[Phiên ngoại về Tạ Giác] Gió xuân không đến Ngọc Môn quan.
Biên thành ít mưa, ba ngày trước, sông Sơ Lặc đóng băng cả đông cuối cùng cũng có những vết nứt đầu tiên.
Có lẽ vì Trấn quốc Tướng quân mới tới của Đại Sở tuổi còn nhỏ, trong mắt không chứa được một hạt cát, cho nên khi đánh một bước cũng không nhường. Quân Hung Nô bị đánh đến tự xin rút lui, dẫn theo đại quân lùi về hai trăm dặm so với nơi đóng quân trước đây. Người Hung Nô bị buộc phải sang bờ bên kia sông Sơ Lặc.
Lều trại bên kia sông của quân Hung Nô đã tự mình lui hơn trăm dặm từ tháng trước, mắt thấy cỏ xuân mọc, băng sông tan, đối phương tựa hồ rốt cục ngừng chiến, không còn có ý dám quấy nhiễu Biên thành nữa.
Biên cương âm u hơn một tháng, hôm nay rốt cục đợi đến được một ngày vạn dặm không mây. Hai mươi, ba chục người kị binh đơn giản, dọc theo sông Sơ Lặc tuần tra lãnh thổ quốc gia, cuối cùng dừng lại ở cửa khẩu.
Thiếu niên Tướng quân dẫn đầu đoàn ngựa, quay đầu ngựa lại, phân phó cho những tướng sĩ phía sau: “Các ngươi về trước, ta ở đây một lúc.”
Ở biên cương, quân lệnh như núi, mà nơi đóng quân của Tạ gia quân cũng chỉ cách sông Sơ Lặc hơn năm mươi dặm, mấy vị tướng đi theo nhìn nhau, cũng lĩnh mệnh mà đi.
Quan Trọng chưa đi, hắn là Phó tướng của Tạ Giác, nếu không có chiến sự đặc biệt gì, hắn phải luôn ở bên người Tạ Giác chờ lệnh.
Mãi đến tận khi những tướng sĩ khác đã đi xa, Quan Trọng mới thu hồi ánh mắt, cười hỏi: “Tướng quân có tâm sự gì sao?”
“Không có gì.” Tạ Giác ghìm ngựa dừng lại, nhìn về hoang mạc xa xa ở bên kia bờ sông: “Chỉ là muốn ở đây một lúc.”
Quan Trọng biết, Tạ Giác ở lại biên cương đã ba tháng, cho đến giờ phút này mới có thời gian để thả lỏng bản thân một chút, chỉ lặng lặng nhìn bờ hoang mạc bên kia, cái gì cũng không cần nghĩ.
Biên cương lạnh lẽo, mặc dù không đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc, nhưng Tạ Giác được chiều chuộng trong gấm vóc mười sáu năm, tóm lại vẫn có chút không thích ứng.
Khi vừa tới biên cương, Quan Trọng đã thấy Tạ Giác ăn không ngon. Bành màn thầu mới ra lò đã bị gió thổi cho lạnh ngắt cứng quèo, cắn một miếng là ăn cả vị gió vào bụng, mùi vị quả đúng là khó chịu.
Tuy Tạ Giác họ Tạ, nhưng dù sao thì cậu ta cũng chưa từng tới Biên thành, lúc mới đến nơi đóng quân của Tạ gia, cậu ta vẫn mang dáng vẻ bóng bẩy non nớt yêu kiều. Tại quân doanh, phải lấy năng lực và tư lịch để nói chuyện, khác với Tạ Du là Tướng quân đã mang quân công trên người, mặc dù Tạ Giác tới biên cương làm chủ tướng, nhưng chưa từng dẫn quân đánh giặc lấy một lần.
Mặc dù phấn lớn tướng lĩnh dưới trướng Tạ Vĩnh Minh công nhận cậu ta là con cháu nhà họ Tạ, nhưng khó tránh khỏi sẽ có những tướng sĩ ở vị trí không cao không thấp cảm thấy không phục.
Sĩ khí bất ổn là điều tối kỵ khi hành quân đánh trận, Tạ Giác sầu lo đến độ nổi vết rộp quanh miệng, không có tối nào ngủ ngon; lúc thì lo mình dẫn binh không tốt, khi lại sợ mình làm mất thể diện của phụ thân và đại ca.
___ Quy lại thì cũng là một vấn đề.
Đoạn thời gian đó lại đúng thời điểm Hung Nô trắng trợn quấy nhiễu Biên thành, không có trận lớn, nhưng phiền phức nhỏ thì liên tiếp xảy ra, thậm chí có những lúc mà ngày nào cũng có trận cần đánh. Khi đó Tạ Giác cần công quân gấp, cơ hồ đều là tự mình mang binh.
Trận nhỏ còn khó đánh hơn trận lớn, người Hung Nô chỉ cho một nhóm người nhỏ tới, cướp xong rồi chạy, vì vậy Tạ Giác chỉ có thể mang ít người, còn phải trang bị kị binh nhẹ đi nhanh. Người Hung Nô thiện chiến, sát phạt, từ nhỏ đã lớn lên trên lưng ngựa, Tạ Giác phải ăn mấy lần thiệt thòi khi mã chiến, nửa tháng đầu, cơ hồ ngày nào cũng mang thương tích trở về.
Buổi sáng cậu ta phải dẫn binh tuần tra biên cương, tối đến lại phải thắp đèn xem sổ tay Tạ Vĩnh Minh lưu lại và các loại binh thư. Hiểu thì đọc tiếp, không hiểu thì cố học thuộc trước, chờ ra ngoài thăm dò địa hình rồi trở về vẽ địa đồ, chỉnh bàn cát sau.
Trước khi bị đẩy lùi, quân Hung Nô thường xuyên đột kích Biên thành vào đêm khuya, đến nỗi Tạ Giác hàng đêm không thể an giấc, lúc nằm xuống cũng không dám cởi giáp trên người.
Mãi đến về sau, khi cậu ta dẫn theo binh sĩ tinh nhuệ của Tạ gia quân chủ động xuất kích, từng bước bức lui Hung Nô, mới có thể đổi được từ một đến hai canh giờ an giấc vào buổi tối.
May thay, cậu ta chịu khổ như vậy rồi cuối cùng cũng được đền đáp. Những binh sĩ ngày ngày theo cậu ta đánh trận tuần doanh kia đã tâm phục khẩu phục, sớm coi Tạ Giác là Tướng quân của mình.
Đợi đến khi nơi trú quân của địch bị đẩy lùi cách Biên thành trăm dặm, Tạ Giác cho dựng một võ đài trong quân doanh, mỗi ngày ba lần cùng tướng sĩ luận võ, từ Phó tướng đến Bách phu trưởng, chỉ cần thấy không phục, đều có thể lên đài so tài. Nếu đánh thắng cậu ta thì được thăng một cấp, còn thua thì phải xuống bếp đốt củi ba ngày.
Quan Trọng biết, Tạ Giác cũng hết cách rồi. Tuổi cậu còn quá nhỏ, dù có quân công và danh tiếng, nhưng nếu muốn áp được thiên thiên vạn vạn tướng sĩ bên dưới, cậu phải có một ngày khiến cho các tướng lĩnh này tâm phục khẩu phục.
Chỉ là cậu ta lại tìm ra một biện pháp quá ngớ ngẩn, Quan Trọng nghĩ. Trên người còn có người, năm nay Tạ Giác mới mười sáu, xương còn chưa đủ rắn chắc, luôn có người có thể trên cơ cậu ta.
Nhưng Quan Trọng lại không ngờ tới, hơn một tháng nay, không có thêm một ai được thăng chức từ tay Tạ Giác. Có vài lần, Quan Trọng thậm chí còn chắc chắn cho rằng Tạ Giác sẽ phải thua, cũng không biết người này đến cùng thì lấy sức mạnh từ đâu, để có thể thay da đổi thịt, từ một thiếu niên Tiểu tướng quân tự phụ đến dáng vẻ hiện tại.
Cậu ta cứ như vậy nhiều ngày, người đã gầy đi một vòng, cũng đen đi không ít, bàn tay cầm thương đã có một tầng chai, bắn tên có thể bách phát bách trúng, mà giá sách cao hơn một người trong trướng đã được cậu ta học được hơn một nửa.
Vẻ liều mạng của Tạ Giác dọa không ít người, cuối cùng họ bàn bạc sau lưng Tạ Giác, quyết định đẩy anh rể của cậu ta ra, để hắn khuyên nhủ cậu em vợ này.
“Chiêu Minh, hôm nay trong quân có giết dê. Các tướng sĩ nói mấy ngày trước quá vất vả, hôm nay phải bù cho người một bữa tiệc đón gió tẩy trần.”
Từ khi cậu ta đến biên cương, các tướng lĩnh thân cận đều sẽ gọi cậu ta bằng tên tự, bây giờ Tạ Giác đã quen.
Lúc đó cậu ta đang ngồi ở án viết quân báo, ngón trỏ tay phải vì lạnh mà khô nứt, nghe vậy thì run tay, bị đau đến giật mình.
Tạ Giác như không nghe rõ hắn nói gì, ngỡ ngàng hỏi: “Cái gì?”
“Choáng váng sao?” Nam nhân cười: “Gần đây Hung Nô không có động tĩnh gì, hiếm có khi có thể thở một hơi. Các tướng sĩ muốn chào đón ngươi, Tướng quân.”
Đêm hôm ấy, Tạ Giác một mình giục ngựa trở về Biên thành, không nói cho ai, đi đến trước mộ phần của Tạ Dao, ôm bia mộ khóc một buổi tuối.
Những đau khổ oan khuất kia cuối cùng cũng có nơi phát tiết, mà cậu cũng đã có sức để làm điều đó.
Trước mộ của Tạ Dao trống trải, gió thổi đến từ phương xa, lướt qua giáp vai lạnh lẽo của Tạ Giác, một đường đi về tây, cuối cùng rơi vào sông Sơ Lặc.
Gió tắc ngoại thổi là một tháng, chờ gió tây bắc cuốn qua mặt sông, lại một tháng nữa trôi qua.
“Tướng quân?” Quan Trọng bỗng nói.
Tạ Giác hồi thần, đáp lời: “Chuyện gì?”
Quan Trọng thở dài, biết là cậu ta không nghe, bất đắc dĩ lặp lại một lần: “Ta nói, đều đã lập xuân, ngài không định viết một phong thư gửi về Trung Nguyên sao?”
“Quân báo tháng này sao?” Tạ Giác kỳ quái hỏi: “Ta viết rồi mà, hôm qua không phải giao cho trinh sát gửi đi rồi à?”
“Ai nói ngài cái này.” Quan Trọng chỉ tiếc mài sắt không nên kim, lườm cậu ta một cái: “… Chậc, Trình tiểu công tử, ngài thật sự không định viết một phong thư hỏi thăm người ta sao?”
Tạ Giác ngẩn ra.
Đến biên cương hơn ba tháng, cậu ta có lúc nhớ đến Trình Nguyên, nhưng đều không phải là cố ý nhớ đối phương. Phần lớn đều là trong lúc lơ đãng mới có thể để chút ý tứ nhung nhớ thoáng qua mà thôi.
Người trên chiến trường, khi hành quân đánh trận đều sẽ nhớ về quê nhà.
Tạ Giác giấu người ngoài, tìm nương tử của quân nấu cơm, nhờ nàng may cho cậu ta một cái túi vải nho nhỏ để đựng tóc Trình Nguyên rồi nhét vào sau hộ tâm kính. Sợi tóc mai này vẫn giấu trong giáp của cậu ta, theo cậu ta chinh chiến, cũng theo cậu ta nghỉ ngơi, đã được lòng cậu ta ủ ấm rồi.
Trên cổ là tư ấn của Tạ Vĩnh Minh, trong lòng lại là tóc mai của Trình Nguyên. Trách nhiệm và ái tình được cậu ta sắp xếp thỏa đáng trên bộ khinh giáp, đặt ở hai đầu vai.
“Viết cái gì, không viết.” Tướng quân thiếu niên cười cười, giả vờ ung dung nói: “Cảm xúc kỳ quái khi còn trẻ, lại còn mong người ghi nhớ sao? Chờ sau này y cưới vợ sinh con, tự sẽ gửi ta tấm thiệp mời uống rượu.”
Cậu ta nói xong, như là lo Quan Trọng hỏi tiếp, vội vã kéo dây cương: “Đi thôi, nên về rồi.”
Trên đường về doanh, đúng lúc đụng phải một đàn chim nhạn. Quan Trọng định đáp cung bắn hai con để cải thiện bữa ăn, lại bị Tạ Giác ngăn cản.
“Chim nhạn bay là ý tốt, ngươi cũng không thiếu chút thịt này.” Tạ Giác nói: “Quên đi thôi.”
Đám chim nhạn kia nhờ một câu nói của Tạ tướng quân mà may mắn thoát nạn, không biết có phải trùng hợp hay không, lúc bay qua đỉnh đầu Tạ Giác còn kêu hai tiếng.
Tạ Giác cong mắt nhìn, tâm tình còn khá tốt mà vẫy vẫy tay với chúng.
Từ sông Sơ Lặc về khu lều trại, cưỡi ngựa cũng mất gần một canh giờ. Khi Tạ Giác về doanh là vừa kịp giờ cơm, khói bếp lượn lờ, đứng ở cổng cũng ngửi được mùi canh thịt dê.
Đáng tiếc, không chờ Tạ tướng quân đến phòng cơm kiểm tra, cậu ta đã bị người ngăn cản.
“Tướng quân.” Một cậu lính canh tuổi tác còn nhỏ hổn hển chạy tới: “Ngài đã về rồi?”
Tạ Giác xuống ngựa, tiện tay ném dây cương cho binh gác cửa, thuận miệng hỏi: “Chuyện gì?”
“Có người từ trong Kinh đến, nói là muốn gặp ngài.” Cậu lính canh này có chút khó khăn: “Nhưng chúng ta chưa từng thấy người này, cũng không thấy có huynh đệ nào truyền tin trước, bèn nghĩ phải hỏi ý ngài một chút.”
Tạ Giác nghe vậy thì nhíu mày: “Người đang ở đâu?”
“Ở cửa đông doanh.” Lính canh nói rồi, vội vàng dẫn cậu ta về bên kia.
Cửa tây doanh gần biên cương, người của Tạ Giác phần lớn đều ra vào từ bên này; cửa đông doanh lại gần hướng Biên thành, nếu có người từ trong Kinh tới, đến từ đây cũng không sai.
“Sao lại để người vào quân doanh!” Tạ Giác vừa đi về cửa đông doanh, vừa cho cậu lính kia một chưởng: “Nhỡ là thám tử thì sao, không để hắn chờ ở trạm dịch được à!”
“Oan uổng quá Tướng quân ơi.” Lính canh tuổi không lớn, rụt cổ nói: “Người này tự mình tới, còn cầm danh thiếp của Tả tướng đại nhân, chúng ta đã kiểm tra, đúng là vật từ trong Kinh.”
“Giang Hiểu Hàn?” Tạ Giác tức giận nói: “Không phải hắn đi Côn Luân dưỡng thương rồi à? Dưỡng cũng không dưỡng cho yên, lại đưa người lăng nhăng gì đến không biết. Lần trước hắn gửi đông trùng hạ thảo đến ta đã nhìn ra rồi, hắn đây là đang khoe khoang với ta rằng hiện tại mình đang sống rất thanh nhàn. Ta đã nói với ngươi, hắn ___”
Những lời lải nhải của Tạ Giác bỗng im bặt, cậu ta nhìn bóng người cách đó không xa, cảm thấy như mình xuất hiện ảo giác.
Tại cửa đông doanh, một thiếu niên khoác áo choàng có mũ đang đứng, mũ trùm che đi nửa mặt của cậu, chỉ lộ ra đường cằm có chút gầy.
Tựa hồ là nghe được giọng của Tạ Giác, đối phương hơi động, cởi mũ trùm xuống, lộ ra gương mặt thanh tú bên dưới.
Tạ Giác sững người, chân như mọc rễ, lính canh thấy thế thì vội gọi cậu ta hay câu, đáng tiếng, Tạ Giác đã không nghe thấy nữa.
Tầm mắt cậu ta chợt bị bóng người cách đó không xa lấp kín, môi dưới run lên, không nói nên lời.
Người cậu ta tâm tâm niệm niệm đang ở trước mắt, tim Tạ Giác nhảy ầm ầm, muốn đưa tay về phía Trình Nguyên, nhưng cả người lại cứng như khúc gỗ, không làm ra hành động gì.
Thiếu niên đứng nhìn cậu ta một lát, cuối cùng vẫn khẽ thở dài, tự mình bước về trước một bước.
“Tạ Giác.” Cậu nói: “Nếu huynh bỏ lại ta một lần nữa, ta sẽ không đến tìm huynh nữa đâu.”
____ Mấy vạn dặm trường phong, chỉ thổi Ngọc Môn quan.
____
Tác giả bảo tên chương và câu cuối không phải bug, là tư tâm của bả =)))) Tên chương là từ góc nhìn của Tạ Giác, trong ngữ cảnh này thì chắc ý là “Ở nơi biên cương, không có chỗ cho yêu đương”; câu cuối chương là từ góc nhìn của Trình Nguyên, ý chỉ em bé vượt cả vạn dặm, chỉ để đến biên cương gặp một người.
Chúc mừng em bé Tạ Giác và Trình Nguyên được HE //v Mong rằng có Trình Nguyên ở đây, Tạ Giác sẽ có những khoảng thời gian làm nũng chơi xấu như lúc xưa, cái hồi mà còn cầm bát ăn vạ trước cửa hiệu thuốc đòi gặp người ấy. Chứ thấy phải gồng mình mãi cả nửa năm cũng tội ;((((((