Hoàng Lư nghĩ tới nghĩ lui vẫn không biết nên chuẩn bị món quà gì để tặng cho Mạnh Yến Lễ, thầm quyết định có cơ hội sẽ hỏi thăm dì Dương.
Gió nhẹ thổi tới, sương mù trên mặt biển bỗng tan đi, chỉ còn lại dãy núi như ẩn như hiện phía xa xa.
Hoàng Lư chợt nhớ ra việc chụp ảnh cho Trọng Hạo Khả. Cô lấy điện thoại ra, tìm góc đẹp rồi chụp vài tấm ảnh, sau đó gửi đi.
Trọng Hạo Khải gần như trả lời ngay lập tức, gọi điện thoại đến: “Nơi này tuyệt thật, khác gì chốn tiên cảnh đâu, rất hợp để vẽ tranh phong cảnh đấy.”
Sau khi Hoàng Lư tỏ vẻ đồng ý, Trọng Hạo Khải lại hỏi: “Ê Hoàng Lư, mấy ngày nay cậu có vẽ gì không?”
“Không, tôi đi vội nên không mang theo dụng cụ vẽ.”
“Sinh viên mỹ thuật đi ra ngoài mà lại không mang theo dụng cụ vẽ! Cậu có còn xứng đáng với mấy pho tượng danh sư trong trường nữa không? Nửa đêm không sợ họ đứng khóc ở đầu giường hả?”
“Họ sẽ khóc ở đầu giường cậu chứ, vì cái miệng lắm lời của cậu đấy!”
Cô không khách khí mà đáp trả, sau đó cúp máy trong tiếng cười như nắc nẻ của Trọng Hạo Khải.
Hoàng Lư đến ngân hàng gần đó rút một số tiền mặt, rồi lại đi lòng vòng theo bản đồ một lúc lâu mới tìm được một cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ gần trường học, mua vài chiếc phong bì.
Cô bỏ tiền mặt vào phong bì, dự định khi nào gặp Mạnh Yến Lễ vào giờ ăn tối sẽ trả lại tiền thuê phòng và chứng minh thư cho anh.
Nhưng tối hôm nay, Mạnh Yến Lễ lại không ăn ở nhà, anh đi ra ngoài.
Dì Dương nói anh vào trung tâm thành phố Thanh Li để làm gì đó, có lẽ sẽ về khá muộn.
Mạnh Yến Lễ không có ở đây, vừa hay Hoàng Lư có cơ hội hỏi dì Dương về sở thích của anh.
Được hỏi về chuyện này, dì Dương nở nụ cười hoài niệm: “Hồi nhỏ Yến Lễ có rất nhiều sở thích, xếp hình, đọc sách, chơi piano, trượt tuyết, nhiều vô kể. Lớn hơn một chút thì chỉ mê vẽ tranh. Cậu ấy còn…”
Dì Dương khựng lại, che giấu điều gì đó, cụp mắt xuống lặp lại một lần nữa: “Đúng vậy, sau này chỉ mê vẽ tranh thôi.”
Hoàng Lư không nghe ra tiếng thở dài trong giọng nói của dì Dương, thực ra, khi nghe đến chữ “vẽ”, cô có chút ngẩn ngơ.
Mạnh Yến Lễ thích vẽ?
Cũng đúng, chẳng phải trên tường tầng hai nhà anh treo một bức tranh siêu to, siêu đắt tiền sao?
Nhưng gu thẩm mỹ của anh quá cao, nếu tặng tranh thì phải bao nhiêu tiền mới đủ?
Hoàng Lư chưa từ bỏ ý định, lại hỏi dì Dương một câu: “Anh ấy chỉ thích vẽ tranh thôi ạ?”
“Ừ.”
Dì Dương thất thần đáp lại, một lúc sau, bà đột nhiên nhớ ra chuyện gì đó buồn cười, nếp nhăn nơi khóe mắt giãn ra: “Dì nhớ lúc đó Yến Lễ đang trong độ tuổi dậy thì, cả ngày không về nhà, đi khắp nơi xem triển lãm. Dì sợ nó học cái xấu, bọn nhỏ ở độ tuổi đó rất dễ đua đòi. Dì bèn nghĩ phải tìm chủ đề chung để nói chuyện với nó mới được. Thế là dì học thuộc tên những họa sĩ mà nó thích, tên của các họa sĩ nước ngoài thực sự rất khó đọc, dì phải học rất lâu…”
Đến khi dì Dương nói ra những cái tên họa sĩ đó, lòng Hoàng Lư hóa tro tàn.
Thôi bỏ đi, không thể tặng tranh được.
Quá đắt.
Đừng nói là cô, ngay cả bố cô nếu muốn tặng một món quà giá trị như vậy, chắc cũng phải chờ để dành cho lễ mừng thọ 100 tuổi của ông nội thôi…
Buổi tối, Hoàng Lư hơi mất ngủ.
Sau triển lãm tranh, cô thường xuyên trằn trọc khó ngủ, trái lại những ngày sốt cao lại là lúc cô ngủ ngon nhất.
Mang tiếng sinh viên mỹ thuật mà lại không dám tự tin vẽ tranh tặng người khác..
Không giống mẹ……
Hoàng Lư lấy điện thoại tìm kiếm tên mẹ, ngay lập tức trên màn hình hiện ra bản lý lịch cực kỳ xuất sắc.
Mẹ cô là nghệ sĩ, sau khi ly hôn với bố cô, bà chuyển sang nước ngoài sinh sống và làm việc.
Trong ký ức, mẹ cô rất ít khi cười, lời khen duy nhất dành cho Hoàng Lư là lúc cô bốn tuổi.
Mặc dù Trọng Hạo Khải từng nói: “Mới bốn tuổi thì nhớ được cái rắm, tôi còn chẳng nhớ gì mấy chuyện hồi tiểu học”.
Nhưng Hoàng Lư vẫn nhớ, nhớ rất rõ ràng.
Cô nhớ mình lén lút vào phòng vẽ tranh của mẹ, giả vờ cầm bút chì vẽ nguệch ngoạc lên giấy.
Cô vẽ rất xấu, chẳng ra hình thù gì, nhưng mẹ lại nhìn chằm chằm vào nó rất lâu, rồi bất chợt mỉm cười.
Mẹ nói: “Con vẽ mặt trời à?”
“Là mặt trời vừa ngủ dậy ạ.”
“Hình mặt trời mọc trong chữ giáp cốt* cũng giống như vậy. Con vẽ đẹp lắm.”
*Chữ giáp cốt: là một loại văn tự cổ đại của Trung Quốc thời nhà Thương, chữ giáp cốt được gọi theo một tên gọi khác là chữ tượng hình cổ Trung Hoa. (Nguồn: Baidu)
Sau này lớn hơn, Hoàng Lư mới biết chữ mẹ nhắc tới.
Là chữ “Đán”* trong chữ giáp cốt, có nghĩa là “tảng sáng”.
*Là chữ 旦
Chính lời khen của mẹ hôm đó đã khiến Hoàng Lư dần dần thích vẽ tranh.
Bắt đầu học vẽ từ năm 6 tuổi, đến nay đã 14 năm.
Trước khi vào đại học còn ổn, chủ yếu là vẽ theo mẫu và chuẩn bị cho kỳ thi nghệ thuật.
Lúc đó cô vẫn còn nghĩ mình có năng khiếu, có thể do di truyền từ mẹ.
Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ cô chẳng thừa hưởng được gì cả.
Năm nay đã là năm ba đại học rồi, Hoàng Lư thầm than.
Cô từng tiếp xúc với những đàn anh đàn chị cực kỳ xuất sắc, nhưng sau khi tốt nghiệp, họ đều không theo đuổi con đường nghệ thuật.
Có người trở thành giáo viên, có người làm thiết kế cho công ty lớn, thậm chí có người từng thử sức làm họa sĩ tự do nhưng rồi lại quay về quê thi công chức…
Chẳng lẽ sau khi tốt nghiệp cô cũng phải đi thi công chức à?
Bỗng dưới nhà vang lên tiếng mở cửa garage, cắt ngang dòng suy nghĩ bi quan của Hoàng Lư.
Cô mở cửa sổ, nhìn xuống, quả nhiên thấy một chiếc SUV màu đen.
Đó là xe của Mạnh Yến Lễ.
Đã 1 giờ 20 phút sáng rồi, anh về muộn thật.
Hoàng Lư nghĩ, dù sao mình cũng chưa ngủ, trả tiền và chứng minh thư cho anh luôn vậy.
Nhỡ ngày mai Mạnh Yến Lễ lại không ở nhà, ra ngoài làm việc gì đó thì không có chứng minh thư cũng khá bất tiện mà.
Hoàng Lư vội vàng khoác thêm áo khoác ngoài váy ngủ, chải lại mái tóc rối, sau đó cầm theo phong bì và chứng minh thư đứng chờ ở cầu thang.
Cô tưởng Mạnh Yến Lễ sẽ lên tầng, dù sao phòng ngủ của anh cũng ở tầng hai, gặp mặt rồi trả cho anh là được.
Nhưng chờ mãi vẫn không thấy tiếng động gì trên cầu thang.
Thôi thì xuống tầng tìm anh vậy.
Sợ sẽ đánh thức dì Dương nên Hoàng Lư không bật đèn, lần mò xuống cầu thang trong bóng tối.
Đi đến hai bậc thang cuối cùng, cô nhìn thấy Mạnh Yến Lễ.
Trong phòng khách có một chiếc sofa màu xám đậm, Mạnh Yến Lễ ngả đầu tựa vào thành ghế.
Phía bên phải là cửa sổ sát đất, ánh đèn đêm len lỏi qua những tán cây rậm rạp bên ngoài rọi vào phòng tạo thành những mảng sáng loang lổ, lờ mờ soi sáng nửa khuôn mặt của Mạnh Yến Lễ.
Anh nhắm mắt, mày nhíu chặt, trông có vẻ mệt mỏi.
Hoàng Lư cầm phong bì và chứng minh thư, đứng bất động trên cầu thang.
Cô đột nhiên nhớ lại đêm đầu tiên ở Thanh Li, nhìn thấy Mạnh Yến Lễ đứng ở cửa sân chia tay một người phụ nữ.
Chẳng lẽ vì chia tay nên đau buồn sao?
Ban đầu Hoàng Lư không định đi đến làm phiền anh, nhưng bản thân cô cũng từng trải qua nhiều đêm một mình trong căn nhà trống vắng
Mỗi lần Hoàng Mậu Khang đi công tác về hỏi cô có buồn chán không, cô đều ngoan ngoãn trả lời không, ngày nào cũng rất vui.
Chỉ mình cô biết, cô đã từng khao khát có một người anh em hoặc chị em để bầu bạn, tâm sự cùng.
Dù Mạnh Yến Lễ toát lên khí chất “Người lạ cấm lại gần”, Hoàng Lư vẫn tự đưa ra quyết định:
Không thể để anh một mình buồn bã trong phòng khách như vậy được.
Đêm khuya thanh vắng, tiếng côn trùng cũng im bặt, căn phòng khách rộng thênh thang.
Hoàng Lư đi tới đứng bên cạnh sô pha, nhẹ nhàng gọi một tiếng: “Chú Mạnh.”
Mạnh Yến Lễ vẫn ngửa đầu, không nhúc nhích, chỉ chậm rãi mở mắt ra nhìn cô.
Một lúc lâu sau, anh nói: “Tiếng cửa gara đánh thức cô à?”
“Không phải, tôi vẫn chưa ngủ.”
Hoàng Lư cười, đặt những thứ trên tay xuống bàn bên cạnh ghế sofa: “Tôi trả lại chứng minh thư và tiền thuê phòng cho chú.”
Mạnh Yến Lễ nhắm mắt lại, ý bảo cô rằng anh đã nghe thấy.
Hoàng Lư không biết nói gì, lúng túng: “Cảm ơn chú Mạnh.”
“Không có gì.”
Hoàng Lư vẫn đứng đó.
Vốn dĩ Mạnh Yến Lễ đã nhắm mắt lại, có lẽ do không nghe thấy tiếng bước chân của cô, lại mở mắt ra: “Cô không đi ngủ à?”
“Vậy còn chú, chú không về phòng ngủ sao?”
Mạnh Yến Lễ ngồi thẳng dậy, ra hiệu “Shh”: “Tạm thời chưa ngủ. Tôi định lẻn vào bếp uống một ly. Nhớ giữ bí mật nhé.”
Hoàng Lư không nói gì, đáp lại anh bằng một ngón cái.
Anh hỏi: “Có chuyện gì thế?”
“Đây đã là bí mật thứ hai tôi giữ cho chú rồi.”
Hoàng Lư suy nghĩ: “Để đổi lại, chú nói thứ mình thích cho tôi đi. dì Dương nói chú thích tranh của một số họa sĩ, ngoài tranh ra, chú còn thích gì nữa không?”
Mạnh Yến Lễ nhìn cô chằm chằm hai giây, thoáng suy tư.
Hoàng Lư là một cô bé đơn thuần, nửa đêm hỏi anh thích gì, chắc chắn không phải là do có ý với anh.
Anh nhìn chứng minh thư đặt trên bàn, im lặng vài giây rồi nói: “Muốn tặng quà sinh nhật cho tôi à?”
Hoàng Lư không ngờ Mạnh Yến Lễ lại đoán trúng, nhưng đã lộ rồi thì cô cũng hỏi thẳng: “Đúng vậy, tôi muốn tặng chú một món quà sinh nhật. Nhưng nếu chú không thích thì đâu còn ý nghĩa gì nữa. Với cả tôi cũng không biết nhiều về chú lắm, thế nên chú Mạnh bật mí mình thích gì đi mà.”
Mạnh Yến Lễ bật cười.
Anh có một cậu em trai, nhưng hồi Mạnh Chính Nhất bằng tuổi Hoàng Lư thì nghịch ngợm chẳng khác nào con khỉ nhỏ.
Cả ngày tung tăng nhảy nhót, rời khỏi tầm mắt một cái là y như rằng mang đến rắc rối cho anh. Ở cùng anh không ăn ké uống ké thì cũng dùng xe với quần áo ké, chính xác là một tổ tông sống chuyên đi đòi nợ.
Mạnh Yến Lễ chưa từng tiếp xúc với những cô gái ngoan ngoãn như Hoàng Lư. Nửa đêm không ngủ mà lại chặn anh đòi trả nợ, thậm chí còn hỏi anh muốn quà sinh nhật gì.
Đây là hành động quan tâm mà Mạnh Chính Nhất chưa từng có.
Thực sự khiến người ta cảm thấy ấm áp trong khoảnh khắc nào đó.
Mạnh Yến Lễ nhìn về phía tủ góc tường, hếch cằm lên: “Thực ra tôi cũng khá là thích tác phẩm nghệ thuật bằng thủy tinh từng đặt ở đó đấy.”
Hoàng Lư vốn đang nhẩm tính số tiền tiêu vặt trong thẻ, cô nghĩ Mạnh Yến Lễ đã giúp đỡ mình nhiều như vậy rồi, nên cho dù món đồ anh thích đắt hơn dự tính một chút, cô cũng vẫn sẽ cố gắng mua tặng anh.
Ai ngờ Mạnh Yến Lễ lại muốn quà tặng trị giá bảy con số chứ?
Hoàng Lư bật thốt: “Dù có bán cả tôi cũng không được giá như vậy đâu!”
Nếp nhăn giữa mày của Mạnh Yến Lễ cuối cùng cũng giãn ra, anh khẽ cười.
Anh đứng dậy, đi đến bên cạnh Hoàng Lư, vỗ đầu cô như vỗ đầu em gái: “Trêu cô thôi. Đừng bận tâm đến chuyện đó nữa, tôi không tổ chức sinh nhật đâu. Về ngủ sớm đi, con gái thức khuya sẽ xấu đi đấy.”
Nói xong, anh đi về phía nhà bếp.
Nhà bếp có cửa hình vòm, trên cửa có hoa văn chạm khắc, thấp hơn nhiều so với cửa phòng khác.
Hai tay Mạnh Yến Lễ đút túi quần, đến chỗ cửa, anh hơi cúi người xuống rồi bước qua.
Quyết tâm không để anh ở một mình, Hoàng Lư cũng lẽo đẽo theo sau.
Khi cô vào, Mạnh Yến Lễ đã rót sẵn cho mình một ly vodka.
Tay áo sơ mi của anh được xắn lên, giữ trên cánh tay bằng đai áo. Anh đứng dựa vào tủ bếp, thả thêm đá vào ly rượu.
Thấy Hoàng Lư, Mạnh Yến Lễ lắc ly một cách bất lực: “Tôi thực sự định uống một ly, không đùa đâu.”
Hoàng Lư biết rõ bản thân không uống được rượu, chỉ một ngụm bia cũng có thể khiến mặt cô đỏ bừng, nhưng vẫn cứng đầu đi vào bếp: “Vậy tôi cũng uống một ít.”
Hoàng Lư nghĩ, anh đang thất tình nên cô phải ở bên cạnh mới được, không được để xảy ra chuyện gì.
Mạnh Yến Lễ cũng đang nghĩ, hình như hôm đó cô bé ở nhà trọ nói Hoàng Lư thất tình thì phải? Cho nên mới uống rượu lúc nửa đêm chăng? Không được để xảy ra chuyện gì.
Hai người quy khoảnh khắc bất thường lúc nửa đêm này là do đối phương thất tình.
Một lát sau, Mạnh Yến Lễ nói: “Lại đây đi.”
Rất lâu sau đó, khi nhớ lại đêm hôm ấy, Hoàng Lư vẫn cảm thấy thật may mắn khi quyết định tự ý ở lại nhà bếp, đồng hành cùng Mạnh Yến Lễ trong hai tiếng đồng hồ.
Bầu trời đêm hôm ấy u ám, không có sao cũng chẳng có trăng, chỉ có ánh đèn vàng nhạt le lói trong nhà bếp.
Họ đóng cửa bếp, lén lút như hai kẻ trộm, thì thầm to nhỏ trong màn đêm tĩnh mịch.
Mặc dù thứ Mạnh Yến Lễ tiện tay ném cho cô không phải là rượu mà là một chai nước dừa.
Anh nói: “Nước uống đặc biệt dành cho cô, uống đi.”