Chồng Sói

Chương 34



Càng gần cuối năm tiết trời càng lạnh, hơi trắng miệng phả ra chốc lát đã biến thành sương, đọng trên mặt mày.

Ánh nắng rực rỡ. Thủy Thời nằm ngửa trên xe ba gác, đón trọn từng đợt nắng về. Tiếng bánh gỗ “lạch cạch” văng vẳng bên tai, mùi tuyết giá băng tràn vào khoang mũi, trong lồng ngực cậu là Sói Con cũng chui từ gùi ra ngoài sưởi nắng.

Một người một sói híp mắt rồi đồng thời ngáp ngủ.

Thừa An trông thế mới buồn cười, nào ngờ nhìn một lúc thì chính anh chàng cũng ngáp. Chẳng qua thể diện của một người có học khiến anh không muốn để phu xe thấy mình không nghiêm chỉnh, vậy nên anh không nhập bọn với Thủy Thời mà chỉ ngồi thẳng tắp một bên.

Thủy Thời nhìn những bụi cây dần trôi xa, sương trắng giăng lên chúng thành vô số tấm màn với dáng hình khác biệt. Nắng rọi qua sương, sương rung rinh, óng ánh. Cậu chợt thấy biết ơn và thư thái, sau hành trình đối mặt tử thần, được bình yên nhìn ngắm sắc trời cũng là may mắn.

Rốt cuộc Thủy Thời cũng có tâm trạng quan sát thiên nhiên. Lần trước lên thị trấn mời thầy thuốc quá gấp gáp, cậu không hơi sức đâu đi ngắm nghía đất trời.

Họ đi qua một con đường mòn vùng quê, nơi này rất mực yên tĩnh. Xe bò chạy rất lâu, chạy đến cuối đường mòn rồi rẽ sang con đường lớn lên thị trấn. Rừng rậm bốn bề dần bị thay thế bởi đồng cỏ bao la phủ tuyết trắng ngần. Chạy xe thêm một lúc nữa thì cổng thành loáng thoáng hiện ra.

Lần đầu vào thành Thủy Thời chỉ được đứng nhìn từ xa, thế nên lần này cậu hào hứng tợn, cậu vội nhét Sói Con còn lim dim vào gùi, khoác gùi sau lưng, rồi nhảy ngay xuống xe bò.

Không biết vì sao mà binh lính canh thành hôm nay khá đông, trông cũng dữ hơn trước. Họ kiểm tra kỹ lưỡng từng nhóm người một, Trường An phải lấy thẻ tên của trường học ra thì họ mới cho vào.

Thủy Thời dè dặt theo sau một Thừa An không lấy gì làm cao lớn, hỏi nhỏ, ” Có chuyện gì vậy nhỉ? Canh phòng nghiêm thật, không có vấn đề gì chứ ạ?”

Thừa An cũng bối rối, “Bình thường không nghiêm vậy đâu, mọi người toàn ra vào tùy ý.” Lại liếc thấy phiên chợ cuối năm vẫn nhộn nhịp đông đúc, anh yên tâm, “Trông có vẻ không có chuyện gì trong thành cả.”

Tuy nhiên nghĩ ngợi chốc lát, anh quay lại dặn Thủy Thời, “Em ở đây mua đồ trước nhé, đừng đi đâu xa, lát nữa chờ anh trước hàng bánh hấp ở chợ lớn.” Thừa An cau mày, “Anh qua thăm thầy, chắc thầy biết đầu đuôi sự việc. Nếu có biến cố gì thì anh đưa em về sớm.”

Thủy Thời ngoan ngoãn gật đầu. Dù hơi lo lắng khi gặp lính canh nhưng cặp mắt cậu vẫn sáng bừng sau đó. Sống đến gần này tuổi rồi mà cậu chưa được đi chợ phiên cỡ lớn bao giờ, cũng chưa từng thăm thú một nơi có hàng quán đông người nào cả.

Xưa kia cậu luôn ngồi lặng lẽ trên xe lăn, chờ đến lúc đường sá vắng người để được mẹ đẩy ra ngoài đi dạo, hóng ít gió rồi về. Vì phải dùng thuốc liên tục nhiều năm mà sức đề kháng của cậu ngày một kém, thi thoảng lại cảm mạo một lần.

Nay đeo gùi trên lưng, Thủy Thời tươi cười rạng rỡ. Nghe tiếng rao hàng và trả giá ầm ĩ hai bên đường, nhìn mấy đứa bé con với những bím tóc nhỏ vui đùa nhốn nháo, cậu cười thích chí, đoạn hòa mình vào đoàn người nô nức…

Đầu bên kia.

Thừa An hì hục chạy đến hẻm Kiều Vĩnh nơi thầy sinh sống. Anh đứng ngoài cửa chỉnh áo quần chốc lát rồi mới cung kính kéo vòng gõ cửa. Vừa khéo, người ra mở cửa là Tôn Lục Khiêm.

“Sư huynh! May quá huynh cũng ở đây, đệ mới vào thành mà không biết cổng thành có chuyện gì xảy ra thế ạ?”

Tôn Lục Khiêm ra hiệu cho Thừa An nhỏ tiếng rồi dẫn sư đệ vào nhà. Thầy họ đang ngồi đọc một cuốn chính sử trong sảnh đường. Thấy học trò ruột đến, ông bèn đặt sách xuống, cười gọi Thừa An đến ngồi cạnh bên ông.

“Sức khỏe thầy dạo này thế nào rồi ạ?” Thừa An kính cẩn thi lễ.

Tiên sinh gật đầu, bảo anh thoải mái ăn bánh trên bàn, “Nhờ phương thuốc đại sư huynh con sửa đổi và số thảo dược các con tìm kiếm, giờ thầy khỏe mạnh rồi, hôm qua còn ăn thêm một bát cơm.”

Tôn Lục Khiêm thấy ân sư vui vẻ thì cũng yên lòng, “Là do thầy chăm sóc cơ thể tốt nên mới hấp thụ thuốc nhanh, mau khỏi bệnh.”

Tiên sinh cho mỗi người một miếng bánh, sau đó thấy trò út có vẻ mỏi mệt, ông hỏi, “Sao thế Thừa An?”

Tôn Lục Khiêm chuẩn bị cắn miếng bánh, nghe thầy hỏi mới đáp thay, “E là bị tra hỏi lúc vào thành thầy ạ.”

“Vâng, thầy, chuyến này con đưa Thủy ca nhi nhà chúng con vào thành sắm sửa ít đồ, nào ngờ mới chỉ mấy ngày không quay lại mà cổng thành đã canh phòng nghiêm ngặt. Nếu có chuyện thì con tính đưa ca nhi về nhà sớm.”

Nét mặt tiên sinh trở nên nghiêm túc. Ông vốn làm quan trên kinh đô, sau bị biếm, nhưng bản thân ông hiểu biết rộng nên ngay cả huyện thừa cũng kính trọng ông. Chỉ là ông không muốn mở miệng đòi người ta thuốc thang quý hiếm, thành ra các học trò của ông mới phải giấu ông đi gom tiền.

Ông không có vợ con, sau cùng lưu lạc đến một thành trì bé nhỏ. Ngẫm lại cuộc đời mình, điều quan trọng nhất với ông trong những năm tháng tuổi già chính là những người học trò chân thành và tình nghĩa.

“Hiện tại thiên hạ không thái bình, vua Man có ý định gây rối. Nghe huyện thừa kể thì phía nam Vĩnh Châu bị thuộc hạ của vua Man hiếp đáp, dân chúng khó sống, nhiều người phải ra bắc lánh nạn. Huyện Định Bình chúng ta tuy là một nơi xa xôi hẻo lánh với bốn bề là núi, nhưng cũng khó tránh có dân tỵ nạn ghé vào.”

“A!” Nét mặt Thừa An hơi bối rối, “Triều đình không có đối sách gì ạ? Con thấy trong thành vẫn bình yên như thường, vậy ý của huyện thừa là…?”

Tôn Lục Khiêm ăn xong miếng bánh trên tay, kéo tiểu sư đệ ngồi xuống, “Chưa nghiêm trọng thế, vẫn phải quan sát đã. Đệ ấy à, lo chi việc triều đình, mới đọc sách được mấy năm chứ nhiêu! Tốt nhất là đưa ca nhi về nhà đi, bản thân đệ cũng tạm về thôn đã. Thôn Nhiệt Hà vị trí hiểm yếu, tự cung tự cấp, không dễ bị để mắt tới. Chỉ cần mình bình an vô sự chờ tình hình ổn thỏa rồi hẵng bàn tiếp.”

Thở dài, Thừa An đứng dậy đi tìm Thủy ca nhi, có điều tới cửa lại sực nhớ ra điều gì mà dừng bước, quay đầu nói, “Nếu Định Bình gặp nguy thì thầy và sư huynh hãy cùng đến chỗ con đi ạ.”

Dù còn phiền muộn nhưng hai người trên ghế đều bật cười trước lời nói ngây thơ của anh. Lục Khiêm khoát tay, “Đi đi, bảo Thủy ca nhi mua đồ xong rồi về.”

Thừa An thấy họ không trả lời thì không hỏi nữa. Tuy nói kẻ khôn ngoan cần tránh chốn hiểm nguy, song thầy và sư huynh anh đều không phải người thường. Anh tự biết bản thân chưa thông hiểu được suy nghĩ của bọn họ. Hiện tại, việc cấp bách là phải đảm bảo an toàn cho Thủy ca nhi, nếu không cha sẽ lột da anh mất!

Nghĩ đoạn anh từ biệt hai người, chạy đến khu chợ lớn trong trấn để tìm Thủy ca nhi. Anh định mua thêm một ít đồ ăn và đồ dùng, vì lần này về thôn không biết bao giờ mới ra ngoài được, trong khi muối với gạo vẫn phải tiêu sài.

Huyện lệnh của huyện Định Bình xuất thân từ nhà binh, cai quản thành trì rất nền nếp. Mặc dù tình hình hỗn loạn hơn vào dịp cuối năm, dân chúng vẫn mua bán có trật tự. Kẻ nào dám thừa nước đục thả câu mà bị bắt, nhẹ thì bị giam vào nhà lao, nặng thì thậm chí còn bị chém đầu. Thế nên nhiều năm qua thành trì rất hiếm gặp chuyện mỗi dịp Tết nhất. Bởi vậy, Thừa An có thể yên tâm để Thủy Thời một mình dạo phố.

(*huyện lệnh = tri huyện là chức quan đứng đầu một huyện, huyện thừa là chức quan hỗ trợ tri huyện)

Thừa An đi lối tắt đến tiệm bánh hấp cuối đường mà không thấy Thủy Thời. Nhẩm tính chốc lát, anh nghĩ chưa được bao lâu nên chắc chắn Thủy ca nhi chưa mua xong đồ. Anh liền đi dọc con phố, vừa mua đồ vừa tiện thể tìm người luôn.

Cho đến khi lại gần một quầy vịt nướng, thấy khá đông người vây quanh, anh mới ghé vào nhìn thử thì ơ kìa, chẳng phải ở giữa chính là Thủy ca nhi đó sao! Thủy ca nhi tay trái xách “thằng chó ruột” nhà anh, tay phải cầm một xâu tiền, mặt mày ủ dột bồi thường cho chủ quầy.

Hóa ra, Thủy Thời vừa vào chợ đã hoa cả mắt. Cậu ngó lơ các quầy trang sức, hàng thủ công mỹ nghệ ở thời hiện đại cậu đã thấy nhiều nên chẳng lạ gì lắm, có khi còn không kỳ công bằng chiếc áo len cậu đan, chưa kể đàn ông con trai như cậu mua mấy thứ hoa hòe hoa sói làm gì chứ.

Sau đó gặp một quầy nhỏ bán gia vị, Thủy Thời ngừng chân mua ít đồ rồi bỏ vào gùi, làm Bé Sói Trắng lim dim choàng tỉnh. Mùi hương liệu khiến bé ta hắt xì hơi, nhưng xung quanh ồn quá nên Thủy Thời không nghe thấy.

Thủy Thời đi thêm một lúc, sau lưng đã lóc cóc mấy đứa trẻ con nhốn nha nhốn nháo theo sau. Nguyên cớ là do sói ta muốn hít thở bầu không khí trong lành mà không dám ra ngoài, chỉ đành bám hai chân trước lên miệng gùi, rướn mõm, nhô cái mũi ra ngoài.

Vì vậy nhìn từ đằng sau, có thể thấy một cậu ca nhi trẻ măng đang đeo gùi đi dạo một mình, trong gùi hẳn là còn một sinh vật khác, vật này chỉ lộ ra mỗi cái mũi đen ngòm ướp nhép và hai cái chân lông xù trắng trẻo.

Bọn trẻ con phát hiện ra thì hí hửng theo sau, lúc dùng một cành cây nhỏ khều khều cái chân xù để rồi bị cặp móng sắc nhọn của nó cào tới cào lui; lúc lại treo một loại kẹo nào đó lên cành cây cho cái mũi đen thui ngửi thử.

Khinh thường viên kẹo, Bé Sói Trắng làm lơ nó một cách cực kỳ cao quý. Thủy Thời dừng chân trước hàng gạo, ngồi xuống cẩn thận chọn lựa từng giống gạo một. Có loại bị mọt ăn nhiều, có loại mới tách vỏ trấu sơ sơ, còn lại đa số mới xát qua, mua về cần xử lý thêm chút nữa.

Thủy Thời đứng đực mặt trước quầy gạo để nghĩ xem mua gạo về rồi phải xay xát ra sao, do đó bị đẩy theo dòng người, trôi đến khoảng giữa hàng gạo và một hàng khác, khéo thế nào lại trúng đúng hàng vịt quay…

Sói Con mới dứt sữa đã được Thủy Thời bón đồ ăn chín nên rất mê loại thức ăn này. Ngửi mùi vịt quay thơm nức, nó cố sức chũi cái mõm ra ngoài, lỗ mũi đen sì không ngừng hấp háy, nước miếng chảy ướt cả gùi. Sau đó hí mắt nhìn thấy con vịt bị móc trên quầy hàng, Sói Con lén lút thò chân, kéo phắt con vịt quay vào gùi. Chờ đến lúc chủ hàng quay đầu, con vịt chỉ còn lộ đúng cái chân ra bên ngoài.

Chủ hàng để yên thế nào được, bác ta hung tợn nạt Thủy Thời trộm vịt nhà bác. Sau đó mở nắp gùi lên, thấy bên trong là một “thằng chó con” tuy lấm lem dầu mỡ nhưng vẫn trông ra tướng tá ưu việt, bác ta bèn sửa miệng bảo không cần tiền, cứ đưa thẳng con chó cho mình là xong chuyện. Về với bác ta, bác ta sẽ cho nó ăn vịt quay mỗi ngày luôn.

Thủy Thời dở khóc dở cười, chuyện ấy hoàn toàn không có khả năng, cậu còn phải nhờ cậy thằng nhãi này nhiều lắm đấy. Vì vậy cậu đành lúng túng móc tiền và ngượng ngùng tạ lỗi, sau đó lại mua thêm một con vịt nướng được gói trong lá sen, không biết là định mang về cho ai ăn nữa.

Thừa An chen vào giữa đám đông nhốn nháo, kéo Thủy Thời đang giơ gùi lên che khuôn mặt ửng đỏ của mình ra ngoài, tiện thể gõ đầu cậu một cái, “Cái đứa này, lên thị trấn còn dắt thằng nhãi kia lên làm gì, không sợ nó nặng hả!”

Thủy Thời gãi gãi đầu, vừa cười híp mắt vừa đứng ngoan ngoãn bên cạnh Thừa An. Thừa An thở dài, cuối cùng anh cũng được trải nghiệm cảm giác làm anh thật khó phải đâu chuyện đùa, anh không nỡ nặng lời với đứa em, nhưng đồng thời cũng không bảo ban nổi nó! Thế là anh chỉ đành dẫn Thủy Thời rời khỏi chợ, “Mua xong đồ rồi chứ?”

Thủy Thời gật đầu, “Xong rồi ạ, vật nào nhẹ thì em để trong gùi, còn gạo với một số đồ dùng bếp núc em nhờ ông chủ đem ra xe bò ngoài cổng thành giúp rồi trả họ thêm tiền.”

Thừa An gật đầu, “Vậy mình về thôi.” Đoạn đường trở ra khá ngắn, hai người vượt qua khu vực đông đúc nhất là đến tiệm bánh hấp. Đó là một cửa tiệm lâu đời, từ ngoài cửa, hai người đã ngửi được mùi bột gạo nướng thơm lừng quen thuộc. Gia đình ông Trịnh rất thích món ăn này, cả năm được mỗi dịp Tết, hai người Thủy Thời không tiếc tiền thêm, mỗi người mua vài chiếc rồi mới ra cổng thành.

Sau khi lấy đủ đồ, Thừa An mau chóng bảo bác phu xe rời đi cho kịp về nhà lúc trời còn sáng.

Chẳng qua họ vẫn rời thành muộn một bước. Chưa đến giữa trưa dân tỵ nạn đã quanh quẩn ngoài thành, ai nấy đều nung nấu ý định tìm đường vào thành lánh nạn. Theo lời huyện lệnh, binh và tướng canh phòng được điều động kịp thời và giờ đã dựng lều, phát cháo cho dân phương xa. Tuy nhiên cháo rất loãng, chỉ đủ để giúp dân tỵ nạn không đói chết.

Các thành trì xung quanh đều dùng phương pháp ấy, huyện lệnh không dám cho nhiều gạo để tránh họ rỉ tai nhau cùng kéo đến đây, như vậy thành sẽ không trụ nổi. Ông từng làm lính, tạm không cần danh tiếng, giữ cho dân trong thành sinh hoạt ổn thỏa mới là vấn đề cấp thiết. Đường nào thì huyện thừa mới giữ vai trò quan phụ mẫu nhiều năm.

Thừa An cau mày nhắc bác phu mau đánh xe đi, hiện chưa đông quá, chần chừ thêm chốc lát có khi còn không đi được.

Thủy Thời ngẩn người nhìn những người đến lánh nạn nằm la liệt ở chân thành, áo quần không đủ che thân. Giờ cậu đã được chứng kiến cảnh tượng người chết đói, chết rét đầy đường.

Sự cứng rắn và thờ ơ của lính canh phòng, cũng như thái độ phớt lờ, vội vã về nhà của Trịnh Thừa An đã mang đến một cái nhìn khác về thế giới này cho cậu.

Cậu có thể tỉnh lại trong ổ sói ở Đông Sơn đúng là may mắn.

Xe bò lăn bánh, dân tỵ nạn không dám cướp của dân thành ngay trước mắt vệ binh, chỉ có một người đàn bà gầy trơ xương là nhào tới trước đầu xe mà không sợ bị xe nghiền nát. Bà liên tục dập đầu với người trên xe, bảo rằng người trai đang nằm tựa thân cây của bà sắp chết đói.

Thủy Thời thấy bà như vậy thì thật sự không đành lòng. Nếu mẹ cậu là bà thì chắc hẳn bây giờ cũng sẽ đánh cược mạng mình để cứu cậu. Vậy nên nhân lúc không ai để ý, cậu len lén đưa cho bà một túi bánh rồi mau chóng thúc bò rời đi.

Thừa An thở dài, không trách Thủy Thời, chỉ cảnh giác hơn.

Tuy nhiên khi xe bò đi khuất tầm mắt vệ binh, chuẩn bị tiến vào con đường mòn băng qua rừng rậm, một chuyện ngoài ý muốn đã xảy ra.

Con trai của người đàn bà vừa dập đầu không ngừng – mà vốn được miêu tả là thoi thóp – mang theo mấy người khác, đi đứng vững vàng, mặt mày bặm trợn đuổi theo xe bò. Bọn gã cầm đao và gậy vây quanh ba người bên Thủy Thời, trông đã sẵn sàng ra tay.

“Giết hết, tránh cho binh lính phát hiện ra.”

Thủy Thời chợt lạnh lòng, phu xe vừa bảo đám Thủy Thời trốn vào rừng vừa nhảy xe chạy trước. Toán cướp thấy vậy thì ồ ạt xông lên.

Thừa An kéo Thủy Thời bỏ chạy, nào ngờ địch lại lia đá tảng về phía bọn họ. Đây chắc chắn là chiêu trò bắt người mà bọn chúng đã thạo dùng. Trịnh Thừa An chưa lớn hết, lại là phần tử trí thức, thể trạng không ra làm sao nên thoáng chốc đã bị đá ném trúng đầu, hôn mê bất tỉnh.

Thủy Thời tuyệt đối không thể để mặc Thừa An, cậu rút con dao phay trong gùi, đứng phòng thủ bên cạnh anh út. Trong lúc quơ dao cậu tình cờ chém bị thương một gã, toán cướp liền nổi lòng ác độc muốn đánh chết Thủy Thời.

Đúng lúc này, Sói Con trong gùi vọt thẳng ra ngoài. Nó không còn điệu bộ vụng trộm tấu hài ngày xưa mà bộc lộ dòng máu hung hãn của Vua Sói. Bé sói dựng lông, nhe hàm răng sắc nhọn, chắn trước mặt Thủy Thời với cặp mắt lạnh lẽo, rồi nó bất chợt cất tiếng tru dài giữa đồng cỏ hoang.

Tiếng sói tru làm toán cướp hoảng sợ, duy mình gã cầm đầu là tỉnh táo quát, “Mau, giết nó trước!”

Không ngờ Sói Con phản xạ rất nhanh, nó nhảy vồ lên đầu một tên dưới ánh mắt luống cuống của gã, phát huy bản năng săn mồi của loài sói mà cắn phập vào cổ họng gã. Mặc xác tên cướp kêu thảm, lũ còn lại thừa cơ tấn công Thủy Thời.

Thủy Thời run sợ nhưng vẫn nghiến răng, siết chặt con dao phay, thề có chết cũng phải kéo theo một gã.

Tên cướp có bộ răng vàng khè xông về phía Thủy Thời trước nhất. Trên đường tỵ nạn, nhiều kẻ thậm chí bán con đổi lấy đồ ăn, cũng không biết gã nọ đã giành được bao nhiêu con “cừu hai chân” để làm thịt. Thủy Thời thở gấp, đoạn hô to một tiếng rồi nhắm mắt vung dao lia lịa.

Tuy nhiên dao chưa chém trúng kẻ địch mà đối phương đã bất thình lình hét thảm, sau đó im bặt. Mở mắt, Thủy Thời lập tức thở phào, căng thẳng vô thức nguôi ngoai, tinh thần dần ổn định.

Một thân hình cao lớn đứng trước người cậu, cánh tay rắn chắc của hắn bóp cổ gã răng vàng, nhấc gã lên cao đến khi chân gã rời mặt đất. Rắc, gã răng vàng mềm rũ, bị ném phắt ra xa.

Lũ cướp còn lại vội vàng bỏ chạy. Chúng đã nhăm nhe chiếc xe bò từ sớm, biết chắc trên xe chỉ có ba người, một người già, một thiếu niên và một ca nhi có nốt ruồi thai rất nhạt. Bấy giờ chúng mới bàn nhau tập kích tại đây, giết người cướp của chúng đã quen rồi.

Ai ngờ giữa chừng bỗng xuất hiện một gã đàn ông hung ác. Chúng tận mắt chứng kiến tên này nhảy vọt ra từ cánh rừng bên cạnh mà không hề phát ra tiếng động. Vóc dáng cao to của hắn đã đủ làm chúng kinh hoàng, huống hồ là sắc mặt bất thường, hai mắt vàng nảy lửa và sát khí cuộn trào trên người hắn. Chớp mắt, hắn đã vặn gãy cổ đồng bọn chúng.

Phù Ly nổi cơn thịnh nộ. Hắn lao thẳng vào lũ cướp, chỉ sau mấy cú vung tay, lũ cướp đã chảy máu đầm đìa. Song Phù Ly không vội kết liễu chúng, hắn muốn bẻ tay xé chân, hành hạ chúng đến chết. Trong các cuộc săn mồi từ xưa đến giờ, bầy sói luôn giết chết con mồi ngay lập tức. Chúng tôn trọng sinh mạng, đây cũng là sự nhân từ cuối cùng của kẻ săn mồi.

Tuy nhiên Phù Ly đã làm trái quy tắc, hắn hơi quay đầu, để lộ răng nanh nhọn hoắt, hai mắt đỏ sẫm, thú tính tàn ác trong hắn đã chiếm thế thượng phong.

Khí chất lúc này của Phù Ly làm Sói Con cũng hoảng sợ. Mép còn dính máu tươi nhưng nó vẫn khép miệng thu răng, cụp tai như thể khuất phục rồi trốn phắt qua bên cạnh Thủy Thời.

Đây là một Phù Ly mà Thủy Thời chưa từng nhìn thấy. Tính dã thú bùng nổ, hắn nghiến răng đến độ bật máu, rơi vào trạng thái giết người không kiềm chế.

Thủy Thời siết chặt đấm trong do dự, cuối cùng vẫn khẽ gọi tên hắn từ phía sau.

“Phù… Phù Ly.”

“Mình… mình về nhà thôi.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.