Bắt đầu vào học cấp hai, Yến Thư được anh trai nộp đơn vào một trường tương đối gần nhà, tất nhiên là điểm số cô bé dư sức để xin vào. Trương Thịnh khi này cũng đã lấy được tấm bằng học nghề, dù chuyên môn và trình độ không đủ để làm các công việc có mức lương hấp dẫn, nhưng chí ít anh cũng xin được một chân phụ việc có mức lương cao hơn và ổn định hơn so với các công việc đã từng làm khi mới đến đây. Song song theo đó là tiền học của Yến Thư lại cao hơn so với cấp một, thành ra những lúc rảnh rỗi, Thịnh sẽ xin làm thêm các công việc bốc vác, thu xếp ổn thỏa hơn thì kiêm luôn vị trí shipper trên các ứng dụng giao hàng điện tử. Kiểm soát chi tiết chặt chẽ một chút, ăn uống có thể đạm bạc một chút, Trương Thịnh vẫn đủ khả năng lo toan mọi chi phí trong nhà, trước mắt anh chỉ có thể cố gắng như vậy thôi.
Nhưng rồi cái gì làm quá nhiều chắc chắn không tốt. Chỉ vì suốt ngày lo chạy vạy kiếm tiền khắp nơi, Trương Thịnh từ lâu đã ít trò chuyện hơn với em gái nuôi. Có những lúc anh nhận thêm ca làm đêm, chỉ kịp về chào cô em gái một tiếng rồi lại tất bật đi làm luôn. Lắm lúc Yến Thư cảm thấy vô cùng tủi thân khi mâm cơm tự tay mình nấu mà anh chẳng ăn lấy một miếng. Nghĩ cũng vì anh lo lắng cho căn nhà này và bản thân mình, Thư dặn lòng sẽ không ca thán một lời nào, cố gắng dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ và học hành thật tốt để anh trai không phải vướng bận gì thêm.
Buổi chiều hôm ấy, khi Thịnh về nhà thấy một bao nilong đựng toàn lon bia cùng một số chai nhựa, anh nhíu mày hỏi cô bé: “Nhặt mấy cái này về để đấy cho chật nhà ra à?”
“Dạ, em nhặt ve chai ở lớp với cả ở quán nhậu gần nhà mình… thấy người ta vứt cũng uổng nên em mới lụm về để dành bán kiếm tiền mua tập bút thôi ạ.” Yến Thư cúi đầu lí nhí nói với anh mà hai tay đan chặt vào nhau lo sợ bị mắng.
“Tập bút sách vở tôi lo được, em chỉ cần chuyên tâm học hành vào cho đàng hoàng, đừng để phí tiền của tôi là được.”
“Dạ, em biết rồi ạ.”
“Sau này cũng đừng đến mấy quán nhậu gần nhà nữa… nơi đấy rất phức tạp.”
“Dạ, vâng anh hai.”
Cuộc sống của hai anh em lại cứ thế trôi qua vội vã. Thấm thoát đã gần đến ngày thi học kỳ một của trường Yến Thư.
Hôm nay là ngày nghỉ trên trường, Thư đã mạnh dạn mời hai người bạn mà chính cô bé đã làm thân được suốt gần một học kỳ, cùng đến nhà mình để họp nhóm.
Đến đúng giờ hẹn, Yến Thư khoác tạm cái áo khoác cũ kĩ rồi đi đến trước hẻm đón hai bạn vào. Nguyễn Thị Kim Cương đi bên trái Thư, ăn diện dù không quá cầu kì nhưng mỗi món thời trang đắp lên người đều cho thấy xuất thân của cô không phải gia đình bình thường. Còn người ung dung nắm lấy tay phải của Thư mà đung đưa là Trần Thảo Quyên, nét mặt không sắc sảo như Kim Cương mà nhẹ nhàng nhu mì. Cả hai đều là những người bạn cực kỳ tốt, chưa bao đánh giá tuổi tác hay hoàn cảnh gia đình của Yến Thư, thân thiện kết bạn và giúp Thư hòa nhập với môi trường cấp hai tốt hơn.
Hì hục ngồi giải đề được khoảng ba tiếng đồng hồ, Kim Cương là người buông bút xuống trước, nằm dài trên nền nhà sạch bóng. Hội con gái là như thế mà, chỉ cần là gặp mặt nhau thì chắc chắn không thể nào thiếu vắng những giờ phút buôn chuyện phiếm.
Cùng lúc đó Trương Thịnh cũng vừa tan ca làm, định bụng về nhà nghỉ trưa ăn cơm rồi chiều sẽ đi làm tiếp. Anh cẩn thận dắt chiếc xe cũ kĩ vào trong nhà, khóa cửa cẩn thận. Dùng bữa trưa xong thì vào phòng để nghỉ ngơi. Vô tình, Thịnh cũng thoáng nghe được cuộc trò chuyện rơm rả phát ra từ phòng em gái…
“Nè Thư! Chuyện là mẹ tui mới được các bác cho vài bịch quần áo mới của các chị lớn. Mà khổ nỗi đồ quá nhiều, lại có nhiều cái hơi rộng so với dáng của tui. Hay tui đem qua cho bà vài bộ he.”
Giọng Quyên cất lên thanh thót, thái độ vô cùng ân cần.
“Sao tự nhiên lại…”
“Quyên nói đúng đó. Trùng hợp bên nhà tui cũng mới được các bác gửi quần áo từ bên nước ngoài về. Nhiều lắm luôn mà tui lại mặc không hết. Tui cũng đem một ít cho cho bà luôn ha.” Kim Cương tiếp lời Quyên.
“Thôi kì lắm. Quần áo của hai bạn chắc là mắc tiền lắm. Sao mà tui dám nhận.”
“Lại nữa con bé này. Ngại cái gì chứ. Mình cũng học với nhau cả nửa năm rồi. Thấy bạn bè gặp khó khăn thì mình giúp thôi. Yên tâm, thật sự là tui mặc không hết đâu.”
Trương Thịnh chỉ khẽ khàng đứng bên ngoài nghe như vậy thôi, nhưng trong lòng lại nhộn nhạo không yên.
“Cũng phải! Lâu rồi con bé chưa được mua quần áo mới.”
Anh thở dài não nề, khẽ trách bản thân dạo gần đây quá để tâm đến công việc mà quên đi bé Thư. Anh biết hai người bạn của con bé hoàn toàn không có ý gì xấu, nhưng chắc chắn ở đâu đó trong thâm tâm bé Thư cũng sẽ cảm thấy đôi chút sự tủi thân. Thêm cả việc ngày hôm qua có bà cô tổ dân phố xuống thông báo, đã nhắc khéo Thư và anh chú ý cách ăn mặc. Một phần vì muốn tốt cho hai anh em, phần nữa là Yến Thư đang trong độ tuổi dậy thì, nên việc để con bé mặc lại mấy bộ quần áo quá ngắn sẽ thu hút những ánh nhìn không hay.
Quyết định rồi. Ngày mai anh sẽ đi sắm sửa cho đứa em gái tội nghiệp này vài bộ quần áo mới.
Nghĩ là làm. Sáng hôm sau, Trương Thịnh đi làm về liền ghé ngay vào chợ. Lựa tới lựa lui được vài bộ vừa ưng ví vừa hợp mắt nhìn, lại thêm cả đồ dùng của con gái như quần nhỏ áo lá lót và vài món lặt vặt khác. Anh cũng chẳng biết ngại là gì vì đối với anh bao lâu nay – Yến Thư vẫn như đứa con nít, còn mình là người lớn đang làm nhiệm vụ chăm trẻ nhỏ mà thôi.
Thu xếp về sớm được một hôm, Trương Thịnh dắt xe vào nhà như mọi lần. Thư khi này cũng vừa mới tắm rửa xong xuôi, hí hửng chạy xuống đón anh.
“Hôm nay anh về sớm thế ạ!”
“À nay anh giao hết hàng sớm nên tranh thủ về ăn cơm với em. À này, cầm lấy.”
“Cái gì vậy anh?” Yến Thư tò mò xoa xoa nắn nắn núi ni lon tối màu được buộc chặt trong tay.
“Ừm! Là quần áo mới. Nay anh được thưởng nên mua cho em. Dù sao mấy bộ trong nhà cũng cũ rách hết rồi. Sau này bỏ mấy bộ đồ đó đi.”
Hai mắt Yến Thư sáng lên lấp lánh. Cô vui mừng chạy tới ôm lấy Trương Thịnh. Cứ thế cười tít mắt day day người anh cả một lúc lâu. Đoạn lại chạy vù vào trong phòng, tích tắc thử hết từ bộ này sang bộ khác, giữa chừng lại chạy đến trước mặt anh mà luôn miệng nói “bộ này đẹp quá, rất vừa vặn em rất thích, cảm ơn anh hai nhiều ạ”.
Thấy thái độ của Yến Thư vui vẻ hơn hẳn mọi ngày, anh cũng mỉm cười hài lòng. Thôi thì lâu lâu thoải mái tiền bạc một chút để đứa em gái đáng yêu này cười lên toe toét cũng đáng. Thật ra không phải anh tính toán tiền bạc với Thư, mà là vì trong nhà còn nhiều thứ phải chi tiêu, anh luôn để dành một khoản riêng để phòng khi cô bé đau ốm thì còn có mà xoay sở. Từ lâu Thịnh đã thầm xem Yến Thư như em gái ruột của mình, chỉ là anh không nói ra, anh là một người đàn ông khô cằn cũng chẳng giỏi thổ lộ tình cảm của một người anh dành cho đứa em gái này. Cứ thế mà Thư luôn nghĩ rằng mình chính là áp lực nặng nề của anh bấy lâu nay. Bây giờ được anh mua quần áo mới cho, cô bé rất lấy làm vui mừng hạnh phúc vì nhận được sự quan tâm từ anh như thế này.
“Em thích lắm à?”
“Thích lắm luôn ạ anh hai. Anh nhìn nè. HI HI.”
Cô bé cười tít mắt, mặc chiếc áo bản thân cho là đẹp nhất trong những cái anh vừa mua, liên tục lượn qua lượn lại vài vòng trước mắt anh. Đã lâu lắm rồi cô mới cảm nhận lại được sự quan tâm của anh dành cho mình. Tâm trạng cứ mãi rộn ràng không thôi.