Kinh Độ Vong

Chương 124: Ngoại truyện



Edit: Miên

Beta: Cá

Con người khi sống không nên quá tính toán. Chí có lớn cỡ nào, việc làm vĩ đại đến đâu mà lòng dạ hẹp hòi thì cả đời cũng chỉ có thể là một đống đất.

Đây là nguyên văn lời của mẹ, nghe nói là đúc kết từ trải nghiệm bản thân. Câu nói này có hai ý nghĩa bởi lúc nói mẹ đang nhuộm tóc cho cha. Cha ngồi dưới nắng soi gương, chốc chốc lại giục mẹ chỗ này một tí chỗ kia một tẹo. Mẹ vừa nhuộm vừa lén mấp máy môi, thấy nhóc Giới Tử đang đứng nhìn bên cạnh thì lè lưỡi chun mặt với cu cậu.

Người ta sơn móng tay hoặc vẽ tà hồng, còn cha lại nhuộm tóc. Bởi tóc cha không giống như người khác. Mặt cha hãy còn trẻ nhưng tóc đã bạc phơ. Giới Tử không hiểu mới hỏi: “Rốt cuộc cha già đến mức nào vậy?”

Cha hơi giận, đen mặt nói: “Hai mươi tám.”

Hai mươi tám tuổi sao có tóc bạc được? Giới Tử không tin bèn đi hỏi Thu quan, Thu quan chỉ giơ một ngón tay đặt lên môi, tỏ ý không đáp.

Ở nhà này kiêng nhắc đến tuổi tác, cha rất thích chưng diện, vì sợ không xứng với mẹ đương độ tuyệt sắc nên thường xuyên nghĩ bài thuốc nhuộm tóc. Lần đầu tiên dùng cỏ xuyến bị nhuộm thành màu đỏ nâu, cha sợ hãi la lên, ngồi lì trong phòng hai ngày, lật tung cuốn “Đề cương thảo mộc” mới nghiên cứu ra loại thuốc giấm tương ngâm đậu đen. Lần thử này khá thành công, tóc nhuộm xong đen óng mượt mà, bấy giờ cha mới chịu ra ngoài dẫn cu cậu đi ngắm cảnh buổi sớm trời còn sương giăng.

Cha mẹ Giới Tử rất yêu thương cậu, dù cậu và cha hay có tranh chấp nhỏ nhưng thường thì cha rất chiều cậu. Cha thích bận đồ lộng lẫy, không vướng chút bụi nhưng lại cho Giới Tử cưỡi trên vai, vừa giữ hai chân cậu vừa luôn miệng dặn dò: “Con không được chạy lung tung, ra ngoài phải có người lớn đi cùng. Bên ngoài nhiều kẻ buôn bán nô lệ Côn Luân lắm, con mà không nghe lời là sẽ chúng bắt đi, đưa lên núi. Trên núi có yêu quái thích nhất là ăn thịt trẻ con như con.” Sau khi dọa cu cậu một phen, cha lại hôn lên bắp đùi cậu, cười khoái trá: “Nhóc Giới Tử, nhóc tí teo…”

Bình thường Giới Tử rất kính yêu cha nhưng mỗi khi bị gọi tên thì cu cậu khá là bất mãn. Nếu cha dốt đặc cán mai, cậu sẽ không oán trách nửa lời, thế nhưng rõ ràng cha đầy bụng kinh luân mà lại đặt cho cậu cái tên chẳng có tâm như thế. Giới Tử là hạt cải cay, vừa nhỏ bé vừa tầm thường, rốt cuộc là cha ghét đứa con trai này đến mức nào vậy?

Nhưng cha lại giải thích rằng: “Tu Di tàng giới tử, giới tử nạp tu di. Hạt cải bé nhỏ nhưng lại có thể chứa càn khôn, con thấy cái tên này có hay không?” Thấy Giới Tử vẫn chán chường, cha vỗ trán nói: “Nếu không vui đến thế thì đổi tên vậy, gọi là Bất Tri Hỏa nhé.”

Giới Tử thở dài: “Lại là cái tên quái quỷ gì vậy?”

Cha cười to: “Quả cam xấu xí.”

Cuối cùng, Giới Tử khóc òa lên, cậu nhóc bốn năm tuổi cũng có nỗi sầu riêng chứ. Thi thoảng cậu ra ngoài chơi với bạn, người khác gọi tên cậu, nếu gọi vội quá sẽ thành Bọ Cạp*. Có một cô bé mà cậu rất thích, cô bé kéo tay cậu, nhìn cậu bằng ánh mắt thương hại: “Cậu được nhặt về à? Không sao cha mẹ lại đặt tên cậu như thế? Người và lạc đà trên sa mạc đều sợ bọ cạp vì nó quá độc, chỉ chích một phát sẽ ch3t nên ai cũng ghét bọ cạp cả.”

*Bọ Cạp – Hạt Tử: Chữ Hạt [xiē] và chữ Giới [jiè] đọc nhanh khá giống nhau nên có thể bị gọi nhầm.

Giới Tử bứt rứt đến đỏ cả mặt: “Tên tớ không phải Bọ Cạp mà là Giới Tử.”

“Tá tử*? Thì ra cậu được mượn về ư?”

*Tá: Chữ này đọc là [jiè], đồng âm với chữ Giới. Có nghĩa là vay, mượn.

Nhóc Giới Tử vừa khóc vừa chạy về.

Lúc về đến nhà, cậu thấy cha đang ngồi trên thềm cạnh hồ câu cá, hoa sen trong hồ đang độ nở rộ, tiếng chuông chùa Cưu Ma La Thập gần đó vọng đến. Nghe nói nơi đây vốn là một quán trọ, vì cha lưu luyến kí ức nơi này nên đã mua lại.

Giới Tử liếc nhìn cha, lửa giận đầy bụng nguôi ngoai đi hơn nửa. Có một số người nhìn qua tưởng lạnh nhạt, cũng chưa từng nổi giận nhưng ai cũng biết người đó không dễ dây vào, không dám chọc người đó tức giận. Giới Tử đành đứng bên cạnh, trông mặt nước dập dềnh, ngập ngừng hỏi: “Cha, con họ gì ạ?”

Cha sững sờ hồi lâu: “Họ ư… Cha không nghĩ ra.”

Giới Tử thực sự khinh bỉ cha nhà mình: “Cha tên là Lâm Uyên, không phải họ Lâm ạ?”

Cha lắc đầu: “Đó là tên, không phải họ.” Sau đó, cha tiếc nuối nói với cậu: “Cha không có họ.”

Giới Tử cảm thấy khó hiểu: “Ai cũng có họ mà cha lại không có. Vậy con thì sao? Sau này con cũng không có họ ư?” Nghĩ đến việc bị gọi là Giới Tử cả đời, nó hoàn toàn tuyệt vọng.

“Con có thể theo họ mẹ.” Lâm Uyên chợt nảy ra ý hay: “Họ Tào, tên là Tào Giới Tử.”

Giới Tử đáp ngay: “Không được, con phải lấy một cái tên thật ra dáng, sau này muốn hành tẩu giang hồ thì tên này không đủ khí thế. Cha tên Lâm Uyên, vừa nghe đã biết là người làm việc lớn. Thế mà con lại tên Tào Giới Tử, nghe cứ như phường bán thuốc.”

Cái tên hai vợ chồng họ nghĩ mãi mới ra lại bị con trai chối bỏ phũ phàng, quả thật có hơi đau lòng. Cha ảm đạm nhìn cậu: “Con muốn tên mới hả?”

Giới Tử ra sức gật đầu: “Giới Tử có thể là tên ở nhà, xin cha hãy hao tâm tổn trí nghĩ cho con một cái tên khác.”

Giới Tử tuổi nhỏ mà nói năng đâu ra đấy khiến cha rất hài lòng. Đột nhiên, dây câu rung lên, có cá c4n câu. Cha đứng dậy, gậy trúc cũng bật lên theo, dây câu vẽ ra một đường cong hoàn hảo trên không trung, chú cá diếc béo mầm mắc câu đang ra sức quẫy đuôi, trông đến là vui mắt.

“Con nhìn này Giới Tử, cá ngon ghê chưa, tối nay mang về nấu canh cho mẹ con.” Cha vui mừng hớn hở, vẫy tay sai: “Sọt cá.”

Giới Tử vội cầm sọt tới, tuy có hơi nhọc nhưng cậu không hề kêu ca gì. Đôi mắt to tròn nhìn về phía cha, dè dặt nói tiếp: “Cha, tên của con…”

“Nào đừng gấp, đợi cha rảnh về lật lại sách rồi bàn bạc kĩ với mẹ con đã.” Cha phủi áo đứng dậy, giơ tay xoa chỏm tóc cậu, tay còn dính mùi tanh của cá: “Đi tìm Như Ý chơi đi, cẩn thận kẻo ngã đấy.”

Như Ý là con của Cửu Sắc, khi ấy Giai Nhân có thai nên họ không dám mang theo chúng, sau này tính toán kĩ lưỡng mới dùng bồ câu đưa tin cho Phương Châu, bảo anh ta chuẩn bị xe ngựa đàng hoàng đưa cả nhà Cửu Sắc đến Trương Dịch. Lúc chúng nó đến cũng là khi Liên Đăng lâm bồn, cả nhà chỉ có mình Cửu Sắc có kinh nghiệm làm cha nên Lâm Uyên hỏi nó: “Lúc trước mày có cuống không?”

Cửu Sắc gật đầu, nhìn về cửa phòng sinh đang đóng chặt, Liên Đăng nhịn đau rất giỏi, vậy mà lần này lại hét từng tiếng như cứa nát tim gan, ắt hẳn là rất đau đớn. Nó nhìn sang Lâm Uyên, chàng ta hệt miếng thịt khô bị rút mất thần thức, đến đi lại cũng chẳng biết.

May mà sinh Giới Tử không quá khó khăn, sau hai canh giờ vất vả, cuối cùng Liên Đăng cũng sinh được cu cậu, nghe nói sinh thai đầu thuận lợi như thế rất hiếm. Người làm mẹ không hề thấy khổ vì đã có đứa bé, người bị hoảng sợ chính là người lo lắng chờ ngoài phòng sinh. Sau lần trải nghiệm đáng sợ này, Lâm Uyên không muốn Liên Đăng mang thai nữa, dù sao có một đứa con thông minh lanh lợi như Giới Tử là đủ rồi.

Cha nhấc sọt cá đi đến phòng bếp, Giới Tử vẫn nhớ vụ cái tên, cứ lẳng lặng theo sau lưng cha. Tâm trạng cha rất tốt, xắn tay áo, mổ cá nấu canh. Phân công trong nhà cậu rất lạ, mẹ thì quan tâm đến thu nhập, phòng ốc trong quán trọ thực sự quá nhiều, chỉ dùng để ở thì rất lãng phí nên được chia làm hai khu vực trước sau, phía trước dùng làm nơi kinh doanh, sinh hoạt thường ngày thì ở phía sau. Bình thường cả nhà đều nhàn rỗi, chỉ khi cuối tháng mẹ mới phải đến cửa hàng kiểm tra sổ sách. Do hai chưởng quỹ thuê trước đây đều lén môi giới kiếm chác nên đến người thứ ba phải chú ý hơn. Tuy không hà khắc đến mức không cho người ta chút gì, thi thoảng cũng sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua nhưng nếu người làm thuê mà lại kiếm nhiều hơn chủ thì quả thật không được.

Cha là kiểu người không quan tâm sự đời, cha giàu lắm, theo lời cha thì mấy đời cũng không tiêu hết, tội gì phải nhọc tâm lo nghĩ. Nhưng mẹ có chí tiến thủ hơn cha, thường nói không làm gì thì miệng ăn núi lở. Phụ nữ cũng nên tìm việc để làm, cho khỏi suốt ngày nghĩ đến chuyện cãi nhau, cha nói mẹ thích thì cứ để mẹ làm, làm xong về nhà tiêu tiền có sẵn là được.

Giới Tử được cha nuôi từ nhỏ, cha thích dẫn cậu đi chơi như Cửu Sắc thích đưa Như Ý đi cùng vậy. Giới Tử thường cảm thấy cha mẹ nó đổi giới tính cho nhau, mẹ bôn ba bên ngoài còn cha lại thích ở nhà, dọn dẹp cứt đái cho cậu mà chẳng chê bẩn. Lúc cậu vừa biết đứng đã được cha mang xuống bếp, đặt trong xe trúc xem cha nấu cơm. Đã mấy năm trôi qua mà tay nghề của cha vẫn không tiến bộ chút nào, kể cũng lạ.

Quả nhiên không ngoài dự đoán, canh cá lần này vẫn dở tệ, mẹ uống xong một ngụm suýt nữa nôn luôn. Cha cuống lên: “Không phải lại có chứ, nàng có uống thuốc đều không?”

Mẹ không đáp mà chỉ đưa thìa cho cha nếm thử, cha nhấp môi, chép miệng: “Sao đắng thế nhỉ, chắc bị vỡ mật rồi.”

Kiểu gì cũng phải hỏng này hỏng kia, đã chẳng phải chuyện gì hiếm lạ. Mẹ múc trứng hấp vào bát cho Giới Tử: “Bé con ăn cái này đi, hay ăn chóng lớn. Mẹ bảo thợ may quần áo mới cho con, đang để trên giường con đấy, ăn xong thì mặc thử xem.”

Cha nói: “Nương tử, tôi nghĩ mình thiếu chiếc áo mỏng.”

Mẹ nhướn mi: “Không phải hai hôm trước vừa làm sao?”

Cha nhăn nhó: “Thương nhân Ba Tư vừa mang vải mới đến.”

Các yêu cầu về đời sống của cha luôn cao hơn mẹ nên xung quanh cha lúc nào chim hót hoa nở. Giới Tử hơi sốt ruột, khẽ gọi: “Cha đừng quên chuyện của con nhé.”

Mẹ thấy lạ: “Sao, có chuyện gì thế?”

Cha nói: ‘“Giới Tử thấy tên mình không thanh nhã nên muốn được sửa tên.”

Con trai lớn rồi, có chính kiến riêng, mẹ rất tâm lí, gật đầu bảo: “Được, nếu con không thích thì đổi là được. Sắp đi học đến nơi rồi, có cái tên hay, sau này tiên sinh cũng năng gọi.”

Nhóc Giới Tử năm tuổi không biết rằng, thực ra bị tiên sinh điểm danh thường xuyên không có gì tốt cả. Nguyện vọng của cậu đã được một nửa, chỉ chờ cha nghĩ cái tên khác thôi. Cha nói: “Cha nhớ chuyện của con rồi, giờ cũng muộn rồi, con về phòng trước đi, mai chúng ta bàn tiếp.”

Giới Tử vâng dạ, chắp tay ra về nhưng vì trong lòng không yên nên muốn ở lại nghe ngóng thêm, biết đâu cha mẹ muốn bàn luôn thì sao? Cu cậu quay người, khẽ đi tới giá sách cạnh góc tường. Quả nhiên, cha mẹ đang thì thầm nói chuyện, song chủ đề không phải tên nó mà là thứ gì đó mà nó không hiểu.

Mẹ nói: “Gần đây trong triều có đại sự, chính sách mới của bệ hạ gặp trở ngại, chỉ sợ sẽ tìm đến chàng. Hoàng thượng cũng biết chúng ta đang ở đây, nhỡ hoàng thượng hạ chỉ thì phải làm sao đây?’

Giọng cha có phần lạnh nhạt: “Hạ thì hạ, tôi có thể không tiếp mà. Hai ngày nay tôi đang nghĩ, Giới Tử lớn rồi, ở Trương Dịch năm sáu năm cũng hơi chán, chúng ta đến Tửu Tuyền đi. Chuyện ở đây giao cho người khác hoặc bán đi cũng được. Nhìn nàng lao lực chuyện tiền nong như thế, tôi xót lắm.”

Mẹ bật cười: “Tôi từng nói mà, tôi chịu trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình, chàng chỉ việc xinh đẹp như hoa thôi.”

“Rõ ràng có thể sống thảnh thơi cơ mà.” Trước mặt mẹ, cha luôn ra vẻ nũng nịu. Người cao lớn như thế mà hơi một tí là lại tựa lên vai mẹ. Thật ra Giới Tử khá là xem thường cha ở khoản này nhưng mẹ lại rất thích, đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

“Nghe đâu Vương Lãng đi hết các nước Tây Vực, đã về Trường An rồi. Tôi còn tưởng cậu ta ch3t rồi.”

“Vậy sao? Mấy năm nay chẳng nghe được chút tin tức gì.”

“Tại vì cậu ta bị cầm chân ở nước Cừ Lặc hai năm, người này đi đâu cũng thích giảng giải kinh đạo, thành ra quốc quân tưởng anh ta là gian tế nên bắt giam lại.”

Mẹ hơi buồn rầu: “Liệu có giống như Trương Khiên, đền một nương tử cho huynh ấy không? Nếu vậy Thúy Vi phải làm sao đây? Lần trước cứu chàng cô ấy đã hao tổn rất nhiều công lực.”

“Nếu tìm được nửa cuốn kinh còn lại thì tốt biết mấy, đến lúc muội ấy tận thọ có thể kéo dài tính mạng.”

“Thúy Vi ít tuổi hơn chàng sao? Nhìn như thể đồng lứa vậy.”

Cha lẩm nhẩm tính: “Lúc tôi mười tám tuổi thì sư phụ đưa muội ấy về, khi ấy hình như mới hai, ba tuổi.”

“Vậy là cũng hơn một trăm ba mươi rồi.”

Giới Tử sợ ch3t khiếp, thì ra cha đã hơn một trăm tuổi, bảo sao tóc bạc đến thế. Nhưng hơn một trăm tuổi rồi mà vẫn trẻ trung thế này, có khi cha là thần tiên cũng nên. Nghĩ đến đây, cậu bất giác tôn kính cha hơn hẳn, nhớ đến ngày nhỏ mình tiểu trên người cha thì xấu hổ vạn phần.

Nhưng cậu chờ mãi mà không thấy cha mẹ nhắc đến tên mình, e là lại quên mất rồi. Cậu sầu não, chẳng lẽ mình không quan trọng đến vậy sao? Cậu nghe mang máng tiếng mẹ thì thầm: “Hai ngày nay tôi không uống thuốc, muốn cho Giới Tử có em gái.”

Có thêm em gái là chuyện đáng mừng biết bao, Giới Tử nắm lấy đai lưng, cong miệng cười thỏa mãn. Cha rất do dự nhưng đành đầu hàng trước yêu cầu của mẹ. Giới Tử nghe thấy tiếng sột soạt bèn thò đầu vào xem, thấy cha bế ngang mẹ đặt lên giường, c0i quần áo của mình, phơi bày cơ thể cường tráng rồi nằm sấp trên người mẹ. Mẹ thở d0c: “Chàng cẩn thận một chút, độ qua độ lại phiền lắm.”

Cha lại coi nhẹ: “Mỗi lần đều làm hai lượt, tôi thích như thế.”

Giới Tử từng thấy rắn lúc mùa hè quấn chặt lấy nhau như bện dây. Cậu nhóc hỏi Hạ quan xem bọn chúng đang làm gì thì gương mặt nghiêm túc của Hạ quan đỏ ửng lên: “Chàng rắn đang thấy cô đơn nên tìm nàng rắn chơi cùng. Chúng nó thích ăn quẩy, ăn chưa no nên tự mình bắt chước.”

Hạ quan là trợ thủ đắc lực của cha, thành ra nói hươu nói vượn y giống hệt cha. Giới Tử biết anh ta lừa mình, rõ ràng là chúng muốn sinh rắn con. Cha và mẹ làm thế cũng là để sinh em gái. Giới Tử thấy xấu hổ, nghe giọng mẹ trầm bổng lên xuống thì bèn che tai, rón rén lẻn ra ngoài.

Trời sao dày đặc, cậu nhóc ngồi trên bậc thang ngước nhìn mặt trăng, bỗng thấy hơi cô đơn.

Sau cùng thì sản nghiệp ở Trương Dịch không bị bán, mẹ nói để lại cho Giới Tử, đợi sau này Giới Tử cưới vợ sẽ dẫn vợ về đây du ngoạn. Họ đi dọc hướng tây, vừa đi vừa nghỉ, mất một tháng mới đến Tửu Tuyền. Tửu Tuyền khác với Trương Dịch, nơi này rất nóng và khô. Giới Tử là được chiều chuộng từ bé, không quen chịu khổ, lúc mới đến hay bị chảy máu cam. Mẹ rất sợ, định dẫn cậu về Trương Dịch nhưng cha lại nói không sao, đàn ông con trai lại không mạnh mẽ bằng mẹ khi bé hay sao? Thế là Giới Tử c4n răng chịu đựng, sau bảy ngày quen rồi mới thấy Tửu Tuyền có cái đẹp khác hẳn với Trương Dịch, sa mạc mênh m0ng, trăng sáng vằng vặc mà suối trong trẻo vô ngần, vừa hùng tráng lại vừa thê lương.

Giới tử nghĩ rằng tình yêu mà cha dành cho mẹ nhiều hơn dành cho cậu. Ví dụ lúc bị ốm, cha cho cậu uống mấy thang thuốc là thôi nhưng với mẹ thì không. Cha đứng trông cạnh giường, tưởng như đứt từng khúc ruột, ôm mẹ vào lòng, dù nóng đến đổ mồ hôi cũng không chịu buông.

Như thế không bị nổi rôm sao? Giới Tử lắc đầu, những lúc như thế thường sẽ biết ý mà tránh đi. Dù sao sau này lớn lên lấy vợ, đến lúc ấy cậu cũng sẽ yêu thương vợ như cách cha yêu thương mẹ.

Bụng mẹ ngày một to ra, cha nói bên trong có em gái, đến khi em lớn hơn sẽ đi ra gặp cậu. Ngày nào Giới Tử cũng mong em, trong lúc này, cậu đã có tên mới là An Trì. Song có vẻ tên này không kêu như Giới Tử nên mọi người vẫn gọi cậu là Giới Tử theo thói quen.

Em gái ở trong bụng mẹ chín tháng, cuối cùng cũng ra đời. Lần đầu tiên nhìn thấy em, Giới Tử thấy con bé rất xấu xí, bèn đề nghị với cha: “Gọi em là Bất Tri Hỏa đi.”

Cha phê bình: “Không được. Con gái không thể đặt tên như vậy.”

Giới Tử thấy cô đơn, tại sao tên cậu chỉ được đặt bừa mà của em lại phải tỉ mỉ nghiên cứu như thế? Cha nói đặt là Xuân Hiểu, Giới Tử thấy không ổn: “Tầm thường quá, phải tên là Xá Lợi Phật hoặc Tiểu Tăng.” Cha ngạc nhiên đến há hốc mồm, cuối cùng không chịu nổi việc cậu cứ quấn lấy, đành đổi tên em gái thành Tiểu Ly. Giới Tử cảm thấy chắc chắn sau này Tiểu Ly hận cậu. Nhưng không sao, cái tên này nghe rất xuôi tai, cậu sung sướng quyết định.

Sự thật chứng minh ý nghĩ này của Giới Tử quá mạo hiểm, tính cậu thật thà, chất phác giống mẹ, còn Tiểu Ly lại giống cha, từ bé đã tinh ranh nghịch ngợm, sau này Giới Tử phải chịu không ít trò nghịch ngầm của cô nhóc. Nhưng Giới Tử nghĩ rất thoáng, cậu cho rằng người một nhà không nên chấp vặt, dù Tiểu Ly có quang minh chính đại bắt nạt thì cậu cũng chỉ cười bỏ qua, ai bảo họ là máu mủ ruột rà chứ?

Họ chuyển nhà liên tục, lúc Tiểu Ly bốn năm tuổi, họ ra khỏi Ngọc Môn quan, chuyển đến thành Toái Diệp. Nghe nói nơi đó từng là nơi ông ngoại đóng quân, tháp Kim Quang ở phía đông thành là chỗ cha mẹ định tình. Giới Tử dẫn Tiểu Ly đến chùa Hộ Quốc, Tiểu Ly đứng dưới tháp trông lên: “Cao quá!”

Giới Tử nói: “Đợi lúc anh có thể bay như cha sẽ mang em l3n đỉnh tháp ngắm trăng.”

Tiểu Ly khẽ cười, tuy cô bé ngang bướng nhưng cười lên nhìn rất xinh.

Bọn họ ở lại thành Toái Diệp không lâu, chừng một, hai năm rồi tiếp tục đi về phía tây, đến Khâu Từ và Lâu Lan. Mẹ hay nhớ nhung người thân ở Trường An, mẹ nói có một bác dâu là người Khâu Từ. Mỗi lần như thế mẹ lại dõi về phía đông, Giới Tử hỏi xem mẹ đang nhìn gì. Cha bảo đó là Trường An.

Cho dù có phiêu bạt đến đâu thì lòng người vẫn luôn đau đáu một chốn. Khi tuổi trẻ có thể thăm thú khắp nơi nhưng lâu dần cũng thấm mệt. Họ dùng sáu năm đi một vòng Tây Vực rồi quay lại Trương Dịch, khi ấy Giới Tử đã mười lăm tuổi, cô bé mà nó thích ngày xưa đã lấy người khác. Có lần cô ấy về nhà ngoại, trông thấy cậu, cô ấy kéo búi tóc, cười khẽ: “Bọ Cạp, cậu quay lại rồi à?”

Giới Tử nuốt nước bọt, vái chào cô ấy rồi đi.

Tiểu Ly hỏi: “Sao cô ấy lại gọi anh là Bọ Cạp?”

Giới Tử thở dài, nhiều năm như thế mà cô ấy vẫn không hiểu tên nó, đúng là buồn lòng.

Quay về Trương Dịch chưa được bao lâu thì một hôm, có mấy vị quan viên mặc triều phục đến nhà, hành đại lễ với cha mẹ: “Điện hạ rời Trường An đã mười sáu năm, bệ hạ và Định vương rất nhớ mong. Quốc sư là trụ cột của Đại Lịch, mong quốc sư lấy thiên hạ làm trọng, sớm ngày quay về Trường An.”

Bấy giờ Giới Tử mới biết thân phận của cha mẹ, cha là quốc sư Đại Lịch còn mẹ là Trưởng công chúa Đồng An. Tiểu Ly thấy khó hiểu: “Quốc sư chẳng phải đạo sĩ sao? Cha là đạo sĩ ạ.”

Cha cười khẽ, tháng năm chẳng hề in hằn dấu vết lên gương mặt: “Cha không phải tăng sư cũng chẳng phải đạo sĩ. Cho dù có xuất gia thì gặp mẹ con rồi cũng sẽ hoàn tục.”

Vì người cam nguyện rơi vào hồng trần, đây chính là tình yêu.

Thật ra cha biết mẹ muốn quay về Trường An, người không tỏ thái độ gì, lặng lẽ sai Thu quan chuẩn bị, hôm sau lập tức đưa bọn họ trở về quê hương.

Tây Vực khó mà sánh kịp sự phồn hoa chốn Trường An, lần đầu tiên Giới Tử và Tiểu Ly trông thấy hành cung của cha đã bị sự to lớn và xa hoa dọa đến ngây người. Cha vẫn luôn mang dáng vẻ thong dong nhàn tản, trước đây thấy người không hợp với phong cảnh xung quanh, hóa ra là do người vốn thuộc về nơi này.

Vừa đến Trường An đã gặp biết bao nhiêu người, có các bác trai bác dâu và cả người dì mẹ thường nhớ nhung. Dì là phu nhân Phụ quốc Đại tướng quân, toát lên vẻ đẹp an tĩnh. Dì nhìn thấy Giới Tử và Tiểu Ly thì đưa tay xoa mặt cậu: “Giống quốc sư thật đấy! Còn Tiểu Ly lại có nét giống Chuyển Chuyển, lạ thật!”

Chuyển Chuyển là đương kim hoàng hậu, chính là bác dâu người Khâu Từ trong lời mẹ. Hoàng hậu là người Tây Vực, trông rất phóng khoáng, rực rỡ. Bác nhìn thấy Tiểu Ly thì kinh ngạc: “Mắt giống tôi, mũi cũng giống tôi này.” Đoạn nói với mẹ: “Lúc muội mang thai con bé nhất định là ngày nào cũng nhớ tôi.”

Thật ra đường nét trên mặt Tiểu Ly chỉ hơi sâu hơn mà thôi, tổng thể vẫn là tướng mạo tiêu chuẩn của Trung Nguyên, nửa trên giống cha, nửa dưới giống mẹ. Hoàng hậu rất thích Tiểu Ly, khăng khăng đòi Tiểu Ly ở lại trong cung. Hoàng hậu có cậu con trai tên là La Diên, lớn hơn Giới Tử hai tuổi, hoàng hậu đưa Tiểu Ly cho cậu ta trông, có vẻ đã có ý chọn vương phi.

Về phần Giới Tử, cậu đã gặp được cô gái có thể gọi đúng tên mình, viên minh châu trên tay Đại tướng quân, dáng dấp nhỏ nhắn xinh đẹp. Cô ấy còn có tên ở nhà rất đáng yêu, là Quán Oa.

Giới Tử không biết nhiều về chuyện của thế hệ trước nhưng cậu biết mẹ, hoàng hậu và mẹ của Quán Oa là chỗ thâm giao, sống ch3t có nhau. Dường như tình cảm của họ cũng được truyền cho đời sau, Giới Tử và Quán Oa rất thân thiết tự nhiên, hai người ở cạnh nhau luôn nói mãi không hết chuyện.

Cơ nghiệp vĩ đại đồng nghĩa với bận rộn không ngớt. Đời Giới Tử không cần trải qua những cực khổ mà cha mẹ từng trải bởi lẽ thế sự hiện giờ an ổn, chỉ cần giữ vững là được. Tất cả đều tốt đẹp, thế nhưng trong mỹ mãn cũng có cái không trọn vẹn. Sư muội của cha sắp tận thọ, cha đón cô ấy đến Thái Thượng Thần cung, đích thân chăm sóc. Tình đồng môn hơn trăm năm sớm đã biến thành tình thân. Nghe nói khi xưa Lũng Tây phu nhân từng có tình cảm với cha, mẹ rầu rĩ nói: “Nếu không có sự xuất hiện của mẹ thì có lẽ cha con đã ở cạnh cô ấy.”

Thúy Vi phu nhân rất đẹp, Giới Tử cảm thấy từ trước đến giờ ngoài mẹ ra không ai đẹp hơn cô ấy. Tuy đã hơn một trăm tuổi nhưng dung mạo vẫn như đôi mươi, mỗi cái nhăn mày, mỗi nụ cười đều như trong tranh. Bên cạnh cô ấy đã có người bầu bạn, người kia khổ sở yêu cô mấy chục năm trời, đến điểm cuối sinh mệnh vẫn không rời một bước.

Cô ấy nói với mẹ: “Tiếc là không sinh được cho huynh ấy mụn con nào. Tôi nợ huynh ấy, cả đời này cũng không trả hết.”

Chấp niệm của con người rất đáng sợ, cứ luôn theo đuổi thứ tình cảm không phải của mình mà xem nhẹ người bên cạnh. Đến lúc tỉnh ngộ mới giật mình phát hiện không còn nhiều thời gian, chỉ đành giữ niềm tiếc nuối mà rời xa nhau.

Mẹ kéo Giới Tử lại, đẩy cậu về phía trước: “Phu nhân yên tâm, con của tôi cũng là con của phu nhân, sau này thằng bé sẽ tận hiếu với A Bồ.”

Thúy Vi phu nhân rất vui vẻ, nhìn Giới Tử mà mắt ứa lệ. Giới Tử quay đầu nhìn bóng dáng vị đạo sĩ gầy gò bên khung cửa, diện mạo của người ấy quả là già hơn Thúy Vi phu nhân nhiều, thế nhưng dáng thẳng như tùng, khi trẻ hẳn cũng là một vị công tử phong nhã.

Lòng Giới Tử bỗng nặng trĩu, bởi người có máu thuần dương khác với người thường, khoảng cách với những người thân yêu sẽ càng lúc càng lớn. Cha tránh được thiên kiếp, có được cuộc sống mới, sau này cha và mẹ sẽ thế nào? Cậu từng hi vọng người máu thuần âm cũng sẽ sống mãi, như thế mẹ và cha mới không phải chia cách. Nhưng cậu đã để ý mẹ, cho dù vẫn rạng rỡ nhưng đã không còn giống mười mấy năm trước nữa, thế nên người máu thuần âm vẫn sẽ già yếu. Cậu không dám nghĩ đến tương lai, may mà mẹ còn trẻ, mấy chuyện kia tạm thời không cần suy nghĩ.

Sau này bọn cậu càng ngày càng bận, bởi vì trưởng thành phải gánh vác trách nhiệm. Giới Tử vào triều làm quan, thân phận cậu cao quý, là con trai của quốc sư và Trưởng công chúa, cũng là cháu trai đương kim thánh thượng và Định vương nên rất được quan tâm. Giới Tử là người chín chắn, làm việc rất có phong thái của cha khi trước, mấy lần được bệ hạ khen ngợi khiến cha mẹ cũng an tâm.

Trước đây cha mẹ luôn bôn ba bên ngoài, từ ngày trở lại Thần cung mới được yên ổn, không có sóng gió to lớn, hai người cùng trải qua những ngày hạnh phúc, nhoáng cái đã hai mươi năm. Trong hai mươi năm ấy, gương mặt căng mịn của mẹ đã xuất hiện nếp nhăn, mẹ ngồi trước gương thở dài: “Tôi càng ngày càng già, mà chàng vẫn như xưa.”

Cha nghe xong không nói gì, chỉ mỉm cười, song từ đó không hề nhuộm tóc nữa, còn dùng kim đâm vài chỗ trên mặt, bôi mực nước lên vết thương, lúc lành vẫn có đốm đen. Cha đắc ý khoe với mẹ: “Nàng nhìn xem, nàng có nếp nhăn, tôi có đốm đồi mồi, chúng ta vẫn là một đôi trời sinh.”

Lúc Giới Tử trông thấy thì rất kinh ngạc. Cha là người thích chưng diện, hiện giờ lại cố gắng để mình xấu đi cho mẹ bớt tiếc nuối.

Cha từng lén nói với Giới Tử: “Cha sẽ không xa mẹ con, nàng ấy ở đâu thì cha ở đó.” Khi ấy Giới Tử không quá để tâm.

Thời gian trôi qua, lại có thêm chuyện khiến người đau lòng, ấy là Cửu Sắc mất. Tuổi thọ của hươu bình thường chỉ có hai mươi năm, nó và Giai Nhân đã sống bốn mươi năm, đứa con Như Ý của chúng đã mất trước, chúng bầu bạn với nhau đi đến tận hôm nay. Ba ngày trước, Giai Nhân bắt đầu bỏ ăn bỏ uống, dường như Cửu Sắc cũng có dự cảm nên gào thét suốt ngày đêm. Một ngày sau khi Giai Nhân đi, Cửu Sắc cũng theo xuống suối vàng, mẹ khóc rất đau lòng, cha lại thản nhiên: “Như thế cũng tốt, Giai Nhân không đến mức cô đơn.”

Mẹ yếu dần, sau một trận phong hàn thì sức khỏe ngày càng kém. Tiểu Ly không chịu hồi cung mà ở lại chăm sóc mẹ cùng với Quán Oa, trong lòng Giới Tử cũng không yên, định từ quan tận hiếu nhưng cha nói không cần, một mình cha là đủ.

Họ phải ở cạnh nhau, tuy đã thành thân nhiều năm nhưng mong ước này chưa bao giờ ngừng lại.

Mẹ gối lên tay cha thở dài: “Lâm Uyên, đời này gặp được chàng là phúc phận lớn nhất của tôi. Kiếp này chúng ta yêu nhau, kiếp sau vẫn phải bên nhau.”

Mẹ bắt đầu có tóc bạc, cha khẽ vuốt tóc bà, ánh mắt nhìn bà vẫn chăm chú hệt bốn mươi năm trước: “Chúng ta sẽ vĩnh viễn bên nhau.”

Cha chăm sóc mẹ tỉ mỉ hơn bất kỳ người con nào. Mấy chục năm bên nhau khi hoạn nạn, chỉ cần mẹ thoáng nhìn là cha biết bà muốn gì. Ông vẫn luôn đi tìm nửa cuốn “Kinh độ vong”, con người chung quy vẫn phải ch3t, nếu ngày đó đến ông hi vọng có thể kéo dài tính mạng cho mẹ. Tiếc là đi khắp các nước Tây Vực vẫn không thấy tung tích, có lẽ nửa cuốn kinh văn kia vốn không hề tồn tại, lúc quốc quân Hồi Hồi thưởng cho chủ thành Toái Diệp đã chỉ có nửa quyển.

May mà cơ thể mẹ dần khá lên, chống chọi được qua mùa đông, đến khi xuân về hoa nở, mẹ có thể cùng cha ra ngoài ngắm hoa câu cá.

Cha đưa bà mẹ ngoài đi dạo, họ đội mũ mạc ly, lớp mạng che dài che đi dáng mẹ, nhìn vẫn yểu điệu như thiếu nữ. Họ nhìn nhau qua tầng sa, nắm tay xuất cung, thời gian trôi qua, tình cảm càng đậm sâu, tâm trạng vẫn như thuở mới yêu.

Chẳng mấy chốc lại qua hai mươi năm, bác Thần Hà mất vì bệnh, cơ thể bệ hạ cũng yếu dần, sự vụ trong triều đều giao cho La Diên quản lý, ông cùng hoàng hậu trải qua cuộc sống gần như ẩn cư.

Giới Tử và Quán Oa rất ân ái, sinh được năm người con, có con cháu phụng dưỡng, cha mẹ lúc tuổi già luôn quây quần trong tiếng cười vui. Nhưng ngày rồi sẽ tàn, cuối cùng vẫn phải biệt li. Trận tuyết đầu đông năm nay rơi suốt đêm, sáng hôm sau trời trong không một gợn mây. Mẹ có thói quen dậy sớm nhưng ngày ấy đến cuối giờ Thìn mà cửa phòng vẫn đóng chặt. Giới Tử không dám nói, lòng thấp thoáng lo lắng. Đẩy cửa vào xem, hai người trên giường dựa sát vào nhau, gương mặt vương nét quyến luyến mà cơ thể đã hơi lạnh. (giờ Thìn: 7-9 giờ sáng)

Giới Tử buông thõng tay đứng đó, nước mắt hoen mi.

Nắng mai rọi vào từ khe cửa, vương trên bàn trang điểm của mẹ. Bút son hãy còn gác trên đĩa nước, đầu son sáng rực, đặt in xuống, là nốt chu sa mãi mãi trong lòng cha.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.