Đêm này, nội viện và phòng khách lớn của Từ gia trong ngoài treo đầy các đèn lồng tinh xảo đủ loại, trong sảnh bày hai bàn tiệc rượu, thuê một gánh hát nhỏ, người một nhà vui vẻ tổ chức gia yến, cùng nhau trải qua tết Nguyên Tiêu.
Từ Dật chạy tới chạy lui nhìn đèn lồng, rồi ngồi trên ghế cảm khái:
– Hàng vạn hoa đăng được thả trên sông Tần Hoài, vừa nghĩ cũng thấy rất hoành tráng! Chúng ta sống ở ngay bờ sông Tần Hoài, đúng là một nơi tốt.
Biểu ca cũng đi chơi thuyền trên sông Tần Hoài với bạn học rồi, còn chúng ta tại sao phải ngồi ở nhà chứ, không có gì vui.
Từ Thuật xấp xỉ tuổi Từ Dật nên tâm tư cũng giống nhau:
– Không chỉ trên sông mà trên núi cũng có đèn. Dọc theo trên núi, các cành cây, ngọn cây đều có đèn, từ dưới chân núi nhìn lên giống như dải Ngân Hà chảy xuống vậy, đúng là thắng cảnh nhân gian.
Phụ mẫu huynh tỷ dĩ nhiên là hiểu mánh khóe nhỏ của hai đứa nó nên mỉm cười mà không nói. Tụi nó chỉ biết đèn ở trên sông, trên núi rất đẹp, nhưng có biết bao nhiêu người đi ngắm đèn không? Người người chen chúc nhau, toàn là đầu người di chuyển, đến lúc đó bọn nó đi ngắm đèn hay đi ngắm người đây.
Lục Vân không nỡ làm Từ Thuật, Từ Dật thất vọng nên dịu dàng dụ dỗ bọn chúng:
– Đợi hai con lớn hơn hai tuổi thì lại đi ra ngoài ngắm đèn nhé?
A Trì cười hì hì dọa đệ đệ:
– Hội đèn lồng người đông nườm nượp, lỡ có người bắt hai đứa đi thì sao?
Chỗ quá đông người thì con nít đừng nên đi mới tốt.
Nói thế nào nhỉ, càng là chỗ đông người thì càng dễ xảy ra tai nạn. Đêm Nguyên Tiêu năm Gia Đức thứ năm, đèn trên núi ngoài cổng thành bị cháy, số người tránh không kịp mà chết hơn mười người, trong đó có Đô đốc đồng tri Mã Vượng. Đô đốc đồng tri, một đại quan nhất phẩm vì xem đèn mà chết, nói đến thực làm người ta khó tin.
Buồn cười chính là, Hoàng đế vì vậy mà hạ chiếu cho quan viên các cấp phải chú ý hỏa hoạn khi xem đèn, Túc Vệ tướng quân ở Nam Kinh lại dâng tấu thế này: “Khắp đường lớn hẻm nhỏ ở Nam Kinh đều là nhà tranh nên dễ cháy, lửa cháy lan ra sẽ phá hủy chỗ ở của quan lại và dân chúng, xin hạ lệnh đổi tất cả thành nhà gạch.”____Bởi vì tết Nguyên Tiêu xem hội hoa đăng mà nhà cửa đều phải xây lại? Hơn nữa, nếu là xây nhà gạch, thì ai ở nhà tranh chứ, Túc Vệ tướng quân này đúng là thú vị mà.
Từ Sâm chỉ tay về phía các đèn lồng trong sảnh, cười nói:
– A Thuật, A Dật chơi đoán đố đèn nhé? Đứa nào đoán đúng phụ thân sẽ có thưởng. Giấy, nghiên, bút, mực, chặn giấy, nghiên bình, đồ rửa bút, đồ để mực, giá bút, đồ gác tay, cái gì cũng có.
Từ Thuật, Từ Dật thấy việc ra ngoài chơi xem đèn là không được thì buồn bực một lát, sau đó thì nắm tay nhau ngắm đèn lồng trong sảnh, hăng hái giải đố đèn.
“Dương Ngọc Hoàn gả cho An Lộc Sơn, nêu tên một tòa thành?” Hai đứa nhóc chụm đầu bàn bạc:
– Dương Ngọc Hoàn, chỉ sự giàu có; An Lộc Sơn là một tên mập. Dương Ngọc Hoàn gả cho An Lộc Sơn, chẳng phải là Hợp Phì*?
* Phì ‘肥’ vừa có nghĩa là béo, mập, vừa có nghĩa là giàu có, sung túc; Hợp Phì: tên một địa danh thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc
– Đoán đúng rồi, A Thuật, A Dật thật thông minh!
Từ Sâm vỗ tay khen ngợi, sai người đem tới hai cái nghiên mực Lục Đoan:
– Chúng ta thưởng công bằng, A Thuật, A Dật mỗi người một cái.
Nghiên mực Đoan Khê đã quý, nhưng nghiên mực Lục Đoan lại càng hiếm hơn, đá rất rắn chắc, trơn mịn, màu xanh biếc thuần túy không tì vết, óng ánh trơn bóng, phong cách độc đáo.
Đoán đúng một câu đố đèn là có thể được một cái nghiên mực Lục Đoan, quả nhiên là ngày tết, chuyện tốt! Từ Thuật, Từ Dật đều cầm lấy nghiên mực, mặt mày hớn hở:
– Đa tạ phụ thân.
Chúng tạ ơn Từ Sâm xong thì cầm tới trước mặt mẫu thân, huynh tỷ mà khoe khoang, đắc ý cực kỳ.
– Đoán tiếp, đoán tiếp.
Từ Tốn và A Trì đều cười khích lệ đệ đệ:
– Đoán đúng nữa thì ca ca và tỷ tỷ đều có thưởng. Từ đồ ăn, đồ chơi đến đồ dùng, cái gì cũng có.
Từ Thuật, Từ Dật tinh thần phấn chấn, đem nghiên Lục Đoan giao cho Lục Vân giữ, hăng hái chắp tay về phía Từ Tốn và A Trì:
– Đã vậy thì, bêu xấu!
Hai đứa tay nắm tay, ngẩng đầu ưỡn ngực đi tới một chiếc đèn ngọc lâu, lớn tiếng đọc:
– Thái tổ Hoàng đế có chỉ, giết hết các tham quan ô lại trong thiên hạ, nêu một câu trong “Luận ngữ”.
Đọc xong, hai đứa nhóc nhìn nhau trợn tròn mắt. Nêu một câu “Luận ngữ”? Hai đứa thực sự nghĩ không ra, lại không cam tâm nhận thua, liền giả vờ trầm ngâm suy nghĩ, chân mày nhíu chặt.
Từ Tốn thong thả bước đến bên đệ đệ, cùng bọn chúng ngửa đầu nhìn câu đố đèn, tự lẩm bẩm:
– Vậy thì, những tham quan ô lại kia chẳng phải là mối nguy sao? Kẻ làm quan ngày nay……
Từ Thuật sáng mắt lên, lớn tiếng nói:
– Kẻ làm quan ngày nay nguy hiểm lắm.*
* nguyên văn là: “Kim chi tòng chính giả đãi nhi!” nằm ở thiên 18, mục số 5 “Luận ngữ”
Từ Dật rất thông minh, cũng lớn tiếng đọc theo một lần.
– Tuổi còn nhỏ mà câu đố đèn khó như vậy cũng đoán được, rất giỏi!
Từ Tốn khen hai tiểu đệ đệ, tặng mỗi đứa một con thú đá may mắn để chặn giấy. A Trì cũng nói:
– Khó quá, tỷ cũng đoán không ra, vậy mà A Thuật và A Dật lại đoán được.
Nàng cũng tặng mỗi đứa một cái đồ gác tay bằng ngọc hình đoạn trúc xanh.
Đều là đồ quý cả, Từ Thuật, Từ Dật vui như nở hoa, sung sướng giao cho Lục Vân:
– Mẹ giữ giúp tụi con.
Lục Vân mỉm cười đáp ứng, cũng đưa ra hứa hẹn:
– Đoán tiếp đi, nếu đoán đúng thì mẹ có hai cái tiểu nghiên bình, cho hai đứa con mỗi người một cái.
– Con muốn cái bằng đá Tùng Hoa có người trong cảnh núi sông kia.
– Con muốn cái bằng gỗ tử đàn có khắc cảnh đánh trận kia.
Từ Thuật, Từ Dật chọn tiểu nghiên bình mình thích trước rồi mới chạy tới chỗ đèn, quơ tay múa chân một hồi thì lại đoán đúng một câu nữa.
Đoán đúng ba câu đố đèn, được bốn món đồ quý, Từ Thuật, Từ Dật hài lòng thỏa mãn, tươi cười rạng rỡ. Nhưng mà, đêm Nguyên Tiêu không được chơi thuyền trên sông Tần Hoài, không được xem cảnh “hỏa long uốn lượn, sáng rực đất trời, giơ dùi đánh trống, phá tan mệt mỏi” vẫn có chút tiếc nuối. Phải biết là, nếu ở thời của thái tổ Hoàng đế thì từ các công thần quyền quý cho đến các quan lại bình thường đều ngồi trên thuyền có đèn lồng ngắm cảnh tượng phồn hoa rực rỡ của sông Tần Hoài.
Đêm nay, sau khi cả nhà vui vẻ giải tán, Từ Dật lôi kéo A Trì truy hỏi:
– Tỷ, tối mai các nữ tử thường đi bách bệnh, tỷ có đi không?
Theo phong tục tập quán, vào đêm mười sáu tháng giêng, các nữ tử khuê phòng bình thường có thể lập nhóm đi ra ngoài, gọi là “đi bách bệnh”*, có thể tiêu trừ được những căn bệnh lâu năm.
* Đi bách bệnh là tập tục có vào thời Minh, Thanh, để cho các phụ nữ tạm thời được giải phóng khỏi cuộc sống ngột ngạt nơi khuê phòng
A Trì lắc đầu mỉm cười:
– Không đi.
Từ khi đến thế giới này, đối với trị an xã hội, A Trì không cách nào tin tưởng được nên không bao giờ đặt chân đến nơi công cộng đông người. Đêm mười sáu tháng giêng, gần như là toàn bộ các nữ tử đều ra ngoài nên rất nhiều người, nàng không muốn tham gia cái náo nhiệt này.
Từ Dật cúi đầu:
– Không đi thì không đi.
Dáng vẻ rất là chán nản. A Trì khó hiểu:
– Đi thì cũng là tỷ đi, chứ đệ có đi theo được đâu.
Đây là nữ tử đi bách bệnh, có liên quan gì tới đệ chứ.
Từ Dật ngẩng đầu nhìn A Trì, đôi mắt trông mong nói:
– Tỷ nếu đi thì mẹ cũng sẽ đi. Cả nhà chúng ta buổi chiều sẽ đến Thưởng Tâm Đình ăn uống, ở Thưởng Tâm Đình ngắm sông Tần Hoài rất đẹp, đúng là Kim Lăng bảo địa (Kim Lăng là tên cũ của Nam Kinh). Đến tối, mẹ với tỷ đi bách bệnh, đệ với phụ thân và ca ca ở lại trong đình thưởng thức cảnh đêm, chẳng phải tốt sao.
Vẫn là muốn ra ngoài chơi đây mà, A Trì nựng khuôn mặt nhỏ nhắn của tiểu đệ đệ:
– Được rồi, đi thì đi. Chỉ là phải mang theo nhiều nô bộc thị nữ, không được chạy nhảy lung tung đó.
Từ Dật lên tinh thần, nghênh ngang tự đắc:
– Mang nhiều nô bộc thị nữ phiền phức lắm. Đệ đi xin Trương đại ca và lão công công, mời họ cùng đi!
Không đợi A Trì trả lời nó đã vui vẻ chạy đi.
Sáng sớm hôm sau, đầu tiên là Trình Hi, sau đó là Phùng Uyển, rồi đến Phùng Thù sắp xuất giá đều gửi thư hẹn A Trì buổi tối cùng đi ra ngoài. Lục Vân cũng nói:
– Chúng ta đem nhiều thị nữ, vài bà tử khỏe mạnh khiêng kiệu đi theo, khi nào mệt thì ngồi kiệu. A Trì, chúng ta chỉ đi qua ba cái cầu thôi, có được không?
A Trì đồng ý.
Hơi trễ chút, Trương Khế đích thân đến, nhiệt tình lên kế hoạch:
– Ra ngoài đi vài bước cũng tốt, đi để tiêu tai giải bệnh. Ta có dẫn theo một đội nữ binh, có các nàng ấy bảo vệ thì ngay cả vùng hoang vu hẻo lánh, ta cũng dám đi.
– Nữ binh?
Đây là lần đầu A Trì nghe nói nên vô cùng tò mò. Trương Khế cười sảng khoái:
– Gia đình các công thần quyền quý đều có nuôi tư binh, nhà thì vài ngàn, nhà thì vài trăm nhưng đều là nam. Còn ngũ ca ta đặc biệt nuôi vài trăm nữ binh cho ngũ tẩu, ai nấy đều võ công cao cường và rất trung thành.
Lục Vân mỉm cười khéo léo:
– Bình Bắc hầu phu thê tình thâm, chuyện này ai nấy đều biết. Khắp các gia đình huân quý ở kinh thành cũng chỉ có mỗi Bình Bắc hầu phu nhân là có thân binh, đây là điều kiêu ngạo nhất, người khác không thể sánh bằng.
Có điều, nữ binh không phải là ở Bình Bắc hầu phủ kinh thành sao, sao lại tới Phượng Hoàng Đài? Trong lòng A Trì vẫn có chỗ nghi vấn.
Trương Khế nhắc tới đường huynh, đường tẩu nhà mẹ đẻ thì rất tự hào:
– Ngũ ca ta quan tâm đến ngũ tẩu, ngũ tẩu lại quan tâm đến ta, chuyện gì cũng giúp đỡ ta. Lúc ta mới đến Phượng Hoàng Đài không lâu thì ngũ tẩu liền phái nữ binh đến đây cho ta sai sử.
A Du thật là một bằng hữu tốt.
Hàng xóm có nữ binh đi cùng, Lục Vân dĩ nhiên là cầu còn không được:
– Vậy thì chúng ta đi qua cầu, giải trừ phiền não.
Lại lên tiếng mời:
– Buổi chiều chúng ta đến Thưởng Tâm Đình ăn uống, phu nhân đi cùng cho náo nhiệt.
Trương Khế cười từ chối:
– Chúng ta định ăn ở tửu lâu Tôn Sở cách đó không xa, đều ở thành tây.
Thưởng Tâm Đình và tửu lâu Tôn Sở đều là những tửu lâu nổi danh nhất Nam Kinh.
Hôm đó đúng như mong muốn của Từ Dật, người một nhà đến Thưởng Tâm Đình ăn uống. Thưởng Tâm Đình ở trên sông ngay cổng thành, ngồi trong nhã gian có thể quan sát được cảnh đẹp ở thành tây, nghe ca khúc trên sông Tần Hoài, tiếng đàn sáo lọt vào tai làm tinh thần sảng khoái.
Từ Thuật, Từ Dật như chim nhỏ sổ lồng, vui sướng vô cùng. Lúc thì gục trên cửa sổ nhìn cảnh đêm sông Tần Hoài không biết chán, lúc thì ngồi trước bàn ra vẻ chuyên nghiệp bình phẩm món ăn, chơi rất vui vẻ.
A Trì cũng vì phong cảnh trước mắt mà say mê:
– Lục triều yên nguyệt chi khu, kim phấn oái tụy chi sở *
* đây là câu thơ gắn liền với sông Tần Hoài, Nam Kinh, nghĩa là ‘nơi trải qua trăng khói sáu triều, nơi tụ tập vàng son’, sáu triều ở đây là sáu triều đại Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần đều đóng đô ở Nam Kinh
Lầu gác được sơn vàng, san sát tiếp nối nhau, thuyền hoa dập dềnh trên sóng, tiếng mái chèo khua và những ánh đèn loang lổ trên mặt nước tạo nên một kỳ quan như mộng như ảo.
Vào lúc hoàng hôn, đoàn xe ngựa chở người của Tây Viên đến Thưởng Tâm Đình. Trong nhã gian sớm đã dùng một tấm bình phong lớn bằng gỗ tử đàn có khung đá cẩm thạch ngăn lại, Lục Vân, A Trì và hai mẹ con Trương Khế ngồi ở phía tây, còn phụ tử Từ Sâm và An Ký ngồi ở phía đông.
– Trương đại ca và lão công công đâu?
Từ Thuật, Từ Dật không thấy Trương Mại và Hoa Sơn lão nhân thì vô cùng thất vọng. An Ký nét mặt hơi gầy gò, cười nhẹ:
– Lão gia tử thích phong cảnh ở bờ sông Tần Hoài nên Trương đại ca con đi theo lão nhân gia rồi.
Từ Thuật, Từ Dật hơi ỉu xìu.
Trương Khế thương lượng với Lục Vân:
– Còn phải đi Trình gia, Phùng gia, Cổ gia, Lư gia đón người, chi bằng đi sớm chút.
Lục Vân tất nhiên đáp ứng. A Trì đã uống không ít rượu trái cây, cười khúc khích nói:
– Đợi chút, con đi vệ sinh đã.
Trương Khế xưa nay vốn nhiệt tình, vội căn dặn hai thiếu nữ xinh đẹp đứng phía sau:
– Trần Lam, Trần Đại, hai ngươi đi theo Từ đại tiểu thư đi.
Có nữ binh đi theo, trước chưa nói đến hữu dụng hay không thì cũng rất oai phong.
Hai thiếu nữ này xinh đẹp thì xinh đẹp nhưng vẫn anh khí hiên ngang, sinh khí tràn trề, rất khác với những nữ tử khuê phòng mảnh mai, yếu đuối. Có các nàng đi theo bên mình, A Trì cảm thấy rất tin tưởng nên không dẫn theo Bội A và Tri Bạch.
Sau khi đi vệ sinh, Trần Lam và Trần Đại dẫn A Trì đi hai vòng, đến một gian phòng yên tĩnh. A Trì trước giờ vốn là một kẻ mù đường, khi vào trong phòng mới nhận ra có gì đó không đúng: đây không phải là gian phòng mà lúc nãy mình đi ra.