30 Ngày Làm Vợ Hờ

Chương 7: Ngày thứ 7



Gia Bách nhắm mắt nằm đó mà vẫn không sao ngủ được, anh thấy trống trải cảm giác như đang thiếu mất một cái gì đó, mới mấy ngày trước Xuyến còn rút cơ thể nhỏ nhắn của mình vào lòng anh mà ngủ ngon lành, nhưng hôm nay lại tỏ thái độ lạnh lùng xa cách như thế, không hiểu sao anh lại thấy trong lòng bức rức khó chịu vô cùng.

Anh nghiêng người mở mắt ra thì thấy Xuyến đang đưa lưng về phía mình, anh lại khó chịu và tiếp tục trở mình.

Suốt đêm, anh cứ lặp đi lặp lại động tác đó đến mấy lần.

Sáng hôm sau.

Tiếng gà gáy thay phiên nhau ò ó ó inh ỏi khắp làng, hàng xóm gần đó từ trẻ nhỏ đến người già nô nức kéo đến nhà cô chỉ để xem xe hơi, xem người thành phố, mà họ tò mò vậy cũng đúng thôi, quanh đây hiếm có ai lấy chồng thành phố như Xuyến, cũng đâu có khách nào đến nhà người ta lại đi bằng xe hơi, ăn mặc sang trọng chứ, chỉ có mỗi nhà Xuyến là vậy, thấy mọi người kéo đến như đi xem hội ba mẹ Xuyến tiễn ông bà sui mà miệng cười toe toét vui vẻ như nhặt được vàng.

Ở trong phòng.

Gia Bách suốt đêm trăn trở không ngủ được, đến gần sáng mới chợp mắt được một lúc đã bị tiếng nhốn nháo ở bên ngoài đánh thức.

Anh ngồi bật dậy bước xuống giường, mới để ý bên cạnh mình trống không, Xuyến đã dậy từ khi nào rồi vậy mà không đánh thức anh, Gia Bách cau mày tỏ vẻ không vui trong lòng có một chút tủi thân.

Lúc anh mở cửa phòng bước ra thì thấy Xuyến đang phụ mọi người chất đồ ra xe, nào là chuối nào là mít nào là dừa, nhà có cái gì là ba mẹ cô gom hết cho ông bà sui mang về, chất vào cốp xe không đủ lại chất lên nóc xe, Gia Bách thấy vậy thì lao vào giúp mọi người một tay.

Làm hì hục một lúc cũng gần xong, chỉ còn mỗi buồng dừa để sau nhà. Bà Huệ thấy thiêu thiếu liền bảo Xuyến:

– Xuyến chạy ra nhà sau lấy buồng dừa lên đây con.

Nghe mẹ nói, Xuyến đưa tay lên lau mồ hôi trên trán, lật đật chạy vọt xuống nhà, lúc chạy ngang qua Gia Bách cô còn không thèm nhờ vả anh câu nào, xem anh như không khí.

Gia Bách nhìn theo bóng lưng nhỏ nhắn của Xuyến mà trong lòng buồn bực, nào giờ anh đã quen với cái mặt tươi cười của Xuyến, giờ thấy cô ít nói, đôi mắt lúc nào cũng mang một cảm giác buồn tẻ thì anh lại không quen.

Thấy cô như vậy, Gia Bách càng thêm áy náy, anh vội vàng đuổi theo Xuyến xuống dưới nhà bếp, thấy cô vợ nhỏ đang khệ nệ ôm buồng dừa một cách đầy khó khăn, anh không chần chừ một giây nào mà chạy đến bên cạnh cô đỡ lấy buồng dừa, ân cần nói:

– Để anh làm cho.

Xuyến nghe anh nói thì cảm giác trong tim như có một làn nước ấm chạy qua, vậy thì sao chứ cô chẳng thèm cảm động với cái việc cỏn con như vậy đâu, rồi giọng lại thờ ơ:

– Không cần đâu, tôi làm được. Dứt lời, Xuyến nhất quyết không chịu trao cho anh buồng dừa mà một mực giành lấy cho bằng được.

Gia Bách nghe cái từ “tôi” thốt ra từ miệng Xuyến thì cau mày tỏ vẻ không hài lòng, mặt mày cũng trở nên méo mó khó coi vô cùng. Nhìn cái cách mà Xuyến đang đối đãi với mình, tự dưng Gia Bách không kìm được tính nóng nảy trong người, anh quát:

– Đưa đây.

Gia Bách giật lấy buồng dừa trong tay Xuyến, rồi nhìn cô bằng một ánh mắt không thể nào lạnh lùng hơn, xong rồi anh xách đi một hơi lên nhà trên.

Bị anh quát, Xuyến đơ người mấy giây. Sau đó thì cô chống nạnh ngang hông, gương mặt từ ngơ ngác biến thành bộ dạng hung dữ, mắt nhìn chằm chằm bóng lưng của ai kia đang di chuyển mà quát lớn:

– Anh tức giận cái gì chứ, mấy ngày qua tôi bị anh lạnh nhạt quá đủ rồi, giờ tôi không thèm để ý đến anh mới có một ngày thôi mà anh đã vậy rồi.

Xuyến nói lớn lại nói quá nhanh, nói không kịp nghĩ đến khi nói xong mới thở hì hục để lấy hơi lấy giọng, cô nàng gào lên:

– Anh nghĩ chỉ có mình anh biết tổn thương thôi à, tôi cũng biết đấy nhé, từ nay về sau việc ai người nấy làm.

Xuyến nói xong mới thấy bối rối dè dặt với cách hành xử có phần nông nổi bồng bột của mình, không biết người lớn họ hàng bên ngoài có nghe thấy không nữa, họ có nghe hay không cô không biết nhưng cô biết chắc tên chồng mặt lạnh như tiền đó đã nghe thấy hết rồi, chắc đầu óc cũng đang rối như tơ vò đây, nếu không phải vậy thì tại sao đang đi ngon trớn bước chân liền khựng lại, đợi cô nói hết mới chịu đi tiếp.

Xả giận xong, Xuyến cũng bước lên nhà trên.

Thấy ai kia khệ nệ chất đồ ra xe, cô không thèm ngó ngàng tới, mải miết làm bà tám với Gia Hân về cái chuyện đi tắm trắng làm đẹp. Nói thiệt chứ, lúc mới lên nhìn làn da đen nhẻm rám nắng của mình mà Xuyến chẳng buồn thoa kem xức phấn dẫu cô cũng biết con gái hay vậy lắm. Giờ nghĩ lại thì cô mới thấy mình quê mùa quá xá, nếu mấy chị họ mà biết cô chẳng thay đổi gì chắc mấy bả cười cô đến ba ngày ba đêm mất, à mà cũng đúng mang tiếng làm dâu thành phố, cái gì không đổi được chứ cái bề ngoài phải đổi phải sang phải đẹp lên người ta mới nể, mới từ khinh thường chuyển sang ngưỡng mộ được chứ.

Lúc cô chụp hình chính mình bằng những cái app trên mạng và chỉnh filter một tí thôi là trông cô đẹp chẳng kém ai. Nghe Gia Hân khen mình đẹp cô lại mong ngày đó mau đến sớm, biết đâu khi thay da đổi thịt đời cô sẽ lên hương thì sao, nghĩ tới đây mà bao nhiêu phiền muộn đều tan biến hết.

Lúc mọi thứ gần như chuẩn bị xong hết, mẹ chồng của Xuyến mới nán lại đôi ba phút dặn dò cô và anh:

– Hai đứa ở đây chơi vui vẻ nha, còn con khi nào xong việc chở vợ về.

– Con biết rồi. Gia Bách hờ hững đáp.

– Lúc nãy hai đứa cãi nhau cái gì vậy?

Sau câu nói của bà Lệ, Xuyến bối rối đáp:

–Đâu có đâu mẹ, tụi con đâu có cãi nhau, chắc mẹ nghe nhầm.

– Mẹ về nhé. Bà Lệ nói xong thì chui vào trong xe, sau đó lần lượt bà nội và Gia Hân cũng vào.

– Bà nội về mạnh khỏe nhé. Vài ngày nữa con lại lên.

Xuyến rơm rớm nước mắt gọi với theo, họ đi rồi tự dưng Xuyến thấy mất mát nên mới không ngăn được cảm xúc dồn nén.

Mọi người về rồi tự dưng Xuyến thấy lạc lõng vô cùng, Gia Bách nhìn biểu hiện buồn bã của vợ định tiến lại an ủi mấy câu thì Xuyến bất ngờ bước nhanh vào nhà, không thèm nhìn anh lấy một cái.

Mấy cô mấy bác hàng xóm xung quanh ở lại nhà cô, chơi đâu vài phút rồi cũng đi về.

Nhưng có một người lại không muốn về, đó là chị Ngọc – con gái lớn của dì Hoa – em họ bà con xa của mẹ Xuyến – tình địch một thời của mẹ. Xuyến từng nghe mẹ kể rằng, hồi đó ông nội và bà nội của Xuyến dẫn theo ông Quý ba Xuyến và chú Ngạn em ruột của ba đều là người miệt khác đến đây để lập nghiệp, do cũng nghèo khó nên nhà cũng chẳng dư dả mấy, nên ông Quý phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền phụ ông bà nội nuôi chú Ngạn ăn học, ngành chú Ngạn học là ngành công an, mẹ kể đến đây thì không muốn nhắc đến chú Ngạn nữa, vì người cũng đã khuất rồi nhắc đến chỉ thêm đau lòng thôi, đến giờ ba mẹ vẫn còn thờ chú Ngạn, dù mẹ không trực tiếp nhắc đến nhưng Xuyến cũng ngầm đoán ra chú Ngạn hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, cũng nhờ chú mà hàng tháng Đăng Khôi có tiền ăn học, dù ít ỏi nhưng lại đổi bằng sự hy sinh cao cả của chú nên đồng tiền ấy vô cùng quý giá với gia đình Xuyến. Hồi đó, ông Quý là thanh niên siêng năng, chăm chỉ lại tháo vát thật thà rất được lòng mấy cô trong xóm trong đó có bà Huệ mẹ Xuyến và dì Hoa – mẹ của chị Ngọc, nhưng người chiếm được cảm tình của ba là mẹ Xuyến, hai người từ trước nay xem nhau như hàng xóm lại bất ngờ được mai mối và sau khi kết hôn tình cảm của hai người mới dần nảy nở và trở nên sâu nặng thắm thiết, hơn mười tám năm hôn nhân ba mẹ Xuyến chưa bao giờ cãi nhau to tiếng, nếu có thì cũng là những chuyện vặt vãnh trong đời sống hàng ngày.

Nhà bà ngoại của chị Ngọc ở gần đây nên chị ấy hay về đây hái trái cây bán phụ bà, chị ấy cũng vừa tốt nghiệp đại học không lâu, còn chưa tìm được việc làm, nhà ba mẹ chị Ngọc thì nằm đối diện với nhà của ông Mến.

Nhắc đến ông Mến, dân vùng này ai cũng biết, lúc trước nghèo ông ấy cởi mở hoạt bát với làng xóm lắm, sau khi giàu lên thì lại đóng cửa chơi một mình, ông Mến cũng chính là tâm điểm bàn tán xôn xao của mấy bà ngoài chợ mỗi khi có dịp tề tựu về.

Mọi người về hết, Đăng Khôi cũng chuẩn bị cặp sách để đến trường.

– Thưa ba, mẹ, chị hai, anh hai, em đi học.

Đăng Khôi nói xong, dắt chiếc xe đạp cũ ra đường, thấy thằng nhỏ cặm cụi sửa lại dây xích xe tay chân dính đầy dầu nhớt, Xuyến thấy mà xót xa trong lòng, đang ngồi trên chiếc ghế tre ngoài hàng ba, cô liền lật đật đứng dậy giúp em trai.

– Sau này chị có tiền chị mua cho chiếc xe đạp điện. Chứ đi xe mà hư hoài thế này, đến lớp tay chân toàn dầu nhớt làm sao mà thoải mái học được.

Xuyến vừa đi vừa nói, Gia Bách thấy vậy cũng chạy ra lúc đi ngang qua người Xuyến anh còn cố ý huých vào vai cô một cái.

Xuyến khó chịu lòng thầm nghĩ, tín hiệu gì đây chứ, tính tình sáng nắng chiều mưa không ai biết đường đâu mà lần, thật khó ưa mà.

– Thôi, em dắt xe vào trong đi, để anh đưa đi học cho. Trên đường đi có chỗ nào bán xe đạp điện cũ chỉ anh, anh mua cho một chiếc. Giờ anh không có mang theo nhiều tiền,khi nào em tốt nghiệp cấp ba anh mua cho chiếc xe máy luôn.

Chất giọng trầm ấm của Gia Bách vang lên khiến Xuyến ngỡ ngàng, ba và mẹ cũng lấy làm ngạc nhiên, bởi vì họ không nghĩ rằng một người công an, ngoài mặt thì khô khan, tính cách lập dị, nghiêm khắc quá mức bình thường mà cũng có một mặt tình cảm, điềm đạm lại tâm lý thế này. Ngẫm lại thấy con gái mình thật là có phúc.

Xuyến nhìn anh mà hai mắt đỏ hoe, cô có một cảm giác không thể tả bằng lời đối với Gia Bách thâm tâm của cô bất chợt nghĩ đến chú Ngạn – người chú mà cô chưa gặp mặt bao giờ, chỉ biết qua tấm ảnh thờ đã cũ theo thời gian. Nhìn Gia Bách, một xúc cảm mãnh liệt tràn ngập trong tâm trí khiến cô không kìm được nước mắt, một nỗi mất mát vô hình khiến Xuyến cảm thấy sợ hãi vô cùng.

Thấy em vợ anh rể tình cảm như vậy, ba mẹ Xuyến lấy làm xúc động.

Đăng Khôi nhìn anh đầy cảm kích nói:

– Em cảm ơn anh hai.

– Vào rửa tay nhanh đi, để anh dắt xe đạp vô nhà cho.

Đăng Khôi nghe anh nói thì cảm động đến mức rưng rưng miệng cười méo xệch như muốn khóc. Gia Bách dẫn chiếc xe đạp vào nhà, còn nó thì chạy phăng phăng ra đằng sau rửa tay.

Mọi người mãi dõi theo hai anh em Gia Bách mà không biết rằng, Ngọc đang nhìn chồng mình, con rể mình đắm đuối như thể ngắm một sinh vật lạ vừa rớt xuống trái đất, ngắm như thể đang chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật, ngắm như thể muốn khảm vào trong tim lấy làm của riêng cho mình.

– Xuyến, em lấy chồng thành phố mà sao nhìn em còn phèn hơn lúc ở dưới quê vậy?

Khi Gia Bách và Đăng Khôi đi mất hút chị ta mới chịu mở miệng nói chuyện.

Khi cái giọng chanh chua, dẻo dẹo của chị ta vang lên là Xuyến biết ngay chủ nhân của nó là ai.

Cô quay mặt qua đã thấy Ngọc đang nhìn mình với vẻ mặt khinh thường ra mặt.

Xuyến thấy vậy, thái độ bình thản, đã quen quá rồi nên cảm thấy mấy câu này của chị ta thật rẻ tiền.

Đối với cái thể loại này thì không cần phải dùng thủ đoạn gì cho mệt, lấy gậy ông đập lưng ông là nó sẽ á khẩu ngay.

Xuyến nhìn Ngọc từ trên xuống dưới, cô đăm chiêu mấy giây sau đó nói:

– Phèn như em mà được lấy chồng thành phố đẹp trai giàu có, còn đẹp như chị chắc là nằm mơ cũng chưa lấy được nữa là, bởi vì sao chị đẹp từ bên trong ra tới bên ngoài luôn mà, người trên này đâu xứng với chị.

Mấy từ cuối Xuyến cố tình nhấn mạnh rồi kéo ra một hơi dài, xong rồi cô nói tiếp:

– Mà chị Ngọc đi học trên thành phố bốn năm, có kiếm được anh thành phố nào chưa vậy, chị đẹp thế cơ mà.

Nói rồi Xuyến ngẩng mặt lên, lần đầu được ngẩng cao đầu trước chị ta thật là sảng khoái làm sao, nếu cô lấy chủ đề này mà nói suốt ngày chắc là chị ta không dám ló mặt qua đây luôn quá.

Nhìn cái mặt xị xuống, tức tối khó chịu của chị ta, là Xuyến cười nắc nẻ trong lòng.

Ba mẹ của Xuyến nghe cô nói thì nén cười, lần đầu họ thấy con gái mình mạnh ăn mạnh nói như vậy thì có chút không quen, nhưng nói vậy nghe cũng vui tai lắm chứ, nếu không che miệng chắc cười ha ha mất.

Ngọc bị Xuyến làm cho bẽ bàng thì vội vàng chữa cháy bằng nụ cười mỉm duyên hết sức.

– Chị đùa thôi mà, em làm gì mà căng thế.

Nhìn nụ cười cùng cái bộ mặt giả tạo của chị ta là Xuyến cảm thấy không thuận mắt. Xuyến cười đáp:

– Nãy giờ em cũng giỡn chơi thôi đó, chị đừng tưởng thật kẽo lại khó ngủ xấu da đó chị.

Xuyến vừa dứt câu là Ngọc cười hề hề đầy gượng gạo, gương mặt biến sắc trông thấy, sau đó không nói câu gì thêm mà đi thẳng ra sân. Đi được một đoạn thì ngoảnh đầu vào nhà nói:

– Dì dượng con về.

Ba mẹ Xuyến chỉ cười cười chứ không đáp lời, ai mà không biết con gái bà Hoa học giỏi xinh đẹp có thừa, bạn trai cũng chẳng thiếu, hách dịch, chảnh chọe nhất cái chỗ này. Đi học đại học mấy năm đã trắng như trứng gà bốc, về quê thấy ai đen chút xíu thì bĩu môi chê lên chê xuống. Có lần Xuyến còn bị chị ta đem lên mạng làm trò tiêu khiển, giờ nghĩ lại tức không chịu được. Giờ bị Xuyến làm cho bẽ mặt chắc là cay cú lắm đây.

Xuyến đi vào nhà, nhìn thấy cái bàn ở giữa phòng khách cô chợt nhớ ra điều gì đó, còn chưa kịp nói gì, bà Huệ đã vội lên tiếng:

– Hôm qua con không đem bánh vào cho thằng Bách à.

Xuyến gãi đầu, bối rối đáp:

– Con quên mất.

Bà Huệ lại tiếp:

– Hèn gì nửa đêm mẹ thấy nó bật đèn điện thoại ngồi xổm trên ghế ăn ngon lành, không biết là có bị thiêu không nữa. Mẹ sợ nó ăn không đủ nên nấu thêm cho nó gói mì vậy mà nó cũng quất sạch luôn.

Bà Huệ nói một hơi dài, sau đó ngừng lại mấy giây, thở dài một cái rồi nói tiếp:

– Con đó sau này chú ý một chút. Người ta ở thành phố quen ăn sung mặc sướng, về quê mình điều kiện vật chất khó khăn con quan tâm đến nó nhiều một chút.

Nghe mẹ nói, Xuyến cảm thấy mình bị cho ra rìa, cô ấm ức nói:

– Anh ấy mà cần con quan tâm à. Với lại anh ấy làm công an từng trải qua biết bao điều kiện hiểm trở hơn như vậy còn chịu được huống chi ở đây, mẹ lo xa quá rồi đấy.

– Lúc nãy mẹ thấy ánh mắt của con Ngọc lạ lắm đó, sau này con đừng đôi co với nó nữa.

– Nhịn chị ta riết rồi chị ta trèo lên đầu lên cổ mình ngồi đó mẹ. Nhất là bà Hoa, đã không ưa nhau mà lúc nào gặp mặt cũng giả bộ làm thân, người sống hai mặt đúng là đáng sợ quá mà.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.