*Bếp lò hoàng kim – 金色的炉台: bản độc tấu violin được nhạc sĩ Trần Cương sáng tác năm 1970 dựa trên ca khúc “Ánh sáng của Mao Chủ tịch thắp sáng bếp lò vàng” ca ngợi cảnh Mao Trạch Đông trò chuyện thân mật cùng các công nhân gang thép, bài hát được ca sĩ Thi Hồng Ngạc biểu diễn và được tuyên truyền đến ngàn vạn hộ gia đình.
*Phan Dần Lâm – 潘寅林 (1947): nghệ sĩ violin nổi tiếng người Trung Quốc.
———————————————–
Hạ Thận Bình vào xưởng đồ sứ lao động cải tạo, công việc đầu tiên là đi luyện bùn. Mỗi ngày ông phải vào khu khai thác mỏ gánh đủ hai trăm cân đá từ mỏ về xưởng gia công, vác đồ nặng trên vai thời gian dài nên về sau xương sống ông có hơi biến dạng.
Ban ngày đi gánh đá, gánh về phải lấy búa đập nát vụn thành bột, rồi trộn với nước thành hỗn hợp bùn nhão, đôi tay chỉ quen đánh đàn viết chữ bây giờ cả ngày ngâm trong nước bùn, không ngừng nhào nặn loại bỏ tạp chất bên trong; đến tối thì cùng các công nhân ngủ tập thể trên một cái giường lớn, đôi khi lén soi đèn pin đọc sách hoặc viết thư về nhà.
“Này, lão Hạ.” Hạ Thận Bình đang viết đến chuyện mình đi luyện bùn thì một công nhân trẻ tuổi nằm bên cạnh lấy khuỷu tay huých nhẹ một cái, chìa ra một điếu thuốc, “Hút thuốc không.”
Mấy công nhân này không biết Hạ Thận Bình là ai, chỉ biết là người nơi khác bị điều xuống đây lao động, lãnh đạo xưởng gọi ông là lão Hạ, những người khác cũng gọi lão Hạ theo.
Hạ Thận Bình nói: “Cảm ơn, tôi không hút thuốc lá.”
“Thì cứ làm một điếu đi.” Công nhân nọ vừa duỗi cổ nhìn giấy viết thư của Hạ Thận Bình vừa ném điếu thuốc lá lên đầu gối ông, “Lão Hạ, ông đang viết cái gì thế?”
“Viết thư cho người nhà. Không cần đâu, tôi thật sự không hút thuốc.” Hạ Thận Bình trả điếu thuốc về, hỏi, “Có chuyện gì không?”
“Há…… Rốt cuộc cũng là người làm công tác văn hoá.” Anh công nhân kia cũng tiếc không muốn hút điếu thuốc, đành dắt lên vành tai, lại liếm môi, ấp úng không biết mở miệng thế nào, “Lão Hạ này, tôi có một phong thư, ông đọc giúp tôi với được không?”
Hạ Thận Bình trả lời: “Được chứ, cậu lấy ra đây.”
Cậu công nhân moi từ trong ngăn tủ ra một cái hộp sắt rỉ. Vừa mở nắp hộp, một xấp thư bị ép chặt tràn ra, cậu ta cẩn thận đè thư xuống, ôm cái hộp như đang ôm con mèo bướng bỉnh luôn muốn thò đầu ra ngoài.
“Đọc bức nào?” Hạ Thận Bình hỏi, “Hay là đọc hết?”
“Đọc, đọc hết, đọc hết.” Cậu công nhân gãi gãi đầu, ngượng ngùng nói, “Phiền ông quá……” Cậu ta bất giác sửa lời, luôn miệng nói, “Phiền thầy Hạ quá, phiền thầy Hạ quá.”
“Anh Vương Bân thương mến……” Hạ Thận Bình đọc qua một câu lạc khoản, “Là thư của Vương Trân em gái cậu.”
“Tôi nhận ra được, riêng tên thì tôi nhận ra mặt chữ, đều là thư của nó.” Vương Bân đỏ mặt nói, “Cũng không phải tôi không biết chữ nào, chỉ là…… số chữ không biết hơi nhiều……”
Hạ Thận Bình gật đầu, bắt đầu đọc thư, kể chuyện Vương Trân đi thi đại học, kem đậu xanh ở ngoài trường đắt gấp đôi kem que ngâm nước muối, đậu lại không nhiều lắm, rất ngọt, nước nóng để tắm rửa trong lò đun nước trường học tiện hơn ở nhà tự nấu nước rất nhiều, không lạnh, cô kể rất nhiều chuyện vụn vặt, kể từ mùa hè năm thứ nhất đến tận mùa đông năm thứ hai.
Vương Bân nghe mà trong lòng vui sướng, ánh mắt lóe lên sự yêu thích và ngưỡng mộ: “Hầy, tôi không phải người có thiên phú học hành, con bé thì giỏi lắm, còn vào được đại học, giỏi nhất quê tôi rồi đấy. Năm năm trước tôi bắt đầu lăn lộn kiếm tiền nuôi con bé ăn học, tốt lắm tốt lắm, bõ công. Chờ con bé tốt nghiệp được phân công nhiệm vụ, sau đó giới thiệu công việc khác cho tôi, kiểu gì cũng thoải mái hơn chỗ này.” Ngữ khí cậu ta rất hãnh diện.
Đọc đến lá thư cuối cùng, Vương Trân hỏi tết năm nay Vương Bân có trở về nhà không.
Vương Bân do dự nửa ngày, nói là chắc không về, tiền vé xe phải tích cóp cho cô bé đóng học phí, học hành vất vả, mùa hè dư chút tiền tiền ăn thêm hai cây kem đậu xanh cũng được.
Hạ Thận Bình xếp gọn thư lại bỏ vào hộp, hỏi cậu ta: “Cậu có viết thư trả lời không?”
Vương Bân cẩn thận nhét lại hộp sắt vào ngăn tủ, khóa chìa khóa lại: “Có chứ có chứ…… Thật sự ngại quá.”
Hạ Thận Bình thay Vương Bân viết thư trả lời, Vương Bân đọc cho ông viết, cậu ta cứ đọc say sưa, ông cũng không ngắt lời lần nào, im lặng dùng bút máy viết chi chít lên giấy, cuối cùng viết được khoảng ba mươi trang đầy tràn cả hai mặt.
Vương Bân đọc xong thì trợn tròn mắt: “Sao, sao lại nhiều như vậy?”
Hạ Thận Bình phơi giấy cho khô mực: “Không nhiều lắm.”
Vương Bân duỗi tay ra đếm: “Một, hai…… ba mươi tờ, như thế này mà không nhiều lắm?”
Hạ Thận Bình: “Ba mươi trang kể chuyện của năm năm trời, cậu thấy nhiều chỗ nào?”
Chờ mực khô hết, Hạ Thận Bình dùng dao rọc giấy cắt phần giấy thừa đi: “Tuy hơi xấu nhưng ít nhiều bớt được chút bưu phí.”
Vương Bân liên tiếp nói mấy câu cảm ơn, ngày hôm sau đi ra mỏ quặng thì giành gánh giúp Hạ Thận Bình năm mươi cân đá, cứ cách vài ngày giờ cơm trưa lại cho ông một quả trứng gà, không biết là để dành được từ chỗ nào.
Đến một ngày nọ làm xong việc, Hạ Thận Bình đi ăn cơm, mới vừa ăn một lát đã bị một đám công nhân vây quanh, hơn phân nửa đều là người tuổi trẻ tráng kiện.
Hạ Thận Bình gác đũa qua một bên hỏi: “Có chuyện gì không?”
“Này này, tôi bảo các cậu giãn giãn ra một chút, chen chúc hết ở chỗ này làm sao thầy Hạ ăn cơm? Không chờ thầy Hạ cơm nước xong lại nói được à?” Vương Bân từ ngoài đám đông chen vào, “Cái đám nhóc con này…… Ha ha, thầy Hạ……” Vương Bân ngượng ngùng xoa xoa tay, “Bọn họ cũng muốn nhờ thầy giúp viết thư về nhà, thầy thấy sao?”
Hạ Thận Bình trả lời: “Được, từng người một thôi.”
Vương Bân nói: “Đúng vậy, ăn cơm trước, ăn cơm trước, cơm nước xong thì ra xếp hàng.”
Ăn cơm xong, có người đã chạy ra giật hộp cơm của Hạ Thận Bình mang đi rửa, mặt cũng không thấy rõ đã phóng đi nhanh như chớp, qua mấy phút thì chạy về, ân cần đưa ra hộp cơm sạch sẽ vẫn còn nhỏ nước. Đáng tiếc lúc này đã có một đám người sớm bắc ghế hoặc ngồi xổm dưới sàn chờ, vây quanh Hạ Thận Bình kín mít, chiếc hộp cơm chuyền qua mấy đôi tay khác nhau mới đến được trước mặt ông, Hạ Thận Bình ngẩng đầu lên chỉ thấy một cậu trai ngăm đen rắn chắc, không biết ai đã giúp ông rửa chén bát.
“Tôi, là tôi!” Một cánh tay khô ráo vẫy vẫy giữa không trung.
Vương Bân mắng: “Ồn ào cái gì.”
Chủ nhân cánh tay kia nói: “Tôi vừa đi rửa hộp cơm, phong thư tiếp theo thầy Hạ viết giúp tôi nhé?”
Mọi người liền mắng Nhị Hầu thật biết chớp thời cơ, chỉ đi rửa bát thôi mà cũng đòi chen hàng.
“Các người ghen ghét ông đây phỏng.” Nhị Hầu mặc kệ, cười chen đến bên tay trái Hạ Thận Bình, nói muốn viết thư cho mẹ, nhờ người nhà lo chuyện hôn sự.
Có người cười nhạo: “Mày không biết chữ, mẹ mày cũng không biết chữ, viết thư ai xem hiểu?”
“Mẹ tao đi nhờ các thầy trong thôn đọc không được chắc?” Nhị Hầu xua tay rồi lập tức đọc thư.
“…… Còn con bé ăn hại trong nhà nữa, mau gả phứt ra ngoài đi, nếu không cả ngày ăn không ngồi rồi làm sao con cưới vợ được? Cha mẹ làm sao ôm cháu?” Nhị Hầu mặt mày hớn hở chỉ lo đọc phần mình, nói hết nửa ngày rồi cầm cốc tu trà ừng ực, đến lúc thả cốc xuống mới nhân tiện liếc qua mặt giấy của Hạ Thận Bình, “Thầy Hạ, tôi nói cả buổi, sao thầy viết ít chữ thế?”
Hạ Thận Bình vừa viết xong câu “Tuy gia cảnh bần hàn, nhưng cũng nên lo liệu hôn sự cho chị em trong nhà”, dừng bút trả lời không nhanh không chậm: “À, viết văn cần ngắn gọn súc tích một chút. Còn những người khác cũng đang có thư chờ viết, dừng ở đây thôi nhé.”
Viết được mấy phong thư, đầu bếp nhà ăn đến xua đi, một đám người lại kéo Hạ Thận Bình vào phòng tiếp tục viết, đóng cửa sổ kín mít, đốt chậu than to lên cho ấm, than trong bồn từ lúc còn đen nhánh bị đốt đỏ rực lên, lại cháy hết thành tro, khói từ trong bồn lượn lờ bay lên, tro tàn lại lả tả rơi xuống bồn.
Từ đó về sau, mỗi bữa cơm đều có người giúp Hạ Thần Bình rửa hộp, đi quặng mỏ nhiều lần có người giúp ông gánh đá, nhưng người nhường trứng gà cho ông giống Vương Bân thì chẳng có mấy ai, chủ yếu là vì ngày thường cũng không hay thấy gà.
Đến hạ tuần tháng chạp, trong xưởng mở cuộc họp tổng kết, có người chủ động đề nghị đổi vị trí công tác cho Hạ Thận Bình, nói tuổi mình còn trẻ, có thể đi gánh đá, Hạ Thận Bình sức yếu không gánh được nhiều, tay lại khéo léo, không bằng đi học khắc hoa vẽ men sứ thì tốt hơn.
Lãnh đạo công xưởng yêu cầu mọi người bỏ phiếu tán thành.
Ban đầu chỉ có mười mấy cánh tay, rồi từng cánh tay khác chậm rãi giơ lên, đều là những công nhân từng nhận giúp đỡ của Hạ Thận Bình, cuối cùng còn mấy người không giơ tay nhìn quanh, cũng đành nhấc tay theo.
“Lão Hạ được toàn bộ phiếu thông qua, ông phải quý trọng sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân biết không.” Lãnh đạo công xưởng vỗ vai Hạ Thận Bình.
Qua Tết Âm Lịch, thư nhà Hạ Thận Bình gửi về từ luyện bùn kể sang chuyện vẽ phôi, sau đó từng phong thư lại kể chuyện phơi phôi, tráng men rồi nung lò.
Mỗi một phong thư Hạ Ngọc Lâu đều đọc đi đọc lại rất nhiều lần đến thuộc làu, những bức thư xếp gần nhau tựa như một quyển sách hướng dẫn các công đoạn làm đồ sứ. Hắn xem xong thì giảng giải lại cho Ôn Nguyệt An cách làm những vật dụng sứ trong nhà, từ hai con cá chép bơi trong đĩa, cặp uyên ương hồ điệp trên tách trên chén đến non nước sơn thủy trên cục chặn giấy, giải thích từng cái giống như hắn thật sự tự tay làm ra.
Ôn Nguyệt An vẫn còn nhỏ, có nhiều chỗ nghe không hiểu lắm.
Hạ Ngọc Lâu cũng không thể giải thích quá chi tiết, chỉ nói: “Nếu lúc nào đó được đi thăm ba thì sẽ nói ba nung cho em một cái cốc, trên cốc vẽ mặt trăng.”
Ôn Nguyệt An cực kỳ háo hức trông mong cái cốc vẽ mặt trăng đó, ban đầu còn kiềm chế không hỏi, sau đó đến lúc luyện chữ thì không nhịn được nữa muốn Hạ Ngọc Lâu vẽ ra cho mình nhìn thử.
Hạ Ngọc Lâu vẽ ra hình dáng một cái cốc, trên thành ly vòng một vầng trăng tròn, nhưng nhìn thế nào cũng không thấy hài lòng. Mặt trăng rất dễ vẽ, nhưng ánh trăng sáng thì không dễ tả chút nào, nếu trên nền cốc đen vẽ một vầng trăng màu trắng thì đương nhiên có mặt trăng, nhưng sẽ không thấy được ánh sáng.
Ôn Nguyệt An nghĩ ngợi, vẽ một cái cốc khác bên cạnh, ở giữa vẽ một vòng trăng, dưới ánh trăng vẽ một tòa lầu rồi tô đen nền cốc, chỉ để lại vầng trăng và tòa lầu ngọc bên dưới, như vậy liền có ánh trăng sáng rồi.
Hạ Ngọc Lâu cất bức vẽ cái cốc của Ôn Nguyệt An đi: “Đến lúc đó dựa theo bức vẽ của em nung một cái.”
Ôn Nguyệt An hỏi: “Sư ca, kỳ lạ quá, chỗ thầy Hạ chỉ có đá với nước, làm sao lại nặn ra được cái cốc như vậy?”
Hạ Ngọc Lâu cười rộ lên: “Em nghĩ đi, luyện đàn là bắt đầu luyện từ CDEFGAB (do re mi fa sol la si) thành Mozart, viết chữ là biến mực đen thành thơ từ ca phú, làm đồ sứ ấy à, chính là từ đá và nước cuối cùng trở thành ‘bằng quân điểm xuất lưu hà trản, khứ phiếm lan đình cửu khúc tuyền’.* đấy”
*凭君点出流霞盏, 去泛兰亭九曲泉: đây là câu thơ ca tụng một nghệ nhân gốm sứ thời nhà Minh tên Hạo Thập Cửu, ý nói chỉ bằng đôi tay mà làm ra được sông chảy, hoa cỏ đình viện cầu cửu khúc sống động như thật trên từng món đồ gốm sứ.
–——————————
Tự dưng để ý thấy thầy Ôn về già mang phong thái giống thầy Hạ Thận Bình ghê, là kiểu người điềm tĩnh dịu dàng mà lại luôn tìm thấy niềm vui trong nghịch cảnh ý, đến cái tính cứng đầu cố chấp cũng giống luôn, chắc do thầy Ôn từ nhỏ được người như vậy nuôi dạy…