Tiếng Khóc Âm Hồn

Chương 4: Người Đã Khuất



5 năm trôi qua, mọi thứ bên trong nhà vẫn còn nguyên vẹn như cái ngày mà cả gia đình Phú quyết định sang bên Đức để định cư. Chỉ có điều ngôi nhà đã được phủ thêm một lớp bụi dày trắng xóa.

“ Phù “

Khẽ thổi lớp bụi bám trên kệ sách ngay bên ngoài phòng khách, bụi bay mù, chúng óng ánh theo những vệt nắng cuối chiều chiếu thẳng vào trong căn phòng đã rất lâu không có người đặt chân đến, mở bung hết tất cả những cánh cửa, mùi ẩm mốc từ từ theo những cơn gió lùa vào cuốn ra khỏi nhà, lúc này không khí mới dần thoáng đãng trở lại. Nhìn đồng hồ cũng không còn sớm, hơn nữa cũng chưa biết phải đi tới đâu để khai báo mở lại đường điện cũng như nguồn nước, Phú xếp gọn hành lý vào một góc rồi xắn tay áo lên tự nói một mình:

— Chậc, thôi thì cứ dọn dẹp tạm phòng khách để tối nay còn có chỗ ngủ. Đợi đến mai tính tiếp, cũng may mình có đem theo sạc dự phòng, nãy ra khỏi sân bay cũng đã mua sim hòa mạng luôn, tranh thủ dọn dẹp lúc trời còn sáng rồi điện thoại nói chuyện với bố mẹ sau vậy. Vào việc nào.

Nói là làm, Phú bắt tay vào quét dọn, đồ đạc phủ bụi lâu năm khiến cho phòng khách chỉ còn một màu đục đục bởi bụi bẩn bay khắp nơi mỗi khi Phú đưa cây chổi quét vào một nơi nào đó. Công việc dọn dẹp không dễ ăn như Phú vẫn thường nghĩ.

Đang ho khù khụ bởi bụi bay hết cả vào mũi, vào mắt mặc dù đã chuẩn bị cả khẩu trang để đeo thì Phú nghe thấy tiếng gọi bên phía ngoài cổng, là giọng của người phụ nữ hàng xóm:

— Mở cổng cô bảo cái này.

Phú chạy ra với khuôn mặt bám đầy bụi, kéo khẩu trang xuống, Phú thấy người phụ nữ bên hàng xóm tay đang cầm một cuộn ống dẫn nước. Người phụ nữ nói:

— Bụi như thế quét không sạch được đâu, phải dùng giẻ ướt để lau. Biết nhà cháu không có nước nên cô đem cái này sang, đầu bên kia lắp vào vòi nước trong nhà cô rồi, cháu lấy nước mà dùng, đừng ngại.

Hàng xóm mang đến cho Phú một món quà đúng thứ mà Phú đang cần. Không có nước Phú cũng chẳng biết phải giải quyết vấn đề này ra sao.

Phú cúi đầu cảm ơn rối rít:

— Dạ, cháu cảm ơn cô, may quá có cô giúp đỡ. Cháu tên là Phú, nãy nói chuyện mà vẫn chưa biết tên cô.

Người phụ nữ hàng xóm đáp:

— Cô tên Quỳnh, ôi dào, có gì đâu mà ơn với huệ, hàng xóm với nhau giúp nhau chút chuyện thế này có đáng gì đâu. À, mà cô có số của bên điện nước ở đây này, để cô gọi họ đến xem qua cho nhà cháu, chắc chỉ ngày mai là điện lại về bản thôi ấy mà.

Đang mệt mà nghe cô Quỳnh nói chuyện Phú cũng thấy vui hơn hẳn, trong lúc Phú xả nước để tiếp tục lau dọn thì cô Quỳnh gọi điện cho bên điện nước nhờ họ đến xem giúp Phú để Phú sớm ổn định việc sinh hoạt. Hóa ra cô Quỳnh là hội trưởng hội phụ nữ trong khu phố 1, chẳng trách cô ấy lại quan tâm giúp đỡ Phú nhiệt tình như vậy. 5 năm không về, khu phố cũng đã thay đổi khá nhiều, ngày gia đình Phú còn ở đây xung quanh khu vực này vẫn còn đang chia lô để phân bán, ấy vậy mà bây giờ nhà cửa đã mọc lên khá nhiều, mà tất cả đều là nhà cao cửa rộng, khang trang.

Gia đình Phú là gia đình khá giả, có điều kiện nếu không muốn nói là giàu, nhưng đúng ra thì là họ ngoại bên đằng mẹ Phú mới giàu, còn bố Phú là người Hưng Yên, huyện Phù Cừ, xã Tống Phan. Nói chung Phú không biết hai ông bà quen nhau như thế nào, nhưng ngày bà Thảo yêu ông Cảnh, gia đình bà Thảo phản đối kịch liệt. Họ cho rằng hai bên không môn đăng hộ đối. Nhà bà Thảo thì giàu, nhà ông Cảnh ở thì ở quê, một miền quê chân chất, dân dã. Nhưng vượt qua mọi rào cản, cộng thêm việc anh chị em cũng như bố mẹ bà Thảo đều đã định cư bên Đức mười mấy năm nay nên có ngăn cản cũng không giải quyết được gì. Phú có một người mẹ rất mạnh mẽ, kiên định. Ngay từ khi gia đình đều sang Đức sinh sống, bà Thảo không đi mà ở lại học hết đại học rồi tự mình mở công ty riêng để kinh doanh. Xã hội nói bà Thảo có được cơ ngơi như vậy là do hậu thuẫn từ gia đình, nhưng những người thân cận bên bà Thảo đều biết, tất cả đều do bà một tay gây dựng. Rồi số phận như trêu ngươi, khi công ty của bà Thảo đang trên đà phát triển nhất thì cũng là lúc bà bắt buộc phải đưa ra một quyết định mà có lẽ không bao giờ bà mong muốn. Bỏ lại tất cả để đưa gia đình sang Đức định cư.

Nói đâu xa, như ngôi nhà Phú đang ở bây giờ, năm ấy khi mới quy hoạch khu đô thị, đất ở đây chỉ những người có tiền mới mua được lúc đó thì bà Thảo đã mua liền một lúc 2 lô rồi xây ngôi nhà 2 tầng theo phong cách tân cổ điển khiến ai cũng phải trầm trồ. Nhưng xem ra 5 năm không ở Việt Nam, đất nước đang phát triển quá nhanh, khu phố giờ đây đã đúng với cái tên của nó, trở thành một khu phố thực sự với những kiến trúc sang trọng bề thế. Ngôi nhà của gia đình Phú ngày xưa là đẹp nhất thì giờ chỉ thuộc hạng tầm trung. Ngay bên cạnh, nhà của cô Quỳnh hàng xóm cũng là một ngôi nhà mang phong cách biệt thự châu âu. Đúng như lời cô Quỳnh, mặc dù đã hơn 5h chiều nhưng sau khi cô Quỳnh gọi điện thoại một lúc, một người mặc quần áo bảo hộ của EVN ( điện lực Việt Nam) đã có mặt để kiểm tra đường điện. Dù có chút vướng mắc do hộ gia đình đã nhiều năm không sử dụng điện, nhưng với sự giúp đỡ của cô Quỳnh, cùng với đó là một chút “ quà “ từ cậu thanh niên Việt Kiều Đức, cả bên điện lẫn bên nước đều cười nói vui vẻ quả quyết: Ngày mai sẽ có điện, có nước cho chủ nhà sử dụng.

Xong xuôi cô Quỳnh quay về nhà, còn Phú vẫn miệt mài lau dọn, chẳng mấy chốc mà trời đã sẩm tối. Muốn dọn tiếp nhưng trời tối cũng chẳng nhìn thấy gì nên Phú đi qua bên nhà cô Quỳnh xin đóng van nước. Phú vừa bấm chuông thì cô Quỳnh đi ra mở cổng, nhìn Phú mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cô Quỳnh nói:

— Cô cũng định sang bên nhà cháu, cô chú biết nhà cháu chưa có điện, có nước nên muốn mời cháu sang bên này ăn cơm tối. Cô cũng nói chuyện với chú rồi, chú cũng bảo gọi cháu sang ăn bữa cơm, thay lời xin lỗi mà mẹ cô làm phiền cháu lúc chiều.

Phú vội đáp:

— Dạ thôi, cháu cảm ơn, nhưng cháu có đem theo đồ ăn. Chuyện của bà cháu không nghĩ gì đâu. Cô chú mới gặp mà đã giúp đỡ cháu như này là cháu cảm ơn lắm rồi……Cô khóa giùm cháu van nước, cháu về đây ạ.

Phú định quay về thì trong nhà có một người đàn ông đi ra, dáng người cao to, vạm vỡ, là chồng cô Quỳnh, người này nói:

— Kìa, đừng khách sáo, thêm người thêm bát đũa thôi chứ có gì đâu. Thanh niên phải ăn to, nói lớn chứ sao lại phải ngại. Vào đây nào, chẳng lẽ để cả hai cô chú ra tận nơi mời mà vẫn từ chối sao….?

Đã nói đến như vậy thì đúng là muốn từ chối cũng không được, Phú gãi đầu gãi tai cười ngượng rồi cũng đồng ý đi vào nhà vợ chồng cô Quỳnh ăn nhờ bữa cơm. Bước vào trong nhà, nơi phòng bếp, bàn ăn đã được bày biện một số món ăn vẫn còn bốc khói nóng hổi. Nhìn qua một lượt Phú thắc mắc:

— Ơ, thế còn bà đâu ạ…?

Chú Nghị ( chồng cô Quỳnh) đáp:

— Mẹ chú ốm mệt cũng nửa năm nay rồi, sớm nấu xong đã đem lên phòng đút cho bà ăn rồi. Chú cũng nghe cô kể chuyện chiều nay, xin lỗi cháu, người già lẩm cẩm nói linh tinh, cháu đừng để ý.

Phú vâng dạ nói:

— Dạ, cháu không để tâm đến chuyện đó đâu ạ. Cô chú đừng nghĩ nhiều, cũng nhờ có cô mà hôm nay cháu giải quyết được bao nhiêu là việc.

Chú Nghị lấy chai rượu tây rót ra hai chiếc cốc nhỏ rồi hỏi Phú:

— Thanh niên sống bên Tây chắc uống được mấy loại rượu này chứ nhỉ…? Chú cháu mình cụng ly một cái. Nào, không thì nhấp môi thôi cũng được.

Bầu không khí rôm rả, vui vẻ đến khác lạ, ban đầu còn chút gượng gạo, nhưng càng nói chuyện, Phú lại càng được lòng 2 vợ chồng nhà hàng xóm. Món ăn cô Quỳnh nấu cũng rất ngon, đã 5 năm Phú mới được ăn những món ăn mang đậm chất Việt Nam như vậy. Bên kia thi thoảng bố Phú cũng nấu một vài món Việt, nhưng có những gia vị mà chỉ ở Việt Nam mới có nên cho dù có nấu như nào vẫn không giống khi ăn ở Việt Nam.

Cơm rượu no say, vợ chồng cô Quỳnh tiếp đãi Phú như người nhà, lúc này Phú mới hỏi một câu, một câu hỏi bỗng nhiên khiến cho không khí vui vẻ ấy bị kéo trùng xuống, nhâm nhi chén trà Phú nói:

— Cô chú có khi cũng trạc tuổi bố mẹ cháu, chắc anh, chị cũng lớn cả rồi chú nhỉ…?

Cô Quỳnh đang gọt hoa quả bỗng khựng lại, lưỡi dao cứa nhẹ vào đầu ngón tay cô khiến vết thương rỉ máu. Chú Nghị đang rót thêm trà cũng sững người để rồi nước trà tràn ra cả miệng chén.

Phú không hiểu câu hỏi đó của mình có gì sai mà lại khiến cả hai người thất thần như vậy. Nhưng đó không phải điều khiến Phú rùng mình, mà là từ phía hành lang, một cánh cửa buồng khẽ mở ra, một bóng người xuất hiện, đó là bà cụ mẹ chú Nghị đang lò dò đi ra khỏi phòng với những bước chân chậm chạp, cái lưng còng của bà khom xuống cùng với đó là mái tóc dài buông xõa, bạc trắng.

Chỉ vừa xuất hiện, bà cụ đã thay con trai lẫn con dâu trả lời câu hỏi của Phú:

— Nó chết rồi…….Ngày còn sống, nó cũng hay ngồi chỗ đó lắm.

Đôi mắt bà cụ nhìn chằm chằm vào vị trí của Phú, nhìn khuôn miệng móm mém của bà cụ đang nhoẻn ra cười sau câu nói lạnh lùng, bất giác Phú nổi da gà.

Cô Quỳnh vội đứng dậy chạy lại đỡ mẹ, nước mắt cô khẽ rơi xuống, vừa khóc cô vừa nói:

— Mẹ ơi, sao mẹ lại đi ra đây……Mẹ phải cẩn thận chứ….Hức hức.

Chú Nghị lúc này mới nói:

— Chú cũng có một đứa con trai tầm tuổi cháu, nhưng nó đã mất hơn 1 năm nay rồi. Có lẽ chiều nay nhìn thấy cháu chắc mẹ chú nghĩ đó là cháu mình nên mới đi sang.

Vừa nói, chú Nghị vừa ôm đầu buồn bã, lúc này Phú mới biết, mình đã hỏi một câu hỏi mang đến nỗi đau buồn cho tất cả những người sống trong ngôi nhà này……


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.