Trương Công Án

Chương 25



Sắc mặt của Đặng Tự đã có vẻ sốt ruột: “Trương Bình, không cần phải nhiều lời đâu, nhanh chỉ ra hung thủ luôn đi ông”.

Lữ Trọng Hoà tuyệt vọng vùng vẫy dưới sự chế ngự của nha sai. 

Trương Bình khom lưng nói: “Bẩm đại nhân, hung thủ mà học trò đã nói, chính là Hình bộ Thượng thư năm xưa, Đậu Phương.”

Lời hắn vừa nói khiến cả công đường chết lặng.

Đến cả Lan Giác nhất thời cũng không suy nghĩ được gì. Chỉ nghe Trương Bình nói tiếp: “Lúc học trò nghe vụ án Trần Tử Thương năm xưa, có một chuyện mãi không hiểu. Trong bài thơ của Trần Tử Thương có sử dụng mấy câu thơ của mẹ y, cho nên y hoàn toàn không hề đạo văn, chứng cứ như thế, sao ngay từ đầu y không chịu nói ra, mà lại đợi đến lúc cả nhà vong mạng, đợi lúc lật lại bản án mới tra ra. Chuyện này thật không hợp lý chút nào.”

Khi một ai đó bị oan uổng, nhất định sẽ cố sức lôi cho bằng hết tất cả bằng chứng ra chứng minh sự trong sạch của bản thân mình. Nhưng tại sao Trần Tử Thương lại không làm vậy?

Là không nói ra hay là sau khi đã nói ra rồi, lại bị kẻ khác cố tình bỏ qua?

“Đậu đại nhân là vị quan thanh liêm, đã xử qua nhiều vụ án lớn, học trò ngưỡng mộ kỳ danh đã lâu. Trong vụ án Trần Tử Thương, ông ấy đã lật tung toàn bộ của cải gia sản Trần gia, nhưng chỉ duy có đầu mối này là bị bỏ qua. Học trò cảm thấy rất kỳ lạ. Còn cả cái chết của mẫu thân Trần Tử Thương.”

Trần phu nhân đập đầu chết ngay trước cửa Hình bộ, còn cố ý chọn đúng lúc kiệu của Liễu Viễn đi đến. Hành động này giống như sự tranh đấu cuối cùng trong cam chịu khi đã rơi vào tình cảnh bất lực, phẫn uất không thể làm gì, cũng không thể nói ra sự thật.

Bà ấy đã dùng chính tính mạng mình để kêu oan, bà ấy đã biết những gì, nhưng lại không thể nói ra được?

“Khi học trò tra ra chân tướng vụ việc mới phát hiện ra rằng, thật ra Trần phu nhân đã dùng chính cái chết của mình để nói cho cả thế gian biết nội tình của vụ án này.”

Đặng Tự cuối cùng cũng mở miệng, ông nhìn chằm chằm vào Trương Bình, nhả ra từng chữ một: “Khi ngươi nói những lời này là đã có ý phỉ báng mệnh quan triều đình, nếu như ngươi không đưa ra được chứng cứ, kết quả thế nào, tự ngươi đã biết.”

Trương Bình không trả lời, chỉ nói tiếp đoạn ngừng ban nãy.

“Lúc học trò đến nhà in Tư Hiền, phát hiện một chuyện rất kỳ lạ. Sáu năm trước, văn hội mà Trần Tử Thương đã đắc tội, một trong những thương hội tổ chức chính là nhà in Tư Hiền.”

Trần Tử Thương bị xử oan, vậy thì sau đó ai đã lập tức đem tác phẩm của y đưa ngay cho Mã Hồng? Rõ ràng là người tổ chức kỳ thi.

Tại sao đến chết rồi mà Mã Hồng vẫn không chịu nói ra, vẫn cứ vu cáo Trần Tử Thương? Rốt cuộc ai là kẻ đã đưa bài thơ của Trần Tử Thương cho hắn?

Gia cảnh Mã Hồng và Mã Liêm vốn bần hàn, sao Mã Liêm lại có khả năng thay đổi hộ tịch của mình, đổi thành người Quận Thục rồi đến Kinh Thành?

“Nhiều thứ kết nối lại với nhau, Trần Tử Thương giống như kẻ bị người khác cố ý hãm hại. Những điều này làm học trò nghĩ mãi không thông, vì thiếu mất một nguyên nhân.”

Thiếu đi động cơ rắp tâm hãm hại Trần Tử Thương. Bố cục tỉ mỉ như thế, có thể thấy kẻ dựng nên không tầm thường chút nào, vậy tại sao hắn phải làm như thế?

Sáu năm sau, tại sao Nhị chưởng quỹ của nhà in Tư Hiền phải tạo ra một thân phận khác giết chết đệ đệ của Mã Hồng là Mã Liêm?

“Chỉ cho đến khi Lan đại nhân vô tình nhìn thấy bản phỏng bút tích của Trần Tử Thương của học trò, nói cho học trò biết một điển cố, lúc đó vụ án này mới trở nên rõ ràng.”

Trương Bình móc tờ giấy ra khỏi ống tay áo, chính là văn bia hôm đó hắn phỏng được trong từ đường Trần Tử Thương.

Đặng Tự ấn lên trán nói: “Lan Thị lang, may mà ngài ở đây, ngài có thể giải thích một chút được không, từ bút tích của Trần Tử Thương sao có thể nhìn ra được chân tướng của vụ án oan sáu năm trước?”

Lan Giác đáp: “Hạ quan cũng không hiểu chân tướng là gì. Chỉ cảm thấy chữ viết của Trần Tử Thương rất khó viết, không nghĩ đến bản triều vẫn còn có người có thể viết được nét chữ thế này.”

Thuộc hạ mang bản dập dâng lên, đến Đào Châu Phong cũng sáp lại xem.

Bốc Nhất Phạm nói: “Đây là thể hành thư của Vương Hữu Quân, nhiều người tập qua, chẳng có gì là lạ cả.”

Đào Châu Phong lại nhíu mày: “Có chút quái lạ đấy. Làm sao y lại có thể viết nét chữ này nhỉ?” Rồi đột nhiên ngẩng đầu lên, “Chẳng lẽ…”

Lan Giác khẽ thở dài: “Đào đại nhân nhìn ra rồi à, nét chữ phỏng của người này chính là trong Lan Đình Thư của Vương Hữu Quân, nhưng kỳ lạ là, nét phỏng theo không phải theo quyển Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương hay Phùng Thừa Tố.”

Tương truyền, năm xưa Đường Thái Tông lệnh thừa tướng Tiêu Dực lừa lấy được “Lan Đình tập tự”, thích đến nỗi không bỏ xuống, lệnh cho các nhà thư pháp trong triều lâm theo bản gốc, còn khắc lên đá, ban phát cho hoàng thân trọng thần và các học cung trong thiên hạ.

Các bản phỏng Chử Toại Lương, Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Phùng Thừa Tố, Gia Cát Trinh là nổi tiếng nhất.

Bản gốc “Lan Đình tập tự” được tuẫn táng theo Đường Thái Tông. Các bản phỏng và khắc đá dần dần mất tích trong thời loạn. Lưu truyền đến ngày nay chỉ còn bốn bản Chử, Ngu, Phùng và Âu Dương.

Trương Bình nói: “Lần được Lan đại nhân chỉ điểm, khiến học trò nhớ lại một chuyện xảy ra nhiều năm về trước ở bản triều, tin rằng các vị đại nhân nhất định vẫn còn nhớ rõ.”

“Chẳng lẽ, chẳng lẽ…?” Đào Châu Phong há hốc miệng, ngạc nhiên ngồi phịch xuống ghế.

Trương Bình chậm rãi gật đầu.

Hơn hai mươi năm trước, bản triều đã từng trải qua một chuyện lạ khiến người người đau buồn.

Huyện nhỏ Đông Lân của Khánh Châu xây miếu đào đất, đào được một cái hộp đá từ dưới đất lên. Trong huyện cho rằng đây là cổ vật nên đưa lên Châu phủ.

Tri phủ Khánh Châu khi đó chính là tổ phụ của Trần Tử Thương, Trần Văn Định.

Khi hộp đá được đưa đến Trần phủ, bằng hữu của Trần Văn Định là Học sĩ Hàn lâm viện Chu Công Toại hồi hương thăm quê, trên đường đi đã ghé qua Khánh Châu, ở Trần phủ làm khách. Ông tinh thông cổ vật, sau khi giám định hộp đá này xong, đoán định đây có thể là vật triều Đường.

Trần Văn Định gọi thợ đến mở hộp ra, trong hộp không có vàng bạc châu báu gì, nằm trong miếng lót gấm là một quyển lụa thư. Trên sách viết, rõ rành rành “Lan đình tập tự”, nhưng nhìn thể chữ và lạc khoản, không phải là bản phỏng của Chử, Ngu, Phùng hay Âu Dương.

Chu Công Toại nhiều lần suy xét kiểm tra, đoán rằng quyển lụa thư này rất có khả năng chính là bản phỏng Gia Cát Trinh đã thất truyền.

Nơi tu sửa miếu điện kia hoá ra lại là học cung vào thời Đường, có lẽ vào lúc cuối Đường chiến loạn, người trong học cung trốn chạy chiến tranh, nên đem bản phỏng này bỏ vào hộp đá, chôn xuống đất.

Trải qua rất nhiều năm mới một lần nữa nhìn thấy ánh mặt trời.

Trần Văn Định và Chu Công Toại lập tức viết thư bẩm báo triều đình.

Tiên đế sau khi biết được vô cùng vui mừng, lệnh cho Chu Công Toại lập tức đem quyển sách lụa về Kinh Thành.

Chu Công Toại rời khỏi Khánh Châu, ngồi thuyền hồi kinh. Chính vào tối hôm đó, trên sông gặp phải thuỷ phỉ, cả nhà già trẻ lớn bé cùng nô bộc thuyền viên tổng cộng gần ba mươi người, hầu như vùi thân nơi đáy biển.

Thuyền bị một ngọn lửa lớn nuốt chửng sạch sẽ.

Vụ việc này làm chấn động cả vua và dân, Hình bộ nhận lệnh điều tra, hơn một tháng sau thì phá được án. Hung thủ gây nên vụ này là thổ phỉ trấn giữ một dãy ven sông, thủ lĩnh tên gọi Ngưu Bá. Theo những gì hắn thừa nhận, hắn tưởng Chu Công Toại là “khâm sai quan lão gia”, trên thuyền có rất nhiều rương hòm, thế là nổi dã tâm, sau khi giết người, cướp hết vàng bạc châu báu còn nổi lửa đốt luôn cả thuyền.

Khi lục soát hang ổ của hắn, kết quả chỉ nhìn thấy rất nhiều báu vật, còn dấu tích của bản phỏng “Lan Đình tập tự” của Gia Cát Trinh chẳng thấy đâu.

Có lẽ bản phỏng đó đã vùi thân nơi lửa biển, từ đó thất truyền.

Ngưu Bá và toàn bộ phỉ khấu bị xử tử hình, Trần Văn Định cũng tự nhận lỗi từ quan.

Đậu Phương là môn sinh của Chu Công Toại. Trương Bình được sự đồng ý của Vĩnh Tuyên Đế, lật giở lại vụ án năm xưa, phát hiện Đậu đại nhân lúc đó đã từng dâng thư lên triều đình, nói vụ án này vẫn còn điểm đáng ngờ, nghi rằng Ngưu Bá bị người khác xúi giục, hoàn toàn không đơn thuần chỉ cướp tiền bạc. Nhưng lúc đó ông trúng tuyển chưa lâu, vẫn chỉ là một Tiểu lại nhỏ nhoi, thấp cổ bé họng, cũng không có chứng cứ gì. Sau khi đám Ngưu Bá bị chém đầu thì vụ án này kết thúc.

Mặt Lữ Trọng Hoà nguội lạnh, cũng không còn giãy giụa, vì lúc nãy vùng vẫy dữ quá nên tóc giả của y rơi ra, để lộ nửa đỉnh đầu trọc lóc.

Trên da đầu có những vết sẹo chi chít, tựa như vết phỏng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.