Tọa Hoài Bất Loạn

Chương 308



Tính đến thời điểm hiện tại, miền Đông Bắc đã thất thủ được vài năm, chính phủ Dân quốc cũng đã thừa nhận nước Mãn Châu, thậm chí đến cả Nhiệt Hà[1] cũng đã rơi vào tay Nhật. Khắp mạn Bắc đất nước cơ man quân Nhật trú đóng, chúng bắt tay với các tập đoàn quân phiệt lớn nhỏ tạo thành thế gọng kìm, chính quyền trung ương nói trắng ra chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, tình hình cực kỳ nguy cấp. Song chẳng ai lường được lũ Nhật ở Bình Tây[2] lại phát động tiến công nhanh tới vậy.

2.

Phó Ngọc Thanh đọc báo thấy nói rằng quân Nhật chia thành mấy tuyến vây công đánh bọc, hàng phòng thủ trong vườn Nam[3] của khu phía Nam thủ đô quá sơ sài, có những hai nghìn người chỉ mới là lính sinh viên vừa bắt đầu huấn luyện, thậm chí súng ống còn chẳng đủ, trận này gần như thua trắng. Hai phe Trung Nhật đánh một trận ác liệt trên cầu Lư Câu ở Bắc Bình, xem chừng nằm ngoài dự tính của phe Nhật. Song chính phủ cũng chỉ tuyên bố hy vọng quân Nhật sẽ chấm dứt các động thái quân sự để cùng đàm phán giải quyết mâu thuẫn.

3.

Cuối tháng Bảy, Bắc Bình và Thiên Tân nhanh chóng thất thủ, lối vào Trung Nguyên mở toang hoang, tuy rằng chiến sự cách xa ngàn dặm, nhưng anh đọc mà vẫn phải giật mình đến nỗi không đọc tiếp nổi nữa. Anh cảm thấy những dòng chữ in ấy chẳng khác nào bầy thú ăn thịt người mặt mày hung tợn đang đâm thủng qua mặt giấy để nhảy bổ vào người ta, nhằn cắn cổ họng anh tới độ anh không tài nào thở nổi.

Tối ấy anh không nhịn được lại gọi cho Mạnh Thanh một cuộc nữa, bên phía Mạnh Thanh vẫn chẳng có ai nghe. Anh lo sốt vó lên, tuy thừa biết hắn sẽ chẳng sao đâu nhưng lòng thì vẫn như lửa đốt.

Anh muốn quay về Thượng Hải, anh nghĩ đi cái rồi về luôn thôi, nào có ngờ lại đen đủi như thế, đã hơn mấy tháng rồi mà thằng cha họ Trì vẫn lăm le anh không buông.

Ngờ đâu anh còn chưa kịp về Thượng Hải, quân Nhật đã gây rối ở ngay sân bay Hồng Kiều[4]. Chính phủ nhận thấy viễn cảnh hòa bình đã vô vọng, Trung Nhật chính thức khai chiến trên toàn bộ Thượng Hải. Tình hình chiến sự rơi vào thế giằng co, phe Nhật đưa toàn bộ hải lục không vào tác chiến. Mười mấy con tàu chiến thả neo ở bến Thượng Hải, máy bay chiến đấu cũng tiến sâu vào trong đất liền oanh tạc bừa phứa, còi báo động thường xuyên kêu réo trong thành phố, tất cả các công viên của Nam Kinh đều đã bị san phẳng thành đất bằng, chẳng còn nhìn ra hình dáng ban đầu nữa.

Khi đó ai cũng cho rằng kháng chiến tất sẽ thắng lợi, dè đâu đến cả Thượng Hải cũng thất thủ mất rồi. Do quân đội thiếu hụt vật tư, các giới ở Thượng Hải đã tổ chức góp vốn quyên đồ ồ ạt. Đỗ Nguyệt Sênh giữ một ghế trong ban chủ tịch hội Hậu viện Kháng địch[5], đồng thời kiêm chức ủy viên trưởng hội gây quỹ, ai ai cũng bôn ba vất vả vì chiến tranh. Mạnh Thanh cũng đánh điện tín đến Nam Kinh để báo cho anh tình hình chiến sự ở Thượng Hải, dặn dò anh ở Nam Kinh nhất định phải cẩn thận, đừng có ra ngoài lung tung. Thời buổi thế này làm sao Phó Ngọc Thanh chịu ở lại Nam Kinh một mình kia chứ. Anh bèn hối hả chạy về khu tô giới Thượng Hải, cũng nhiệt tình tham gia đủ các hoạt động của các ủy ban thời chiến. Chắc là Mạnh Thanh giận anh rồi nên anh có ghé qua nhà một lần mà Mạnh Thanh từ chối không gặp, đi cử Hàn cửu ra đưa thư, lại còn bảo anh quay về Nam Kinh ngay đi.

5.

Gì có chuyện anh có thể đi vào lúc này? Anh sống chết không chịu, Hàn Cửu cũng khó xử lắm thay: “Tam gia à, ông chủ Mạnh muốn tốt cho anh thôi, thời buổi rối ren thế này tốt nhất là anh cứ ở chỗ nào an toàn đi.”

Phó Ngọc Thanh cự lại: “Bộ tôi mong manh yếu đuối hơn các anh chắc? Anh ta ở lại được thì tôi cũng ở lại được.”

Hàn Cửu không khuyên nổi anh nên chỉ đành dặn anh hãy cẩn thận.

Lúc đó vừa cuối thu, anh vẫn không hề hay biết quân Nhật đã đổ bộ Hàng Châu, phe mình thì sắp sửa rút lui. Chiến sự càng kéo dài, dân tị nạn càng tràn nhiều vào tô giới. Phó Ngọc Thanh chủ động đề nghị nhường lại hai cái nhà trống của anh cho hội cứu tế để dân tị nạn ở.

Anh từng hứa sẽ dọn vào ở cùng với Mạnh Thanh, chẳng ngờ đã lâu thế rồi mà còn chưa làm gì hết. Trước khi giao chìa khóa cho hội cứu tế, anh cố tình bảo tài xế chở mình qua để ngắm lại một chuyến, nhìn tòa nhà trống không đìu hiu vắng vẻ, cứ như nó là một cái nhà khác chứ chẳng phải căn nhà anh ưng hồi đầu, tâm trạng anh buồn bã tột độ.

Sang tháng Mười Một, phe ta rút lui khỏi Thượng Hải, chính phủ Quốc dân quyết định rời đô đến Trùng Khánh. Người nhà Phó không ai muốn ở lại Thượng Hải nữa, Phó Ngọc Hoa mới quyết định theo chính phủ di dời nhà xưởng vào nội địa. Phó Ngọc Thanh vẫn còn canh cánh mấy cái nhà máy mỏ ở Hoài Nam nên không chịu bỏ đến Trùng Khánh xa xôi, hai anh em bàn bạc nguyên một đêm mới đưa ra quyết định cuối cùng. Lúc chia tay, Phó Ngọc Đình khóc như mưa, mắt Diệp Thúy Văn cũng đỏ hoe, không dám nhìn anh. Phó Cảnh Viên đã cao tuổi, không nhìn nổi cảnh ấy nên đã lên tàu từ trước. Chỉ một mình Phó Ngọc Hoa nhất quyết không chịu rời đi, anh tha thiết căn dặn anh bao nhiêu điều mãi đến tận lúc tàu rời bến. Tiếng còi vang lên văng vẳng không dứt, ngỡ như con nước cũng đang nghẹn ngào, người một nhà ly biệt từ đây, người trời Nam kẻ đất Bắc.

Sau khi Thượng Hải thất thủ, tình hình chuyển biến nhanh chóng, Đỗ Nguyệt Sênh lệnh cho các tàu của công ty Đại Đạt chạy đến giữa sông rồi đục lỗ đánh chìm nhất loạt. Hành động này đã được vô số người noi theo, tàu sông gây tắc nghẽn đường thủy của sông Trường Giang, làm trì trệ thế tiến công của quân Nhật, ấy là một hành động vì chính nghĩa.

Anh cố kiết ở lại Thượng Hải, thế mà mãi anh với Mạnh Thanh vẫn chưa gặp nhau.

Đến lúc gặp nhau cũng chẳng phải cố tình, mà lại là vô tình gặp lúc ở đường Đỗ Mỹ.

Phó Ngọc Thanh có việc phải đi gặp Đỗ Nguyệt Sênh, đang ngồi trên xe thì tự dưng anh trông thấy bóng dáng Mạnh Thanh, thế là bèn vội vàng kêu tài xế dừng lại. Anh vừa gọi Mạnh Thanh vừa ra sức đẩy cửa xe chạy xuống, sợ sao hắn lại biến mất dạng lần nữa.

Mạnh Thanh gầy sọp đi, lúc bị anh gọi mặt mày còn hơi hoảng hốt, hắn mù mờ nhìn xung quanh, đến khi thấy anh xuống xe thì ngỡ ngàng.

Anh vừa tức giận lại vừa hoảng loạn chất vấn hắn: “Sao em không đi!”

===


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.