Sống trên núi chẳng màng đến thời gian. Gió xuân mới thổi, tuyết đọng dưới núi chưa tan mà ánh nắng đã chói chang như mùa hạ.
Trong tổ sói, lứa con non gần nhất đã mở mắt và học đi. Chúng nó lảo đảo bò ra ngoài hang động, nghển cổ đón những tia nắng đầu tiên rồi ngủ ngáy khò một cách đầy thỏa mãn.
Thủy Thời không chịu được nóng, gần như vậy. Trên thực tế, cứ về đêm là cậu lại bí bách.
Dần dà Phù Ly cũng nhận ra sự thay đổi này. Ngày xưa, hễ đến tối là nhóc con sẽ tự động rúc vào lòng hắn, nhét hết tay chân lạnh buốt lên cổ và đùi hắn, cơ thể cũng dán sát đến độ chỉ thiếu điều nhập hai thành một.
Bây giờ hắn xích lại gần thì nhóc con yếu ớt lại toét miệng đẩy hắn ra, sau đó cũng chỉ hôn hắn đúng một cái rõ là lấy lệ. Đến lúc kìm lòng không đặng bắt đầu vào công chuyện thì cậu lại tỏ vẻ không chịu nổi nóng. Cái nóng mùa hè quá gắt, Phù Ly sợ bạn đời ngất xỉu nên đành phải thu tay, cũng chính vì thế mà dạo gần đây hắn vô cùng bứt rứt.
Phù Ly giống một lò nung khổng lồ. Nhiệt độ cơ thể hắn quá cao, đông ở gần hắn sướng mà hè gần hắn thì khoai. Một ngày nọ cách đây mấy ngày, Thủy Thời tỉnh dậy và thấy Phù Ly đã ra ngoài từ lâu nhưng xung quanh vẫn hầm hập nóng. Cậu mở mắt quan sát, phát hiện trên chiếc giường gỗ và cả trên cơ thể mình là một đống lông tơ màu trắng bạc. Với tình trạng không khác ổ bông là mấy này thì muốn bao nhiêu nóng là có bấy nhiêu luôn.
Cảnh tượng trên không có gì xa lạ, không ít sói đều đã rụng lông, ra ngoài sẽ thấy lông bay tứ tung giữa không khí, chẳng qua chúng thường bị cuốn đi sạch sẽ mỗi lúc gió về. Sói trắng còn đỡ, đám sói xám sói xanh mới gọi là loang lổ.
Quay về hiện tại, Thủy Thời nhìn số lông có thể chôn vùi mình mà lấy làm bối rối, hình người thì rụng lông kiểu gì ta…
Thế là cậu nheo mắt nhìn Phù Ly đang lim dim ngủ, kiên nhẫn chờ đến đêm, cuối cùng cũng thấy được chân tướng.
Nửa đêm, Phù Ly đang ngủ say bỗng dưng hóa thành một con sói trắng khổng lồ, căn phòng vốn được nới rộng thêm rất nhiều chợt trở nên chật chội.
Có điều hình như Phù Ly không cảm giác được. Sau khi lăn trái lăn phải và cọ ra rất nhiều lông tơ xong hắn lại biến trở lại thành người.
Thủy Thời thấy vô cùng kỳ lạ, bèn tất tả gom hết số lông sói rụng rồi quan sát Phù Ly đến quá nửa đêm, thấy không có gì thay đổi mới lăn ra ngủ.
Sau đó cứ đến nửa đêm là Thủy Thời sẽ tự động tỉnh giấc, nhìn người bên cạnh. Thi thoảng thấy là hình sói, cậu sẽ tranh thủ nắn bóp sói một phen. Thế mà con sói khổng lồ vẫn ngủ say như chết, thậm chí còn vô thức dùng chân ôm Thủy Thời vào cái bụng mướt lông của mình.
Chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá lớn, nhân lúc lạnh, Thủy Thời cọ cọ lên bụng dưới mềm mại của con sói rồi dần thiếp đi.
Hôm nay mới tạnh mưa, trời râm mát, gió hiu hiu chảy từ sườn núi lên tổ sói. Thủy Thời mặc một chiếc áo làm từ vải bố, vừa mới thở ra một hơi mát mẻ thì đã bị Phù Ly – kẻ đi tuần núi trở về – khiêng thẳng lên vai bằng đôi tay để trần, đưa vào hang động.
Thủy Thời nằm sấp trên tấm lưng rộng của Phù Ly, lẽ ra phải thấy nóng, thế nhưng trên thực tế cậu lại thấy da đối phương lành lạnh. Cậu không nhịn được cọ xát nhõng nhẽo một phen.
“Sao hôm nay anh lạnh thế? Đừng bảo anh ốm nhé?!” Nghĩ đến đây Thủy Thời hoảng hốt áp tay lên trán Phù Ly, muốn đo nhiệt độ. Chẳng qua Phù Ly lại ghì hai cánh tay mảnh khảnh của cậu lên ngực, lắc đầu, “Phía tây, tuyết trên đỉnh núi chảy xuống, đọng thành thác nước. Anh đứng dưới thác, một lúc, là mát lạnh!”
Thủy Thời biết cái thác nọ, có lần đi tuần Phù Ly từng dẫn cậu ghé qua xem. Vậy nên sau khoảnh khắc kinh ngạc cậu lại thấy xót ruột vô cùng. Phải biết thác kia rất lớn, lạnh và chảy cực xiết, chỉ có hạng mình đồng da sắt như Phù Ly mới dám đứng dưới dòng chảy, lại còn đứng hẳn “một lúc”.
Thế là cậu ôm vòng eo cường tráng của Phù Ly, thủ thỉ bảo không cho Phù Ly làm vậy nữa, cậu không sợ nóng đâu. Có bị “cái lò” nung chảy cũng nhất định không nóng!
Mỗi tội Thủy Thời không ngờ Phù Ly lạnh nhanh mà nóng cũng nhanh. Không phải chờ bao lâu, cậu đã – trong tiếng gầm thống khoái của người ta – bị nung thành chất lỏng…
Chiều hôm sau, Thủy Thời chống nạnh, nhìn ánh nắng đã lâu không được thấy bên ngoài, ý thức một cách mạnh mẽ rằng mình phải rèn luyện thể chất.
Và rồi cậu vác cái cuốc nho nhỏ ra thửa ruộng của mình đằng sau núi. Mưa xuân ghé đúng hạn, hoa màu tươi tốt, cây nào cây nấy đều đã mọc cao. Con ngỗng đực thấy cơm nước ở đây ngon đáo để nên không đi nữa, đám nhóc con xám ngoét cũng bắt đầu thay lông. Bộ lông mới của chúng đẹp tuyệt vời với cái đuôi đỏ rực rỡ.
Nhờ công lao của chúng, số sâu không nhiều lắm – trên thửa ruộng không lớn lắm của Thủy Thời – đã được chúng coi như đồ ăn khuya mà tiêu diệt sạch sẽ.
Thủy Thời nhổ cỏ, tạo thêm luống, sau đó gieo một ít hạt giống lên những luống trống không rồi mới về tổ sói. Khi ấy cậu đã ngồi xổm bên đầm nước ngọt uống lấy uống để, xong xuôi thì chuẩn bị cơm. Lần trước, sau đợt mưa rào, Thủy Thời tìm thấy một khoảnh rừng tre xanh rờn trong khu rừng trên núi. Mùa xuân măng nhô cao, đúng thì tươi tốt, cho vào nồi hầm chung với ít thịt hươu là ngon phải biết.
Thủy Thời đánh chén chán chê rồi mà Phù Ly và đàn sói vẫn chưa trở về. Cậu hơi lo lắng, bèn rủ mấy con sói hộ vệ đi tìm cùng.
Gần đến hoàng hôn, khi họ băng qua một ngọn núi, Thủy Thời mới thấy thấp thoáng bóng dáng Phù Ly. Bầy sói đang ở cùng với hắn. Nhưng Thủy Thời nhận ra có điều gì đấy không ổn nên vội cau mày tiến lại gần.
Trước mặt Phù Ly và đàn sói là một nhóm đủ loại hổ báo gấu, đằng sau chúng lại có thêm một toán lớn dê, hươu và các loài vật nhỏ hơn. Tình trạng của chúng đều không tốt lắm, chúng gầy gò và mỏi mệt. Thủy Thời thấy một con gấu xám đã bị trụi nhiều mảng lông mà vẫn ôm riết tổ ong vào lòng, có lẽ đó chính là tài sản cuối cùng của nó, rõ ràng rất được nó nâng niu.
“Phù Ly! Chuyện gì thế?” Phía trước có quá nhiều thú dữ xa lạ nên Thủy Thời không tiến lên, chỉ đứng đằng sau cây, cạnh mấy con sói trắng, nói vọng ra với Phù Ly.
Cậu vừa dứt lời, toàn bộ động vật đều khựng lại, cảnh giác nhìn cậu. Vua Sói gầm một tiếng ra hiệu giải tán. Các sinh linh khốn khổ này thấy mình được Vua Sói trắng tiếp nhận thì rối rít rời đi trong vui vẻ.
Phù Ly nhảy đến trước mặt Thủy Thời, cắp cậu đi.
Nắng chiều rắc xuống lá rừng, nhuộm màu vỏ quýt lên đồng cỏ và sông núi. Bầu không khí xung quanh nhàn nhã mà hừng hực sức sống, hương cỏ bình yên thoang thoảng đâu đây.
Đàn sói nhanh chóng tha mồi về tổ, sói cái cùng con non vẫn đang chờ họ đem chiến lợi phẩm trở về. Phù Ly dẫn Thủy Thời lướt qua núi đèo khúc khuỷu, cuối cùng rảo bước trên thảm cỏ bằng.
“Quê hương chúng gặp nạn, loài người có chiến tranh, lại chiếm đoạt đất rừng, loài thú mất nhà, thương vong vô số, xin nương nhờ Đông Sơn.”
Thủy Thời nổi giận. Chiến tranh thì chiến tranh, chiếm đất chưa đủ nên ngay cả chỗ trú chân của muông thú cũng không tha à? Hành động này nếu không phải tàn ác thì cũng là có âm mưu nào đó khác.
Phù Ly lại nói, “Sói xuống núi tặng mồi, quay về báo, nhà nọ, không còn ai nữa.”
“Cái gì?!” Thủy Thời bàng hoàng. Sao lại không còn ai? Chiến tranh không thể lan tới sơn thôn khép kín nhanh như vậy được, hay là gặp cướp?
Cậu bồn chồn lo lắng, thời đại này người ngoài sẽ không chấp nhất với cái chết của một người cụ thể. Gia đình ông Trịnh ăn ở đàng hoàng, có lẽ sự kiện bất ngờ duy nhất trong đời họ là những chuyện liên quan đến mình. Thủy Thời sợ bản thân làm liên lụy người khác, đến tận lúc về ổ sói mà cậu vẫn đứng ngồi không yên.
Phù Ly cũng hơi nóng nảy, định bụng sẽ điều tra tận gốc vấn đề. Nếu cứ để vậy thì chỉ e nền móng của sinh linh sẽ bị tổn hại. Vì vậy, hôm sau, Thủy Thời dọn ổ rồi theo Phù Ly đến thẳng thôn Nhiệt Hà dưới núi.
Để tránh các cuộc tranh chấp không cần thiết, Thủy Thời không xuất hiện trước mặt dân thôn mà chỉ đến mình nhà ông Trịnh.
Căn nhà trống không, không còn thóc gạo. Theo Thủy Thời quan sát, mọi thứ đều được thu gọn ngăn nắp, không giống bị cướp mà giống chủ động rời đi.
Tuy nhiên họ có thể đi đâu giữa buổi loạn lạc thế này?
Nơi nào an toàn hơn một thôn làng náu mình trên núi?
Để xác nhận an nguy của gia đình ông, từ lúc trời chưa sáng, Thủy Thời đã khởi hành đến huyện.
Trên huyện, công cuộc trưng binh và trưng thu lương thực đang diễn ra sôi nổi. Dẫu trình độ phát triển của huyện Định Bình không đứng hàng đầu nhưng đây lại là cứ điểm quân sự vô cùng quan trọng. Nơi này là thành trì tiếp tế gần Bình Châu nhất, có đường vận chuyển vật tư chính thức. Nếu Bình Châu thất thủ, Định Bình sẽ là nơi cung cấp lương thực quan trọng và nhanh chóng nhất.
Thành đã phát lệnh giới nghiêm, không cho bất kỳ ai ra vào. Thủy Thời đứng vò đầu ngoài cổng, Phù Ly thì âm thầm quan sát tình hình và số lượng lính canh, tính đến chuyện xông vào.
Nhưng Thủy Thời nhìn trang phục bất đồng giữa lính canh trước kia và hiện tại, chợt nhớ đến Tướng quân đã gặp mặt ngày ấy, rõ ràng quân phục của tốp lính này cùng kiểu với anh ta. Nghĩ đoạn, Thủy Thời thò tay vào giỏ tre, lục lọi cả buổi, cứ tưởng đã lọt kẽ hở rơi mất rồi, ai ngờ cuối cùng cậu vẫn lấy được ra một tấm phù hiệu sắt.
Và rồi dưới ánh nhìn nghiêm khắc của lính giữ thành, Thủy Thời chìa tấm thẻ, “Chào đại ca, tôi muốn tìm Dược Kỵ Tướng quân Thẩm Bình, không biết Tướng quân có ở đây không ạ?”
Lính giữ thành nghe tên Thẩm Bình thì vội tiếp lệnh bài, cả nhóm xúm vào xem, thấy là thật rồi mới thở ra.
“Hóa ra là bạn của Thẩm Tướng quân, hai vị chờ một lát, tôi đã phái người đi mời Tướng quân rồi.”
Lệnh bài của Thẩm Bình không phải thứ dễ dàng đem cho người khác. Nay nghe lính giữ thành vào lều thông báo, Thẩm Bình cũng đoán được đại khái ai đến tìm mình. Y nhanh chóng di chuyển từ đại doanh trú đóng ngoài thành tới cổng thành.
“Lâu ngày không gặp hai người anh em, hai cậu vẫn mạnh khỏe chứ?” Thẩm Bình râu quai nón phi ngựa về phía Thủy Thời, ân cần thăm hỏi. Lính giữ thành thấy vậy mới lui đi.
Thủy Thời nhìn Thẩm Bình trong bộ dáng hơi luộm thuộm và cặp mắt thâm quầng, chắp tay, “Chúng tôi lên huyện thăm họ hàng, ai ngờ hiện tại không thể vào thành, vì quá lo lắng nên mới bất đắc dĩ làm phiền Tướng quân.”
Thẩm Bình khoát tay, tỏ ý không có gì to tát, “Vừa khéo tôi cũng cần vào thành, để tôi tiễn hai cậu một đoạn.” Dứt lời y xuống ngựa, nắm dây cương, đưa hai người vào thành.
Vừa đi Thủy Thời vừa hỏi, “Gần đây chiến sự căng thẳng lắm ạ?” Bởi đối phương trông rất giống người lao lực quá độ.
Thẩm Bình trầm ngâm, cuối cùng vẫn nói, “Man tộc đã vượt qua vị trí hiểm yếu của Mân Sơn, đến thẳng Bình Châu, giờ đang vận chuyển binh lính và lương thực chuẩn bị đại chiến.”
Phù Ly vốn trầm mặc nghe vậy bỗng nói, “Vượt qua Mân Sơn, thế nào?”
Lần đầu Thẩm Bình nghe anh chàng có sức lực phi phàm mở miệng nên thoáng ngạc nhiên, lúc hoàn hồn y nghiến răng trả lời, “Chúng dùng thi thể các tướng sĩ chết trận, dùng đồng bào ta lấp kín vực sâu, sau đó đốt rừng mở lối. Man tộc cướp đoạt và giết chóc suốt đường đi, không bao lâu nữa sẽ đối đầu trực diện với Triệu Tướng quân của Bình Châu.”
Chưa nói hết câu, Thẩm Bình đã phải lo công chuyện trong thành, để lại vợ chồng Phù Ly lén lút đi qua con đường toàn quân đội chiếm đóng.
Phù Ly chỉ hỏi đúng một câu về Mân Sơn rồi im lặng, khí thế toàn thân thay đổi. Thủy Thời nhạy cảm phát hiện ra cảm xúc của hắn, quyết định đến nhà Tôn tiên sinh tìm thử anh út Thừa An, qua đó xác nhận tình trạng gia đình ông Trịnh. Kế tiếp lại cẩn thận nghe ngóng sự kiện Mân Sơn vì xét thấy Phù Ly có vẻ nôn nóng.
Chẳng qua chưa đến ngõ nhà Tôn tiên sinh, hai người đã bị một giọng nói quen thuộc giữ chân.
“Thủy ca nhi? Có phải Thủy ca nhi không?? Anh là anh Đông Tử đây, sao em lại lên huyện thế?” Đông Sinh thấy đúng là Thủy Thời thì mừng rỡ một cách khá khù khờ. Mỗi tội gọi xong, anh lại phát hiện đối diện không chỉ có nhóc Thủy ca nhi đáng yêu mà còn có cả cái vị kia luôn nữa.
Đông Sinh cứng họng, tóc gáy dựng ngược lên, cơ dưới bắp chân căng ra, đáy lòng hoảng hốt.
Sao nó, không không, sao gã dám vào huyện thế!
Cái… cái tên này có ăn thịt người không vậy hả?!