Hàn Lâm nghe ông già vợ nói xong, anh bí luôn ngôn từ. Anh nhìn ông bằng đôi mắt oan ức, miệng muốn phân minh mà chẳng biết nói làm sao.
Để cứu nguy cho bạn trai già, Khánh Linh cười hì hì nói với ba: “Ba nói gì kì cục quá ba! Lên giường, xuống giường gì chứ? Người ta là đại gia không thèm khát gì miếng thịt chưa chín đâu! Ba nói thế là vô tình mở đường cho địch đó!”
Ba cô khoát tay: “Địch, ta gì? Bay là bom không biết nổ lúc nào? Ba không dám nhận bay là quân ba!” Ông choàng vai cô gái rượu, hỏi nhỏ: “Cửa nẻo luôn cẩn thận chứ?”
“Baaaaa!” Cô phụng phịu giận dỗi: “Con là con ai?”
Ba cô cười, lườm con gái cưng: “Con là bình rượu mơ của ông Ba Cẩn, cháu nội ông Hai Thận, xóm 9.”
“Vậy ba còn lo con không cẩn thận!”
“Thì cũng do ba quá thương bay thôi! Con gái con lứa phải biết giữ mình, đừng vì phút yếu lòng mà giao hàng cho ai là thiệt thân! Nếu nó có quá đà…con cứ cắn nát bét mỏ nó và đạp mất giống cho ba!”
Hàn Lâm: Không biết sợ ông già vợ đời không nể!
“Ba vợ, con thương Khánh Linh thật lòng, ba đừng lo lắng quá! Con hứa với ba, con sẽ biết điểm dừng!”
Ba Khánh Linh nhìn thật kĩ chàng trai thêm lần nữa, rồi gật đầu: “Ba tạm tin bay!”
Nhưng rồi những việc mà chàng rể tương lai đã làm khi đến viện đã làm cho ông Ba Cẩn không những tin một trăm phần trăm mà còn từng chút, từng chút thấy thương, thấy quý.
“Mẹ vợ, mẹ thấy trong người thế nào?” Sau khi bỏ xách yến loại thượng hạng trên chiếc tủ nhỏ, Hàn Lâm cầm tay bà ân cần hỏi thăm.
Mẹ Khánh Linh nhìn cô con gái, rồi nhìn chàng trai: “Cậu đây là…”
“Dạ, ảnh là…”
“Con là Hàn Lâm, chồng tương lai của em Linh và là con rể tương lai của ba mẹ. Từ giờ, chăm sóc mẹ cũng là nhiệm vụ của con.”
Ông Ba Cẩn thấy nó giới thiệu vậy nghĩ cũng mắc cười. Nhưng thôi kệ để xem nó chăm sóc như thế nào?
“Ba cược, nó bô bô cái mỏ!” Ông nói vào tai con gái khi hai cha con ngồi nhai đậu phộng luộc: “Đấy, con thấy không, mới nói chăm sóc, chăm sóc ngon lắm, giờ biến đâu mất dạng.”
Ông là chút ghét mấy cái mỏ bịp!
Nhưng không…kẻ bịp bợm là ông mới đúng! Ngày cưới vợ, ông hứa trước tổ tiên nhà vợ sẽ chăm sóc, suốt đời che chở, thương yêu vợ con. Vậy mà, ông bắt vợ làm quần quật suốt ngày. Nhổ cỏ lúa, cắt cỏ cho bò, còn nấu cám gà, cám lợn và nấu cơm hầu hạ lão chồng nghèo.
Một năm mười hai tháng, ông có biết cho vợ ăn bữa ngon nào đâu. Toàn cơm trắng, canh rau, ăn thét viêm cả ruột thừa.
Đã vậy, vợ mệt, vợ đau, ông còn không có tiền mua nổi cho vợ hũ yến ngon uống cho khỏe. Cái túi rỗng tếch chỉ biết lấy con mắt mà nhìn.
Cũng may có thằng con trai ai kia tốt bụng mua cho vợ ông mớ yến xịn. Đã vậy nó còn làm thủ tục đổi luôn cho bà sang phòng VIP.
“Như thế này có phí lắm không con?” Ông Ba Cẩn nhìn nhìn căn phòng rộng đầy đủ tiện nghi mà chỉ có mỗi vợ ông nằm, ông thấy nó chơi sang hơi phí tiền.
Ai dè nó nói nhẹ tênh: “Sức khỏe là quan trọng. Con muốn mẹ được chăm sóc chu đáo sau phẫu thuật.”
Có ở trong căn phòng VIP, ông mới biết, ngoài không gian thoáng mát, sạch sẽ yên tĩnh để nghỉ ngơi, vợ ông còn được bác sĩ, y tá chăm sóc rất nhiệt tình làm ông cảm động không thôi.
“Hàn Lâm, ba cảm ơn con!” Ông Ba Cẩn nghĩ không ra từ nào để nói ngoài bốn từ: “Ba cảm ơn con!” Như thế này, tối nay vợ ông sẽ yên tĩnh nghỉ ngơi. Mà ông cũng có giường nằm, tránh tình trạng ngủ ngồi khi vào viện.
Quan trọng là ông không phải lo đi gọi bác sĩ. Khi có việc cần, bác sĩ dặn chỉ cần ấn chuông là họ sẽ có mặt. Một bà nông dân mà hưởng đặc ân lớn vậy là sướng quá trời quá đất rồi còn gì?
Mà bản thân ông cũng sướng nữa. Chuyện chăm sóc bệnh nhân đã có bác sĩ, y tá và Hàn Lâm. Đi mua lặt vặt cũng chân Hàn Lâm đi, rồi mua cơm, mua nước…tất tần tật cũng Hàn Lâm nốt.
Vậy mới có cảnh hai cha con ông rảnh, ngồi chơi không chém gió đủ thứ chuyện trên đời: “Ba, ba thấy mấy hạt mít con gái gieo lên mầm chưa?”
“Rồi!”
“Mấy cây ổi ghép cũng sống cả chứ?”
“Cả.”
“Còn cây xoài thì sao ba?”
“Như cây ổi!”
“Vậy mấy khóm hoa mười giờ?”
“Ra bông rực rỡ!”
“Mấy chậu hoa hồng?”
“Nở đỏ!”
“Ba đọc tới trang bao nhiêu quyển ‘Nhà thờ Đức Bà Paris?”
“100.”
“Chậm thế?”
“Vậy là tranh thủ rồi!”
“Dạo này ai thua bị búng lỗ tai nhiều?”
“Thiếu tay, chơi không có hứng! Đợi hè con đưa nó về ra mắt rồi cả nhà cùng chơi.” Bài tiến lên mà, đủ bốn tay chơi vẫn hăng máu hơn.
Nói tới ra mắt ông mới nhớ: “Thằng con rể của ba đi đâu rồi?” Ông Cẩn dáo dác ngó trước ngó sau.
Đấy! Mới đó, vắng bóng nó trong tầm mắt, ông lại thấy vắng, thấy thiêu thiếu rồi thấy nhớ…
“Hàn Lâm!” Ông Ba Cẩn vừa gọi vừa đứng lên đi tìm.
Mẹ Khánh Linh thấy buồn cười mà không dám vì sợ ảnh hưởng vết mổ. Bà nghiêng đầu nói với con gái: “Rồi ba con sẽ thương thằng rể quý hơn cả mẹ con mình!” Sống với lão gần hai mươi năm, bà đi đâu có thấy lão đi tìm bao giờ đâu!