Tiễn Thần

Chương 22: Thanh toán



Thời Kính Chi tỉnh lại không lâu sau đó.

Lúc ý thức trở về, hắn thấy Doãn Từ đang nằm bên cạnh. Thời Kính Chi lần mò tìm ra khuôn mặt Doãn Từ- vẫn thở, không chết.

Hắn yên tâm, lại thử thắp dương hỏa, lúc này ánh sáng hiện lên như thường. Thời Kính Chi chần chừ hồi lâu, cuối cùng vẫn không an lòng về đồ đệ. Hắn dìu Doãn Từ, hì hà hì hục tiến về phía trước. Dọc đường, mọi người hoặc bất tỉnh, hoặc không thể cử động.

Nếu quan tài hình người còn tồn tại thì tuyệt đối sẽ không chừa đường sống cho người khác, hẳn nó đã bị phá hỏng.

Nhưng nếu là phá hỏng bình thường, các vị cao thủ cũng không đến nỗi toàn bộ đều im phăng phắc. Nếu bọn họ cũng bị đánh ngất như mình…

Có lẽ người áo trắng đấy đã hành động.

Thời Kính Chi thoắt rợn sống lưng, hắn lục lọi trên cổ Doãn Từ cả buổi, thấy Phật châu nguyên vẹn mới thở phào nhẹ nhõm. Mục đích của người áo trắng không phải Phật châu, nếu không hắn ta chỉ cần thừa nước đục thả câu và gϊếŧ sạch mọi người là được.

Hắn ta không có hứng với Phật châu, vậy sẽ chú ý đến đồ khác.

Tuy nhiên Thời Kính Chi không quan tâm- hắn không hứng thú gì với các trân bảo khác. Mình và đồ đệ còn sống, còn Phật châu, thế là đủ.

Được hắn dìu hồi lâu thì Doãn Từ tỉnh lại. Y chớp mắt mấy cái vẻ mơ màng, rồi khàn giọng hỏi: “Sư tôn?”

“Ấy, ta đây.” Thời Kính Chi khẽ trả lời. “A Từ, ngươi tự mình đi được chứ?”

“Hơi choáng… nhưng đi được. Sư tôn, các tiền bối thắng rồi à?”

“Thắng rồi.” Thời Kính Chi vẫn cẩn thận đỡ y.

Hai người tiến về phía nhiều người nằm la liệt nhất, cuối cùng cũng tìm được quan tài hình người đang nằm trong xó xỉnh- nó chồng chất vết thương, cổ nứt toạc trông đến là gai mắt. Thời Kính Chi thả Doãn Từ, lấy dao xắt thuốc và phủ dương hỏa lên dao.

Pháp trận đã được phá giải, quan hình người lập tức yếu hẳn đi. Dương hỏa trời sinh khắc tà vật, quan tài hình người bị lưỡi dao dễ dàng mổ xẻ.

Bảo vật trong quan không ít không nhiều nhưng cái gì cũng quý.

Ngoại trừ roi Tang Linh của Diêm Bất Độ, bên trong còn có một danh kiếm mất tích đã lâu và một thanh ma đao ác danh lẫy lừng. Bên cạnh đó là các tài liệu dính vài dấu máu, đoán chừng là sách hiếm mà Lăng giáo cướp về.

Ba hòn Phật châu nằm gọn giữa đống bảo vật được Thời Kính Chi thận trọng nhón lên.

Hắn suy tư một hồi: “A Từ, vi sư thắp đuốc cho ngươi, ngươi đi đánh thức các vị xung quanh… đừng quên người của Duyệt Thủy các nữa.”

Doãn Từ cố tỏ ra không hiểu: “Đồ dưới mộ không phải ai đến trước có trước à?”

” ‘Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ được.’ … Môn phái quèn chúng ta không gánh nổi những thứ này.” Thời Kính Chi đáp giọng tỉnh táo, “Đánh thức họ đi, càng nhanh càng tốt.”

“Được.”

Doãn Từ tự tay đánh ngất xỉu người ta, dĩ nhiên cũng tính toán trước. Không mất bao lâu y đã đánh thức xong các nhân vật tiêu biểu, lại thêm hai đệ tử của Duyệt Thủy các.

Cùng lúc đó, Thời Kính Chi vừa xếp báu vật trong quan tài thành hàng vừa thắp đèn soi tỏ, mà không giở lấy một trang sách hiếm.

“Chư vị tiền bối, đây là tất cả bảo vật trong quan tài cộng thêm ba hòn Phật châu nọ.” Thời Kính Chi cười nói. “Quan tài hình người do các vị chung tay đánh bại, vãn bối không dám ngông cuồng, chỉ sắp đồ ra mà không tự tiện lấy.”

Đối mặt với bảo vật, không ai chủ động nói ra câu “Đến trước lấy trước”. Ngay cả đệ tử Duyệt Thủy các cũng im lặng khiến bầu không khí dần trở nên căng thẳng.

“Quan hình người không phải do bần tăng phá, không dám nhận.” Hòa thượng Giác Hội lên tiếng phá vỡ cục diện bế tắc.

“Nhà Phật chú trọng sinh tử luân hồi, không cố chấp với vật trường sinh. Vãn bối cả gan suy đoán rằng các vị đại sư đến vì Phật bảo và sách hiếm bị đánh mất. Ban nãy lúc chỉnh lý, vãn bối có thấy được cuốn [Kinh Vô Mộc] của chùa Kiến Trần…”

Nói tới đây Thời Kính Chi lại khéo léo chỉ ra: “Nhờ tràng hạt Vô Lượng mà đại sư cho mượn, nên mới có thể thuận lợi đối đầu với quan tài hình người.”

Thí chủ, rõ ràng là ngươi cướp. Các hòa thượng bối rối ra mặt, nhưng cũng ngu xuẩn đến nỗi tranh cãi vào thời khắc quan trọng này. [Kinh Vô Mộc] thuộc hàng báu vật quý giá nhất của Phật môn, nếu không phải nó bị Diêm Bất Độ cất trong quỷ mộ thì chùa Kiến Trần cũng không muốn nhúng tay vào bãi loạn giang hồ.

Hòa thượng Giác Hội chắp hai tay, nói “A Di Đà Phật”.

“[Kinh Vô Mộc] trả cho chùa Kiến Trần, các vị thấy thế nào?” Thời Kính Chi cười khách khí.

“Trả đi, dài dòng.” Ô Huyết bà bít cánh tay bị thương, nói vẻ sốt ruột. “Ai ham thích đống kính rơi rớt ra từ mồm mấy con lừa trọc đấy.”

“Đa tạ thí chủ.” Hòa thượng Giác Hội hai tay tiếp kinh thư, vẻ mặt khắc khổ.

“Roi Tang Linh vốn là vật của Lăng giáo. Kiếm Quán Ô là của phái Thái Hành, đao Thác Nguyên vốn của giáo Xích Câu, còn những sách hiếm này… các vị tiền bối ra sức tận tình, chẳng bằng cũng hoàn trả những vật này về cho các vị.”

Dứt lời, Thời Kính Chi cung kính trình bảo vật mà không đợi các nhân vật tầm cỡ kịp lên tiếng.

Nay đã diệt trừ được mối họa chung, không có kẻ thù bên ngoài, các môn phái lớn lại bắt đầu nghi kỵ lẫn nhau. Mọi người cân nhắc hồi lâu rồi cũng yên lặng nhận lấy.

Trịnh Phụng Đao tiếp đao xong liền nói với giọng gầm gừ: “Cố tình lấy lòng như vậy, tiểu tử, chẳng lẽ ngươi muốn một mình chiếm hết Phật châu?”

Thời Kính Chi phớt lờ lão: “Chỉ còn lại những vật vô chủ, chẳng bằng chia cho Vương phủ. Dẫu sao… khụ.”

Hắn không nói rõ ràng nhưng ai nghe cũng hiểu- nếu nể mặt triều đình thì không thể để Vương phủ tay không ra về cho được.

Hứa Cảnh Minh giận xanh cả mặt. Đáng tiếc xung quanh toàn cao thủ tiếng tăm trong khi gã thì không phải Hoàng đế, không tiện trở mặt, chỉ đành hầm hè tiếp nhận.

“Cuối cùng là Phật châu.” Thời Kính Chi bình tĩnh, “Theo quy tắc vốn là đến trước được trước…”

Trịnh Phụng Đao: “Ha, quả thế!”

“… Nhưng ta muốn chia chúng ra. Phái Thái Hành đã giúp đỡ ta rất nhiều suốt dọc đường đi, chùa Kiến Trần thì tổn thất nhiều nhất vì phải ngăn chặn quan tài hình người. Còn phái Khô Sơn chúng ta- ta dùng nội lực chống đỡ lưới tràng hạt cho các vị, chỉ giữ một hòn Phật châu, các vị có dị nghị gì không?”

Khi nói lời cuối nụ cười treo trên miệng Thời Kính Chi đã nhạt dần đi, âm điệu tản uy thế mơ hồ.

Doãn Từ đứng cạnh nghe mà vui vẻ.

Cái đuôi cáo của Thời Kính Chi đã móc vào phái Thái Hành và chùa Kiến Trần. Lăng giáo chỉ còn độc một người, giáo Xích Câu bị hao nhiều nguyên khí, họ xử phái Khô Sơn thì dễ nhưng không đối đầu được với hai đại chính phái khác.

Thời Kính Chi gỡ ba hòn Phật châu, giao một hòn cho hòa thượng Giác Hội, một cho Thi Trọng Vũ. Cuối cùng, hắn thi lễ với Ô Huyết bà: “Bà bà thứ lỗi, quả thực là không đủ Phật châu. Chẳng bằng thế này đi, phái ta tuyệt không đụng vào một đồ nào trong mộ thêm nữa.”

Ô Huyết bà tư lự nhìn hắn một hồi. Sau đó bà ta xoay người: “Không nói đến chuyện này, rốt cuộc là vị anh hùng nào đã phá hủy quan tài hình người?”

Không ai trả lời.

Ô Huyết bà nhíu mày và không hỏi thêm nữa. Bà ta suy ngẫm chốc lát, cuối cùng chống gậy rời đi.

Thấy kịch đã đến hồi gay cấn, Doãn Từ còn lấy bỏng gạo ra mà gặm răng rắc. Tiếng bỏng truyền tới làm Thời Kính Chi phát đói, hắn liền túm Diêm Thanh ra từ giữa đống người, ba người nổi lửa, nấu cơm tại chỗ.

Các môn phái còn lại cũng không rảnh rỗi- họ hết trị thương lại đến thăm dò, ai nấy đều bận đầu tắt mặt tối. Chỉ có ba người phái Khô Sơn là bình thản nhởn nhơ mà ăn đến tròn cái bụng.

Diêm Thanh ăn cẩn thận từng miếng, no nê xong cậu ta không rớ thêm miếng nào. Liếc thấy Thời Kính Chi vẫn đang cố nhồi chật ních cái bụng đã tròn vo của mình, cậu ta cất lời đầy do dự: “Thời chưởng môn, ngài không cần Phật châu hay sao mà dễ dàng đưa ra như vậy?”

“Ta có thể đưa ra, thì dĩ nhiên cũng có thể thu về.”

Cắn miếng bánh bao chiên trong hạnh phúc, Thời Kính Chi bình tĩnh đáp.

“… Hễ là thứ ta muốn, ắt ta sẽ có được trong tay.”

Diêm Thanh thoáng dừng động tác thu dọn hộp đồ ăn: “Chưởng môn, ngài không phải đối thủ của Thi tiền bối.”

“Ngươi nghĩ gì thế? Ta cũng không định đi cướp- yên tâm, ta sẽ khiến Thi cô nương phải cam tâm tình nguyên chìa ra.”

Doãn Từ bên cạnh phó mặc cho khóe miệng nhếch lên, không màng ngụy trang nữa.

Giữ lại tên nhãi này là đúng.

Ba người của phái Khô Sơn thay phiên gác đêm rồi bắt đầu quãng thời gian ăn no ngủ kỹ, đàng điếm hết tận hai ngày. Trong khoảng thời gian đó, các môn phái đã vơ vét triệt để cung Tiêu Dao. Giáo Xích Câu tìm thấy cửa ra, đoàn người trưng ra vẻ hào hứng của những kẻ sắp được về nhà.

Chẳng qua, số người đã giảm đi quá nhiều so với lúc mới tới, chỉ còn mười mấy người sống sót.

Cửa ra nằm dưới chiếc giường của quan tài hình người, mọi người phải trầy trật một phen mới cạy được đá Mạc Viêm. Đằng sau tấm đá lại là những nấc thang dẫn xuống.

Cuối bậc thang có một không gian dạng thùng chật hẹp.

Mặt đất khắc bảy đường thẳng xuyên tâm vòng tròn, chia mặt đất hình tròn làm mười bốn phần bằng nhau. Vách tường bốn phía sáng và trơn mướt đến độ có thể soi gương, nhưng không thể nào trèo lên được. Ở đây không thấy mặt trời, chỉ thấy màn đêm thăm thẳm.

Xung quanh gian phòng trang trí đầy những vòng đồng trơn loáng, trên mỗi vòng là một đầu người lớn cỡ nắm tay. Mỗi cái đầu đều nở nụ cười khoa trương đến biến dạng, thiếu độc một con mắt và kích cỡ con ngươi tương tự Phật châu.

Thời Kính Chi rụt rè chọc lên một cái đầu, ấy thế nhưng với trạng thái trơn tuồn tuột của mình, cái đầu này dính vào cái đầu gần nhất đánh “pọc” một tiếng. Hắn giật mình, toan dùng tay tách ra nhưng cũng lại không muốn động vào. Điều này khiến mặt hắn xoắn cả vào nhau.

Doãn Từ lắc đầu, tiến lên và thong thả tách hai cái đầu ra.

Ô Huyết bà liếc nhìn hai người: “Họ Diêm vẫn chưa chịu bỏ qua cho chúng ta. Mọi người phải cùng nhau đưa Phật châu ra ngoài rồi hẵng bàn tranh cướp… Các tiểu tử, đứng lại đây đi.”

Sau khi các giáo đồ giáo Xích Câu vào vị trí nghiêm chỉnh, bà ta tập hợp hai đầu người lại và lần lượt đặt Phật châu vào. Phật châu về đúng chỗ khiến hai tấm đá dưới chân bà ta cũng đồng loạt sáng lên.

Giữa khoảng sáng tối giao hòa dần dần dựng lên một bức bình phong trong suốt. Bình phong cứng như sắt bao lấy người giáo Xích Câu.

Tiếp theo là chùa Kiến Trần, hòa thượng Giác Hội lần lượt đặt lên ba đầu người ba hòn Phật châu. Phái Thái Hành và Trịnh Phụng Đao của Lăng giáo nối đuôi ngay sau đó. Hứa Cảnh Minh móc ra hai viên, thoáng liếc Thời Kính Chi với vẻ đầy cảnh giác rồi cũng khảm vào nhanh chóng.

Chùa Kiến Trần ba viên, phái Thái Hành hai viên, giáo Xích Câu hai viên, Trịnh Phụng Đao của Lăng giáo hai viên, phủ Dung Vương hai viên… tổng cộng mười một viên.

Thời Kính Chi cũng lấy hai hòn Phật châu, lúc này bầu không khí trở nên quái đản.

Thi Trọng Vũ nhíu mày: “Thiếu một hòn? Làm phiền chư vị Duyệt Thủy các.”

Các đệ tử Duyệt Thủy các rối rít lật bản ghi chép: “Bốn cột “Khổ Biệt Ly” chỉ báo ba hòn. Theo thứ tự là phủ Dung Vương, phái Thái Hành, Lăng giáo… Còn thiếu một hòn nữa.”

Thi Trọng Vũ ngẫm nghĩ một hồi: “Thiếu của tổ Doãn tiểu huynh đệ. Thời chưởng môn ngài có manh mối gì không?”

Hứa Cảnh Minh thêm mắm dặm muối: “Đúng, ta nghe nói Thời chưởng môn là người ra đầu tiên.”

Thi Trọng Vũ nghe vậy thì bối rối: “Không, ta không có ý như vậy, chỉ là…”

Ô Huyết bà rít giọng: “Phủ Dung Vương và phái Thái Hành lấy được Phật châu, Trịnh Phụng Đao của Lăng giáo chung gian với giáo ta, đoạt Phật châu ngay trước mặt ta, dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao che cho đối thủ… Thời chưởng môn, nếu ngươi còn tiếp tục giấu giếm thì không ai ra ngoài được hết.”

Nói đoạn bà ta lại cười ác ý: “Nếu không bị Diêm Bất Độ giữ lại một tay thì sao còn để ngươi giở trò. Đây là phá hỏng quy tắc. Thi Trọng Vũ, Giác Hội, hai vị danh môn chính phái cũng muốn che chở cho kẻ ủ mưu đồ?”

Thi Trọng Vũ cau mày: “Bà bà nói vậy không xác đáng. Thời chưởng môn chung gian với người của phủ Dung Vương, mà Phật châu bị phủ Dung Vương đoạt được. Thời chưởng môn đưa hai người ra ngoài từ một gian khác- điều này ta tận mắt chứng kiến- mà khi ấy cây Khổ Biệt Ly kia phải đã bị người ta mở ra trước đó rồi. Xin bà bà hãy nhớ rõ, Khổ Biệt Ly chỉ có thể phá giải từ bên trong.”

“Ngài ấy cứu Doãn Từ và một tăng nhân của chùa Kiến Trần. Hai vị này bị giam chung với Lục Phùng Hỉ, mà tất cả bọn họ đều không phải đối thủ của Lục Phùng Hỉ.”

Hòa thượng được nhắc tới cũng đứng dậy: “Bần tăng làm chứng, Khổ Biệt Ly là do một người áo trắng phá giải. Thời chưởng môn vốn dĩ ở gian khác nên không thể là hắn cho được.”

Hắn ta hít một hơi, lẩm bẩm mấy câu mơ hồ rồi lại lên tiếng: “Bần tăng đã nhìn thấy diện mạo của người áo trắng đó, vô cùng… khụ. Bần tăng có thể chắc chắn chưa từng thấy người này trước đây.”

Ô Huyết bà híp mắt: “Ý ngươi là, có một vị cao thủ giấu thân phận trà trộn vào đội ngũ? Không đúng, ta nghe nói ngươi đã sớm hôn mê. Có lẽ người áo trắng là do Doãn tiểu tử dịch dung cũng chưa biết chừng. Trước khi xuống quỷ mộ, đã ai từng nghe nói tới hai thầy trò này sao?”

Bà ta híp mắt: “Nghĩ theo một hướng khác, cũng có khả năng người áo trắng không lấy Phật châu, vừa khéo để Thời chưởng môn nhặt được.”

Doãn Từ cười khẩy trong lòng. Hậu bối này của mình xem ra là muốn một mũi tên trúng hai đích.

Dựa theo quy tắc của bang Kim Ngọc, cất giấu chiến lợi phẩm, hay là làm giả thân phận thì đều phạm vào đại kỵ.

Chỉ cần Thời Kính Chi cất giấu Phật châu là ắt sẽ bị gán ngay tội danh “phá hỏng quy tắc”. Không cần ra khỏi mộ, giáo Xích Câu vẫn có thể tự do cướp đoạt.

Nếu người áo trắng đã lấy Phật châu thì nay cũng buộc phải tìm cách giao ra, kiểu gì cũng phải để lộ chút ít sơ hở. Tương tự, giáo Xích Câu lại có thể thoải mái bao vây người này, truy tìm xem rốt cuộc gã nắm giữ loại báu vật quý hiếm nào.

Hay ở chỗ khiến ngay cả một hòa thượng cũng phải hàm ý thế kia, quả đúng là một kẻ gây họa.

Doãn Từ nhìn Thời Kính Chi đứng cạnh. Sư phụ gà mờ vẫn giữ vững biểu cảm bình thường, nhưng môi hắn đã mím chặt, hiển nhiên đã đoán được ý đồ của Ô Huyết bà.

Mà hắn chắc chắn cũng đoán được rằng, nếu muốn tiếp tục giấu thân phận thì người áo trắng sẽ tìm cách giá họa lên đầu phái Khô Sơn.

Chuyến này phái Khô Sơn lành ít dữ nhiều.

Thời Kính Chi chưa địch lại nhóm cao thủ của Ô Huyết bà. Chưa kể Trịnh Phụng Đao cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn, chưa biết chừng còn đánh lén sau lưng.

Doãn Từ nắm tay trái Thời Kính Chi. Tay hắn lạnh băng và run khẽ.

Ô Huyết bà gỡ Phật châu trên đầu người, vách tường ngăn chầm chậm biến mất. Bà ta chống gậy, bước được bước ngừng: “Thời chưởng môn, đã nghĩ xong lời giải thích chưa?”

Không khéo, bà ta đã chọn nhầm đối thủ.

Bất luận là Phật châu hay là Thời Kính Chi, thì đều là vật mà Doãn Từ y để mắt tới. Giáo Xích Câu có là ma giáo thì cũng không thể phạm thượng dễ dàng như vậy được, so với y, Ô Huyết bà vẫn chỉ là hậu bối.

Giáo Xích Câu cực kỳ tôn sùng “Túc Chấp”, y hiểu rõ quy tắc vận động trong giáo hơn bất kỳ ai.

Doãn Từ cầm tay Thời Kính Chi: “Sư tôn, ta đã nói rồi- mệnh ta dai, chuyên khắc yêu tà. Mà người trong ma giáo thì, nhận chữ ‘tà’ hẳn là không oan.”

Y nói với âm độ bình thường nhưng đủ để mọi người đều nghe rõ.

Doãn Từ không buông tay Thời Kính Chi. Tay khác của y thọc vào túi rồi đưa nắm tay ra, tiếp đó chậm rãi xòe lòng bàn tay.

“Hòn cuối ở chỗ ta.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.