Chồng Sói

Chương 45



Dạo này Thủy Thời gặp nhiều động vật gần ổ sói hơn trước, đặc biệt là trên đồng cỏ lưng chừng núi. Ở đó không chỉ có tiếng rào rạc gây ra bởi đàn trâu mà còn có bóng cừu bóng hươu kết bè kết bạn. Xa xa, cậu nhìn thấy cả bầy đàn Vua Ngựa, Ngựa Con còn lúc lắc cái đầu chào hỏi cậu.

Dường như động vật ăn cỏ trên núi đều dần tụ tập về đây.

Nhưng ngạc nhiên ở chỗ bầy sói không có phản ứng gì, thậm chí trông như đã rất quen với tình huống ấy. Thủy Thời ngờ vực, cuối cùng đặt câu hỏi cho Phù Ly vừa đi săn trở về.

Mấy ngày nay hiệu suất đi săn của họ rất cao, vào những kỳ “đồ ăn” sung túc, bầy sói thường muốn vồ hươu. Bấy giờ Phù Ly cũng đang tha một con hươu đực về sào huyệt.

Mỗi tội hắn vừa thả hươu xuống cửa hang là lại qua hồ tắm, tắm xong mới về, tất cả là vì bé bạn nhà hắn chỉ thơm chỗ nào sạch sẽ…

Thủy Thời dở khóc dở cười mãi, dù tắm mỗi ngày thì cũng đâu thể ngày nào cũng thơm cho được. Tuy nhiên hang ổ của họ nhờ thế đã sạch sẽ hơn, rất lâu mới phải giặt thảm lông một lần.

Trong lúc ngồi xuống để Thủy Thời tết tóc, Phù Ly nghe câu hỏi của cậu, suy tư một hồi, cảm thấy việc này khó giải thích rõ bằng ngôn ngữ nhân loại. Vậy nên hắn quay đầu, ôm cậu và nói, “Ngày mai, ra ngoài chung?”

Trong hang rất ấm, Thủy Thời chỉ mặc một lớp áo quần, hai người áp sát vào nhau, nhiệt độ cơ thể dần hòa lẫn. Thủy Thời ngạc nhiên, “Ấy? Đi chung á? Đi tuần núi ạ?!” Cậu hào hứng. Mấy bữa nay trời lạnh, tuyết lớn, cậu đã trú đóng trong hang sói khá lâu, cũng muốn có cơ hội ra ngoài cho khuây khỏa. Chưa kể cậu vẫn chưa được nhìn ngắm toàn cảnh Đông Sơn.

Quyết định xong, Phù Ly lại vuốt ve mái tóc ngắn mới cắt cách đây không lâu của Thủy Thời. Tóc Thủy ca nhi nguyên bản là tóc đen dài đến eo, sau này khi Thủy Thời đến thì phỏng theo tập tục của ca nhi nơi đây mà buộc nửa trên, xõa nửa dưới.

Chẳng qua lúc chuyển sang sinh sống trên núi thì để tóc dài không tiện, cũng không phải tuân theo phép tắc gì, Thủy Thời liền cắt tóc ngắn như xưa. Kiểu tóc mới làm tôn khuôn mặt nhỏ nhắn, đoan chính và tuấn tú của cậu, đồng thời có thể che nốt ruồi giữa ấn đường, khiến cậu không khác một người hiện đại lên núi ở ẩn.

Rồi Thủy Thời lại kể chuyện. Cuối cùng cậu cũng phát hiện ra con ngỗng trắng không mời mà đến kia là con trống, cái đuôi vểnh lên của nó còn có hình xoắn ốc! Và dĩ nhiên là nó không thể đẻ trứng. Hay như một lần nọ cậu gặp con tê tê đang moi tổ kiến, Sói Con nhảy ra cắn, nhưng chỉ cắn được mỗi miếng đất, còn tê tê đã xách đuôi chạy biến mất tiêu.

Thủy Thời nắm tay Phù Ly, tủm tỉm hỏi hắn nếu so giữa tê tê và hắn thì ai đào đất nhanh hơn…

Hễ gặp Phù Ly là cậu luôn có vô vàn chuyện để kể. Cậu như được tiếp thêm sức sống mãnh liệt, khác xa nửa đời trước chìm trong sự kiệm lời rầu rĩ. Phù Ly ôm bé bạn vào lòng, nghiêm túc lắng nghe, thi thoảng lại đáp lời bằng lối phát âm líu nhíu. Mỗi lần như vậy, Thủy Thời sẽ tựa lên lồng ngực rung rung của hắn và sửa cách phát âm cho chàng thú hoang một cách chòng ghẹo. Nhỡ có sửa hăng hái quá, cậu sẽ bị anh chàng bự con thẹn quá hóa giận kiếm cớ đè xuống, cù lét, rồi lại hung tợn hôn môi.

Tuy thiếu thốn điều kiện vật chất nhưng đời sống tình cảm và tinh thần của Thủy Thời rất sung mãn, cậu trông phơi phới như thể có thêm cuộc đời mới.

Sang ngày, Thủy Thời nghiêm chỉnh theo bầy sói đi tuần. Bầy sói di chuyển không khác mây bay, vừa nhanh vừa nhẹ, Thủy Thời khó mà ngắm nhìn kỹ lưỡng bóng lưng của chúng. Sau cùng cậu chỉ đành nằm trên tấm lưng vững chãi của Phù Ly, lắng nghe tiếng gió núi gào rít bên tai, mở to hai mắt quan sát tiên cảnh bị thế gian ẩn giấu.

Sau trận tuyết lớn, thời tiết trên núi vô cùng rét mướt. Băng qua những dãy núi và rừng cây phủ lớp trắng bạc là một vùng đất đóng băng. Càng đi xa ổ sói nhiệt độ càng giảm, làn hơi Thủy Thời phả ra kết thành băng tuyết giữa hai chân mày của cậu.

Ánh nắng dữ dội rọi thẳng xuống mặt nhưng vẫn không thấy ấm áp. Bầy sói vượt qua đồng cỏ mênh mang, qua những cánh rừng ngập tuyết, gió lạnh cuốn tuyết mịt mờ và làm phai nhòa ánh nắng.

Đoàn họ chạy trên triền núi, nhờ địa hình nên nơi đây không bị tuyết phủ nhiều. Nhìn xuống dưới, Thủy Thời chợt vỡ nhẽ nguyên nhân cách di chuyển của bầy sói.

Tuyết trên thảo nguyên rất dày, động vật ăn cỏ không tìm thấy thực vật bị chôn sâu dưới tuyết. Một con bò yak lạc đàn chìm trong tuyết, chỉ lộ cặp sừng, song nó vẫn nỗ lực vung vẩy cái đầu với hy vọng gạt đi những mảng tuyết nặng nề để gặm tới những lúm cỏ bị che lấp.

Nó cô độc giữa thiên nhiên hoang dã, sau lưng nó là vệt tuyết xới kéo dài, như thể một khúc bi ca thất truyền về sinh mệnh cô đơn.

Nếu mùa xuân lỡ hẹn, nó sẽ chết giữa đồng tuyết trắng.

Đến giờ Thủy Thời mới cảm ngộ được một điều: thiên nhiên tàn khốc mà nhân từ, sinh mệnh sục sôi mà bi tráng.

Đoàn họ mất cả sáng – dĩ nhiên bầy sói cũng không dùng đến tốc độ tối đa – nhưng vẫn chưa tuần tra hết Đông Sơn, họ chỉ kiểm tra những cứ điểm trọng yếu. Tuy nhiên Thủy Thời đã láng máng hiểu vì sao nhiệt độ trên dãy núi lại chênh lệch lớn như vậy.

Dung nham nóng chảy dưới lòng đất thúc đẩy các miệng phun thủy nhiệt khắp nơi không ngừng phun trào, mùa đông bởi thế có khí hậu của mùa xuân. Thế nhưng dãy núi Đông Sơn có hình dạng gần giống một vòng khuyên, chỉ chừa một khe hở đón gió mùa ấm áp hàng năm. Khi gặp trận tuyết lớn, mặt đất không thể tản nhiệt tới tận đỉnh những ngọn núi xung quanh, hơi nóng bốc lên rồi nguội dần, không khí lạnh tập trung trên đỉnh núi sà xuống và hội tụ về những nơi đất trũng như thảo nguyên, khiến toàn thể sinh vật co rúm lại.

Buổi trưa, bầy sói mệt lả nằm nghỉ ngơi bên cạnh hồ nước nóng quen thuộc, cũng là nơi Thủy Thời từng thuộc da ngày trước. Hồ nước lần này chen chúc rất nhiều động vật khác nhau đến sưởi. Trong đó đông đúc nhất là bầy khỉ, chúng cuộn mình dưới nước, bất động, chân tay lộ ra ngoài của chúng đều kết sương. Bên cạnh chúng là nhóm khỉ có địa vị thấp hơn nên không được xuống nước, chỉ có thể đứng run rẩy cạnh hồ.

Không ai dám lại gần nguồn nước nóng bỏng đang phun tung tóe ở chính giữa hệ thống các hồ nước nóng, nhiệt độ của nó hoàn toàn có thể lột da bầy thú vật.

Dưới sự chỉ dẫn của Vua Sói, đoàn Thủy Thời đến hồ sói ở thượng nguồn uống nước, động vật xung quanh đồng loạt nhường đường. Hôm nay dưới hồ có cả mấy con sói lông tạp, Thủy Thời mới liếc nhìn đã thấy hai con sói canh gian xảo năm xưa.

Trời lạnh thế này thì chắc mẩm chúng lại trốn việc, làm biếng đây mà, Thủy Thời biết thừa tính chúng.

Phù Ly chưa thấm mệt, trông hắn vừa ung dung vừa không có vẻ lạnh gì nhiều. Hắn thả Thủy Thời xuống, dùng bàn tay nóng ấm phủi sương trên mặt cậu. Thủy Thời nhanh nhẹn cởi tấm da thú cồng kềnh và nhúng hai tay xuống làn nước ấm.

Hai con sói dạn dĩ bơi đến cạnh Thủy Thời, dò xét thái độ của Phù Ly, rồi nịnh nọt cọ cái mũi ướt át lên bàn tay Thủy Thời dưới nước. Thủy Thời thấy vui, cậu tươi cười chơi đùa với chúng, chỉ chốc lát sau bọt nước đã vương vãi tứ tung rồi bắn cả lên mặt Phù Ly trong một giây bất cẩn.

Hai con sói đứng đực ra, chớp mắt đã lẳng lặng lặn xuống hồ. Phản ứng của chúng gợi lại ký ức lần đầu xuống nước cùng Phù Ly cho Thủy Thời, mình khi ấy sợ sun vòi, nhỡ chạm nhẹ vào cơ thể cường tráng của anh ấy một tí thôi là đã kinh hồn bạt vía. Bây giờ thấy nước trên mặt Phù Ly, Thủy Thời bật cười, đoạn dùng bàn tay ướt nhẹp lau nước trên khuôn mặt anh tuấn của Phù Ly như thể trả đũa.

Mà Phù Ly chỉ hừ khẽ, nhướn mày, tóm lấy tay bé thú cái, đặt bên môi, và liếm nhẹ.

Thủy Thời giật thót mình, vội vã rụt tay về rồi đỏ mặt đứng bên cạnh người ta một cách vô cùng ngoan ngoãn.

Lòng cậu nảy ra một dòng suy nghĩ loạn tùng phèo… rốt cuộc lưỡi ổng có gai ngược từ bao giờ nhỉ…? Rõ ràng lần trước… cậu cũng cảm giác thấy! Nhưng mà hiện tại lại đâu mất tiêu rồi…

Bầy sói chải chuốt xong xuôi thì chạy về nhà, còn mang theo mấy con sói trắng vốn ngâm mình sẵn dưới nước. Lông bọn chúng rất kỳ lạ. Không giống sói xanh ướt đẫm lúc ra khỏi hồ, mất cả buổi không khô, chúng lên bờ chỉ cần giũ mình mấy cái là bộ lông lại bồng bềnh ngay lập tức.

Thủy Thời lấy làm kính nể, sau đó bất giác nghĩ đến chiếc áo len nát tươm của mình. Cậu xụ miệng nhìn chằm chằm Phù Ly bằng cặp mắt đầy u oán.

Đôi tai khẽ giật, Phù Ly cúi đầu thì thấy bé thú cái trong lòng đang liếc xéo hắn một cách xấu xa. Hắn hé miệng, nhe răng, rồi – trong sự vùng vẫy của Thủy Thời – cắn nhẹ hết má đến cổ cậu.

Trên đường về, họ tạt ngang qua cây gừa cổ thụ trên đỉnh núi. Thủy Thời và Phù Ly ngẩng đầu nhìn tán cây um tùm. Nơi này thật sự yên ả, chỉ trừ những đụn tuyết nhỏ thường xuyên bị toán chim sẻ xô đẩy, bay lả tả, cuối cùng đáp xuống gốc cây.

Khi tuổi thọ hao hết, gã thợ săn đứng đầu chuỗi thức ăn vĩnh viễn ngủ say trên mảnh đất trù phú ấy cùng với người bạn đời trung trinh của mình. Sinh ra ở đây, trưởng thành ở đây, sau cùng lại hóa thành bùn đất, nuôi dưỡng nơi đây.

Sinh mệnh là vòng lặp.

Sau đó hậu duệ của ngài sẽ lại đặt chân lên mảnh đất này, sẽ lại canh giữ thiên nhiên, nối tiếp vòng lặp kéo dài vô tận. Phù Ly đưa mắt nhìn tán cây rồi quay đầu, tiếp tục lao về phía trước. Thủy Thời dõi theo khuôn mặt kiên nghị của đối phương, im lặng dựa vào lồng ngực hắn.

Về gần lãnh địa bầy sói, nhiệt độ ấm dần, tuyết xung quanh tan chảy nhanh chóng đến độ gần như không còn sắc trắng. Đồng cỏ lộ ra mảng đất xanh đen trơ trọi, trâu và cừu gặm cỏ nhởn nhơ, đó đây là những loài thú nhỏ tìm đến nơi này sưởi ấm.

Trong số chúng có một con cáo đỏ đẹp tuyệt trần. Nó luồn lách giữa bụi cỏ một cách cẩn trọng và khôn ngoan, thế rồi sau khi bắt được con thỏ bằng một một cú vồ bất chợt, nó lại tha con mồi ra rất xa đánh chén.

Thủy Thời cởi áo choàng da. Quang cảnh xanh rờn trước mặt làm cậu khó lòng hình dung được rằng, ngay tại đồng cỏ trên ngọn núi cách đây không xa là bạt ngàn tuyết trắng.

Dường như vùng đất này đã được tiếp quản bởi một thế lực thần bí, khiến cho nó trở thành chốn náu mình của sinh vật, thành đường sinh cơ duy nhất giữa tử địa hẻo lánh.

Về đến ổ sói, Thủy Thời thấy lớp tuyết dày đã bị gió thổi bay. Hơi ẩm trên hồ nước nóng bên cạnh ngưng tụ thành băng và lững lờ trôi khắp không khí như bụi kim cương.

Đám sói choai choai ẩn náu trong ổ nhiều ngày đều dạng chân, vui sướng lăn lộn trên nền đất. Chẳng qua, vừa vào bếp, Thủy Thời đã nhướn mày, rồi híp mắt quan sát Bé Sói Trắng đang vừa chơi vừa dòm trộm cậu.

Thằng nhóc này thấy cậu về mà lại không ra đón, thậm chí còn cố tình lủi rõ xa. Thủy Thời cười khẩy, mở lòng bếp nơi cậu cất khoai nướng, quả nhiên bên trong không có lấy một mẩu vỏ nào. Phóng tầm mắt nhìn đám sói, kẻ duy nhất sở hữu kỹ năng “sinh tồn” mở lò đất chỉ có thể là tên nhãi Sói Con! Chưa kể nó đã quen thói từ lúc còn ở thôn luôn rồi.

Thủy Thời toan nhéo tai nó thì thấy nó đã đắc ý đến gần, dừng lại cách mình một khoảng, sau đó bám lên người Phù Ly, rồi vừa cọ bắp chân Phù Ly vừa kêu “áu áu” với ý đồ làm nũng.

Cuối cùng Phù Ly phải dẫn nó về ổ Vua Sói và tự tay tìm tòi, tìm ra một củ khoai nướng mập. Cặp mắt vàng của hắn sáng ngời như mặt hồ lóng lánh ánh kim ở vùng đất tổ.

“Em đừng giận, còn lại một, cho em.”

Qua những sự việc nhỏ bé thường ngày như vậy, Thủy Thời ngày một thêm hiểu rõ về tạo vật Đông Sơn cũng như về quê hương của bạn đời. Càng tiếp xúc nhiều với Phù Ly, cậu lại càng yêu thương hắn.

Hắn như con của núi, con của trời. Với linh hồn tự do, nhiệt tình và sâu lắng, hắn che chở cho cậu giữa dòng đời đằng đẵng, dẫu chết không phai.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.