Nghe nói tướng công sắp được vào kinh làm quan, Hàn Ấu Nương mừng líu lo như một nàng chim hỉ thước. Thấy bộ dạng vui sướng của nàng, Dương Lăng cũng thả lỏng tâm tình, tạm thời dẹp bỏ những mối lo ngại qua một bên. Y có thể cảm nhận được niềm vui sướng của Ấu Nương, cùng chia xẻ cảm giác ngọt ngào ấy.
Hồ hởi đến nỗi hai má căng mọng như quả táo chín, Hàn Ấu Nương vui sướng nói:
– Thiếp biết mà! Tướng công là người đọc sách có tiền đồ nhất, nhất định sẽ có thể làm quan lớn. Đợi cha về thiếp sẽ nói cho người biết chuyện này, nhất định người sẽ cao hứng lắm đây.
Dương Lăng mỉm cười kéo nàng vào lòng, khẽ nói:
– Xem nàng cao hứng chưa kìa, nhỏ giọng một chút đi, tí nữa bẩm với nhạc phụ một tiếng là được rồi. Công hàm trong kinh đặc biệt nói rõ là tạm thời chưa được rêu rao ra ngoài, người biết chuyện càng ít càng tốt.
Hàn Ấu Nương cũng biết đây là quy củ làm quan của Cẩm y vệ, mặc dù có chút tiếc nuối vì chuyện phu quân làm đại quan mà không thể vinh hiển với xóm làng, nhưng y đã nói là không thể để người khác biết, nên nàng liền ngoan ngoãn đáp lời:
– Vâng, vậy chút nữa thiếp sẽ thông báo cho cha một tiếng, không nói ra ngoài là được rồi.
Hàn Ấu Nương càng ngoan ngoãn nhu mì, Dương Lăng càng cảm thấy áy náy trong lòng. Tuy rằng “tấm séc khống” chi cho Mã Liên Nhi chỉ là hoa trong gương, là trăng trong nước, là toà lâu đài vẽ trong không khí, nhưng y vẫn không đành lòng giấu gạt Ấu Nương. Thở dài một hơi, y vùi đầu vào cổ Ấu Nương, nhẹ vuốt làn da mịn màng của nàng, dè dặt nói:
– Ấu Nương, tướng công… còn có một chuyện…
Vừa nghe đến đó cơ thể Hàn Ấu Nương liền run lên, tức thời khuôn mặt đỏ bừng như lửa, cả người trở nên mất tự nhiên. Đêm qua, sau khi được kiến thức “hung khí” đáng sợ của tướng công, lại nhớ đến lời mà mấy bà dì, bà thím vô duyên nhiều chuyện đã nói với mình, Ấu Nương không khỏi suy tưởng liên miên. Ai nói thiếu nữ không tơ tưởng yêu đương chứ? Sau khi Dương Lăng đã say giấc nồng, cô gái nhỏ này vẫn thường nằm chống cằm, si mê ngắm nhìn y non nửa buổi tối.
Lúc này bị Dương Lăng ôm vào lòng với một tư thế thân mật như vậy, lại nghe ngôn từ ám muội của y, lập tức Ấu Nương nghĩ lệch ý đi. Lông măng toàn thân dựng đứng cả lên, nàng ngượng ngùng hỏi:
– Tướng… tướng công, là chuyện gì?
Dương Lăng ấp úng kể lại chuyện Mã Ngang muốn gả em gái làm thiếp cho Tất đô ty cùng với chuyện hẹn ước ba năm của mình cùng Mã Liên Nhi. Kể xong, Dương Lăng đưa mắt nhìn trộm Ấu Nương, chỉ thấy vai của tiểu nha đầu này thoáng trùng xuống, vẻ ủ rũ lộ rõ trên khuôn mặt.
Dương Lăng áy náy:
– Ấu Nương, chuyện này là ta không tốt… Nhưng Tất đô ty đó… Ta… Ước hẹn ba năm của ta bây giờ cũng chỉ là nói suông như vậy thôi, tướng công chưa từng nghĩ tới việc hễ thấy con gái đẹp là rước về nhà đâu. Có nàng, tướng công thật sự đã rất thoả mãn rồi. Đừng giận có được không?
Khi vừa nghe Dương Lăng kể xong, thật sự Hàn Ấu Nương cảm thấy hơi khó chịu, nhưng nghĩ lại thấy tính cách của tướng công quả thật không phải là loại đàn ông phong lưu thành tính, mà kẻ làm quan lớn có mấy ai lại không năm thê bảy thiếp? “Theo tập quán, khi muốn nạp thiếp phu quân tuyệt nhiên không cần phải được mình đồng ý. Bây giờ chàng lại còn dè dặt, chỉ lo mình không vui như vậy, mình cũng nên biết tự vừa lòng rồi.”
“Cha nói đúng, tướng công càng thương mình, mình càng phải thường xuyên nhắc nhở bản thân, ngàn vạn lần chớ nên vì được cưng yêu mà kiêu ngạo. Hơn nữa… Ài, ai bảo tướng công đã cùng trải qua một đêm với người ta làm chi, đổi lại là mình, đặt vào hoàn cảnh đó, về sau cũng sẽ khó mà lấy người khác, không thể hại cả cuộc đời của Mã tiểu thư được.”
Nghĩ vậy, Ấu Nương vui vẻ nói với Dương Lăng:
– Tướng công! Ấu Nương không phải là kẻ ghen tuông, đây cũng là duyên phận của Liên Nhi tỷ tỷ và chàng. Nếu đã như vậy, chút nữa chúng ta sẽ nhờ trưởng bối có danh vọng trên huyện ra mặt ước định chuyện này với nhà họ Mã trước nhé!
Dương Lăng thở phào nhẹ nhõm, đáp:
– Không cần đâu, bây giờ chưa nói tới chuyện đó vội. Tất đô ty là người có địa vị, chỉ cần Mã tiểu thư một mực không bằng lòng, hắn sẽ không dám làm chuyện ép gả ép cưới đâu. Không lâu nữa Mã tiểu thư sẽ đưa linh cữu về quê nhà Kim Lăng, nơi ấy những kẻ tài hoa, gia thế hiển hách nhiều không kể xiết. Không chừng ba năm sau người ta đã nhìn trúng một thanh niên tài năng xuất chúng nào đó rồi, hà tất phải trói buộc người ta làm gì!”
Tuy Hàn Ấu Nương không cam lòng chia sẻ tình yêu của trượng phu với người khác, nhưng cũng không thích nghe y nói lời hạ thấp bản thân. Trong con tim bé bỏng của nàng, phu quân mới là người trượng phu tài ba nhất, biết quan tâm tới nương tử nhất. Nếu như có một ngày Mã Liên Nhi thật sự chọn kẻ khác, vậy đúng là cô ấy có mắt không tròng.
Nghe Dương Lăng nói như vậy, nàng vứt bỏ lòng ghen tuông qua một bên, có phần không phục nói:
– Hứ, nếu thật sự như vậy thì nàng ta không có phúc rồi! Có ai tốt hơn tướng công của thiếp chứ?
Được nghe nàng khen như vậy, trong lòng Dương Lăng thầm cảm thấy ấm áp, y không kìm nổi bèn trêu:
– Nếu tướng công nàng tốt như vậy, vậy để ta kiếm thêm mấy tỷ muội nữa về cho nàng nhé?
Tuy biết rõ tướng công đang trêu mình nhưng Hàn Ấu Nương vẫn không khỏi quýnh quáng:
– Không cần, không cần, không cần! Chúng ta… Chúng ta… Nồi trong nhà chúng ta không đủ nấu cho nhiều người như vậy đâu.
Thấy nàng luống cuống đưa lý do như vậy, Dương Lăng bật cười rộ, nào ngờ Ấu Nương lại bồi thêm một câu:
– Vả lại thân thể tướng công không tốt, chàng có thể không lo chứ thiếp phải lo đấy!
Tiếng cười của Dương Lăng bất chợt tắt ngúm, mãi một hồi lâu y mới “thẹn quá hoá giận”, hầm hừ:
– Cái gì? Nàng chê thân thể ta yếu hử? Thân thể tướng công yếu lắm phải không?
– Không, không, không phải mà!
Hàn Ấu Nương cười tít mắt, giọng dịu dàng như thể đang dỗ trẻ con:
– Tướng công đổ oan người ta rồi! Người ta là nói thân thể chàng vừa phải mà, ưm ưm…
Lời còn chưa dứt, Dương Lăng đã khoá cái miệng xinh xắn của nàng bằng một nụ hôn, trong lòng tức tối thầm nhủ: “Bé con này được mình chiều quá đâm hư rồi, không ngờ đã bắt đầu trêu chọc mình. Hôm nay mình phải chấp hành gia pháp mới được, bằng không e chẳng bao lâu sẽ không còn ‘Phu cương’ gì nữa.”
Nào ngờ chỉ hôn một lát, Dương Lăng đã cảm thấy có nơi nào đó bắt đầu phồng lên, y không khỏi say đắm nhìn xuống cái miệng nhỏ xinh của Ấu Nương, mang vẻ “nhục mất nước” mà khẩn cầu:
– Vợ yêu ơi! Tướng công vừa gần gũi nàng thì đã chịu không nổi nữa rồi, hãy giúp tướng công một chút được không? Ấu Nương ngoan, Ấu Nương…
Hàn Ấu Nương bật cười, tức tốc nhảy phóc ra khỏi đùi y, chạy vội ra ngoài. Chỉ nghe tiếng “loảng xoảng” vang lên, giọng nói của Ấu Nương vọng vào từ phía xa xa bên ngoài phòng:
– Mùa xuân trong người nhiều hỏa khí, tướng công uống nhiều trà một chút đi nhé! Sẵn tiết trời đang đẹp, thiếp đi giặt… giặt mền.
******************************
“Một chú ong mật chăm chỉ cần cù.”
Đó là lời bình luận của Dương Lăng về ái thê. Nàng không cho y động tay động chân, lý do là đàn ông không nên rớ tới những thứ này. Do bị chiều riết đâm trở nên “kiêu ngạo”, tiểu cô nương ngày càng lớn mật này còn bồi thêm một câu:
– Nam nhân chân tay vụng về, mang tiếng là giúp thu dọn đồ đạc, nhưng càng giúp càng bừa. Tướng công đại nhân của thiếp ơi, chàng hãy ngoan ngoãn ngồi yên ở đó đi!
Chàng tướng công họ Dương ngoan ngoãn ngồi yên được một lát, thấy Hàn Ấu Nương loay hoay lục lọi, thu xếp vật dụng cần đem lên kinh, y ngẫm thấy mình cũng nên thanh lý sổ sách, chỉnh lý lại những công hàm bí mật tới lui của Cẩm y vệ một chút, phòng khi vào kinh cần giao tiếp cũng đỡ phải luống cuống chân tay. Thế là y bèn báo Ấu Nương một tiếng rồi vội chạy về sở dịch.
Sắp xếp công hàm lại một lượt, vừa cho tất tần tật vào cái tủ có treo chiếc khóa hình con cá vàng, khóa tủ xong, Dương Lăng chợt nghe từ gian ngoài vang lên tiếng đập cửa, y vội kéo lê đôi giày chạy ra. Vừa mở cửa, Dương Lăng ngay lập tức nhìn thấy Mã Liên Nhi tay lót khăn đang bưng một chiếc nồi sắt nhỏ nghi ngút khói.
Dương Lăng rất đỗi ngạc nhiên, vội vàng tránh lối cho nàng bước vào. Mã Liên Nhi đặt chiếc nồi sắt lên bàn rồi e thẹn nói:
– Muội… muội thấy tối rồi mà huynh vẫn còn xử lý công vụ cho nên đã làm chút đồ ăn, cũng không biết có hợp với khẩu vị của huynh không.
Dương Lăng đã không còn ngây ngô như lúc mới đến thời đại này nữa, một người con gái chủ động làm cơm cho con trai là có ý gì, trong lòng y hiểu rất rõ. “Ba ngày xuống bếp làm cơm. Rửa tay, nấu bát canh thơm đã rồi (1)”, Mã Liên Nhi lúc này đây đang mang tư tưởng cô dâu muốn xắn tay hầu hạ y.
Lúc dự tiệc trên huyện, Dương Lăng đã có ăn qua món này, biết được cái món “đả-biên-lô” (hay tả-pí-lù, tạp-pín-lù) này chính là món lẩu (2). Y mở vung ra, chỉ thấy trong chiếc nồi nghi ngút khói là rau cải xanh biếc, nấm ăn đen đen, thịt hoẵng trắng hồng, gừng lát xanh nhạt…, thật khiến cho người ta phải phát thèm. Dương Lăng buột miệng khen:
– Thơm quá! Còn thơm hơn cả bếp trưởng ở lầu Hồng Nhạn nấu nữa.
Được y khen ngợi, Mã Liên Nhi vui mừng ra mặt. Nàng lấy đôi đũa từ trong ống tay áo ra, định bảo y nếm thử, thế nhưng ngoài cửa chợt vọng vào giọng nói phấn khởi của Hàn Ấu Nương:
– Tướng công, đại ca đem từ Phủ thành về một ít vật hiếm lạ nè, đây là…
Theo tiếng nói, Hàn Ấu Nương sải bước vào trong cửa, vừa trông thấy Mã Liên Nhi cũng ở đây, nàng không khỏi ngẩn người. Tuy Mã Liên Nhi đã được Dương Lăng chấp nhận, nhưng dẫu sao thân phận vẫn xem như là người ngoài, hôm nay bị Ấu Nương bắt gặp tại trận, nàng lập tức xấu hổ đến nỗi đỏ bừng cả mặt.
Dương Lăng cũng không hề chuẩn bị tâm lý cho cục diện “hậu chiếu hậu” như thế này. Ba người tròn mắt ngẩn tò te nhìn nhau một chốc, bất chợt Hàn Ấu Nương nhoẻn miệng cười:
– Liên Nhi tỷ tỷ, tỷ cũng ở đây à?
Mã Liên Nhi thở phào nhẹ nhõm. Nàng ngượng nghịu nói:
– Ấu Nương muội muội, ta… tối nay ta có làm món đả-biên-lô, thế nên mang đến mời Dương đại ca nếm thử. Tay nghề của ta không sánh bằng muội, nếu muội không chê, hãy đến đây nếm thử chút đi!
Thấy trong tay Ấu Nương đang cầm mấy vật không nhìn rõ do khuất ánh đèn, Dương Lăng tò mò hỏi:
– Ấu Nương, nàng cầm gì thế?
Hàn Ấu Nương đáp:
– Tướng công! Đây là thứ mà đại ca mang từ Phủ thành về, nghe nói nó được mang tới Đại Minh chúng ta từ các nước phiên bang, gọi là khoai ngọt, luộc chín ăn rất ngọt. Chàng nếm thử đi! À, Liên Nhi tỷ tỷ, tỷ cũng nếm thử xem!
Nhìn thấy vật được nàng giơ lên ấy, Dương Lăng không khỏi ngạc nhiên thốt:
– Khoai lang?
Cẩn thận nhìn kỹ, đây quả đúng là hai củ khoai lang.
Hàn Ấu Nương lấy làm lạ hỏi:
– Tướng công biết nó à? Đây là sản vật từ phiên bang mang về đấy. Nghe đại ca nói ở phương nam có người trồng, ở nơi này nó vẫn là của hiếm, nhưng không hề đắt. Thế nên đại ca mua một ít về nếm thử cho biết.
Dương Lăng vội lấp liếm:
– Ta… à, lúc ta đi tới Phủ thành thi hương, từng thấy thứ này.
Đoạn y cười nói tiếp:
– Trông thế này e là nó đã để qua cả mùa đông, lượng nước ít đi, nướng lên ăn sẽ ngọt hơn. À phải rồi, so với ngũ cốc chúng ta trồng ở đây, thứ này dễ sinh trưởng hơn, sản lượng lại nhiều, sao không trồng với số lượng lớn nhỉ? Một mẫu phỏng chừng có thể thu hoạch được không ít lương thực đấy.
Nhìn vật trong tay, Hàn Ấu Nương tò mò hỏi:
– Vật này không có hạt giống thì sao mà trồng nhỉ? Hơn nữa cũng không biết nó có thích hợp với đất canh tác nơi đây của chúng ta hay không, người làm nông vẫn phải dựa vào thu hoạch mỗi mùa để mà sống qua ngày, ai dám mạo hiểm trồng nó chứ?
Lúc này Dương Lăng mới sực nhớ rằng y chưa bao giờ nhìn thấy các loại cây nông nghiệp thích hợp trồng trọt ở phương bắc như ngô, khoai lang, khoai tây được trồng ở Kê Minh cả. Cây nông nghiệp ở nơi đây căn bản vẫn là các giống như lúa mạch, lúa gạo, đậu, kê, vân vân… Xem ra, theo con đường mậu dịch hàng hải, những sản vật của nước ngoài này đã được đưa vào Đại Minh, chỉ có điều vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Nếu phổ biến những loại cây nông nghiệp này, vậy sản xuất nông nghiệp của cả Đại Minh sẽ được nâng cao biết bao.
Dương Lăng biết nông dân xem trọng nhất là đất đai, nếu như đột nhiên bắt bọn họ trồng những thứ cây lạ lẫm thay thế cho những giống cây lương thực truyền thống từ mấy trăm năm qua, chỉ sợ sẽ chẳng có ai dám mạo hiểm như vậy. “Lần này tiến kinh, có lẽ nên tìm cơ hội đề xuất với triều đình một phen, nếu chuyện này được chú trọng, rồi sau đó triều đình ra mặt phát triển những thứ cây trồng này trên diện rộng, vậy cũng xem như là mình đã làm được một chuyện ích nước lợi dân rồi!”
Nghĩ đến đó, Dương Lăng mừng vui khôn xiết. Y biết mình chưa động đến thì Ấu Nương nhất định sẽ không ăn một miếng nào, nên bèn khấp khởi nhận lấy củ khoai lang từ tay Ấu Nương. Y bẻ một miếng lớn, trìu mến đút vào cái miệng nhỏ xinh của nàng, nói:
– Nàng nếm thử xem ăn có ngon không?
Đưa mắt liếc qua, thoáng thấy mặt Mã Liên Nhi đầy vẻ hâm mộ, những tưởng là nàng cũng thèm vật hiếm lạ mà trước giờ chưa từng được thấy này, y bèn nhét củ khoai lang vào tay nàng, cười bảo:
– Đây, cô cũng nếm thử đi, ngọt lắm!
Mã Liên Nhi ưm một tiếng, nhìn y đầy vẻ tình ý mặn nồng. Nàng vừa cho khoai lang vào miệng, chợt nghe Hàn Ấu Nương “ợ” một tiếng, vẻ mặt trở nên khá là kỳ dị. Hoá ra bị Dương Lăng bẻ một miếng khoai lang lớn đút vào miệng, ngại má phồng lên sẽ trông khó coi nên Hàn Ấu Nương nuốt vội, không ngờ lại bị nghẹn.
Mã Liên Nhi thấy vậy vội vàng bỏ củ khoai qua một bên, dìu Ấu Nương ngồi xuống ghế, mang chén trà của Dương Lăng đến, nói:
– Ấu Nương muội muội! Muội uống miếng trà đi!
Ấu Nương đón lấy chén trà, hớp vài hớp cho thấm họng, thông cổ, đoạn liếc nhìn nàng như có thâm ý, ngại ngùng nói:
– Khiến Liên Nhi tỷ chê cười rồi, có điều cái thứ này ngọt thật đấy. Liên Nhi tỷ, tỷ cũng nếm thử đi!
Mã Liên Nhi ừm một tiếng, cầm lấy củ khoai, sau đó lại đặt đôi đũa vào tay Ấu Nương, nhẹ giọng bảo:
– Muội muội cũng nếm thử tay nghề của ta đi! Ta không giỏi nấu nướng, muội đừng chê cười nhé!
Hai người con gái, một người ăn khoai lang, một người nếm lẩu, bầu không khí bỗng trở nên chan hoà trong tiếng nói cười vui vẻ. Dương Lăng đứng một bên, không hề hay biết vừa rồi “thượng viện” và “hạ viện” đã đạt được một nghị quyết chung về vấn đề chủ quyền quốc gia và liên hợp cầm quyền.
(1) Hai câu thơ này được trích trong bài “Tân giá nương” (Nàng dâu mới) của Vương Kiến (王 建) thời Đường.
Nguyên văn:
Tam nhật nhập trù hạ,
Tẩy thủ tác canh thang.
Vị am cô thực tính,
Tiên khiển tiểu cô thường.
Dịch nghĩa:
Ngày thứ ba (cô dâu) xuống bếp
Rửa tay sạch rồi nấu món canh
Vì chưa biết rõ khẩu vị của mẹ chồng
Nên nhờ cô em chồng nếm thử trước.
Dịch thơ – Trần Trọng Kim:
Ba ngày xuống bếp làm cơm,
Rửa tay, nấu bát canh thơm đã rồi.
Chưa hay tính mẹ thường xơi,
Nhờ em nếm trước, xem mùi được không. (theo thivien.net)
(2) Lẩu là cách gọi theo kiểu phiên âm từ chữ 爐 ( lú), đọc là lô. “Đả biên lô” tức là món ăn nấu chín bên lò lửa (biên lô).