Cô còn nhớ trước đó từng có ý muốn để thằng Bình làm việc cho mình, sau cùng bị nó phản bội mà xém nữa đã vùi thây trong biển lửa. Mặc dù sau đó nó đã quay lại cứu cô, nhưng người như nó cô thật sự không dám giữ bên cạnh dùng.
Tại sao bây giờ lại đi theo Ba Hưởng rồi? Chuyện này xảy ra khi nào?
Ba Hưởng nhận ra hoài nghi của cô, vỗ nhẹ tay cô trấn an, cũng không nói thêm gì nữa.
Thầy Tư không thể tin được vào tai mình, hỏi lại: “Mày nói vậy là sao?”
Thằng Bình rũ mắt, sau đó cười nhạo ông ta: “Ông không cần biết nhiều, chỉ cần biết hôm nay ông xong đời rồi!” Dứt lời, nó quay mặt nhìn đám đông đang đứng, nói: “Thầy Tư và thầy Phước thông đồng làm bậy với nhau. Thầy Phước lợi dụng chuyện bản thân biết được tình hình nguy kịch của mợ Ba ngày trước mà thuê dệt ra một câu chuyện mê tín đặng mê hoặc mọi người. Ông ta để thầy Tư nói bóng nói gió chĩa mũi dùi vào mợ Ba khắp nơi. Vì để câu chuyện chật thật, ông ta lợi dụng mấy ngày mưa to mà giở thủ đoạn chặn hết lối thoát nước của ruộng. Xong còn dùng mấy loại cây cỏ có hại ném xuống làm ô nhiễm nước trong ruộng. Tất cả đều muốn đổ tội cho mợ Ba Trúc, trả thù cho cô Duyên!”
Có người vẫn không tin, bảo: “Một mình thầy Phước sao có thể bịt kín hết lối thoát nước được chớ?”
Thằng Bình cười, nói: “Ai bảo ông ta chỉ có một mình? Còn có tôi và cô Duyên phụ giúp cơ mà. Trong cái làng này, tôi nắm rõ từng đường đi ngã rẽ. Chỗ nào khi nào có người, chỗ nào khi nào vắng người tôi đều biết. Các người vừa mở lối thoát, thì trong đêm tôi tìm đường dẫn nước vào, có gì khó đâu. Chỉ tại các người ngu si bị mấy lời mê tín của thầy Tư làm mờ lí trí, làm gì còn để tâm đến mấy chuyện nhỏ nhặt này.”
Đám người lập tức lên cơn phẫn nộ, xông vào thầy Tư và thầy Phước hỏi tội.
Có người lại hỏi: “Mày biết mà còn giúp bọn chúng làm chuyện xấu? Sao mày không báo với người trong làng chứ hả!”
Thằng Bình bình tĩnh đáp: “Lúc đó tôi báo, mọi người sẽ tin tôi hay là thầy Phước?”
“Tôi phối hợp với họ là để chờ cậu Ba trở về rồi thương lượng kế sách. Còn chưa kịp bày mưu thì các người đã hấp tấp dâng tới cửa. Làm chuyện lớn mà thiếu kiên nhẫn, hèn gì thất bại ê chề!”1
Mọi chuyện tới đây cũng đã rõ ràng, vấn đề người dân quan tâm cũng đã được giải quyết. Đám đông đua nhau nhận lỗi với vợ chồng cậu Ba, sau đó tạm biệt về nhà xử lí ruộng lúa nhà mình.
Ba Hưởng thấy bọn họ vui mừng, nên tạm thời không tin toán. Cậu vừa phất tay, đám tôi tớ trong nhà được lệnh chạy tới bao vây lấy thầy Tư và thầy Phước. Ba Hưởng cười lạnh nhìn hai người họ, nói: “Chút thủ đoạn này cũng dám đem ra múa may trước mặt tôi! Hai người sống tới từng tuổi này rồi, quả là thất bại!”
Nhìn thấy hai người kia cứ thế bị dẫn đi, Trúc bèn hỏi: “Mình định xử lí hai người này thế nào?”
Ba Hưởng ngồi lại xuống ghế, trả lời: “Thầy Phước có danh tiếng trong làng, vậy mà lại làm ra chuyện xằng bậy thế này, Cụ Hai chắc chắn sẽ không tha cho ông ta. Em cứ yên tâm, ông ta sống không nổi đâu!”
Trúc gật đầu, sau đó hỏi tiếp: “Vậy còn chuyện thằng Bình thì sao? Từ khi nào mình lại thành chủ của nó mà em không biết vậy?”
Ba Hưởng cười, đuổi thằng Bình đi trước, rồi ôm cô vào lòng, nói: “Nó hại em xém chết, sao tôi có thể để nó rời đi dễ dàng như vậy được. Sau cái hôm hoả hoạn kia, tôi cho người bắt nó đem về. Vốn định phế nó nhưng lại nhìn trúng cái tâm địa xấu xa của nó. Cho nên quyết định giữ nó bên người!”
Trúc nhăn mày, hỏi: “Mình không sợ nó phản mình à?”
Ba Hưởng cười, nói: “Tôi cho nó chọn, hoặc là kí giấy bán thân năm năm, hoặc là tôi lấy hai tay nó. Em biết đó, tôi nói được làm được!”
Thảo nào thằng nhóc đó nghe lời như vậy! Người có dã tâm như nó làm sao cam tâm mất hết hai tay!
Hai người im lặng một lát, cứ thế ngồi dựa vào nhau ngắm nhìn ánh nắng long lanh.
Trúc đưa bàn tay muốn bắt lấy tia nắng, tiếc là không nắm được, cô than thở: “Vậy là kết thúc rồi sao?”
Một bàn tay to lớn bao trùm lấy bàn tay bé nhỏ của cô, đáp lời: “Không. Đây chỉ mới là bắt đầu. Là khởi đầu của tôi và em, chứ không phải là người nào khác!”1
Trúc nghe hiểu lời cậu. Trái tim cũng bắt đầu rung động. Hoá ra cảm giác được yêu thương với thân phận của chính mình hoàn toàn khác xa với dưới danh nghĩa một người khác.
Cô mỉm cười nhìn cậu, chủ động nhỏm người gặm cắn đôi môi kia.
Buổi sáng, giữa sân lớn, có hai người thắm thiết hôn nhau.
Không khí tình cảm nồng nàn này tưởng chừng sẽ kéo dài vô tận, nhưng rất nhanh đã bị một tiếng gào thét của con Đẹt cắt ngang.
Người còn chưa thấy bóng, đã nghe được chất giọng lanh lảnh của nó:
“Cậu Mợ ơi, có chuyện lớn rồi ạ! Cô Hai để lại thư tạm biệt, bỏ trốn theo cậu Bách rồi cậu mợ ơi!”
Trúc và Ba Hưởng liếc nhìn nhau, bất ngờ cùng có chung suy nghĩ: Hay là bọn họ cũng bỏ trốn đi! Bỏ chạy trước khi bị ba má nổi cơn tam bành vạ lây!1