Ngày 32

Chương 48



tháng Mười, hồi VI

“Cái chết của phi công Trình Tư Nguyên hẳn khiến Châu Yến An nhớ lại thảm kịch năm năm trước. Cậu ấy không còn lựa chọn nào khác. Cậu ấy đã tự tay kết thúc một sinh mạng lẽ ra không nên chết, cũng khiến lý tưởng cậu ấy đứng trên bờ vực sụp đổ lần nữa. Nhưng lần này, Châu Yến An đã không còn đường lui. Chẳng những không thể rút lui mà còn phải dũng cảm tiến lên, chịu đựng một hiện thực bất lực và không được lựa chọn.”

“Thực ra, lần đầu tiên nhận được cuộc gọi và nghe Châu Yến An nói về ngày 32, tôi thậm chí còn hỏi ý kiến tâm lý gia trong quân đội. Anh ta nói rằng ngày 32 có lẽ chỉ là cuộc tháo chạy của cậu ấy khỏi thế giới thực tại. Trong thế giới ảo tưởng đó, không có lòng người phức tạp, không có đấu tranh chính trị, và không có quá nhiều tình cảnh bất lực. Chỉ có rất ít cá nhân, mâu thuẫn cũng rất đơn giản, cậu ấy có thể giải quyết gọn gàng; đó là một nơi có thể dựa vào sức mạnh nội tại để Châu Yến An làm mạnh “Cái Tôi”. Tôi ngỡ rằng tình trạng của Châu Yến An nghiêm trọng hơn; nhưng bây giờ xem ra, nó còn kinh khủng hơn ác mộng. Cớ gì ngày 32 phải liên kết với thực tế chứ.”

Nhận định của người nọ về Châu Yến An cũng hệt như phán đoán của nhà tâm lý Điền Lộ với Dịch A Lam.

“Tôi đang nghĩ, tại sao tôi phải nói những điều này với cậu? Tôi đang mong cậu hiểu được những gì mà chúng tôi, đặc biệt là Châu Yến An, đang phải đối mặt suốt thời gian qua ư? Nhưng trong ngày 32, ngoại trừ cậu, Châu Yến An không còn người bạn nào nữa.” Trịnh Đạc cười khổ, nhìn Dịch A Lam.

Hắn không nhìn thấy thứ cảm xúc rẻ tiền trên khuôn mặt y, hay tỏ vẻ rằng “Tôi hiểu, tôi hiểu” dưới một “hình thái” mãnh liệt khác. Hắn chỉ trông thấy một ánh mắt dịu dàng và ẩm ướt.

Trịnh Đạc từng đặc biệt chú ý đến Dịch A Lam. Trên thực tế, kể từ ngày Dịch A Lam gia nhập Tổ công tác khẩn cấp Ngày 32, việc chú ý đến y đã là bài tập về nhà cần thiết đối với một số người. Theo quan điểm của Trịnh Đạc, Dịch A Lam quá ư trầm lặng; ngay cả khi đau buồn, y vẫn liếm láp và im lặng chịu đựng. Điều này khiến nhiều người nhiều việc “chiếu” lên y, song đều bị y “nuốt chửng”, chẳng có lấy một “tia phản xạ”. Người quan sát cũng không nhận đủ thông tin phản hồi để đánh giá nhanh về y.

Y thường là thế – trong nhiều cuộc họp, tiếp nhận thông tin bên ngoài một cách thụ động; nếu không cần thiết, chỉ lắng tai nghe.

Tuy nhiên, vào lúc này, Trịnh Đạc cảm nhận được niềm an ủi lớn lao bởi ánh mắt dịu dàng ấy. Hắn bỗng thấy cảm kích vì Dịch A Lam là bạn đồng hành cùng Châu Yến An trong ngày 32. Bởi thứ Châu Yến An cần chưa bao giờ là lời động viên; nó không đơn giản như chỉ cần dăm ba câu “Anh không sai”, “Anh cần phấn chấn lên”, “Anh sẽ vượt qua căn bệnh này”… là xoa dịu được. Châu Yến An cần gì? Có lẽ cậu ấy không cần gì cả. Trịnh Đạc không rõ, nhưng dẫu thế nào chăng nữa, sự tồn tại lặng lẽ và dịu dàng của Dịch A Lam đã làm người ta vơi bớt cảm giác tuyệt vọng.

Trịnh Đạc lau mặt, như muốn xóa đi vẻ yếu ớt không nên thuộc về hắn: “Dịch A Lam, tôi chỉ muốn nói cho cậu biết Châu Yến An cũng là một người bình thường.”

Dịch A Lam nhẹ giọng: “Tôi biết.”

Đừng để bị lừa bởi vẻ ngoài cứng như kim cương của anh, Châu Yến An thực ra mỏng manh như thủy tinh trong suốt vậy.

Dịch A Lam tưởng rằng mình và Trịnh Đạc là hai người duy nhất trong nhà, song đến chín giờ tối cùng ngày, nội dung cuộc đối thoại giữa y và Trịnh Đạc lại được chuyển đến bàn của La Thái Vân bằng văn tự.

Sau khi xem tài liệu quan trọng do Bộ Quốc phòng gửi đến, La Thái Vân mở tập hồ sơ này vào lúc rạng sáng một giờ. Đoạn bà đưa nó cho “trợ thủ” của mình là Ôn Ngọc Sinh – Dịch A Lam đinh ninh rằng người đàn ông trung niên thường xuất hiện đột ngột và hiếm khi ăn vận chỉnh tề này chính là trợ thủ kiêm thư ký của La Thái Vân, ngang hàng với Trịnh Đạc trong Tổ công tác. Mặc dù Ôn Ngọc Sinh chưa từng được giới thiệu chính thức, song hắn ta luôn có mặt trong vài cuộc họp bí mật mà ngay cả Trịnh Đạc cũng không đủ tư cách tham dự.

Ôn Ngọc Sinh kỳ thực là một chuyên gia tâm lý có thẩm quyền, cũng là người bạn lâu năm của La Thái Vân; đảm nhiệm chức vụ tư vấn tâm lý đối ngoại của Bộ Quốc phòng. Đôi khi bắt được dăm ba tên tội phạm khá ngoan cố, dù họ thẩm vấn thế nào cũng nhất quyết không hé răng; những lúc thế này, chính là sân khấu của Ôn Ngọc Sinh. Hắn ta dùng cách đặc biệt của mình để kết nối với tội phạm hoặc tấn công vào điểm yếu tâm lý của đối phương để phá vỡ sự phòng vệ.

La Thái Vân đã mời Ôn Ngọc Sinh đến Tổ công tác khẩn cấp sau nhiều lần suy nghĩ kỹ lưỡng.

Đọc xong tập tài liệu, Ôn Ngọc Sinh hỏi La Thái Vân: “Chị muốn tôi tìm cơ hội nói chuyện với Châu Yến An à?”

La Thái Vân nói: “Cậu đọc báo cáo điều trị của Châu Yến An năm năm trước chưa?”

Ôn Ngọc Sinh: “Tôi đọc rồi. Tình trạng khi đó của cậu ta khá nghiêm trọng, đã ảnh hưởng đến các chức năng sống. Nhưng báo cáo kiểm tra sức khỏe đầu vào đã chứng minh cậu ta hồi phục khá tốt trong năm năm qua, các chỉ số tâm sinh lý đều ổn. Chẳng qua thâm tâm cậu ta thế nào thì còn chưa chắc.”

“Liệu chứng rối loạn của cậu ta có đe dọa đến an ninh quốc gia không?”

“Không.” Ôn Ngọc Sinh khẳng định. “Có thể nói nguyên nhân khởi phát đến từ chuyện này: chỉ cần cậu ta ích kỷ một chút, là đã chẳng mắc kẹt như thế.”

“Vậy thôi, cậu không cần nói chuyện với Châu Yến An đâu.” La Thái Vân bảo. “Châu Yến An từng tiếp xúc với nhiều nhà tâm lý, sẽ nhận ra ý định của cậu. Cách cậu dẫn dắt chưa chắc đã chữa khỏi Châu Yến An, còn vô hình trung gây áp lực cho cậu ta. Tôi không muốn Châu Yến An xem đây là “áp lực từ chính phủ”, giống như chúng ta thậm chí còn không được phép trầm cảm. Chúng ta nên cho cậu ta một tự-do tiêu-cực; dầu gì, con người cũng đôi khi thấy mệt mỏi mà.”

La Thái Vân xoa vầng trán nhưng nhức rồi khẽ nhắm mắt, đây có lẽ là lời nhắc khéo của Trịnh Đạc dành cho bà, rằng đừng nên tạo áp lực quá lớn cho Châu Yến An. Trịnh Đạc tuy không phải là đặc vụ chuyên nghiệp, song hắn đương nhiên phải biết một số phương pháp chống nghe lén. Nếu không muốn có người thứ ba ngoài Dịch A Lam nghe thấy, hắn sẽ chọn một nơi khác chứ chẳng phải là nhà an toàn do Bộ Quốc phòng cung cấp.

La Thái Vân bảo: “Khám sức khỏe định kỳ trước khi bước vào ngày 32 tương đương với một lần khám toàn diện. Nếu (chứng rối loạn) Châu Yến An thình lình tái phát, hoặc thậm chí nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến các chức năng sống, đội y sinh nhất định sẽ phát hiện đầu tiên, chúng ta không có gì phải lo lắng. Còn đối với những xáo trộn bên trong, thôi thì cứ tin tưởng cậu ta đi.”

Ôn Ngọc Sinh gật đầu đồng ý.

Dịch A Lam cũng đôi khi hốt nhiên nghĩ đến khuôn mặt thoạt trông bình thường của Ôn Ngọc Sinh, nhất là vào những lúc hắn ta ngẩn ngơ không biết làm gì. Y còn phát hiện rằng Ôn Ngọc Sinh thích quan sát những người phát biểu trong buổi họp, thường ghi lại điều gì đó vào sổ tay. Phải thừa nhận, Dịch A Lam bị ấn tượng sâu sắc bởi ánh mắt khi hắn ta nhìn chăm chú một người. Nó khiến ta liên tưởng rằng mình là một con cá trôi từ đáy sông tối tăm lạnh lẽo lên vùng nước ấm – nơi có ánh ban mai hiền hòa cùng làn gió thanh mát; và khi ta đang bơi lội thỏa thích, vô thức dỡ xuống tấm khiên phòng vệ để đớp lấy con mồi, thì cũng là lúc những bí mật sâu kín nhất trong tim bị khoét rỗng bởi chiếc móc câu sắc nhọn.

Đương lúc nghĩ về phép ví von ấy, sự chú ý của Dịch A Lam bỗng chuyển sang người khác. Đó chính là Điền Lộ, nhà tâm lý cũ của y. Điền Lộ cũng có đôi mắt như thế, nhưng không tinh xảo và tự nhiên như Ôn Ngọc Sinh. Khi Điền Lộ nhìn Dịch A Lam, y có thể cảm nhận rõ đối phương đang cố hết sức khiến mình nới lỏng cảnh giác, khiến mình đặt niềm tin lên anh để rồi trải hết những khắc khoải trong lòng.

Dịch A Lam bỗng toát lên một ý nghĩ, rằng liệu sau mấy tháng qua Điền Lộ có còn nhớ thân chủ là mình hay không? Và liệu anh có còn nhớ ngày 32 mình từng nói? Nếu một ngày Điền Lộ hay tin ngày 32 là thật, anh sẽ nghĩ gì về những phán đoán của mình lúc trước?

Điền Lộ ư? Anh vẫn nhớ hết đấy.

Trong vòng vài tháng sau khi gặp Dịch A Lam, Điền Lộ đã tiếp xúc với ngày 32 từ những con đường khác nhau.

Con đường đầu tiên cũng là thân chủ của anh. Khi Điền Lộ nghe lại những câu từ miêu tả tương tự về ngày 32 từ một nữ sinh mười chín tuổi không hề có quan hệ gì với Dịch A Lam, anh đã phải bối rối thật lâu. Trong một tích tắc, anh gần như cho rằng đây là trò đùa dai của ai đấy cố ý nhằm vào mình.

Sau đó, khi tham dự một hội thảo của ngành tâm lý học ở Nam Lâm, và trò chuyện với một đồng nghiệp, anh mới biết rằng người nọ cũng gặp phải những thân chủ tự nhận có thể bước vào ngày 32.

Cậu bạn đồng nghiệp mở một phòng tham vấn nhỏ ở vùng sâu vùng xa, ngỡ rằng chỉ có mình gặp phải những “thân chủ” đó. Cậu ta còn nói đùa với Điền Lộ: “Xã hội hiện đại, con người bị hành hạ đến không kể xiết, đủ loại chứng bệnh quái đản thi nhau ra đời…”

Điền Lộ thận trọng hỏi về đặc điểm thân chủ, được biết người nọ không phải Dịch A Lam, cũng chẳng phải nữ sinh đại học mười chín tuổi. Vậy, đã có ba người.

Điền Lộ muộn màng nhận ra, rằng “ngày 32” có lẽ không đơn giản như vậy.

Suy đoán ban đầu của anh, “ngày 32” là một kiểu tư tưởng tương tự như các triết lý tà giáo, hoặc có nội dung mang tính tẩy não. Nó cũng có khả năng là một trò chơi đang thịnh hành gần đây, bộ phận thanh niên buồn chán, bi quan hoặc có tính cách nổi loạn thể hiện sự bất mãn đối với xã hội bằng phương pháp chơi game nhập vai này.

Trong mọi trường hợp, đây cũng là một hiện tượng xã hội thú vị. Điền Lộ dự định sẽ nghiên cứu sâu về nó khi có thời gian.

Điền Lộ – một tâm lý gia khá nổi bật trong ngành, lịch hẹn chật kín; vào một ngày nọ, anh nhận được cú điện thoại đánh vỡ nhận thức luận của mình.

Người gọi tự giới thiệu: “Đàn em Điền Lộ, phải không? Anh là Nhuế Đào. Anh lấy thông tin liên lạc của em từ thầy Trình.”

Điền Lộ biết Nhuế Đào, một đàn anh hơn mình vài tuổi, là người cực kỳ tài giỏi. Giáo sư hướng dẫn của anh lúc đó là thầy Trình, thường dùng rất nhiều lời có cánh để khen ngợi Nhuế Đào. Chẳng qua sau tiến sĩ, Nhuế Đào tập trung nghiên cứu nhiều hơn về tâm lý học xã hội.

Trước sự lễ phép của Điền Lộ, Nhuế Đào đi thẳng vào vấn đề: “Em có nghe nói về “ngày 32″ chưa?”

Điền Lộ thoáng lên giọng: “Đàn anh, anh cũng gặp thân chủ như vậy rồi ư?”

Nhuế Đào cười: “Xem ra em cũng biết. Vậy tốt rồi, anh không cần giải thích cho em ngày 32 là gì nữa.”

Điền Lộ hỏi: “Đàn anh nghĩ gì về hiện tượng này ạ? Ngày 32 là một xu hướng mới, tư tưởng mới hay chỉ là trò chơi?”

Bấy giờ, Điền Lộ thậm chí còn tự hỏi: Liệu đây có phải là thực nghiệm do nhóm Nhuế Đào tiến hành?

“Là thật đó.”

“Vâng?”

“Như thân chủ của em đã nói, ngày 32 là thật. Vào cuối mỗi tháng, một số ít cá nhân bước vào ngày 32 mà không rõ lý do. Đó là một bản sao hoàn hảo của thế giới vật chất mà ta đang sống.”

Điền Lộ cứng người: “Em, em ghi nhận ý kiến của an…”

“Vì anh cũng thế.”

Điền Lộ im bặt.

Nhuế Đào nghiêm nghị rằng: “Từ cuối tháng Năm, anh đã bước vào ngày 32 năm lần. Mỗi lần hệt như nằm mộng, lần nào tỉnh lại cũng trở về với thời không này. Thoạt đầu, ngay cả anh cũng thắc mắc liệu mình có bị thao túng tâm lý hay không. Đến khi anh gặp một thân chủ tâm sự với mình, và đến khi anh đồng ý gặp thân chủ trong ngày 32, anh mới biết nó là thật đấy em.”

“Xin lỗi, đàn anh.” Điền Lộ khó xử. “Có lẽ em phải mất một lúc mới tiêu hóa được. Không phải em nghĩ anh lừa em, mà là chuyện này nằm ngoài nhận thức rồi.”

“Trong ngăn kéo có khóa ngay bên trái bàn tham vấn, ở dưới cùng có một cuốn sổ. Trong cuốn sổ kẹp tấm ảnh chụp vợ thầy Trình, chính xác hơn là tấm ảnh được cắt ra trong một cuốn tạp chí.”

Điền Lộ đỏ mặt: “Anh, anh nói nhảm.”

Điền Lộ bước nhanh đến bàn mở ngăn kéo, tấm ảnh được cắt trong một trang tạp chí khoa học vẫn nằm ở góc bí mật nhất. Lề giấy và bề mặt cuốn sổ, hay thậm chí là những giấy tờ khác đều ở đúng vị trí, không có dấu vết bị xới tung.

“Đó là những gì anh thấy vào ngày 32. Xin lỗi em, anh biết làm vậy đã xâm phạm quyền riêng tư của em. Nhưng nếu không làm thế, e rằng em vẫn không chịu tin anh. Anh không hề có ác ý với em. Có lẽ em từng thầm mến vợ của thầy, nhưng chúng ta đều biết em chưa từng làm điều gì có lỗi với ai. Thương mến một người là điều không thể kiểm soát, đây vốn là bản chất con người. Anh có hỏi thầy Trình, rằng nếu cần một trợ lý đáng tin cậy, phẩm chất tốt và chuyên môn vững, thầy có đề cử ai không. Lúc đó thầy Trình giới thiệu em đầu tiên, thầy ấy biết rõ mọi thứ đấy.”

Điền Lộ cầm điện thoại ngã ngồi xuống ghế.

Bẵng đi một lúc, Điền Lộ hỏi vẻ yếu ớt: “Nhưng liên quan gì đến em? Dù ngày 32 là thật, cũng không liên quan đến em mà.”

Nhuế Đào cười: “Như đã nói với thầy Trình, anh đang cần một trợ lý đáng tin cậy.”

“Anh đang nghiên cứu cái gì ư?”

“Ngay khi nhận ra ngày 32 không nguy hiểm đối với mình, anh cũng ý thức được nơi đó đang tồn tại rất nhiều bảo vật. Anh đã thành lập một nhóm tên là Những người nhặt rác, bao gồm cả anh, đã có hai mươi bảy thành viên từ khắp nơi trên thế giới; chủ yếu đến từ thân chủ, bạn bè và bạn cùng lớp. Đây có lẽ là ưu thế của tâm lý gia, quá nhiều người tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhà tâm lý khi họ bị choáng ngợp trước ngày 32.”

“Anh tập hợp những đối tượng này lại. Họ không cần làm gì nhiều, chỉ cần đến ngày 32 hoàn thành một ít nhiệm vụ anh giao, rất dễ dàng. Tỷ dụ như, họ sẽ tiêu hủy tấm ảnh kia của em trong ngày 32; em không cần phải lo lắng về việc có ai nhìn thấy nó nữa. À, anh đã tiện tay xé bỏ giúp em rồi.”

Điền Lộ ngây người.

Nhuế Đào nói: “Tất nhiên, chuyện của em chưa phải là việc gì to tát. Ít ai quan tâm về nó, anh đoán em cũng chẳng sẵn lòng bỏ tiền thuê Những người nhặt rác đi tiêu hủy. Song người khác thì chưa chắc. Bí mật của họ liên quan mật thiết đến vị thế, tài lực, hay thậm chí là tính mạng. Họ sẵn sàng chi trả hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn và đôi khi lên tới cả chục triệu chỉ cốt giải quyết nỗi lo trong ngày 32. Họ thực sự sẵn lòng đấy em, anh đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng.”

Điền Lộ cau mày: “Nếu họ tình nguyện bỏ ra nhiều tiền chỉ muốn phá hủy một bí mật, nhất định không phải kẻ lương thiện gì.”

Nhuế Đào bật cười: “Thầy Trình quả nói không sai, trình kiểm duyệt đạo đức của em rất “gắt”. Vậy anh càng yên tâm rồi.”

Điền Lộ chẳng có tí cảm giác tự hào nào, anh hừ giọng: “Em có thể tưởng tượng ra khách hàng của anh là ai: những quan chức cao cấp tham nhũng, những kẻ xấu xa đạo đức giả… À, còn có mấy tên tội phạm đang lộng hành ngoài vòng pháp luật nữa.”

Nhuế Đào cười: “Có phải em còn cho rằng anh “nối giáo cho giặc”? Vì tiền mà bất chấp tất cả, thậm chí vứt luôn lòng tự tôn? Vậy để anh, một tiến sĩ tâm lý học xã hội nói em nghe nhé. Anh không làm việc ác, mà anh đang duy trì trật tự xã hội. Dù quốc gia biết anh đã và đang làm gì, họ cũng ngầm cho phép.”

“Ví dụ, xã hội này là một ngôi nhà, và vô số người đang làm việc chăm chỉ để xây dựng nó. Họ làm cho nó cao, cho nó kiên cố, cho nó đẹp đẽ; song ở những góc mà ánh mặt trời không thể rọi tới, cũng có ti tỉ con sâu đang âm thầm gặm nhấm và ăn mòn các cột. Tất cả chúng ta đều biết điều này, đúng không em? Mặc dù tồn tại tham nhũng và tội ác, nhưng quá trình tổng thể vẫn đang tiến triển tốt; chúng ta có thể từ từ giết hết đám sâu mọt đó. Nhưng bây giờ xuất hiện ngày 32, chẳng khác nào từ dưới đất mọc lên một mặt trời mới. Rồi nó chiếu sáng những góc khuất, đám sâu bọ thường cẩn thận trầm lặng sẽ bắt đầu sợ hãi. Vì sinh tồn, chúng không ngại thực hiện những hành vi điên rồ, liều lĩnh, vặn vẹo; và sau cùng, chúng sẽ làm cho phần móng của ngôi nhà lung lay sụp đổ.”

“Anh không giúp họ thay đổi gì cả, anh chỉ duy trì bộ dáng như trước. Đó là một mặt; mặt khác, những người có thể đi vào ngày 32 cũng là ẩn số. Họ đặt chân vào một thế giới tự do, cởi mở, “trong suốt”, muốn làm gì thì làm. Con người có bí mật, công ty có bí mật, quốc gia cũng thế; nội đấu chưa phải là vấn đề, sợ nhất là các thế lực bên ngoài muốn “thừa nước đục thả câu”. Đàn em này, một người tầm thường sống lay lắt gần hết cuộc đời và chẳng còn chút hy vọng nào với quãng đường phía trước, chỉ vì có thể bước vào ngày 32 mà bị mua chuộc bằng số tiền lớn, không cần phải làm việc nguy hiểm, chỉ cần bảo vệ một tòa nhà hay xem xét vài tập tài liệu, em có nghĩ anh ta bằng lòng làm không? Một người đang đau đầu nhức óc vì khoản vay nhà, em nghĩ anh ta bằng lòng không? Một người rơi vào đường cùng, một người ham ăn biếng làm, em nghĩ họ có bằng lòng không? Đừng quá để tâm tới đạo đức của con người, em ạ.”

“Nhưng còn anh thì sao? Anh tập hợp những người này lại với nhau. Anh cho họ kiếm tiền mà không làm chuyện trái lương tâm, vừa nhẹ nhàng vừa không có cảm giác tội lỗi. Em nói rằng họ sẽ phản bội tổ quốc ư? Vậy hiện giờ em nói thử xem, những việc anh làm, có phải đang duy trì trật tự và an ninh quốc gia không?”

Điền Lộ im lặng. Bởi anh cảm thấy, lập luận của Nhuế Đào quả thật có lý.

Nghĩ đoạn, Điền Lộ hỏi: “Anh làm thế nào thuyết phục những người đó tin ngày 32 là thật, còn chi trả nhiều tiền cho anh?”

Nhận thấy thái độ của Điền Lộ đã không còn gay gắt như trước, Nhuế Đào cười nhẹ: “Có lẽ đa phần mọi người vẫn chưa biết về ngày 32, song những người có vị thế cao và những kẻ có nhiều tai mắt đều đã nghe loáng thoáng cái gì đó. Tuy rằng họ biết số người tồn tại trong thế giới ấy rất ít ỏi, thậm chí những kẻ có đủ năng lực gây ra thiệt hại lớn càng ít hơn, nhưng dù xác suất có nhỏ tới đâu vẫn là 100%. Trong một xã hội có nguồn lực hạn chế, những kẻ thuộc tầng lớp thượng lưu, ai mà chẳng phải tranh giành mới có được ngày hôm nay. Họ có kẻ thù ở khắp mọi nơi, tất cả luôn muốn hạ bệ họ. Họ sợ, và những kẻ làm điều ác càng sợ hơn. Nhỡ đối thủ cạnh tranh thuê người trong ngày 32, tìm kiếm bằng chứng tố cáo họ thì sao? Mặc dù không thể mang bằng chứng đến thế giới thực, nhưng họ có manh mối mà em. Họ sẽ tìm ra con đường nhanh nhất, chính xác nhất; với bằng chứng xác thực trong tay, thật dễ dàng để lật đổ một người. Và hiện tại, thay vì anh cố thuyết phục họ tin mình, thì họ đang nỗ lực tìm hiểu về Những người nhặt rác. Họ tự đến với anh, và trả giá cao để nhờ anh phá hủy bí mật cho họ.”

Điền Lộ không bị nhiều lời của hắn làm phân tâm, anh hỏi câu cốt lõi: “Còn người đầu tiên? “Người thượng lưu” đầu tiên nhờ anh tiêu hủy bí mật, làm thế nào anh quen biết người ta? Anh đã thuyết phục ra sao?”

Nhuế Đào khựng lại. Đoạn hắn nở nụ cười, song giọng điệu đã có phần bất lực: “Anh biết em đang lo lắng cái gì. Em nghĩ anh và nhóm người đó “cá mè một lứa” sao? Đúng, anh đã kết thân với một ít người máu mặt. Nhưng đó không phải là thứ anh muốn, anh chỉ bất đắc dĩ thôi. Thật nực cười khi bảo rằng một số người làm điều ác sẽ có ngày bị lương tâm lên án; không phải là lương tâm đâu em, họ chỉ sợ một ngày nào đó bị tống vào tù và mất hết tất cả thôi. Dù là gì chăng nữa, những kẻ đó cũng phải có lúc lo âu mất ngủ. Một trong số họ đến tìm anh, yêu cầu anh thôi miên để giúp gã ngủ ngon hơn. Nhưng em biết đó, nhà tâm lý luôn dễ dàng khiến người khác tin tưởng mình. Giữa lúc thư giãn, gã đã buột miệng kể với anh một ít chuyện không hay. Đến khi tỉnh táo lại, gã bèn uy hiếp anh. Vì sinh tồn, anh buộc phải trở thành “tâm phúc” của gã. Sau đó anh ngày càng nghe được nhiều bí mật hơn, cuối cùng là không thể rút ra nữa.”

Điền Lộ nói: “À.”

“Em có thể hiểu anh, đúng không?” Nhuế Đào vội hỏi, hắn nắm bắt đúng thời điểm để bộc lộ sự yếu đuối khiến Điền Lộ mềm lòng.

Điền Lộ quả tình dịu giọng: “Anh nói rất nhiều, nhưng vẫn chưa nói điều anh muốn em làm. Em không thể vào ngày 32, xem ra chẳng giúp gì được cho anh.”

Nhuế Đào: “Anh biết em nghiên cứu rất nhiều về tâm lý học nhận thức-hành vi. Anh muốn nhờ em đến tổ chức của anh, quan sát những người có thể bước vào ngày 32. Dầu gì thế giới ấy rất lớn, anh không thể đảm bảo rằng họ sẽ làm những gì mình dặn. Biết đâu họ cũng có những ý tưởng cho riêng mình? Em hẳn có thể thông qua ngôn ngữ và hành vi, phán đoán phần nào tâm tư của họ. Anh không cần gì nhiều, anh chỉ muốn biết họ có nói dối hoặc âm mưu cái gì sau lưng mình không.”

Nhuế Đào muốn Điền Lộ hỗ trợ, kỳ thực khá giống với lý do mời Ôn Ngọc Sinh của La Thái Vân. Ấy là sự mất lòng tin tự nhiên của những người không thể trực tiếp giám sát.

Nhuế Đào nói thêm: “Anh sẽ gửi cho em thù lao đàng hoàng, đủ cho em ăn sung mặc sướng nửa đời còn lại. Em không đoái hoài đến tiền bạc, nhưng ít nhiều gì cũng quan tâm đến trạng thái tinh thần của họ, đúng chứ? Đây là ngày 32 đó em, một sự kiện vô tiền khoáng hậu. Là một nhà tâm lý, em không tò mò các nhóm xã hội có thể bước vào ngày 32 sẽ có lộ trình biến đổi tâm lý thế nào ư? Em không muốn biết, những người từng đi vào thế giới ấy sẽ đối xử với thế giới thực ra sao ư? Liệu họ có thể phân biệt rõ ràng giữa hai thế giới, liệu họ có lạc lối trong một thế giới vừa giống vừa khác đó? Liệu họ có nhìn thế giới bằng một góc độ khác không? Những đối tượng nào sẽ thực hiện hành vi khó tin trong thế giới đó? Các câu hỏi trên đủ cho em – một nhà tâm lý nổi bật trong ngành, xuất bản vài cuốn sách để đời đấy.”

“Và, và,” Nhuế Đào thở dài. “Quan trọng nhất, anh sợ rằng mình sẽ lạc lối, em ạ. Anh cần một người ngoài cuộc tỉnh táo, một ngọn hải đăng, một mỏ neo để anh biết đâu là thế giới thực, đâu là thế giới anh nên sống. Anh cần một người đáng tin cậy và chuyên môn vững, để có thể trông thấy những thay đổi tinh vi sẽ xảy ra trong anh. Ngày 32 chỉ nên là công cụ của anh, đừng để anh trở thành con rối của nó.”

Tim Điền Lộ đã thoáng khấp khởi vì lời sau cuối của hắn.

Hết chương 48


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.