Từ khi Nữ Thần Y vào cung, Tế Độ cũng ít khi trở về phủ Định Viễn, ban đêm chàng ở lại luôn trong sở quân cơ. Tế Độ không ở trong phủ Định Viễn, Phi Nhi cũng buồn chán. Có một hôm Phi Nhi rời khỏi phủ đi tìm Phi Yến, Tiểu Tường và Nghị Chánh.
Chiều hôm Phi Nhi ra khỏi phủ để tìm Phi Yến, Tiểu Tường và Nghị Chánh thì cũng cùng lúc đó Phi Yến rời khỏi cô nhi viện.
Vẫn với bộ y phục hồng quen thuộc, trên cổ quấn thêm chiếc khăn cũng màu hồng, Phi Yến đi vào ngôi chùa bỏ hoang bên bờ Vô Định Hà đứng im trong sân chùa một lúc rồi bắt đầu đi đi lại lại một cách bất an, trên mặt lộ vẻ đợi mong và sốt ruột. Phi Yến chờ trong sân chùa thật lâu.
Cách đó một quãng, Phi Nhi bước lên cầu Vô Định Hà đứng dựa thành cầu nhìn làn nước trong xanh lặng lờ trôi giữa dòng sông. Ánh nắng lung linh trong ánh nước. Phi Nhi đứng thẫn thờ nhìn dòng sông rồi lại nhìn ngôi chùa cổ bên kia cầu, chùa nằm im lìm dưới rặng dương cao vút, xa xa rải rác những căn nhà nhỏ đang sưởi mình dưới nắng. Phi Nhi bước qua cầu, đi thẳng về phía ngôi chùa. Đã là cuối đông nên nắng khá ấm, rất dễ chịu, nhưng đôi chân Phi Nhi vẫn nặng nề, cố lê chân bước tới.
Ngôi chùa này Phi Nhi cũng chẳng biết tên là gì, bị phá hủy từ lâu, khi người Mãn tiến vào kinh thành, đến bây giờ chưa có ai sửa sang lại. Hai bên đường đến chùa dấu vết chiến tranh còn in hẳn nét tang thương. Ðây đó cây cối xác xơ, cành rơi lá đổ. Phi Nhi thở dài, tiếp tục lê chân bước rẽ vào cổng chùa, những chữ trên cột trụ vẫn còn nguyên vẹn: “Làm việc thiện sẽ gặp trăm điều tốt lành.” Bên trong sân chùa lá khô đổ đầy mặt đất, cành gãy, gạch vụn rơi tứ tung, dây leo bám đầy vách. Nhìn cảnh hoang tàn đổ nát, lòng Phi Nhi buồn lâng lâng, bất giác thở dài. Nàng lách mình qua cánh cửa sắt bước vào trong sân chùa. Ánh chiều đã xuống, nắng vàng còn lảng vảng trên mấy bức tường màu xám xịt. Mấy đóa hoa trà trong sân chùa cố vươn mình giữa đám cỏ hoang lắc lư dưới cơn gió chiều.
Ðâu đây có tiếng sột soạt trên lá khô khiến Phi Nhi giật mình. Phía sau bức tường đổ, trong đám dây leo rậm rạp, một người bước ra. Phi Nhi suýt kêu lên một tiếng kinh hoàng vì nàng không ngờ chiều hôm nay lại gặp được Phi Yến tại đây. Tim Phi Nhi đập thình thịch, đã lâu rồi không gặp em gái, vội vàng chạy tới ôm chầm lấy Phi Yến.
Một hồi sau Phi Nhi buông Phi Yến ra, quan sát sắc mặt em, đoạn vuốt tóc Phi Yến, Phi Nhi bảo:
-Trời lạnh như vầy sao muội lại đến đây, cũng không mang áo choàng theo, không sợ cảm lạnh à?
Phi Nhi vừa nói vừa lấy một lọ thuốc màu hổ phách trong áo ra xoa lên hai bên thái dương Phi Yến. Thuốc có mùi thơm dịu ngọt của bạc hà.
-Không hiểu sao hôm nay muội cảm giác sẽ tìm được tỉ ở đây nên đến đây đợi tỉ.
Phi Yến cười vui vẻ nói.
Lúc hai cô gái về đến cô nhi viện Nghị Chánh cũng vừa đẩy xe về tới nơi. Hôm nay Nghị Chánh bán được hết lồng đèn nên chàng về sớm hơn thường ngày. Nghị Chánh vui ra mặt, nhưng càng vui hơn khi trông thấy Phi Nhi. Lại nữa mọi người hay tin Cửu Dương sắp được trả tự do, trong lòng như trẩy hội, ai nấy thở phào mừng rơn. Phi Nhi và Phi Yến giúp Tiểu Tường dọn cơm, mấy món ăn chủ yếu là rau. Nghị Chánh bước ra ngoài sân hô lớn:
-Các em ơi làm gì ngoài đó vào nhà ăn cơm!
Bọn trẻ chạy vào bếp ngồi quanh mấy cái bàn vuông. Nghị Chánh, Tiểu Tường, Phi Yến và Phi Nhi ngồi quanh cái bàn tròn cũ kỹ, bốn chân lung lay, Nghị Chánh định sửa lại cho chắc mà cứ bận nên quên mãi.
Nghị Chánh nói với Tiểu Tường:
– Ăn cơm xong nhớ nhắc huynh sửa lại cái bàn ăn.
Tiểu Tường gật đầu, đẩy chén cơm đã được nàng bới đầy về phía Nghị Chánh.
– Mời mọi người ăn cơm! – Tiểu Tường cười vui vẻ nói.
Mọi người cầm chén đũa lên, Tiểu Tường cũng bưng chén của nàng lên ăn nhỏ nhẹ như một con mèo nhỏ. Nghị Chánh ngồi cạnh Tiểu Tường, chàng nhìn thấy ở trán Tiểu Tường lấm tấm mấy giọt mồ hôi thấy xốn xang trong lòng, ngày nào cũng vậy, Tiểu Tường vừa phải vất vả làm lồng đèn lại còn chăm sóc bọn trẻ, nên gương mặt Tiểu Tường lúc nào cũng đỏ ửng vì mệt. Nước da trắng một cách tiểu thư của nàng khi ở Giang Nam không còn nữa, da mặt Tiểu Tường bây giờ vẫn mịn nhưng làn da đậm đà như con gái xứ biển.
Tuy Phi Yến đói bụng nhưng không ăn được nhiều, nàng ngồi cạnh Phi Nhi mơ màng nghĩ đến ngày gặp lại Cửu Dương, nhưng sực nhớ Nữ Thần Y vẫn còn trong cung, Phi Yến đặt chén xuống bàn, gác đôi đũa lên miệng chén, cau mày:
-Làm sao mới có thể đưa muội ấy ra khỏi viện thái y bây giờ?
Nghị Chánh nhả hạt sạn trong cơm, nói:
-Chừng Thiên Văn ra khỏi đại lao tất sẽ có cách đưa muội ấy ra ngoài.
Phi Yến nhìn Phi Nhi, hỏi:
-Tỉ có biết chính xác ngày nào Thiên Văn được trả tự do không?
Phi Nhi cũng không ăn được nhiều, buông chén đũa, lắc đầu:
-Lúc đó tỉ đứng ngoài thư phòng nên tình hình trong phòng nghe không được rõ, nhưng hình như Tế Độ bảo với Sách Ngạch Đồ rằng sau trận đua ngựa với Sa hoàng kết thúc sẽ thả Thiên Văn ra ngoài.
Phi Yến nói:
-Vậy từ hôm nay tỉ về đây ở với mọi người. Thật là hay quá! Bọn muội không phải ngày đêm lo lắng cho tỉ nữa!
Lời Phi Yến khiến Phi Nhi cảm giác như nàng đang rơi vào một cái giếng không đáy, lắc đầu:
-Tỉ còn muốn chờ cho đến khi Thiên Văn thật sự được ra ngoài.
Sau đó không để mọi người có ý kiến, Phi Nhi chuyển đề tài:
-Nghe nói những tù binh ở trận đánh Tam Lộ Thiên Sơn đã được thả hôm qua, con cháu họ cũng được trắng án, khỏi bị mất đầu.
Mọi người vui mừng. Phi Nhi tiếp:
-Không những vậy, Văn Tự Ngục khắp nơi, Lữ gia, tất cả đều đã được bình lặng. Hiếu Trang cũng hạ chỉ trùng tu Hắc Viện, tìm kiếm lại các quyển sách đã bị nghiêm cấm.
Phi Yến nói:
– Mọi chuyện sao lại có thể thuận tiện như vậy được, chỉ sợ đây là một cạm bẫy.
-Có lẽ không đâu – Nghị Chánh vừa gắp một cọng rau vừa nói – Gần đây nha môn không khắt khe như hồi trước nữa.
Phi Nhi nói:
-Đúng là từ khi Tế Độ trở về kinh thành cuộc sống của người dân trở nên tốt đẹp vô cùng, hắn đã giải quyết suôn sẻ chuyện Sa Sát Tử, ổn định kinh tế trong thành, đời sống người Mãn và người Hán ở nơi này cũng hòa thuận với nhau nên nếu chúng ta không tin Hiếu Trang chí ít cũng nên tin Tế Độ.
Lời Phi Nhi khiến mọi người ngẩn ngơ. Phi Yến bất giác hơi chau đôi chân mày:
-Xem ra tỉ có hảo cảm với tên cẩu quan?
-Muội đừng có đùa như vậy – Phi Nhi nhăn mặt, một cảm giác mơ hồ len vào tim nàng.
-Muội có đùa đâu – Phi Yến nói – Chẳng phải tỉ vừa bảo mọi người phải tin hắn ư?
Lòng Phi Nhi ngổn ngang trăm tơ nghìn mối mà không nghĩ ra một lý do nào biện hộ cho lời nói vừa rồi của nàng, chỉ đành nói:
-Muội đừng có một tiếng cẩu quan, hai tiếng cẩu quan, muội là người được ăn học nói như vậy rất khó nghe.
Tiểu Tường và Nghị Chánh nhìn nhau, lại thêm một phen sững sờ.
Riêng Phi Yến trợn mắt nhìn sững chị gái. Trước mắt Phi Yến lúc nào cũng ẩn hiện cảnh tượng lúc Cửu Dương cứu nàng trong sơn trại, cái thân hình phóng nhanh tới, đôi cánh tay rắn chắc chụp lấy nàng, lại còn đôi mắt sáng như sao và chiếc áo trắng lấp lánh ánh sáng dưới ánh mặt trời… Chàng không phải là người, chàng là một vị thần! Cả người chàng từ trên xuống dưới đều phát ra tia sáng!
Cảm giác Tiểu Tường về Cửu Dương cũng vô cùng mạnh mẽ. Chàng xuất hiện trong khi nàng gặp chuyện nguy cấp nhất, yếu đuối nhất, hoảng sợ nhất, và điều đó đã đem đến cho nàng một sự cảm kích vô cùng lớn lao. Tiếp theo chàng lại lo lắng cho nàng trong khoảng thời gian nàng cảm thấy buồn khổ nhất, vô vị nhất của cuộc đời. Do đó, sự sùng bái, kính yêu, ỷ lại và tín nhiệm của nàng đối với chàng, có thể nói là đã lên đến cực điểm. Thế mà bây giờ Phi Nhi lại đi khen một người đàn ông khác trước mặt nàng, và thậm tệ hơn thế nữa cái người đàn ông mà Phi Nhi khen là kẻ đã trực tiếp đẩy chàng vào đại lao!
Ăn cơm xong, Nghị chánh và ba cô gái ra bờ sông rửa chén, sau đó lại rủ nhau đi dạo bên sông.
Phi Nhi trầm ngâm bước đi dọc theo bờ sông, nàng cũng như Phi Yến và Tiểu Tường, cũng nhớ tới những ngày vui vẻ bên Cửu Dương trên Đồng Sơn. Chàng dạy ba chị em nàng thổi sáo, thổi tiêu, làm thơ, dạy ba người khinh công của phái Thiếu Lâm… Phi Nhi rất sùng bái chàng.
Phi Nhi nhìn dòng sông chảy dưới chân cầu một màu nước ngần đục và dập dềnh những đám lục bình xanh mướt. Ánh hoàng hôn in xuống dòng sông thật hiền hoà, những con sóng lượn lờ như chưa bao giờ biết giận dữ. Hai bên bờ một vài chiếc ghe đang đậu. Quang cảnh ấy đập vào mắt Phi Nhi và những cơn gió thổi đùa qua mặt sông mang theo cảm giác thoải mái. Phi Nhi tự nhiên cảm thấy rất yêu thích nơi này, không muốn về Đồng Sơn, không làm sao phân tích nổi cảm giác trong lòng.
Phi Nhi không phủ nhận là trong buổi cơm chiều nàng có nghĩ về Tế Độ bởi vì dù sao chàng cũng thân thiết với nàng trong những ngày cùng sống trong phủ Định Viễn. Chàng đã chăm sóc nàng như một người thân và giữa chàng và nàng cũng có những kỷ niệm… Tự nhiên, Phi Nhi cảm thấy nhớ chàng da diết, muốn gặp chàng kinh khủng, muốn ngay lập tức quay về phủ Định Viễn nhưng nàng trở về đó rồi có tìm thấy chàng không? Phi Nhi nhớ những cử chỉ ân cần và chu đáo của chàng đối với nàng. Mỗi sáng nàng đều ăn điểm tâm cùng chàng trong hậu sảnh rồi tiễn chàng ra cửa, nàng đứng ngoài cổng chính phủ Định Viễn nhìn theo cỗ xe màu xanh dương phía xa xa, hướng đến Tây Hoa môn, nàng cảm thấy quen với hình ảnh sáng nào chàng cũng đi chầu triều bằng hướng ấy.
Phi Nhi nghĩ tới đây cảm thấy cả người nàng bàng hoàng chấn động, nàng cảm nhận được trong tận cùng trái tim của mình, nàng chẳng còn có thể được ở bên chàng bao lâu nữa, một cái gì đó đập thật mạnh vào tim Phi Nhi làm tim nàng nhói đau!
Phi Nhi không đi theo Nghị Chánh, Phi Yến và Tiểu Tường nữa, mà dừng chân, dán mắt xuống dòng nước có màu đục như vôi, và thẫn thờ nhận ra… người nàng yêu chính là Tế Độ! Kể từ khi đến kinh thành rất nhiều thứ đối với nàng đã thay đổi kể từ một lần đi chùa Đàm Giá cùng chàng. Chỉ là cuộc hẹn giữa hai người bạn nhưng sao sau đó trong lòng nàng lại suy nghĩ nhiều đến vậy? Nghĩ về chàng nhiều hơn và mong sẽ có nhiều lần được chàng ôm lấy nàng vào lòng như trong căn phòng trọ. Những ngày sau đó nàng và chàng trò chuyện nhiều hơn, tình cảm đối với chàng cũng tăng dần. Phi Nhi ghét mình vì biết như thế sẽ rất có lỗi với Cửu Dương nhưng sao mỗi ngày nàng vẫn cứ nghĩ về Tế Độ như một thói quen khó bỏ?
Phi Nhi biết Tế Độ không yêu nàng. Ngay cái đêm chàng hay tin Nữ Thần Y vào cung, đêm ấy chàng đã đi tìm Sách Ngạch Đồ và uống rượu đến say bí tỉ, Sách Ngạch Đồ phải đưa chàng về phủ Định Viễn, và cũng trong đêm nàng đến bên giường chàng, sờ nhẹ tay lên trán chàng, đột nhiên Tế Độ mở mắt ra, hai người nhìn nhau, chàng vươn tay cuốn nàng vào lòng. Nàng đã tựa ngực nàng vào ngực chàng, đầu ngả nơi vai chàng, nghe mùi rượu trên áo chàng nồng nặc. Lại tần ngần một lúc, nàng chầm chậm luồn cả hai tay xuống lưng chàng. Tế Độ căng người lên, càng ghì chặt nàng hơn.
Phi Nhi nhớ hai người yên lặng ôm nhau hồi lâu, Tế Độ thì thầm bên tai nàng:
“Đợi Tân Nguyên cách cách về ta sẽ đi tìm thái hoàng thái hậu từ hôn, sau đó chính thức mang kiệu tới viện thái y rước nàng.”
Phi Nhi nhớ sau khi nghe lời này nàng đã áp đầu vào vai Tế Độ, không nói năng gì, nàng biết những lời vừa rồi không phải dành cho nàng, chỉ siết mạnh vòng tay quanh mình chàng. Một lát sau nàng hỏi:
“Ngài từ hôn Tân Nguyên cách cách không sợ sẽ bị phán tội giáng chức ư?”
“Công danh có là gì, làm sao sánh bằng nửa khắc bên người mình yêu thích. Trước khi gặp nàng trái tim ta đã hoàn toàn hóa đá. Cả đời chỉ biết chìm đắm trong việc gây dựng sự nghiệp, gặp nàng, trái tim lạnh như băng ấy mới tan rã.”
“Ngài bắt đầu yêu người ta từ khi nào?”
Tế Độ không cần suy nghĩ, đáp trong cơn say mèm:
“Lần đầu tiên gặp nàng trên Thiên Sơn, gần ba năm sau, ta vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nàng. Ai đó đã nói, thời gian là liều thuốc hiệu nghiệm chữa lành vết thương. Riêng căn bệnh của ta thì thuộc mạn tính.”
Phi Nhi nghe vậy hai giọt lệ trào ra trong mắt nàng. Nàng biết khi yêu một người mà trong lòng họ yêu người khác như nếm một quả chanh, người ngoài nhìn vào rùng mình nghĩ rất chua chát còn mình thì cứ thế mà nếm đắng nếm cay không dứt ra được, vì sau những chua chát ấy là vị ngọt ngọt ít ỏi trong cổ họng.
Phi Nhi còn đang suy nghĩ về Tế Độ, thì Nghị Chánh, Phi Yến và Tiểu Tường thấy thiếu một người bên cạnh, ba người bèn quay trở lại tìm.
Phi Nhi đứng nhìn dòng nước, lâu lắm, cuối cùng nàng bấm bụng định nói những suy nghĩ trong lòng cho Nghị Chánh, Phi Yến và Tiểu Tường nghe nhưng ra tới cửa miệng lại thành:
-Tuy mang họ Ái Tân Giác La nhưng Tế Độ rất tốt, không như lời người ta đồn đãi về hắn.
Tiểu Tường và Nghị Chánh lại được một phen há hốc miệng, nhìn nhau. Sau đó, Tiểu Tường đưa mắt bần thần nhìn xuống sông, lưỡng lự một hồi mới nói:
-Hình như Yến muội nói đúng, tỉ thật sự có cảm tình với hắn, nhìn gương mặt và ánh mắt tỉ sáng rực lên khi nhắc tới hắn.
Phi Nhi nói:
– Muội này, sao lại hùa theo Yến muội, hồ đồ vừa thôi!
Phi Yến vội bênh Tiểu Tường:
-Nhị tỉ không phải hồ đồ, tỉ thật đã thay lòng rồi, cái thái độ thần hồn điên đảo của tỉ hoàn toàn để lộ nguyên hình cho người ta thấy rồi đấy thôi!
Lời Phi Yến làm Phi Nhi không biết nói gì nữa, với tay ngắt một cọng cỏ lau mọc bên bờ sông cầm trong tay, ánh mắt nhìn trân trối vào cọng cỏ lau, thần trí bàng hoàng. Nàng tự hỏi phải làm sao để giải thích những cảm giác trong lòng nàng cho Phi Yến và Tiểu Tường đây? Phi Nhi cảm thấy đau nhói ở tim, thật ra bấy lâu đối với Cửu Dương nàng chỉ có sự sùng bái và ngưỡng mộ nhất thời, bây giờ nàng mới nhận ra có phải đã quá trễ rồi?
Hai người đàn ông đều có nhiều điểm đặc biệt, cá tính, bí ẩn, khiến nàng khám phá mãi không hết. Với Tế Độ, nàng trao chàng ánh nhìn trìu mến mỗi khi lắng nghe chàng nói chuyện, nàng chú ý đến những điều tưởng như bình thường nhất. Khi chàng trở nên nhàm chán nàng vẫn tìm được điều gì đó thú vị để đồng cảm. Nhưng đối với Cửu Dương, nàng chăm chú nhìn chàng không rời, bị cuốn hút rất mạnh, thích những nét lạnh lùng của chàng. Để rồi khi phát hiện ra một điều không hay về chàng, nàng biết chàng si tình cô gái vốn là thanh mai trúc mã của chàng không dứt ra được, nàng đã cảm thấy thất vọng. Một chút hụt hẫng trong lòng. Nàng cảm thấy khó chịu, tỏ ra thất vọng khi lỡ vuột mất cơ hội, và nàng đã làm một bài thơ trách chàng. Trong thơ, nàng bảo chàng hạnh phúc cần sự gìn giữ và hi sinh nhưng nếu không đến từ hai phía thì đó là sự hi sinh vô nghĩa nhất!
Nhưng khi biết Tế Độ có ý trung nhân, tuy lòng đau như cắt, nàng vẫn âm thầm quan tâm, hỏi han, lắng nghe chàng chia sẻ. Nàng vẫn nuôi hy vọng vô hình, và chờ đợi, vài tháng cũng được, vài năm cũng được… Nàng vẫn giữ nguyên cách cư xử với chàng như lúc đầu, kiên nhẫn chờ, hy vọng sẽ có lúc chàng cần nàng, và nàng luôn sẵn sàng. Bây giờ nàng đã hiểu yêu khác với ngưỡng mộ một người là thế nào.
Phi Yến nhìn Phi Nhi lom lom. Phi Yến nhận biết những biến chuyển trong thần sắc của Phi Nhi. Phi Yến nói:
– Muội có một câu này tặng tỉ.
– Câu gì?
– Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt!
Tiểu Tường quay sang Nghị Chánh, hỏi nhỏ:
-Nghĩa là gì thế huynh?
Nghị Chánh nói nhỏ vào tai Tiểu Tường:
-Câu này nghĩa là gần nước gần lầu hưởng ánh trăng, người và người ở gần bên cạnh thì dễ sinh tình!
Tiểu Tường mím môi nhìn Phi Nhi dò xét phản ứng từ Phi Nhi. Tiểu Tường thấy mắt Phi Nhi đỏ hoe, còn Phi Yến thì vẫn nhìn Phi Nhi chằm chằm. Một lát sau mặt Phi Yến nổi sắc giận, nói bằng giọng đanh thép:
-Tỉ đã quên những gì hắn gây ra ư? Tỉ đã quên vì hắn mà Thiên Văn phải ngồi tù ư?
Phi Yến dứt lời bật khóc, nàng thật rất nhớ Cửu Dương, lúc trước ở Đồng Sơn nàng hay nấu những món Cửu Dương thích ăn nhưng từ khi vắng chàng nàng không dám bước vào bếp, sợ chạm phải nỗi đau. Sở thích của nàng là vào bếp nấu ăn và cùng chàng ăn uống ngon miệng. Giờ chỉ còn có nàng, nàng sẽ nuốt không nổi bất cứ thứ gì mình nấu. Nàng ước gì ba chị em nàng không tới kinh thành mà ở lại Đồng Sơn, mong có thể quay lại như ngày xưa để không phải khó xử như bây giờ.
Phi Nhi giơ tay nắm lấy bàn tay Phi Yến, gắng gượng giải thích:
-Tỉ không quên. Nhưng mọi chuyện trên đời không phải lúc nào cũng phân rõ ranh giới trắng đen như muội nghĩ, Tế Độ không phải người xấu xa. Chiến tranh xảy ra cũng chưa hẳn đã xấu vì nó có thể tác động tích cực tới cuộc sống sau này.
Phi Yến giằng tay ra, không nhìn Phi Nhi. Phi Yến quay mặt sang Tiểu Tường và Nghị Chánh. Phi Nhi nghe tiếng Phi Yến vọng lại:
-Nếu tỉ ngả về hắn thì mai này đừng đến tìm chúng tôi nữa, tỉ về với hắn ta đi, cả hai người, trai tài gái sắc quả thật là một cặp uyên ương xứng đôi vừa lứa!
Giọng Phi Nhi chìm lắng xuống như một cung bậc vỡ ngang, rơi vào vực thẳm:
-Tỉ…
Phi Nhi chỉ nói được một tiếng rồi bật khóc. Phi Yến vẫn không nhìn Phi Nhi.
Phi Nhi hãy còn cân nhắc xem nên nói sao đây? Nàng đang mải nghĩ thì Phi Yến bước từng bước trở về cô nhi viện. Tiểu Tường không biết làm sao, đứng yên hết nhìn Phi Nhi rồi Phi Yến, nước mắt cũng giàn giụa chảy tràn ra nhiều không cầm giữ nổi. Đoạn Tiểu Tường chạy theo níu Phi Yến lại. Phi Nhi cũng chạy lại gần Phi Yến, một lúc lâu sau Phi Nhi mới buồn rầu nói:
– Hai chị em mình ra đời không được thấy mặt cha mẹ. Từ nhỏ tới lớn toàn tự chăm sóc cho nhau, các huynh đệ đồng môn trong Thanh Thành ai cũng chê hai đứa chúng mình là “đụng đâu hỏng đấy,” có người còn ghét chúng ta thậm tệ, các huynh đệ khác tuy cũng có người ân cần nhưng suy đi tính lại vẫn không như hai đứa mình. Chúng ta liền khúc ruột với nhau, xưa nay thương nhau vô ngần. Cho dù mình có bất đồng ý kiến thế nào cũng không bao giờ giận nhau, chúng ta đều bỏ qua hết. Bây giờ muội định phớt lờ tỉ thật sao? Tỉ sai rồi, sai thật rồi, mai này tỉ sẽ không dành một lời tốt nào cho hắn nữa. Thật ra từ khi tỉ nghe nói Thiên Văn được trả tự do tỉ đã định rời khỏi căn phủ đó rồi nhưng tỉ ở lại vì muốn tìm cách đưa Nữ Thần Y ra khỏi Tử Cấm Thành.
Phi Yến chớp chớp mắt như cảm thấy vừa lỡ lời nên cúi xuống như thể tạ lỗi:
– Thì ra là thế. Muội không hiểu nỗi khổ của tỉ, trách lầm tỉ, muội xin lỗi.
Tiểu Tường cũng nói:
-Ban nãy muội cũng trách lầm tỉ, muội ăn nói lỗ mãng quá nên đã xúc phạm đến tỉ, xin tỉ miễn thứ cho muội.
Phi Nhi vội vàng trả lời:
– Ðó chỉ là sự hiểu lầm, đâu thể gọi là xúc phạm được.
Tuy Phi Nhi bảo thế mà Phi Yến và Tiểu Tường cũng tuôn lệ ròng ròng, ôm chầm lấy Phi Nhi. Ba người áp vào nhau mà khóc nghẹn cả lời, mãi một hồi sau mới nguôi ngoai.
Phi Yến tự trách:
– Sau này muội sẽ sửa cái thói nóng nảy, nói chuyện mà không suy nghĩ đó đi.
-Muội cũng thế.
Tiểu Tường nói, trên tay nàng đang cầm chiếc khăn, vội lau nước mắt cho Phi Nhi.
Phi Nhi nghe xong, thấy Phi Yến và Tiểu Tường vẫn còn buồn quá đỗi, Phi Nhi vuốt tóc hai muội muội.
-Tất cả những gì chúng ta làm cũng đều vì Thiên Văn, chúng ta phải ẩn nhẫn.
Nói đến đây, trong đầu Phi Nhi vẽ ra cái ngày nàng và Tế Độ đối đầu với nhau, lại buồn thối ruột nhưng cố ngăn cho nước mắt không tiếp tục chảy dài trên mặt nàng.