Sổ Tay Người Vợ Có Chồng "7 Năm Ngứa"

Chương 77: Nuối tiếc được gì?



Trong giới thương gia thành phố C, câu chuyện của nhà họ Hàn dần dần cũng chìm xuống như hòn đá vứt vào lòng hồ sâu, bọt nước lăn tăn rồi biến mất không tung tích.

Người quen biết ông Hàn cũng chỉ thở dài tiếc cho một đời tưởng chừng xuôi chèo mát mái của người đàn ông ấy, phong quang rạng rỡ mấy mươi năm không ngờ sau khi từ giã cuộc đời lại biến thành một trò mỉa mai.

Quạ nuôi con của tu hú mấy mươi năm, đứa con trai ruột thịt duy nhất lại phải lặn lội giữa đời mười mấy năm để nuôi sống vợ con rồi bỏ mạng trong tay những người ông tin tưởng thương yêu. Một trò hề không hơn không kém.

Cho nên việc vợ chồng cháu gái ruột thịt duy nhất của ông Hàn tiếp quản tập đoàn Lập Hằng cũng không gây ra dư luận hay ảnh hưởng gì đáng kể. Dần dần công việc của tập đoàn vận hành trơn tru theo một guồng quản lý mới, vài tháng sau Trình Nam trở về nước và trở thành tổng giám đốc của Lập Hằng.

Tháng thứ sáu của thai kỳ, Hàn Lâm nhận được tin tức từ trong trại giam, Chu Hà Quang cắt cổ tay tự sát. Lúc quản ngục và bạn tù phát hiện thì cả người ông ta đã lạnh ngắt từ lâu.

Hàn Lâm từng lo lắng rằng việc này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến chồng của cô, nhưng xem ra cái chết của Chu Hà Quang không gây ra biến động gì lớn đối với Cố Đình Lập.

Thân phận người cha thật sự của Cố Đình Lập là vấn đề mà Hàn Lâm luôn luôn cố gắng né tránh, cô không muốn anh phải chịu bất kỳ sự mặc cảm và tủi hổ nào, kể cả trước mặt mình. Thế nhưng cái chết của Chu Hà Quang lần này buộc hai vợ chồng phải đối mặt với điều đó.

Ngày Cố Đình Lập đến trại tạm giam để nhận xác Chu Hào Quang là một ngày mưa gió, anh không cho cô cùng đi, không phải để tránh né điều gì mà chỉ bởi vì người đang mang thai không nên đến những nơi âm u như thế.

Chiếc khăn trắng được kéo xuống, khuôn mặt trắng nhợt của Chu Hà Quang hiện ra trước mắt. Vẻn vẹn hơn bốn tháng, gã đàn ông trung niên đang trong độ tuổi sung mãn như lột xác thành một lão già hom hem, khuôn mặt tròn đầy ngày xưa giờ hốc hác lộ cả xương gò má.

Quản ngục bảo rằng từ khi vào đây Chu Hà Quang liền bị mất ngủ, thường ngồi nhìn đăm đăm song sắt phòng giam cho đến rạng sáng. Không dưới hai lần ông ta đưa ra yêu cầu muốn gặp mặt Cố Đình Lập, thế nhưng anh đều từ chối. Có lẽ ông ta vẫn không thể nào chấp nhận sự thật rằng tham vọng cả cuộc đời rốt cuộc bị sụp đổ chỉ vì một giọt máu rơi của chính ông ta.

Giữa hai người bọn họ chỉ có liên quan về mặt sinh học, giữa bọn họ còn vắt ngang hơn hai mươi năm tỉnh tỉnh mê mê của Cố Tinh My, người phụ nữ đã bị hủy hoại cả cuộc đời vì ông ta. Cho nên tự bản thân Chu Hà Quang cũng biết, cơ hội cho ông ta bằng không.

Bọn họ cũng có nét tương tự nhau, cũng bởi vì thế mà trong suốt thời niên thiếu, mỗi khi bệnh ngây dại của mẹ bộc phát, cậu bé con Cố Đình Lập phải tìm nơi trốn tránh những trận đòn. Cậu không hận mẹ, bà ấy cũng chỉ là nạn nhân, nhưng gã đàn ông đốn mạt vùi dập cả cuộc đời của bà ấy thì không đáng tha thứ.

Ngày Hàn Lâm đưa anh về căn phòng của mẹ rồi trao cho anh quyển nhật ký được cất trong hốc tối sau bức ảnh của bà và mẹ, Cố Đình Lập mới hiểu rõ những tủi nhục và tuyệt vọng mà mẹ của mình phải gánh chịu.

Chu Hà Quang không yêu Cố Tinh My, chỉ dùng bà ấy như một công cụ thỏa mãn bản tính chiếm hữu và sự ganh ghét dành cho ông Hàn Lập. Ông ta không thể chịu đựng cảm giác khi nhìn thấy từng người phụ nữ ưu tú cứ quay cuồng xung quanh người bạn của mình. Hàn Lập có quá đủ và quá nhiều mà không cần cố gắng gì cả, trong khi ông ta lại là kẻ tay trắng. Ghen hờn điên cuồng khiến ông ta hóa thành quỷ dữ, cũng nhấn chìm cuộc đời Cố Tinh My trong đau đớn tột cùng.

Cố Tinh My chưa hẳn là điên loạn, nhưng có lẽ trong tiềm thức bà ấy muốn dùng sự ngây dại để trốn tránh sự thật, lừa gạt bản thân mình rằng đó chỉ là một cơn ác mộng. Những lúc tinh thần tỉnh táo nhất, bà ấy sẽ dùng quyển nhật ký ghi lại toàn bộ những điều tồi tệ xảy đến với mình.

Hàn Lâm phát hiện quyển nhật ký ấy trong thời gian sinh sống tại căn phòng này. Vào một buổi sáng, Bóng Bay đuổi theo một chú bướm bay lạc từ ngoài vườn vào phòng, vô ý làm rơi bức ảnh trên tường lộ ra một hốc tối bí mật. Lúc ấy Hàn Lâm mới biết được chủ nhân căn phòng là ai và vì sao mình lại có cảm giác ngờ ngợ mỗi khi nhìn thấy bức ảnh này. Chủ nhân căn phòng chính là mẹ chồng của cô, còn A Giai trong miệng bà Thi An lại chính là Cố Đình Lập.

Quan trọng hơn là quyển nhật ký ấy hé lộ thân phận người cha ruột của Cố Đình Lập, cũng giải thích vì sao tại góc cầu thang tuyệt vọng ngày ấy cô lại cảm thấy bóng dáng người đàn ông bên Bội Châu giống chồng mình. Hiển nhiên, chồng cô chưa hề phát hiện mối quan hệ giữa ba người bọn họ. Lo lắng cho Cố Đình Lập sẽ bị tổn thương khi biết được sự thật, nếu như không xảy ra vụ bắt cóc trả thù của Chu Hà Quang thì cô đã quyết định chôn vùi bí mật ấy cả cuộc đời mình.

Kể cả khi Chu Hà Quang vào tù, Hàn Lâm cũng chưa một lần chủ động nhắc lại chuyện này. Có những người và sự kiện vốn không cần thiết phơi bày rõ ràng, sẽ chỉ mang lại sự tổn thương. Cho nên lần này khi biết được trong di thư để lại Chu Hà Quang muốn anh xử lý hậu sự cho ông ta, Hàn Lâm đã khuyên anh đi nhận di thể của Chu Hà Quang, xem như một lần cuối cùng chấm dứt mối liên kết mỏng manh ấy.

Thi thể Chu Hà Quang được hỏa táng vào hai ngày sau đó, tro cốt được họ rải xuống biển. Cát bụi về cát bụi, mong rằng biển xanh mênh mông sóng có thể gột rửa phần nào những tội lỗi người đàn ông ấy đã gây ra cho những người vô tội khác.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.