[………]
” Cộc…Cộc…Cộc “
– – Cô chủ dậy ăn sáng thôi, ông bà chủ đang đợi dưới nhà.
Yến mở cửa phòng bước ra, Yến nói:
– – Dạ vâng, cháu cũng chuẩn bị xuống bây giờ đây. Ủa, mà bác Sáu (tên người giúp việc nhà Yến), sao bác lại đem theo cả đồ lau nhà với chổi thế này…?
Bác Sáu đáp:
– – À, tôi lên gọi cô chủ xong tiện dọn phòng cho cô chủ luôn. Đồ ăn tôi đã dọn ra bàn sẵn rồi, cô chủ xuống ăn cho nóng.
Yến tiếp:
– – Hôm nay chủ nhật mà, bác Sáu để đó lát cháu tự dọn cũng được….Bác xuống ăn cùng cả nhà cho vui. Hi, bác cứ để đó…
Bác Sáu xua tay:
– – Sao thế được, với lại tôi ăn từ sớm rồi….Cô chủ cứ đi xuống đi, việc dọn dẹp để tôi làm. Nhanh không ông bà chủ đợi lại nóng ruột.
Bác Sáu đã làm việc cho gia đình Yến được 3 năm, suốt khoảng thời gian kể từ khi bắt đầu tới nhà Yến, chưa bao giờ bác Sáu xao nhãng công việc, ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng bác Sáu đã dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà, sau đó lau dọn, đi chợ, cơm nước……Bác Sáu là người Hải Dương, gia cảnh cũng rất đáng thương, chưa có được một mụn con thì chồng mất sớm, rồi bác Sáu cứ thế sống một mình, không đi bước nữa. quay đi ngoảnh lại cũng đã sống quá nửa đời người. Ông trời cũng thương tình mà ban cho bác Sáu cái sức khỏe, 47 tuổi mà bác Sáu nói cả đời bác chưa đau ốm lần nào. Biết hoàn cảnh bác Sáu khó khăn, bố mẹ Yến mướn bác Sáu về làm, ban đầu chỉ là giúp việc ban ngày. Làm tới 5h chiều, bác Sáu từ nhà Yến quay về xóm trọ dành cho công nhân ở khu công nghiệp, cách nhà Yến phải tới 5km. Bác Sáu mua được chiếc xe đạp mini cũ từ một tiệm sửa xe, người ta cũng thương bác mà tút tát để chiếc xe chạy được mượt hơn, thế nhưng đã là hàng cũ thì dù có mông má ra sao cũng có lúc hỏng cái này, hư cái nọ. Có một hôm, hết giờ làm, bác Sáu trên đường trở về xóm trọ thì trời đổ mưa lớn. Chiếc xe đạp vừa trượt cá lại tuột cả xích, loay hoay lắp mãi không được, bác Sáu đành dắt bộ đi dưới trời mưa tầm tã, đúng lúc ấy Yến trên đường đi học về, nhìn thấy bác Sáu như vậy, Yến đưa bác Sáu về nhà. Nhìn cảnh bác Sáu cả người ướt sũng, dắt chiếc xe đạp tuột xích mà Yến với mẹ Yến thấy thương vô cùng. Cũng từ hôm đấy, gia đình Yến kêu bác Sáu ở lại nhà luôn, vừa tiện công việc, cũng vừa giúp bác Sáu bớt vất vả thêm phần nào. Nhưng đó cũng là quyết định sáng suốt của bố mẹ Yến, bởi không lâu sau, công việc của bố Yến tiến triển rất tốt, lúc trước mẹ Yến chỉ làm trong nhà nước nên thời gian buổi tối rảnh rang, sau này mẹ Yến cũng phải xin nghỉ để phụ giúp chồng phát triển sự nghiệp. Và lúc ấy, vai trò của bác Sáu trong nhà lại càng quan trọng hơn gấp bội. Nói không ngoa, thành công của gia đình Yến như ngày hôm nay cũng là nhờ bàn tay chăm lo mọi thứ ở phía sau của bác Sáu. Từ lâu, gia đình Yến đã coi bác Sáu như người nhà, nhưng bác Sáu vẫn giữ nguyên cách xưng hô như ngày đầu tiên nhận việc.
Biết tính bác Sáu, Yến không nói gì thêm, chỉ lễ phép vâng dạ rồi đi xuống dưới nhà. Lúc Yến ăn sáng xong, đi lên phòng thấy bác Sáu vẫn đang đứng ở góc bàn học lau lau thứ gì đó.
Đi lại Yến hỏi:
– – Kìa bác Sáu, bác đang làm gì vậy…?
Bác Sáu tay cầm khung hình có ảnh chụp của Yến đưa ra rồi lắc đầu nói:
– – Cái khung ảnh này dính cái gì mà sao tôi lau mãi không được…..Cô chủ nhìn này, cái vết đen đen này là gì thế nhỉ…? Lau không sạch, nhìn xấu đi cả bức hình….Lạ thật.
Yến cầm khung ảnh lên xem, quả đúng là trên mặt kính có một vệt đen in hình như dấu tay người, mặc dù không rõ lắm.
Yến đáp:
– – Lạ nhỉ, tối qua cháu học bài đâu thấy có vệt này…..Để cháu lau thử xem.
Nói rồi, Yến rút một tờ giấy ăn, dùng giấy lau mặt kính trong khung hình, vệt đen trên kính được lau sạch trước sự ngạc nhiên của bác Sáu, Yến mỉm cười:
– – Ủa, lau được mà bác…..Sạch rồi nè….Hì hì.
Bác Sáu ngơ ngác:
– – Sao lại thế nhỉ, nãy giờ tôi dùng cả nước lau kính, dùng cả giấy báo, mà có dùng cả giấy ăn này để lau luôn, nhưng không tài nào sạch. Sao cô chủ lau một cái là sạch luôn được nhỉ…?
Yến nói:
– – Hì hì, chắc là do nãy bác phun nước lau kính nên giờ cháu lau mới sạch đó…..Cảm ơn bác Sáu nha, phòng cháu sạch quá rồi nè.
Nghĩ Yến nói cũng có lý nên bác Sáu không thắc mắc nữa. Buổi tối hôm ấy, bố mẹ Yến ra ngoài công chuyện nên không ăn cơm nhà. Đến bữa, bác Sáu dọn cơm ra bàn, ngồi chỉ có một mình, Yến thở dài, lúc đó bác Sáu vừa bê bát canh ra, Yến nhìn bác Sáu than thở:
– – Ngồi ăn có một mình như này chán quá à…? Bác Sáu, bác ngồi xuống ăn với cháu cho vui, nhà còn mỗi bác với cháu thôi, đi mà bác.
Bác Sáu đáp:
– – Dạ thôi, cô chủ cứ ăn trước đi….Lát tôi ăn sau, tôi cũng đã phần riêng cho ông bà chủ rồi.
Yến lắc đầu nguầy nguậy:
– – Thôi mà, bác ăn cùng cháu đi mà…..Cả bàn ăn rộng thế này, nhiều món thế này bảo cháu ăn một mình sao được…..Bác Sáu không ăn là cháu cũng không ăn luôn, đợi bao giờ bố mẹ về cháu mới ăn.
Nghe vậy bác Sáu vội nói:
– – Sao thế được, ăn uống là phải đúng giờ, hơn nữa ăn xong cô chủ còn phải học bài…..Không bỏ bữa được đâu.
Yến cười ranh mãnh:
– – Vậy bác Sáu ăn với cháu ha……Chứ không là cháu bỏ bữa thật ấy.
Chẳng còn cách nào, bác Sáu đành ngại ngùng ngồi xuống, Yến đứng dậy lấy thêm bát đũa cho bác Sáu rồi nhanh tay xới cơm, Yến cười:
– – Cháu mời bác ăn cơm, bác ăn đi…….Phải nói đồ ăn bác Sáu nấu là ngon lắm luôn á. Cháu đi ra ngoài ăn ở đâu cũng không ngon bằng bác Sáu nấu. Mà không chỉ cháu đâu, cả bố mẹ cháu cũng bảo thế.
Yến gắp thức ăn cho bác Sáu, thấy bác Sáu vẫn còn khép nép, không tự nhiên, Yến nói tiếp:
– – Kìa bác Sáu, sao không ăn mà cứ ngồi như thế…..Tính ra bác Sáu cũng ở nhà cháu được 3 năm nay rồi, không biết bác thế nào chứ cháu và bố mẹ cháu luôn coi bác là một thành viên trong gia đình. Vậy nên bác đừng có ngại hay suy nghĩ gì cả, bố mẹ cháu cũng nói nhiều lần kêu bác ăn cơm cùng với gia đình mà bác không chịu. Mà bác cứ xưng hô khách sáo như vậy cháu cũng buồn. Cháu chỉ mong bác Sáu ở đây mãi thôi.
Nghe Yến nói mà bác Sáu rơi nước mắt, những giọt nước mắt cứ thể nhỏ xuống bát cơm hãy còn tỏa khói.
Yến thấy bác Sáu khóc thì lại nghĩ mình đã lỡ miệng nói điều gì không phải, Yến vội xin lỗi:
– – Sao bác Sáu lại khóc, cháu…cháu xin lỗi…..Nếu cháu nói gì sai bác Sáu đừng giận nha…….Bác Sáu nín đi ạ…….Cho cháu xin lỗi.
Bác Sáu sụt sùi lau nước mắt, nhìn Yến, bác Sáu nở một nụ cười hiền hậu, bác Sáu nói:
– – Không phải đâu, cô chủ không nói gì sai cả….Tại tôi nghe những lời của cô chủ mà tôi cảm động quá, không cầm được nước mắt. Tôi biết ơn ông bà chủ nhiều lắm, thân già này chẳng biết làm gì để báo đáp, chỉ biết cố gắng làm thật tốt công việc của mình. Hôm nay được nghe những lời này từ cô chủ, tôi có chết cũng mãn nguyện. Sống đến hôm nay, được gặp ông chủ, bà chủ, cả cô chủ nữa đúng là phúc đức của tôi. Chỉ mong ông bà chủ không đuổi, tôi sẽ làm việc ở đây đến khi không còn làm được nữa. Tôi cũng không muốn xa mọi người…..
Càng nói, bác Sáu lại càng khóc nhiều hơn, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của một người phụ nữ đáng thương. Chẳng ai nói với ai câu nào, Yến đi lại ôm lấy bác Sáu rồi cũng khóc nức nở.
Cuộc nói chuyện của hai bác cháu được bố mẹ Yến đứng bên ngoài cửa phòng ăn nghe nãy giờ. Hai vợ chồng bà Thoa nhìn nhau khẽ mỉm cười rồi gật đầu. Họ mừng vì họ có một cô con gái hiểu chuyện, có tấm lòng nhân hậu, họ mừng vì họ đã tìm được một người giúp việc, một thành viên tâm phúc. Thực ra, bố mẹ Yến rất tôn trọng bác Sáu, không chỉ tôn trọng mà còn cả sự cảm phục nữa. Bởi họ biết, tiền lương hàng tháng bác Sáu đều đem đi giúp đỡ cho một trại trẻ mồ côi. Thế đấy, bác Sáu là người có hoàn cảnh đáng thương, tuy nghèo về tiền bạc nhưng thứ bác Sáu giàu nhất lại chính là tình cảm.
Cũng từ sau hôm đó, bác Sáu đã ăn cơm cùng với cả nhà, nhưng việc xưng hô thì bác Sáu mãi không sửa được. Mọi người biết vậy nên cũng không ép bác nữa, bởi dù sao xưng hô thế nào cũng không quan trọng, quan trọng là cách sống như thế nào mà thôi.
Sau đó khoảng 1 tuần, nửa đêm hôm ấy, trời nổi gió to, phòng bác Sáu cũng nằm trên tầng 2, là phòng để đồ của gia đình Yến ngày trước. Đang ngủ bỗng gió đập vào khiến cửa sổ bị bung ra. Vội vàng tỉnh giấc, bác Sáu đóng chặt cửa lại, nghĩ trời nổi giông, sợ Yến ở bên phòng kia ngủ say chưa chốt cửa sổ với cửa ban công. Bác Sáu đi ra khỏi phòng, bước tới phòng của Yến, định mở cửa thì cánh cửa vẫn hé chưa có đóng.
” Cập….Cập….Cập “
Khẽ mở cửa phòng nhìn vào trong, quả đúng cửa ban công đang bị gió thổi lập cập. Yến ngủ say không biết gì cả, đi vào trong phòng, bác Sáu chốt chặt cửa ban công lại rồi buông rèm. Xong xuôi, đi lại gần giường, định kéo chăn đắp lên cho Yến thì….
” Vù…..ù…..ù “
” Cập….Cập…Cập “
Rõ ràng ban nãy đã chốt cửa, chốt trên chốt dưới mà sao bây giờ cánh cửa ban công lại bị bung ra. Gió lùa vào trong khiến rèm cửa bị thổi tung lên phần phật.
Quay đầu lại nhìn về phía ban công, đột nhiên bác Sáu dúi người về phía trước, giống như vừa có ai đẩy mạnh từ phía sau.
” Cập…..Cập…..Cập “
” Uỳnh “
Sấm nổ vang trời, thêm vào đó là một tia sét sáng lòa soi sáng cả ban công trước mặt.
” Vụt “
Bất thình lình, bác Sáu nổi da gà, nhìn về phía giường, bác Sáu giật thót người khi Yến đã ngồi bật dậy từ bao giờ. Dưới ánh chớp, Yến mở mắt trừng trừng nhìn thẳng vào bác Sáu. Cái nhìn của Yến khiến toàn thân bác Sáu lạnh toát, dựng tóc gáy.
Đúng lúc đó, bên ngoài hành lang điện bật sáng, giọng của bà Thoa vang lên:
– – Chị Sáu, chị Sáu ơi……Trời sắp mưa to rồi…….Chị xem đóng cửa các phòng lại nhé.
Bác Sáu đáp lại bằng giọng run run:
– – Dạ…….dạ……tôi….biết rồi.
Nhìn lại một lần nữa thì Yến đã nằm xuống ngủ tiếp từ bao giờ……..