Trương Thịnh cũng tâm lý đã hiểu ngay chuyện thầm kín của con gái vào mỗi tháng như thế này, huống chi đây lại còn là lần đầu tiên của em ấy. Anh bước đến bàn rót cho Yến Thư một ly nước.
“Em ngồi xuống nghỉ ngơi đã, đồ mà em cần… để anh đi mua là được.”
Trương Thịnh vẫn điềm nhiên như chẳng có chuyện gì làm khó được mình, nói rồi anh liền đi thẳng đến tiệm tạp hóa gần nhà để tìm mua đồ dùng cá nhân cho em gái. Còn Yến Thư khi ấy vẫn đang ngồi ngây người ra đó nhìn về phía cửa nơi anh vừa rời đi, trong vô thức cô đã nhận ra được “có lẽ anh hai đã biết chuyện của mình rồi” thật sự mà nói Thư khi này rất muốn tìm cái lỗ nào đó chui xuống luôn cho rồi, có lẽ vì đây là lần đầu của mình nên Yến Thư có vài phần lúng túng cảm thấy khó xử vô cùng.
Khoảng mười phút sau Trương Thịnh quay trở về, trên tay cầm chiếc bịch đen đưa cho cô, vẻ mặt anh vẫn thản nhiên chẳng hề biết ngại là gì. Từ trước đến nay Yến Thư trong lòng Trương Thịnh luôn là một đứa trẻ nhỏ được anh quan tâm lo lắng như em gái ruột, nên đối với anh những chuyện này cũng hết sức bình thường.
“Sau này em không cần phải lo ngại về những vấn đề con gái như thế này…
Mà em đã biết cách sử dụng nó chưa?”
“Em biết, em biết rồi mà!” Yến Thư mặt đỏ tía tai đáp lại gỏn lọn vài từ rồi nhanh chân chạy thẳng vào nhà vệ sinh như đang muốn né tránh lời nói tiếp theo từ anh.
Anh đương nhiên cũng hiểu được tâm lý của em gái mình, do không muốn em khó xử nên đã cố ý nói vọng vào trong để Yến Thư nghe được: “Anh còn có chút việc phải ra ngoài, có lẽ đến tối sẽ về, tiền để trên bàn, em muốn ăn gì thì cứ mua, khỏi chờ cơm anh.”
Trương Thịnh cứ thế mà rời khỏi nhà, chỉ vì để em ấy lấy lại bình tĩnh, không cảm thấy ngại ngùng bởi vì chuyện vừa rồi.
“Anh hai vì để lo cho mình được ăn học tử tế như các bạn cùng trang lứa mà bận rộn đến thế này rồi, cũng không có thời gian nghỉ ngơi nữa. Vậy mà mình lại chẳng thể giúp gì được cho anh, còn là gánh nặng của anh nữa…”
Yến Thư lúc này mới chợt nhớ ra tháng sau là đến sinh nhật của anh, vậy là cô quyết định lên kế hoạch mua quà để tạo bất ngờ cho anh hai của mình. Suy nghĩ mất khoảng một tuần, Thư quyết định sẽ mua lấy một bộ đồ bao gồm quần tây, áo sơ mi và thắt lưng để tặng cho Trương Thịnh. Chú ý kĩ mới thấy được ngoài hai ba chiếc áo đồng phục đi làm tẻ nhạt và vài bộ đồ tạm bợ mặc ở nhà, Trương Thịnh không có bất kỳ bộ đồ lịch sự nào phòng trường hợp phải đến những nơi hội họp trang nghiêm. Lại nghĩ đến tư cách người giám hộ của anh, đồng thời là những cuộc họp phụ huynh sẽ diễn ra sau khi cuộc thi cuối kì kết thúc, Yến Thư càng chắc mẩm phải mua cho bằng được một bộ quần áo tươm tất dành cho anh mình.
Yến Thư bắt đầu nghĩ ngay đến số tiền đã tích góp được suốt khoảng thời gian đi làm vất vả hồi mới lên thành phố. Quả nhiên là không đủ. Nhớ đến trước lúc nhập học, Thư đã tự nguyện đưa hết số tiền mà mình kiếm được để phụ giúp Thịnh tiền học phí, chỉ giữ lại một tí để mua dụng cụ học tập. Trương Thịnh đồng ý nhận số tiền đó, song đôi lúc cũng có đưa thêm cho Yến Thư vài đồng để cô bé có thể mua thêm những vật dụng cần thiết. Nhưng qua một khoảng thời gian vừa xài vừa tiết kiệm, lại thêm việc tiền dụng cụ học tập tăng đều qua mỗi năm, thành ra số tiền trong con heo đất lúc này chắc cũng chỉ đủ để cô bé mua được duy nhất một chiếc áo sơ mi.
“Không được rồi! Chỉ mua mỗi áo thôi thì thật sự không ổn.”
Ban đầu Yến Thư có nghĩ đến việc sẽ mượn tiền của hai cô bạn thân, nhưng liền bác bỏ ý tưởng ấy ngay sau đó. Lỡ mượn rồi mà không có khả năng trả được thì mình còn mặt mũi nào mà làm bạn với hai người họ.
…
Tốn thêm hai ba ngày để suy nghĩ cách kiếm tiền, Thư đành chọn việc khả thi nhất là nhặt vỏ chai rồi bán lại hòng tích góp tiền từng chút một. Nhưng rất nhanh cô bé liền nhận ra tình hình có vẻ không mấy khả quan.
“Dạo này anh có vẻ rất bận thì phải, còn bận hơn lúc trước nữa.”
Cô bé thầm nghĩ mà cảm thấy xót thương cho Trương Thịnh: “Bằng mọi giá mình phải mua cho anh hai được một bộ đồ tử tế như người ta.” Yến Thư cười thầm trong bụng khi tưởng tượng đến cảnh lúc đó anh nhận được món quà sinh nhật đặc biệt này của mình thì sẽ vui đến nhường nào.
Sau hai tuần, cộng cả số tiền kiếm được từ việc bán ve chai, số tiền có sẵn trước đó để mua dụng cụ học tập cùng vài chục ngàn lẻ mà Trương Thịnh đưa mỗi tuần phòng khi có việc cần dùng đến, Thư gom được gần ba trăm ngàn, nhưng như thế là vẫn chưa đủ tiền mua bộ quần áo đã ngắm được từ trước đó. Cô bé thở dài ngao ngán. Dù cho mỗi ngày đều bắt tay vào việc lượm ve chai ngay sau khi đi học về, số tiền kiếm được vẫn là quá ít trong khi ngày sinh nhật của anh hai đang ngày càng đến gần. Yến Thư thực tâm rất muốn dành thêm thời gian cho việc lượm ve chai, nhưng vì mười giờ tối là Trương Thịnh đã về, nên dù muốn làm thêm thì cô cũng không thể vắng mặt khi có anh ở nhà được.