Đêm hôm đó, ông Vọng đang ngủ cũng phải giật mình choàng tỉnh vì tiếng sấm động rung cả nền nhà. Kèm theo đó là một trận mưa như trút nước, tuy mưa lớn nhưng trời không có giông, gió cũng chẳng lớn, chỉ có mưa là xối xả. Lúc ông Vọng tỉnh dậy thì đã thấy ông Lương đứng trước cửa nhà nhìn ra ngoài bờ ao.
Ông Vọng vội nói:
– – Mưa to quá khiến bác không ngủ được à..?
Ông Lương quay lại trả lời:
– – Thực ra thì tôi chưa ngủ, trưởng làng nhìn kìa.
Vừa nói, ông Lương vừa chỉ tay ra phía cầu ao trước sân nhà. Chớp giật liên hồi, dưới ánh chớp, ông Vọng phải dụi mắt hai lần mới dám tin đây là sự thật, mưa chưa được bao lâu, nhưng phía ao nhà ông, mực nước đã dâng lên ngập cả sân. Sống mấy chục năm ở đây từ khi cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ ông Vọng thấy nước ao lại dâng cao đến ngập cả sân như vậy cả. Ông Vọng nhìn ông Lương mà rùng mình, nổi da gà, lùi lại một bước, ông Vọng bàng hoàng:
– – Lụt….. lụt rồi….. Ở đây còn lụt thì ngoài ruộng, hoa màu…. hoa màu của bà con chết úng hết mất. Lẽ ra, lẽ ra tôi phải nghe theo lời bác.
Ông Lương thở dài, khẽ lắc đầu ông đáp:
– – Muộn mất rồi, giờ có ra đó mở đường thoát nước xuống kênh, xuống mương cũng chẳng kịp. Ý trời đã vậy, không thể thay đổi.
Quay lưng đi vào trong nhà, ông Lương đưa tay lên bấm độn, nhưng ông chợt cau mày, một tiếng sấm lớn vang lên giữa màn đêm mưa gió. Ông Lương suy nghĩ:
” Sao quẻ không ứng, chẳng lẽ trận mưa này mới chỉ là khởi đầu của tai ương. Làng này sắp gặp họa lớn rồi. “
[……..]
4 ngày sau, trời vẫn mưa rả rích, tuy lượng mưa không lớn như mấy ngày trước đó, nhưng sau 2 ngày mưa như thác đổ, hoa màu, ruộng lúa không có gì che chắn, ruộng nào cũng ngập úng, xác xơ hết cả. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ đến mùa thu hoạch, nhìn công lao bấy lâu chăm bẵm giờ úng sạch, úa sạch, dân làng Văn Thái cả đời chỉ trông mong vào nghề nông đau đến thắt từng đoạn ruột. Đến buổi chiều thì trời ngừng mưa, nhưng bầu không khí u ám của đất trời cũng không thê lương bằng cảnh dân làng thất thểu trên từng cánh đồng, rừng ruộng lúa chỉ mong sao hi vọng còn cứu vớt được chút gì sót lại.
Đã 5 ngày trôi qua, nhưng ông Lương vẫn không thể luận được bất cứ một quẻ nào về sự việc đã xảy ra với ngôi làng. Trong cuộc đời hành nghề của mình, đây là lần đầu tiên ông Lương gặp phải hoàn cảnh như vậy. Do không luận được quẻ nên mặc dù có nhiều hoài nghi trong lòng nhưng ông Lương cũng không thể giải thích cũng như giúp dân làng ra sao. Xưa nay chuyện thiên tai vốn là chuyện của trời, muốn xê dịch là điều không thể, âu đó cũng là số trời đã định.
Tối hôm đó, sau khi dùng cơm xong, ông Lương gấp một vài bộ quần áo vào trong tay nải. Nhân tiện, ông Lương lấy một ít tiền đưa cho trưởng làng, ông Lương nói:
– – Cảm ơn trưởng làng đã cho tôi ở lại mấy ngày qua. Chỗ này không nhiều, nhưng đây là tấm lòng cảm kích của tôi những ngày qua được ăn uống, ngủ nghỉ tại đây. Mong trưởng làng nhận cho, sáng mai tôi lên đường sớm.
Ông Vọng nhất mực từ chối số tiền mà ông Lương đưa, ông Vọng nói:
– – Bác cất tiền đi, nhà rộng để không cũng chẳng ai ở, cơm nước thì chỉ là thêm bát thêm đũa, hà có tốn bao nhiêu mà bác đưa tiền. Như thế há chẳng phải bác coi lòng hiếu khách của người làng tôi chỉ đong đếm bằng tiền bạc hay sao. Mấy ngày qua tôi không ngủ được, đêm nào cũng trằn trọc suy nghĩ về lời bác nói, phải chi tôi nghe theo bác, thông báo với bà con thì thiệt hại đâu nặng nề, đâu mất trắng đến như vậy. Tôi thật hổ thẹn với dân làng, là do tôi cả.
Vừa nói ông Vọng vừa rưng rưng nước mắt, đúng là 3 ngày nay ông Vọng đêm không ngủ, lúc nào cũng đứng ngoài hiên nhà mong cho trời đừng mưa nữa. Mới có mấy ngày mà tóc ông Vọng đã bạc đi trông thấy do suy nghĩ quá nhiều.
Ông Lương nói:
– – Chuyện thiên tai là do trời định, có những lúc biết để mà tránh cũng không tránh được. Trưởng làng đừng trách bản thân, mỗi chúng ta so với trời đất thì chỉ như hạt bụi không hơn không kém, làm sao có thể nghịch chuyển được càn khôn. Tôi rất tiếc vì không giúp gì được cho dân làng.
Ông Vọng buồn bã pha ấm trà rồi đáp:
– – Vâng, lời bác dạy chí phải…… Uống chén trà thơm rồi bác nghỉ sớm, mai còn lên đường.
Trà hãm chưa được bao lâu thì từ bên ngoài cổng có một người phụ nữ chạy như ma đuổi vào bên trong sân nhà, nhìn thấy ông Vọng đang ngồi trên ghế, chị ta quáng quàng đến mức ngã dúi xuống hiên, ông Vọng vội chạy ra đỡ thì chị ta khóc lóc kêu gào:
– – Bác Vọng ơi, bác Vọng ơi……. Chết, chết nhà em rồi…… Bác Vọng ơi.
Vừa nói chị ta vừa vò đầu bứt tai, ông Vọng hỏi:
– – Chết cái gì…? Sao lại khóc lóc thảm thiết thế…?
Chị nay vừa nấc vừa nói:
– – Đàn gà, đàn gà….. nhà em bị đứa nào nó…. nó…. đánh thuốc chết hết cả đàn rồi bác….. Vọng ơi. Em chết mất thôi, mùa màng thì hư hoại hết, đến đàn gà mấy chục con mà cũng chết sạch thế này thì bác bảo….. em chết đi chứ….. sống sao nổi nữa….. Hu hu hu….. Trời ơi là trời.
Ông Vọng nhăn mặt, từ trước đến nay trong làng bà con ai nấy cũng đều sống hòa thuận, vui vẻ với nhau…. Mười mấy năm làm trưởng làng ở làng Văn Thái, chưa bao giờ có ai lấy trộm của nhau quả trứng chứ đừng nói là đánh thuốc chết cả đàn gà mấy chục con.
Ông Vọng nói:
– – Không thể nào, người làng mình từ xưa đến giờ làm gì có ai làm mấy chuyện đó.
Chị này chống tay đứng dậy, đầu tóc bết bát, nước mắt giàn dụa, chị ta mếu máo:
– – Hu hu, bác không tin thì bác đến nhà em mà xem….. Em nói điêu trời đánh em chết, mấy hôm mưa to nên nhân tầm chiều tạnh ráo, em mới thả gà ra rồi rải thóc cho ăn. Lúc chiều vẫn còn khỏe mạnh, nhưng đến chập tối xua gà vào chuồng thì ra vườn thấy nằm chết cứng, chổng cả chân lên trời. Thử nói không phải đánh thuốc thì sao gà nhà em chết hết như vậy.
Ông Vọng chạy ngay vào nhà lấy đèn pin, đi qua ông Lương, ông Vọng nói:
– – Xin lỗi bác, tôi có chút chuyện phải đi bây giờ… Bác cứ ở nhà nghỉ ngơi đi nhé.
Ông Lương nói:
– – Tôi cũng đã nghe qua rồi, không biết tôi có thể đi cùng trưởng làng đến đó được không..?
Ông Vọng gật đầu:
– – Thế cũng được, nếu bác muốn đi thì đi theo tôi.
Ông Lương đeo tay nải rồi bước ra bên ngoài, cả hai đi theo người phụ nữ kia về nhà của chị ta. Trên đường, tiếng chó sủa inh ỏi, đi một lúc thì cũng đến nơi. Dẫn ông Vọng ra ngay khu vườn sau nhà, người phụ nữ nấc lên những tiếng nghẹn ngào:
– – Hức… ức.. đây, bác… bác nhìn mà xem… Chết, chết hết cả rồi.. Hức.. hức.. ức.
Dưới ánh đèn pin, nằm la liệt trên khoảng vườn là xác của hơn 20 con gà chết cứng ngắc, ngửa bụng, chân giơ lên trời. Chứng kiến tận mắt ông Vọng mới dám tin đây là sự thật. Ông Vọng hỏi:
– – Nhưng sao chị lại nghi là có người đánh thuốc, thóc là thóc nhà chị, chính tay chị cho ăn cơ mà….?
Chị này vừa khóc vừa đáp:
– – Đúng là như vậy, nhưng thả gà cho ăn xong, em có chạy ra ngoài ruộng để nhặt lại ít rau cải đem về ăn. Về đến nhà thì gà chết hết cả, bác nghĩ mà xem, nếu mà dịch thì nó đâu có chết một loạt mà nhanh như vậy, lúc em thả khỏi chuồng chúng nó còn khỏe lắm.
Khi mà ông Vọng và người phụ nữ kia còn đang kẻ phân bua, người gặng hỏi thì ông Lương lên tiếng:
– – Chị ta không nói dối đâu, đàn gà này chết là do trúng độc.
Ông Vọng cũng không biết ông Lương đã lấy đèn pin của mình khi nào, đang ngồi xem dưới đất, ông Lương kiểm tra một con gà rồi tiếp tục:
– – Trưởng làng lại đây mà xem, chân gà cứng đơ, phần cựa chuyển màu tím đen, cả mào gà cũng như vậy. Toàn bộ những con gà chết ở đây đều bị một triệu chứng giống như nhau. Chị ta nói đúng, nếu là dịch thì ít nhất cũng phải vài ngày mới phát tác, hơn nữa không thể chết đồng loạt.
Ông Vọng vẫn cố chấp:
– – Nhưng tôi tin trong làng này không ai làm chuyện thất đức như vậy cả… Làm sao có thể trúng độc được.
Lúc này ông Lương mới lấy trong tay nải ra một cây châm dài nửa gang tay màu trắng ngà, đưa đèn pin cho ông Vọng, ông Lương nói:
– – Nếu trưởng làng vẫn chưa tin thì hãy nhìn đây, tôi sẽ dùng cây châm bằng ngà voi này chích vào thân con gà.
Ông Vọng cùng người phụ nữ kia hồi hộp chờ đợi, khẽ chích châm ngà voi vào thân con gà, ông Lương rút ra sau đó để đầu mũi châm vào ánh sáng đèn pin, máu gà dính ở phần đầu cây châm khoảng chừng 2cm, ông Lương khẽ nói:
– – Là máu đen.