cả. Nếu Sư Tam gia đã hại gã thất thố thế, gã đương nhiên cũng phải ăn miếng trả miếng lại cho anh rồi. Phải biết, lòng dạ Từ Bác Nhã này nhỏ nhen lắm!
Cưỡi ngựa còn nguy hiểm hơn cả lái xe nhiều ấy chứ, vì nó không có dây an toàn, ha ha ha.
Đợi đến lúc Sư Tam gia ngã sõng soài trước mặt người người đứng đây, anh ta sẽ biết mình đã đắc tội ai!
Cả nhóm cùng đi đến chuồng ngựa. Mắt thấy Sư Tam gia đương lắng nghe anh chàng quản lý hướng dẫn chọn ngựa một cách chăm chú, đoạn đưa tay vuốt bờm chú ngựa màu đỏ mà anh ưng ý, chọn lấy như muốn trấn an, Từ Bác Nhã bèn quăng cho đám đồng bọn đang đứng bên một ánh mắt nham hiểm, ra hiệu cả lũ cứ hành động theo kế hoạch. Mấy gã công tử Triệu, Tiễn, Tôn, Lý thấy thế thảy đều cười gian đáp lại ra chiều đã hiểu.
Chờ đến khi Sư Tam gia dắt một chú ngựa cao lớn màu mận chín bước ra, người người ở đây đều đã đứng thành hàng bên ngựa. Nhân lúc chàng quản lý đương còn kiểm tra độ chắc chắn của bàn đạp và dây cương ngựa Sư Tam gia, Từ Bác Nhã đã làm đầu têu giẫm bàn đạp, trở mình leo lên yên. Gã mặc trang phục đi săn độc màu lục mực, phong tư hiên ngang khí thế, thân hình gầy mà rắn rỏi, di chuyển nhanh nhẹn nhẹ như mây như nước, phóng khoáng đẹp trai chẳng thể diễn tả thành lời. Thấy thế, mấy gã công tử ca ở đây – kẻ nào kẻ nấy đều là “chuyên gia”, giỏi nhất mấy cái trò tâng bốc, nịnh bợ này lập tức bật ngón cái cả tiếng khen hay.
Từ Bác Nhã được thế liền hất hàm vênh váo, đoạn gã ghìm cương, chú ngựa ô đương cưỡi giậm chân, ngửa đầu khịt mũi mấy bận. Gã đánh mắt liếc nhìn Sư Tam gia đương đứng bên, nom cười như không cười.
Thấy chưa, xem đấy mà học hỏi!
Sư Tam gia quan sát kỹ càng thảy động tác gã, thầm ngợi: quả là phong thái của bậc tướng soái nơi sa trường máu lửa, và thế là trong nhất thời, anh đã vô thức lờ đi cái thói ham mê ba trò bôi son trét phấn của gã luôn. Anh gật đầu, cũng không tiếc lời, lên tiếng khen gã tự đáy lòng: “Hay lắm!”
Nghe thế, ngay chốc, mặt Từ Bác Nhã liền bừng lên hai vệt đỏ ửng khả nghi. Gã nghiến răng, đoạn bực tức nghiêng mặt sang bên tránh đi.
Nực cười, anh tưởng giờ anh khen ông mỗi câu là thù mới hận cũ gì xí xoá hết đấy phỏng? Đùa chắc?!
Đương nghĩ, gã chợt nghe thấy tiếng chàng quản lý dặn anh: “Anh ơi, anh nắm chặt dây cương, giẫm bàn đạp vững vào đi, để em đỡ anh lên.”
Từ Bác Nhã vừa ngoái đầu lại đã vừa lúc thấy ngay cảnh chàng thanh niên đương che chở cho Sư Tam gia lên ngựa. Sư Tam gia nắm lấy dây cương, giẫm bàn đạp trở mình lên ngựa chỉ trong một thoáng. Dẫu sao vốn dĩ anh đã luyện võ từ lâu trước, dù nay có là lính mới chơi song nhìn động tác lên ngựa nom cũng ra hình ra dáng. Chàng quản lý đứng dưới đưa tay ấn vào bờm ngựa, tay còn lại thì đặt hờ sau lưng anh, theo động tác anh lên, bàn tay ấy cũng dần dời xuống mông, đùi để phòng ngộ nhỡ anh chàng mới cưỡi ngựa lần đầu này có mất thăng bằng, ngã xuống anh cũng có thể tiếp được bất cứ lúc nào.
Sắc mặt Từ Bác Nhã lập tức trở nên xấu xí cực kỳ. Thằng khốn kia, tay đặt ở đâu đấy! Và thế là gã đen mặt, đoạn nhanh chóng tung người xuống ngựa, nổi giận bừng bừng, đi tới. Gã đưa tay đè lên vai chàng quản lý rồi đẩy anh lảo đảo lùi bước. Từ Bác Nhã đứng chen giữa hai người, ngoài cười nhưng trong không cười nói anh chàng: “Tôi là chủ nhà cơ mà, sao có thể chỉ ham vui một mình thế được? Hay để tôi đỡ anh ấy lên ngựa cho nhé?”
Chẳng chờ cho chàng thanh niên kia đáp lời, Sư Tam gia đương sau lưng gã đã thu dây cương, ngồi thẳng. Anh sờ chú ngựa mình đương cưỡi, nói: “Nhưng tôi đã lên ngựa rồi mà.”
Từ Bác Nhã quay đầu lại: “…”