Chưởng Mệnh Nữ

Chương 3



10

Thi Lương thường ngày luôn tự xưng là con cháu của gia tộc quyền quý, dù trong hầu bao không có một đồng cũng phải giả vờ rủng rỉnh hào phóng.

Hắn vừa ba hoa tự phụ vừa xấu hổ tự ti, chỉ sợ bị người khác coi thường.

Háo sắc, háo cả thơ từ, hắn nói rằng mình tìm đến vì ngưỡng mộ tài hoa của Hà Nương. Khi không xin được bản thảo thì hắn lập tức giở giọng khác ngay.

Hắn thích tham gia hội thơ, mang tham vọng cấp bách muốn trèo lên địa vị cao nhưng lại quá sĩ diện không chịu a dua nịnh hót.

Mèo con đòi bắt chuột cống.

Ta nhớ lại những tin tức nghe ngóng được mấy ngày nay trong Xuân Trú Lâu, viết xuống nét bút cuối cùng.

Sau khi cập kê, ta vẫn luôn tìm kiếm ứng cử viên cho vị phu quân đầu tiên.

Điều kiện thứ nhất là bản mệnh của người này không được quá đặc biệt. Ví dụ như Thích Trường Lan, mệnh cách của hắn quá đặc biệt cho nên dù ta có thể dễ dàng hút vận khí từ hắn nhưng nguy cơ chịu tổn thương bắn ngược cũng cao lắm. Không nên đánh cược như vậy trừ lúc hiểm nghèo.

Mặt khác, người có vận khí quá hưng thịnh cũng không thể chọn được. Mượn vận khí lúc hưng thịnh không khác gì bung ô trong gió lốc. Kết quả mang lại sẽ chỉ như dã tràng xe cát, không xứng đáng với công sức bỏ ra.

Điều kiện thứ ba, xuất thân của hắn không được cao quá. Nếu không gia tộc đó chắc chắn sẽ không chấp thuận để cô nương bước ra từ Xuân Trú Lâu như ta ngồi xuống vị trí phu nhân. Nhưng gia thế thấp quá cũng không ổn. Nếu không thì sẽ chẳng thể tiếp xúc với tầng lớp quý tộc được, cũng có nghĩa ta chỉ có thể bị bó buộc quanh địa vị thấp kém.

Thứ tư, hắn phải có tội nghiệt quấn thân. Khi đó dù ta có lỡ làm ra mạng người khi hút vận khí thì cũng không phải chịu báo ứng quá nặng.

Cuối cùng, hắn phải có điểm yếu đủ lớn để bị uy hiếp. Có như thế ta mới dễ bề đàm phán.

Thi Lưỡng đáp ứng đủ cả năm điều kiện, lại thêm nợ máu của Hà Nương, ta còn lý do gì mà không chọn hắn đây?

“A Nhàn, viết xong thơ mới chưa?”

“Bẩm cô nương, đã xong ạ.”

Ta xé bớt nửa trang giấy phía trên, nhét vào tay áo rồi đưa phần còn lại cho Yểu Nương.

Ta là nha hoàn của tài nữ tại Xuân Trú Lâu, ta hầu hạ ai thì cô nương đó chính là nhân tài kiệt xuất.

Chẳng mấy nữa ta sẽ có một vị phu quân tài ba hơn người.

11

Hôm sau, lấy cớ đi mua giấy bút cho Yểu Nương, ta đến tiệm sách Thi Lương thường xuyên lui tới.

Dựa theo thói quen của hắn thì khoảng một nén nhang* nữa hắn sẽ có mặt ở đây.

(*một nén nhang: đơn vị tính thời gian ngày xưa, là thời gian đốt hết 1 cây nhang, khoảng tầm 10-15 phút.)

Ta kiên nhẫn chờ đợi Thi Lương bước chân qua cửa, căn đúng khoảnh khắc ấy mà nghiêng đầu, để nửa khuôn mặt xinh đẹp không tỳ vết đối diện với hắn.

Mắt hắn hiện lên vẻ sững sờ trước vẻ đẹp hoàn hảo của ta.

Ta vuốt tóc, cúi đầu chăm chú đọc cuốn sách trong tay.

Thi Lương xởi lởi đến bên cạnh ta. Ta khẽ nhíu mày, quay người đưa tấm lưng mảnh mai về phía hắn. Góc nhìn của Thi Lương vừa hay có thể thấy cái gáy trắng ngần của ta.

Tiệm sách yên tĩnh vô cùng, đến mức ta có thể nghe được tiếng hắn nuốt nước bọt.

“Vị cô nương này đang đọc từ ngữ liên quan tới hoa lan ư?”

Hắn nhìn thoáng qua cuốn sách ta cầm rồi ngâm vài câu thơ nổi tiếng về hoa lan.

Lúc đầu ta vô cùng lạnh lùng, nhưng hắn không chỉ nhiệt tình mà còn rất giỏi gợi chuyện, cho nên ta từ từ thân thiết đàm luận thơ văn với hắn.

“Hôm nay ta nổi hứng muốn viết một bài phú* hoa lan. Nhưng viết được một nửa thì bị bí từ nên đến tiệm sách tham khảo văn phong của các vị tiền bối.”

(*phú: một thể loại văn học cổ có vần hoặc xen giữa văn vần và văn xuôi)

Ta lấy ra nửa bài phú hoa lan từ trong tay áo, đưa cho hắn xem.

Thi Lương hững hờ liếc qua một chút rồi bỗng kinh ngạc đến trợn tròn mắt. Càng đọc hơi thở hắn càng gấp gáp.

“Đ… đây là cô nương viết ư?”

“Đúng vậy.” Ta nghiêng đầu, trả lời không hề giấu diếm. “Khi còn bé ta được đọc qua chút sách, những thứ viết ra chẳng biết hay dở thế nào. Không ai dạy bảo, nên giờ ta cũng chỉ tự viết chơi chơi thôi.”

Trong lúc nói, toàn bộ khuôn mặt ta lộ rõ trước mặt Thi Lương. Thấy vết bớt lớn của ta, hắn kinh ngạc đến giật lùi một bước, chê bai ra mặt.

Mãi hắn mới ổn định được cảm xúc, gượng cười trả trang giấy lại cho ta. Rõ ràng là lưu luyến không nỡ trả nhưng hắn mở mồm lại chê bai nửa bài phú này đủ điều:

“Trích dẫn điển cố tất nhiên là tốt rồi nhưng mà những điển cố này quá phổ biến cho nên dẫn đến hành văn của cô nương bị rơi vào khuôn sáo…”

“Chỗ ẩn dụ này cũng chưa được thỏa đáng lắm, đụng chạm đến một vị quý nhân thời Tiên Hoàng…”

Nói nhăng nói cuội nói hồi lâu, cuối cùng hắn mới ra vẻ đạo mạo bảo rằng không đành lòng trơ mắt nhìn hậu bối đi lầm đường lạc lối. Tuy nhiên hắn cần đọc kỹ cả bài mới có thể chấp bút sửa lỗi cho ta được, vì thế hắn mong ta viết xong nửa sau của bài thì hẹn gặp hắn lần nữa.

“Được.” Ta dịu dàng nói. “Ta là A Nhàn. Nếu công tử muốn tìm ta xin cứ đến Xuân Trú Lâu.”

Nói xong ta thanh toán tiền sách rồi rời đi không chút lưu luyến.

12

Mới được mấy ngày mà Thi Lương đã không nhịn được tìm đến ta.

Ta mang ít tùy bút viết trước đây ra cho hắn đọc, mắt hắn sáng lên liên tục nhưng lại ra vẻ do dự hỏi ta:

“Hà Nương và Yểu Nương đều nổi tiếng tài hoa. Nàng là nha hoàn phục vụ cả hai, thế những bài thơ của các cô nương đó…”

Ta trưng ra bộ mặt ảo não, cúi đầu nói: “Các nàng ấy là chủ nhân của ta mà, muốn lấy thứ gì ta có thể nói không ư?”

Thi Lương lập tức tỏ ra hết sức căm phẫn.

“Phường kỹ nữ này chỉ giỏi trộm cắp tiền tài danh tiếng của người khác thôi, thật ghê tởm! Nghe nói Hà Nương đã chết rồi, chắc chắn là do thường ngày không tích đức.”

Ta sửng sốt nhìn hắn, trong đầu trầm trồ nghĩ mặt này có lẽ phải dày đến cỡ tường thành nhưng ngoài miệng lại nói:

“Chưa từng có ai nói như vậy với nô tỳ. Các nàng là hoa khôi xinh đẹp tuyệt trần còn ta chỉ là một đứa nô tỳ xấu ma chê quỷ hờn, cho nên các nàng làm gì cũng đúng còn ta thì nói gì cũng sai.”

Nói đến đây, ta xấu hổ chua chát ngẩng đầu, trong mắt rưng rưng tình ý: “Chàng quả là tri kỷ của nô tỳ.”

Sức công phá của vết bớt trên mặt ta quá mạnh, hắn đành nghiêng đầu nhìn sang hướng khác nhưng tay vẫn chộp lấy tay ta rất chuẩn.

“Nhàn Nương, những năm qua nàng chịu khổ rồi. Ta thật sự xót thương nàng từ tận đáy lòng.”

13

Chẳng bao lâu sau, nhờ một bài phú hoa lan mà Thi Lương nổi danh tại hội thơ. Khi giới học thức còn đang mải mê phân tích tán thưởng bài phú ấy, hắn lại nhân lúc hăng hái sáng tác liên tiếp mấy bài cả thơ lẫn văn đều rất xuất chúng.

Đám công tử nhà giàu xem thường Thi Lương trước kia giờ xun xoe xưng huynh gọi đệ với hắn, cầu xin hắn chỉ bảo cho đôi điều.

Hiện tại Thi Lương lên hương thật rồi, ngay cả mực viết hắn cũng phải đổi sang mực Nhuyễn Yên hai lượng bạc một thỏi.

Thời gian gần đây hắn liên tục đến Xuân Trú Lâu, cứ thấy mặt ta là hỏi ngay có văn hay thơ gì mới không.

Ta ấm ức nhìn hắn, “Chàng nói muốn cưới ta về nhà, ta lúc nào cũng vấn vương sự tình này chứ tâm trí đâu mà nghĩ thơ với chả văn.”

Mặt hắn cứng đờ: “Nhàn Nương ơi tình cảm của ta dành cho nàng chưa đủ rõ ràng sao? Không phải ta không muốn, mà là nhà ta bây giờ chỉ có độc bốn bức tường, tay trắng thì lấy gì cưới nàng đây? Ta chịu khổ cũng không sao, nhưng trong lòng ta nàng là cô nương tốt nhất, sao ta nỡ để nàng chịu thiệt thòi được!”

Nếu là mấy cô nương ngu muội nghe hắn nói thế thì chắc chắn sẽ đáp lại kiểu đào tim đào phổi chứng minh chính mình thế này: “Ta không sợ chịu khổ, cái ta thích là bản thân chàng chứ không phải tiền tài!” Sau đó họ sẽ bị nam nhân lấn lướt từng chút một, phải nhượng bộ hết lần này đến lần khác.

Thật ra khi gặp tình huống như thế này, biện pháp tốt nhất không phải chứng minh bản thân mà là đẩy ngược vấn đề trở lại.

Ta cúi đầu bưng mặt oà khóc: “Ta biết ngay mà! Ngoài miệng chàng không nói nhưng trong lòng chắc chắn đang chê ta! Chàng chê ta xấu xí cho nên năm lần bảy lượt lấy cớ chối từ chứ không hề thiệt tình muốn cưới ta!”

Hắn bị nói trúng tim tim đen nên hoảng hốt thấy rõ: “Nhàn Nương, sao ta có thể như thế được?”

“Ta không quan tâm.” Ta lau khóe mắt.

“Chàng chớ có kiếm cớ lấy lệ với ta. Bao năm ở tại Xuân Trú Lâu có chuyện gì ta chưa thấy đâu! Cái gì mà sợ ta thiệt thòi, đều là lý do vớ vẩn! Nếu nam nhân thật lòng ái mộ nữ nhân thì nhiệt tình hừng hực, vừa gặp đã chỉ ước hôm sau được cưới luôn về nhà, đâu ra lắm lý do như vậy? Chàng đắn đo thế, ta nghĩ hẳn là chưa yêu đến si mê lắm đâu. Đừng nói nữa, ta hiểu chàng không yêu ta rồi!”

“Ta, ta …không phải thế!” Hắn luống cuống như kiến bò trên chảo nóng, xoay quanh ta an ủi mãi. Lúc lâu sau hắn mới nghĩ ra được một lý do khác.

Thi Lương thở dài nói:

“Không phải ta không muốn cưới nàng. Thật sự là gia tộc ta rất nghiêm khắc trong chuyện nề nếp lối sống. Nàng cũng biết đấy, ta là con nhà quyền quý còn nàng lại xuất thân từ Xuân Trú Lâu. Nếu ta cưới nàng thì ít nữa trở về tông tộc chắc chắn sẽ bị tộc trưởng đánh chết.

Hay là thế này đi Nhàn Nương. Ta nạp* nàng làm thiếp trước đã, sau đó lại lấy một người khác làm lá chắn. Mấy năm thôi rồi ta sẽ lấy cớ người kia chết bệnh và đưa nàng lên vị trí chính thất!”

(*lấy chính thất mới được dùng từ ‘cưới’, lấy thị thiếp dùng từ ‘nạp’ thể hiện sự tuỳ tiện)

Ta: ……”

Lời này mà hắn cũng nói ra được, đúng là không sợ trời phạt ha.

Ta thút thít khóc ròng đáp: “Không được. Kỳ thực ta cũng xuất thân từ thế gia, không thì sao lại có được nét chữ và học thức thế này. Trước khi qua đời phụ thân gọi ta gọi đến bên giường bắt ta thề, rằng Tống Nhị Nương* đời này tuyệt đối không làm thiếp, nếu trái lời thề thì tổ tiên dưới suối vàng đều không được an bình! Cho nên ta đã cam đoan với phụ thân, nếu ta hạ mình làm thiếp thì vừa ký khế ước* xong sẽ đâm đầu quyên sinh để người muốn nạp ta làm thiếp lấy về một tấm bài vị!”

(*Tống Nhị Nương: nữ chính họ Tống, là con gái thứ hai trong nhà
*ký khế ước: thời xưa thị thiếp không cao hơn đầy tớ là mấy, phải ký khế ước bán thân)

“Chàng không thể cưới ta mà ta không thể làm thiếp. Xem ra đời này chúng ta có duyên nhưng không có phận rồi, đã như vậy sau này chúng ta đừng gặp nhau nữa. Thi Lương chàng ơi, sau này dù có làm thê tử của ai thì A Nhàn cũng sẽ giữ chàng trong tim, ngày ngày khẩn cầu trời xanh phù hộ chàng hạnh phúc bình an.”

Nói xong, ta khóc nấc lên che mặt rời đi.
14

Về sau Thi Lương tới tìm ta rất nhiều lần nhưng ta đều tránh không gặp.

Lâu rồi hắn không có tác phẩm gì mới, người ta bắt đầu âm thầm lời ra tiếng vào. Có người chế giễu hắn hết thời, lại có ý kiến cho rằng cách dùng từ trong mấy tác phẩm mới nhất vừa hoa mỹ vừa tế nhị nhưng lại không giống phong cách lúc trước của hắn, nghi ngờ hắn tìm người viết thay.

Đối phó sứt đầu mẻ trán mà vẫn chưa bác bỏ được lời đồn, Thi Lương đành tìm gặp tú bà đề nghị chuộc thân cho ta.

Tú bà đòi hắn hai mươi lượng bạc trắng rồi sảng khoái thả ta đi.

Thi Lương mang khế bán thân đến trước mặt ta, thấp thỏm nói: “Nhàn Nương…”

Ta thờ ơ nhìn hắn.

“Chàng cầm khế bán thân đến để nạp ta về làm thiếp ư?”

Hắn lựa lời đáp: “Ta đã chuộc nàng ra rồi, nàng không cần ở Xuân Trú Lâu nữa đâu. Nhưng chuyện khác chúng ta về nhà rồi bàn bạc sau được không?”

Ta rút trâm đồng dí vào cổ mình, nở một nụ cười đau thương.

“Nhàn Nương không thông minh lắm nhưng vẫn hiểu lễ nghĩa biết liêm sỉ. Nếu hôm nay ta vi phạm với lời thề mà về nhà cùng chàng thì còn mặt mũi nào đi gặp phụ thân dưới suối vàng nữa.”

“Chàng còn cố ép ta nữa thì Nhàn Nương này chỉ đành lấy cảnh tượng máu phun xa năm bước để tạ lỗi với tổ tiên!”

Hắn bị sự kiên quyết của ta dọa mất mật. “Nhàn Nương, không, nàng đừng làm thế!”

Thấy dáng vẻ hoang mang lo sợ của hắn, ta đổi giọng dịu dàng.

“Thật ra cũng không phải là không có cách cứu vãn chuyện này. Chàng chỉ cần đưa ta đến phủ quan chuyển hộ tịch cho ta, viết rõ trên đó ta là thê tử của chàng. Người ngoài không thấy Tam thư Lục lễ*, ai biết được chàng đã có phu nhân đâu? Đến lúc về phương nam đoàn tụ cùng gia tộc thì chàng lấy thêm một phu nhân khác quản lý việc nhà, Nhàn Nương chỉ cần danh phận bình thê cũng được.”
(*Tam thư Lục lễ hay Tam môi Lục sính: nghi thức cưới xin thời xưa. Tam thư gồm Sính thư, Lễ thư và Nghênh thân thư, là 3 lá thư nhà trai đưa sang nhà gái để đưa tin, xin báo và chuẩn bị dàn xếp các nghi thức. Lục lễ là 6 lễ gồm: Nạp thái (dạm ngõ), Vấn danh (trao đổi thông tin gia đình), Nạp cát (xem tuổi hai bên, đính hôn), Nạp chinh (trao đổi lễ vật), Thỉnh kỳ (định ngày cưới), Thân nghênh (rước dâu). Nhà trai cần phải làm đầy đủ thì nhà gái mới chấp thuận làm thông gia.)

Ta phải nhượng bộ đến nước này rồi Thi Lương mới tin lời thề ta kể.

Hắn cảm động nói: “Nhàn Nương, nàng tốt như thế, ta thề đời này nhất định không thể phụ nàng.”

Ta nhào vào lòng hắn, “Phu quân, Nhàn Nương tin chàng!”

15

Đến phủ quan xóa bỏ khế bán thân rồi ghi danh vào hộ tịch nhà họ Thi xong, ta lập tức trở thành Thi phu nhân.

Ta ngẩng đầu nhìn vận khí trên đầu Thi Lương, nó như một món ngon thượng hạng đang tỏa ra mùi thơm mê người.

Thi Lương ơi là Thi Lương, ta trù tính mất bao ngày như vậy, cuối cùng ngươi cũng sập bẫy chuẩn bị thành miếng mỡ chui vào miệng ta rồi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.