Mẹ tôi lo lắng đi khắp các chùa chiền cầu bình an, còn cha tôi có quen một thầy kinh dịch, nhờ ông ấy giải đáp giấc mơ của tôi và Tô Xảo Xảo. Ông ấy nói đứa trẻ đó muốn làm bạn với con tôi, muốn được ở trong nhà tôi, điều chúng tôi cần làm bây giờ, là mời thầy pháp làm lễ nhận nó làm con, thờ cúng nó trong nhà, và đừng quên chăm sóc tốt cho mẹ ruột của nó.
Chúng tôi tất nhiên là nghe theo.
Vậy là trong nhà tôi có thêm một cái ban thờ nho nhỏ trong góc nhà, lúc nào cũng nhang khói đầy đủ. Kể từ đó con tôi không còn khóc đêm nữa, ăn uống cũng đầy đủ, bụ bẫm mập mạp trông thấy.
Ngày tháng trôi qua, con tôi cũng đang tập nói, có đôi khi tôi thấy nó thường nhìn đi đâu đó, hoặc là nhìn vào góc tường, bi bô nói chuyện một mình. Cả nhà đều lo lắng, chúng tôi đưa thằng bé đi khám, thì bác sĩ nói nó hoàn toàn bình thường, không có gì phải lo. Tôi nghi hoặc trong lòng, có khi nào… nó đang nói chuyện với đứa trẻ đó không? Có vẻ nó rất yêu quý con tôi.
[…]
Tô Xảo Xảo trước đây vì trả thù mà không ít lần làm hại những người vô tội, những sóng gió chúng tôi gặp phải coi như cũng là quả báo dành cho cô ấy. Tôi đưa cô ấy đi thăm Tiểu Ngọc.
Nhìn Tiểu Ngọc bây giờ điên điên dại dại, luôn miệng chửi rủa lung tung, Tô Xảo Xảo im lặng chẳng nói gì, nhưng tôi thấy hai mắt cô ấy đã đỏ ửng. Có vẻ cô ấy đã thật sự ân hận về những gì mình đã làm, thật sự cải tà quy chính rồi.
Chúng tôi thường xuyên đi thăm Tiểu Ngọc, mỗi lần đến chúng tôi đều thấy con bé ôm khư khư trong lòng một con búp bê, miệng ú ớ hát ru, nhìn cảnh này không khỏi trào nước mắt. Chúng tôi bàn với nhau đợi con mình lớn thì đưa nó đến thăm Tiểu Ngọc, giảm bớt phần nào vết thương trong lòng con bé.
Cũng có đôi khi cả hai chúng tôi cùng mơ thấy mẹ của Tiểu Ngọc, dì ấy chẳng nói gì, chỉ nhìn chúng tôi chằm chằm, nét mặt buồn rười rượi.
Năm năm sau.
Con trai tôi năm tuổi, thằng bé tên là Hàn Tĩnh Phong, nó kháu khỉnh đáng yêu lắm, chuẩn bị vào lớp một.
Năm năm qua nó đã lớn khôn nhiều, nhưng tôi để ý thấy nó có một thói quen rất kỳ lạ, giống y như những ngày đầu tiên chúng tôi nhận đứa trẻ kia làm con vậy: thỉnh thoảng nó hay nhìn đi đâu đó, hoặc nhìn vào góc tường. Nó nhìn bằng một thái độ rất nghiêm túc, nhìn chăm chú, chứ không phải nhìn bâng quơ.
Trong lòng tôi đoán già đoán non, xem ra con tôi thật sự đã kết thân với hồn ma đứa trẻ đó, không chỉ vậy, dường như hai đứa trẻ có mối liên hệ gì đó với nhau. Đối với chuyện này tôi cũng không biết nên vui hay nên buồn.
Có một lần tôi đưa vợ con đi siêu thị, đi ngang qua cửa hàng đồ chơi, thằng bé đột nhiên túm áo tôi khóc lóc ăn vạ, đòi mua bằng được đồ chơi mới thì thôi. Tôi thấy là lạ làm sao, từ nhỏ thằng bé đã bị mẹ nó rèn giũa vào khuôn khổ, chuyện nó ăn vạ đòi mua đồ chơi như này tôi mới thấy lần đầu tiên.
Không chỉ mình tôi, ngay cả Tô Xảo Xảo cũng nhìn con bằng ánh mắt ngạc nhiên, rốt cuộc chúng tôi vẫn chiều theo ý nó, đưa nó vào cửa hàng đồ chơi, thích món nào thì chọn món đó. Kết quả, nó chỉ vào một con búp bê gái, trông xinh xắn đáng yêu:
“Con muốn cái này!”
Nhân viên bán hàng thấy vậy không nhịn được bật cười, ngay cả chúng tôi làm cha làm mẹ nó đây mà cũng không hiểu nổi con mình đang nghĩ gì:
“Tiểu Phong, con thật sự muốn mua búp bê?”
Nó là con trai mà lại thích chơi búp bê sao? Hay là… muốn mua tặng bạn nữ nào?
Nhìn con búp bê to bằng khoảng đứa trẻ con ba bốn tuổi, làm khá giống người thật, còn biết hát biết nhảy, theo những bài hát và những động tác đơn giản được lập trình sẵn, tôi cứ thấy có gì đó không bình thường. Mặc cho chúng tôi hỏi mãi, thằng bé cũng không nói tại sao lại muốn mua búp bê, chỉ ôm khư khư nó trong lòng, thỉnh thoảng lại mở công tắc lên, hát cùng nhảy cùng con búp bê.
Thằng bé về đến nhà, cả ngày chỉ dính vào con búp bê, không rời nửa bước, ngồi ăn cơm ngồi học bài cũng để nó ngồi cùng, thậm chí đi ngủ cũng cho nó nằm cùng. Vì muốn rèn cho nó tính tự lập nên chúng tôi đã cho nó ngủ phòng riêng, ngay sát phòng hai vợ chồng tôi. Mọi ngày thằng bé luôn lấy đủ lý do để đòi ngủ cùng cha mẹ, nhưng từ ngày có con búp bê, nó tự giác ngủ đúng phòng, đúng giờ, sáng còn tự biết dậy đi học không cần ai gọi.
Chúng tôi vẫn không nghi ngờ gì cho đến một ngày…..
Tiểu Ngọc ở trong bệnh viện tâm thần vẫn không có gì tiến triển thêm, thậm chí tình trạng còn có dấu hiệu trầm trọng hơn, thấy cái gì có thể ôm được đều vơ vào người mà ôm, cả ngày ú ớ hát ru con, chúng tôi nhìn cảnh này mà thấy xót xa. Con chúng tôi cũng đã lớn rồi, đã đến lúc nên cho nó đi thăm Tiểu Ngọc.
Là chúng tôi nợ cô ấy một đứa con kháu khỉnh đáng yêu, nếu con cô ấy còn sống, chắc cũng lớn tầm con tôi rồi. Gặp được thằng bé biết đâu cô ấy sẽ vui hơn, tình trạng khả quan hơn?
Tiểu Phong ôm khư khư con búp bê, đi cùng chúng tôi thăm Tiểu Ngọc. Vừa nhìn thấy thằng bé, Tiểu Ngọc đã sáng mắt lên, nhào qua ôm lấy nó, miệng hò reo rất vui vẻ. Ban đầu thằng bé vẫn còn sợ, nhưng thấy chúng tôi mỉm cười cổ vũ nó, nó liền vui vẻ để cho Tiểu Ngọc ôm.
Từ đó trở đi cô ấy vui vẻ hẳn lên, một tuần chúng tôi đưa Tiểu Phong đến một lần, Tiểu Phong cũng rất thích cô ấy, hai người bọn họ rất thân thiết. Nhưng đến một ngày, Tiểu Phong không cẩn thận làm rơi con búp bê qua ban công.
Nhà tôi ở tầng mười, mọi khi chúng tôi không bao giờ để con đến gần ban công, nhưng không hiểu sao hôm nay tôi lại bất cẩn như vậy!
Nghe tiếng con khóc lóc, tôi vội chạy xuống định nhặt lên, nhưng xuống đến nơi thì con búp bê đã rách nát tả tơi, đầu, mình, chân, tay đứt lìa, bộ váy trên người cũng rách tan nát. Thủ phạm là một con chó, nó thấy tôi đến thì vội bỏ chạy, để lại bãi chiến trường mà nó vừa gây ra. Con búp bê này được lập trình khi bị rơi, đổ, ngã thì phát ra tiếng khóc. Vì bộ xử lý vẫn hoạt động tốt nên lúc này tiếng khóc đang phát ra, vang lên quanh tai tôi! Tôi cảm thấy có gì đó không ổn.
Quả nhiên vài tiếng sau tôi nhận được thông báo từ bệnh viện, Tiểu Ngọc chết rồi.
Cô ấy chọc tay vào ổ điện, bị điện giật, thật đau lòng vì không có ai phát hiện kịp để cứu cô ấy.
[…]
Mất con búp bê, Tiểu Phong khóc nhiều lắm, mấy đêm sau đó tôi lại nghe thấy tiếng trẻ con khóc vang vọng bên tai, khi thì là tiếng con tôi, khi thì là tiếng oe oe như tiếng trẻ sơ sinh khóc vậy….. Chúng tôi vẫn giấu không cho Tiểu Phong biết chuyện cái chết của Tiểu Ngọc, nhưng thằng bé rất thông minh, sau nhiều lần chúng tôi lấy đủ loại lý do để không đưa nó đi thăm Tiểu Ngọc, nó đã thấy nghi ngờ. Tôi không biết nó làm cách nào mà biết Tiểu Ngọc đã chết, chỉ đến khi thằng bé bất ngờ xin tôi đưa đi thăm mộ cô Tiểu Ngọc, tôi mới giật mình tá hỏa.
Một nhà ba người chúng tôi đứng trước ngôi mộ nhỏ nhoi của Tiểu Ngọc, thằng bé ngồi sụp xuống khóc như mưa làm hai chúng tôi cũng rơi nước mắt theo. Nơi này là nghĩa trang của thành phố, trẻ con ở đây lâu không tốt, chúng tôi vội khuyên thằng bé nên về nhà thôi. Bất ngờ nó đứng dậy, lưng thẳng, khuôn mặt nghiêm túc:
“Con muốn lớn lên làm cảnh sát, trừng trị kẻ xấu, bảo vệ người tốt! Kẻ xấu hại người đều phải trừng trị!”
Tôi giật mình, quay sang nhìn Tô Xảo Xảo. Trẻ con ngây thơ, nhưng câu này đúng là nói trúng tim đen của cô ấy. Cô ấy sững người một lúc, sau đó ngồi xuống ôm con, gật gật đầu:
“Nói đúng lắm, mẹ sẽ là người tốt, con bảo vệ mẹ nhé!”
Thằng bé mỉm cười đáp vâng. Một nhà ba người chúng tôi vui vẻ nắm tay nhau ra về.
END.