Ngày 32

Chương 16



tháng Bảy, hồi II

Dịch A Lam và Giản Thành là bạn cùng trường đại học nhưng khác chuyên ngành; cả hai cùng sống trong một thành phố, thường xuyên gặp mặt âu cũng thành thân.

Nhạc Khê Minh từng nhắc Giản Thành; không chỉ biết chăm lo gầy dựng sự nghiệp mà còn bởi vì trong kỳ nghỉ đại học, khi một lần Giản Thành gọi cho Dịch A Lam, vừa khéo Nhạc Khê Minh đang ở bên cạnh.

Vào sinh nhật lần thứ 20 của Giản Thành, cha hắn đã tặng một chiếc phi cơ riêng và đăng ký đường bay độc quyền. Giản Thành cũng từng ngỏ lời mời Dịch A Lam đến trường trên con phi cơ này. Nếu dưới tình huống bình thường, Dịch A Lam nghĩ, chủ đề trò chuyện giữa hai mẹ con sau cuộc gọi ấy là gì? Phải chăng là đố kỵ trước độ xa xỉ của gia đình họ Giản, hay tỏ lòng ngưỡng mộ với máy bay tư nhân, cũng có thể là răn dạy con trai mình phải cần cù học hành theo khuôn mẫu “con nhà người ta”? Tựu trung, trọng tâm mọi trường hợp chẳng phải là giới tính của Giản Thành. Điểm này chưa bao giờ được họ “giáp mặt” trực tiếp, song giống hệt một đám mây đen trên đỉnh đầu, khiến những cuộc tâm sự khác chừng như chỉ là một nỗ lực đầy tính chiếu lệ.

“Đã lâu không gặp.” Dịch A Lam bắt máy.

“Đã lâu không gặp.” Giọng hắn nay đã trầm thấp hơn nhiều, không còn cao bổng như trước. “Cậu về Nam Lâm rồi à?”

“Ừ.” Dịch A Lam nói. “Được khoảng hai tháng rồi.”

Giản Thành hít sâu, có vẻ như đã trải qua cú sốc nào đấy. Hắn ngập ngừng sau một đỗi im lặng, “Cậu có biết, ngày 32 không?”

Dịch A Lam sửng sốt: “Sao cậu biết? Cậu cũng ở đó ư?”

Giản Thành khẽ giọng: “Chúng ta gặp mặt nói chuyện, được không?”

Dịch A Lam đến trụ sở chính của tập đoàn Giản Đan – một trong những doanh nghiệp đứng đầu thành phố, và có lượng lớn khách hàng trong ngành công nghiệp tự động hóa và thông minh hóa trên khắp cả nước.

Không giống Dịch A Lam – người tiếp tục con đường học vấn, Giản Thành đến tập đoàn trau dồi kinh nghiệm ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Yêu cầu của cha đối với Giản Thành chưa bao giờ là kỳ vọng hắn có thể đứng đầu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mà chỉ cần có hiểu biết nhất định về ngành công nghệ để tránh trở thành “trò đùa” khi lãnh đạo tập đoàn đi chệch xu hướng. Hơn nữa, nhằm nghiên cứu và phát triển kỹ thuật cụ thể hơn, họ đã mời nhiều chuyên gia nổi tiếng về đây với mức chi phí đắt đỏ.

Logo mặt trước tòa nhà khoa học kỹ thuật Giản Đan được lắp ráp từ kim loại với thiết kế tinh giản trang nhã, hoàn toàn phù hợp với triết lý, sứ mệnh và định hướng của công ty về sự tối giản.

Giản Thành tiếp đón Dịch A Lam cách trịnh trọng tại văn phòng giám đốc. Vẻ ngoài của Giản Thành – nếu thực sự phải nói về nó, ắt hẳn chỉ có thể gọi là “phổ thông”. Nhưng cuộc sống giàu sang từ nhỏ đã cho hắn cái nhìn sâu sắc vượt xa những người bạn đồng trang lứa, bộ quần áo có đơn giá không dưới mười vạn kia cũng đã khoác cho hắn một bộ dáng lịch lãm quyền quý.

Chẳng qua, vẻ phờ phạc trên gương mặt đã bán đứng toàn bộ.

Trước bàn làm việc được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc tinh vi bằng mô hình 3D màu trắng, Giản Thành kể cho Dịch A Lam về cái chết của cha mình trong nỗi đau xót khôn nguôi.

Chỉ cần nghe về ngày 1 tháng 7 và đột tử do tim, Dịch A Lam đã đoán ra một phần sự thật.

“Sức khỏe cha tôi vốn ổn định. Ông ấy còn chưa đến sáu mươi, mỗi năm đều khám định kỳ hai lần. Vả lại, chúng tôi cũng có một bác sĩ gia đình phụ trách riêng chế độ ăn uống và tập luyện của ông ấy.” Giản Thành nhấn mạnh. “Mặc dù đêm đó cha tôi thức tới hai, ba giờ sáng, nhưng không đến mức chỉ thức một đêm mà cũng… đột tử.”

“Tôi hiểu.” Dịch A Lam gật đầu, hệt như chú của y – Giản Từ Minh thực ra đã bị giết vào ngày 32. Sự thật này khiến Dịch A Lam ngỡ ngàng, nhưng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Giản Từ Minh vốn nổi tiếng, hơn nữa còn hoạt động trên thương trường muôn trùng hiểm họa. Tập đoàn Giản Đan đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nếu có tranh chấp lợi ích hoặc cạnh tranh kinh doanh thì Giản Từ Minh rất có khả năng đã bị mưu hại vào ngày 32 – nơi không có trật tự, đạo đức và điểm giới hạn.

“Cậu biết cha tôi chết như thế nào, phải không?” Giản Thành nhìn Dịch A Lam vẻ nằn nì.

Dịch A Lam kể lại nguyên nhân về cái chết của chú mình. Giản Thành là người thông minh, vừa nghe đã có thể xâu chuỗi hoàn toàn mọi việc.

Hắn dựa phịch vào lưng ghế, nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt.

Dịch A Lam lặng lẽ cho hắn chút thời gian để tiêu hóa về ngày 32. Bẵng đi một lúc, y cất tiếng hỏi: “Làm sao cậu biết ngày 32? Và cả, gọi điện thoại cho tôi?”

“Là cha tôi.” Giản Thành gác tay che mắt, đoạn thấp giọng. “Ông ấy có thói quen ghi chép lại suy nghĩ của mình. Sau đám tang, tôi mới có cơ hội mở cuốn sổ ghi chép mà cha thường mang bên người. Tôi thấy… thấy vài dòng được viết vào khoảng đầu tháng Sáu. Tôi thậm chí còn cho rằng cha mình đã mắc phải căn bệnh Alzheimer. Nếu không phải phong cách làm việc sau đó của ông ấy vẫn dữ dội như ngày nào, tôi thực sự đã nghi cha mình điên rồi. Ông ấy nói đã nhìn thấy một thế giới mới vào ngày 32 tháng 5. Tất cả mọi người trong thế giới đó đều biến mất, và chỉ số ít cá nhân còn tồn tại. Nhưng hết thảy chỉ biến mất mỗi một ngày, và rồi ông ấy lại trở về thế giới bình thường. Đặc biệt rằng thế giới kia không hề có bất kỳ tác động nào đến thế giới mà cha đang sống. Chẳng qua cha vẫn tin chắc đây là sự thật. Ông ấy không hiểu tại sao, bèn ghi chép lại toàn bộ vào cuốn sổ tay. Ông ấy còn sắp xếp đoàn thư ký chuẩn bị một vài thứ khó tả, chẳng hạn như… lập di chúc; còn dặn bọn họ phải sẵn sàng cho sự vắng mặt của mình để hết lòng nâng đỡ tôi. Cha không đoán được mình sẽ bị mưu sát, chỉ sợ rằng bị kẹt ở thế giới kia thôi.”

Dịch A Lam tự hỏi, rằng liệu hành vi của Giản Từ Minh có chăng là điều mà một người có nhân cách lành mạnh (1) nên làm? Vững tin vào những gì ta thấy, xem xét tất cả hậu quả có thể xảy ra và không nghi ngờ về chính bản thân mình.

(1) Nhân cách lành mạnh (Healthy Personality): Trong một số tài liệu dịch về Tâm lý học, cũng có người dịch là “nhân cách khỏe mạnh”. Tùy theo góc tiếp cận mà ta có định nghĩa riêng về “healthy personality”, ví dụ như theo Freud thì chìa khóa của “healthy personality” là sự cân bằng giữa ID, Ego và SuperEgo. Có thể xem thêm một số góc nhìn khác từ Carl Rogers, Erich Fromm, Maslow, Carl Jung, Viktor Frankl, Fritz Perls tại Link đính kèm trên trang WP của mình nha.

“Về phần cậu…” Giản Thành nhìn Dịch A Lam. “Tôi nghĩ là “duyên” cả đấy. Sau khi cha tôi nhận thấy dị thường, việc đầu tiên tất nhiên là đến công ty. Vừa khéo, ông ấy trông thấy một chiếc xe không người lái vừa đi vào bãi đỗ. Đúng ra đó là xe của phó giám đốc chi nhánh Nam Lâm, anh ta đến qua đêm để nộp báo cáo nghiên cứu thị trường Nam Lâm trong cuộc họp thường kỳ đầu tháng. Không có ai trong xe, nên cha quyết định kiểm tra camera hành trình. Và rồi, ông ấy nhìn thấy cậu. Cha ghi điều này vào sổ tay… Ừ, cha biết cậu. Ông ấy vẫn còn nhớ cậu từng đọc bài phát biểu tốt nghiệp trong farewell party năm ấy.”

Dịch A Lam tuồng như lại nghe thấy tiếng còi từ chiếc xe không người lái nọ. Nó đến rất xa trên con phố vắng. Y được phát hiện bởi một camera hồng ngoại, và hình ảnh của y đã gửi đến một người khác thông qua thiết bị thu phát. Thể như y, đang phụ thuộc vào máy móc để khẳng định cho sự tồn tại của mình.

Giản Thành thở dài, khuôn mặt nhuốm đầy vẻ phức tạp: hoang mang, khiếp sợ, đau thương và không thể tin vào mắt mình. Một lúc sau, hắn cười khổ: “Đúng là khó tin. Điều may mắn duy nhất lúc này là có một người mà tôi biết trong thế giới biệt lập kia. Hơn nữa tin tức còn do cha truyền cho tôi, bằng không thì hết đường xoay sở. Tôi chả biết nên làm gì bây giờ nữa.” Giản Thành cất giọng xin lỗi sau một thoáng im lặng. “Tôi không biết có phải thế giới đó làm cậu…”

Dịch A Lam nói: “Tôi cũng không biết.”

Giản Thành rốt cuộc nói ra trọng điểm: “Tôi muốn nhờ cậu giúp tôi một việc.”

Dịch A Lam nhìn hắn.

Giản Thành nói: “Cậu biết đấy. Đối với một tập đoàn công nghệ chúng tôi, điều tối quan trọng là bằng sáng chế kỹ thuật và bí mật thương mại.”

Dịch A Lam gật đầu, y hiểu. Mặc dù bằng sáng chế được pháp luật bảo hộ, song để tránh doanh nghiệp khác ác ý bắt chước và cân nhắc đến vấn đề thương mại, nhiều công ty sẽ cố tình để lại một vài chi tiết không ảnh hưởng đến tính toàn vẹn trong đơn đăng ký mà đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì khả năng cạnh tranh cốt lõi của sản phẩm. Nhưng đồng thời, cách làm này cũng tiềm ẩn một mối nguy khôn lường. Vài công ty sẽ chăm chăm vào kỹ thuật độc quyền nọ, cố tìm ra các chi tiết bị che giấu thông qua công nghệ đảo ngược (2) và các phương pháp khác; sau đó dựa vào các chi tiết không được Luật sở hữu trí tuệ bảo vệ hòng đăng ký một bằng sáng chế mới, như vậy nó đã trở thành “con át chủ bài” trên bàn đàm phán. Chính vì thế, dù công ty của họ có bắt chước công nghệ của một tập đoàn nào khác thì cũng sở hữu kỹ thuật độc quyền của đối phương. Điều này ắt gây khó khăn cho người chấp pháp trong việc bảo vệ quyền lợi, hơn nữa còn khiến chủ sở hữu trí tuệ chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

(2) Công nghệ đảo ngược (reverse engineering): là quá trình tìm ra các nguyên lý kỹ thuật của một phần mềm ứng dụng hay thiết bị cơ khí qua việc phân tích cấu trúc, chức năng và hoạt động của nó. Trong quá trình này, người ta thường phải tháo dỡ đối tượng thành từng phần và phân tích chi tiết hoạt động, thường là với mục đích xây dựng thiết bị hoặc phần mềm mới hoạt động giống hệt nhưng không sao chép bất cứ thứ gì từ đối tượng nguyên bản.

Tất nhiên, không dễ để tìm ra các manh mối được giấu biệt sau tấm bằng sáng chế. Hầu hết các công ty lo lắng hơn về việc nhân viên kỹ thuật chủ chốt tiết lộ bí mật, vì vậy họ sử dụng các thỏa thuận không cạnh tranh, ngăn chặn bằng Luật hình sự và các phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn bí mật thương mại.

Nhưng sự xuất hiện của ngày 32 đã khiến việc đánh cắp trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần am hiểu một mảng nhỏ, người nọ hoàn toàn có thể tiến vào “tầng sâu nhất” của một công ty lớn, dẫu cho tài liệu mật được khóa trong két hay đã mã hóa dữ liệu tầng tầng lớp lớp (chưa kể có thể tác động vật lý với két sắt, vì dù tạo ra tiếng ồn lớn đến đâu thì vào ngày 32 cũng chẳng có ai đến thi hành luật). Gã ta cũng có thể đi vào nhà máy và nghiên cứu dây chuyền sản xuất; tựu trung, có vô vàn cách thức để biết bí mật của những công ty này.

Các bằng sáng chế đã được công bố trước xã hội vẫn phải đối mặt với nguy cơ rò rỉ tiềm ẩn. Một khi đối thủ cạnh tranh nắm được công nghệ chưa cấp phép, hay chiến lược kinh doanh và những bí mật khác, thì đó là một mối đe dọa nguy hiểm hoặc thậm chí là trí mạng.

Dịch A Lam phân tích: “Tôi có thể khẳng định cha cậu qua đời tại thế giới hiện thực là do ông mất vào ngày 32. Theo ghi chép từ cha cậu để lại thì ông ấy thuộc tuýp người ổn định thận trọng, vậy nên có thể loại trừ trường hợp gặp phải tai nạn.”

Giản Thành gật đầu: “Là mưu sát.”

“Trong một thế giới cô đơn như vậy, cảm giác đầu tiên của đa số mọi người là hoảng sợ. Họ sẵn sàng kết bạn theo nhóm hơn là xung đột trực tiếp. Vì thế hung thủ hẳn là người quen và có mâu thuẫn lợi ích với cha cậu, giống như chú tôi và chủ nợ của chú ấy. Ngoài ra, hung thủ không phải vì tiền. Chứ không gã nên bắt cóc cha cậu trong ngày 32 và tống tiền tại thế giới hiện thực…”

Dịch A Lam ngưng bặt, tấm lưng chợt túa mồ hôi lạnh. Trước giờ y chưa từng suy xét đến việc này mà chỉ phân tích dựa trên cái chết của Giản Từ Minh, song phải thừa nhận rằng đấy sẽ là một điều khủng khiếp nếu nó trở thành hiện thực.

Hãy thử tưởng tượng nếu ai đó sai khiến và yêu cầu Dịch A Lam đưa cho gã một khoản tiền khổng lồ. Tại ngày 32, chẳng có lấy một vị cảnh sát nào đến giải cứu y. Dịch A Lam không còn cách nào khác ngoài việc còng lưng kiếm tiền trong thế giới hiện thực và cam chịu cho gã hút khô mình nom như lũ sâu hút máu.

Gọi cảnh sát? Nhưng bằng chứng đâu? Bằng chứng duy nhất là y đưa tiền cho gã mà không có lý do, thoạt trông nó chẳng khác gì món quà biếu tặng.

Giả sử gã ta có vào tù thì đến ngày 32 cũng được tự do! Gã vẫn có thể nô dịch Dịch A Lam, và thậm chí trả thù.

Trừ phi… trừ phi giết gã trong thế giới hiện thực thì Dịch A Lam mới được giải thoát.

Dịch A Lam càng nghĩ càng sợ, dẫu nó không xảy ra với y thì cũng có thể xảy ra với những kẻ nhu nhược hơn.

Giữa lúc y ngây người, Giản Thành đã cất tiếng: “Kẻ đó vừa biết cha tôi vừa không muốn tiền, rất có khả năng gã ta cũng làm trong một ngành liên quan và từng cạnh tranh khốc liệt với ông ấy.”

Dịch A Lam nói: “Cũng có thể gã ta muốn tiền, nhưng cha cậu không hợp tác. Bởi vì ông ấy biết đây là một “hố sâu không đáy”, một hố đen của dục vọng mà tập đoàn khoa học kỹ thuật Giản Đan không tài nào lấp đầy.”

Giản Thành đau đến mức hai mắt ánh nước. Hắn cắn răng: “A Lam à, cậu nhất định phải giúp tôi…”

Khi đề cập đến bằng sáng chế, Dịch A Lam đã đoán được Giản Thành muốn mình làm gì. Toàn bộ tòa cao ốc Giản Đan nằm lẻ loi trong một thành phố vắng luật pháp vào ngày 32; đối với những kẻ công tác trong lĩnh vực này, nó chính là rương kho báu nghìn năm có một. Và nếu cần mẫn đào nó, bạn có tìm thấy vàng ròng châu báu; nhưng nếu không muốn kẻ khác biết được, vậy chỉ có thể hủy diệt nó trước.

“Tôi giúp cậu.” Dịch A Lam nói.

Hết chương 016


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.