Hồng Bào Quái Nhân

Chương 77: Du lang đả bại kiến châu tứ kiếm



Du Hữu Lượng ngơ ngác hồi lâu. Chàng cũng tiên liệu thiếu nữ này lai lịch không phải tầm thường, nhưng không ngờ cô là em gái của Tổ tham tướng.

Miệng cô nói ra toàn thuật ngữ tự coi mình là hàng lão luyện giang hồ, chẳng hiểu có dụng ý gì?

Bỗng nghe ngoài đường phố vó ngựa vang lên. Chàng nhìn qua cửa sổ thấy thiếu nữ y phục hoa lệ cưỡi trên lưng ngựa. Đoàn quân sĩ hộ vệ trước sau lao đi rất nhanh.

Tiền Kim Ngô nét mặt âm trầm, tự nói một mình:

– Xen đem trọng binh viện trợ cũng là một ý kiến rất hay, nhưng liệu bọn mình có về được thành Ninh Viễn không?…

Tổng tiêu đầu Hà Thất Mãnh hạ thấp giọng xuống nói:

– Các tướng ở Ninh Viễn chắc cũng nghe tin rồi. Bước tiến trình càng ngày càng khó khăn. Theo ngu kiến của Hà mỗ thì cục chủ nên hạ lệnh quay về đưa hàng đến kinh sư, chờ ngày khác…

Hắn chưa dứt lời, Tiền Kim Ngô đập bàn đánh “binh” một cái. Rượu thịt bắn tứ tung. Hà Thất Mãnh sợ quá không dám nói nữa.

Tiền Kim Ngô quát hỏi:

– Hà Thất Mãnh! Ngươi làm tiêu đầu mà dám nói đến hai chữ “quay về” ư?

Hà Thất Mãnh vẻ mặt lúc xanh rờn, lúc trắng bợt, ấp úng không thốt nên lời.

Tiền Kim Ngô lại lớn tiếng hỏi:

– Chúng ta ăn uống xong lại lên đường. Anh em còn ai dị nghị nữa không?

Lão hỏi rồi đảo mắt nhìn quanh. Bọn tiêu sư thấy cặp nhãn thần của lão cực kỳ lạnh lẽo không khỏi sợ run đều vâng dạ luôn miệng.

Tiền Kim Ngô nói:

– Hay lắm! Anh em đừng quên rằng sẽ được thù lao năm ngàn lạc bạc.

Ban đầu hắn uy hiếp tiêu sư, rồi lại dùng tiền thưởng làm chuyển động lòng người. Bọn tiêu sư tuy biết chuyến này cực kỳ nguy hiểm cũng đành bán mạng sống đê lấy tiền.

Du Hữu Lượng ngồi bàng quang trong lòng rất đỗi hoài nghi tự hỏi:

– Không hiểu Kim Ngô tiêu cục tải hàng gì mà làm kinh động cả quan quân?

Tham tướng Tô Đại Thọ là người trung trực, tất không có ý nhũng nhiễu nhân dân.

Ta đã cùng y sóng vai dự cuộc chiến đấu ở Ninh Viễn, khó mà tọa thị điềm nhiên được…

Chàng chợt nhớ tới điều gì, bỗng biến đổi sắc mặt, lẩm bẩm:

– Hỏng rồi! Tiền Kim Ngô vừa tự nói một mình đã để lộ một chút phong thanh. Hiển nhiên dọc đường tất có mai phục nên viên tướng trung niên mới bảo khó về Ninh Viễn được. Ta cần thông báo cho bọn họ để chú ý phòng ngừa.

Chàng nghĩ tới đây không chần chờ nữa, đứng ngay dậy lật đật bước ra cửa tửu lâu.

Tiền Kim Ngô trầm giọng hô:

– Tiểu ca hãy dừng bước.

Lão lạng người ra đứng chắn trước mặt Du Hữu Lượng.

Du Hữu Lượng hỏi:

– Tại sao Tiền cục chủ lại cản đường tại hạ?

Tiền Kim Ngô hỏi lại:

– Tiểu ca ra đi một cách hấp tấp phải chăng để đuổi kịp đội quân sĩ kia?

Du Hữu Lượng nghĩ thầm:

– Thằng chó Tiền Kim Ngô này tâm tư rất thâm mật.

Mặt ngoài vẫn thản nhiên chàng hỏi lại:

– Đúng thế thì sao?

Tiền Kim Ngô cất giọng âm trầm đáp:

– Tiểu ca không ra khỏi tửu lâu này được.

Lão vừa dứt lời liền phóng chưởng đánh tới trước ngực Du Hữu Lượng.

Chưởng lực vừa hùng hậu vừa mau lẹ phi thường.

Du Hữu Lượng đã đề phòng từ trước, chàng lạng người tránh. Tay mặt từ mé tả đánh chênh chếch lên nhằm vào huyệt mệnh môn của đối phương.

Tiền Kim Ngô cười khẩy một tiếng. Hắn thay đổi phương vị một cách tuyệt diệu, Du Hữu Lượng liền cảm thấy luồng chưởng lực thiên qua một bên.

Chàng định dùng cách tá lực để xông ra, nhưng diễn biến này bắt buộc chàng phải lùi lại mấy bước.

Tiền Kim Ngô liền sấn tới, song chưởng đánh ra một chiêu cực kỳ lợi hại. Chỉ trong chớp mắt hắn dồn Du Hữu Lượng vào tình thế không thể phản kích được nữa.

Du Hữu Lượng lòng nóng như lửa đốt, chàng hối hận đã nói thật. Bây giờ chàng bị thế công của Tiền Kim Ngô chỉ tự vệ cũng đủ mệt, khó mà thoát khỏi bao vây.

Giữa lúc Du Hữu Lượng chưa nghĩ được cách nào để thoát thân thì Đỗ, Bạch nhị hiệp ở phái Hoa Sơn đưa mắt nhìn nhau rồi đồng thời đứng dậy. Hai người chia nhau ngồi ở mé hữu Tiền Kim Ngô.

Đỗ đại hiệp chẳng nói năng gì, vung chưởng tập kích sau lưng lão.

Chiêu thức của y nham hiểm phi thường! Đừng nói mọi người trong tửu lâu phải ngạc nhiên, mà cả Du Hữu Lượng đang vội chiến đấu cũng lấy làm kinh dị.

Đỗ Nguyên Xung đứng đầu Ngũ hiệp ở Hoa Sơn mà dùng thủ đoạn đánh lén thì chàng không bao giờ dám nghĩ tới.

Nhãn quang của Tiền Kim Ngô sắc bén phi thường. Lão đã nhìn thấy Đỗ Nguyên Xung ngồi bên ngấm ngầm tập kích liền thét lên:

– Hà tiêu đầu cản hắn lại cho ta.

Hà Thất Mãnh đứng dậy toan tiến lại ngăn cản đòn tập kích thay chi Tiền Kim Ngô thì Bạch nhị hiệp mắt sáng tay lẹ đã phóng ra một chiêu Thất bộ thần quyền của phái Hoa Sơn.

Hà Thất Mãnh phải lùi lại mấy bước. Giữa lúc ấy Đỗ Nguyên Xung đã phóng chưởng đánh tới sau lưng Tiền Kim Ngô không đầy năm tấc.

Tiền Kim Ngô đã nhận ra phương vị cùng tốc độ chưởng lực của địch thủ, lão vội bước sang bên né tránh.

Đỗ Nguyên Xung hô lớn:

– Du huynh đệ hành động lẹ đi!

Du Hữu Lượng sửng sốt. Đỗ Nguyên Xung lại giục:

– Xông ra lẹ đi! Chúng ta đoạn hậu cho huynh đệ.

Du Hữu Lượng không nghĩ ngợi gì nữa, phóng chỉ nhằm điểm vào đại huyệt trước cổ họng Tiền Kim Ngô.

Tiền Kim Ngô hai mặt thụ địch, người hắn lại phải xoay đi… Du Hữu Lượng thừa cơ lướt qua mé tả Tiền Kim Ngô.

Tiền Kim Ngô không ngờ đối phương mau lẹ đến thế, buột miệng gầm lên:

– Ngươi chạy thoát được chăng?

Hắn vừa quát vừa nhảy vọt tới phóng chưởng đánh liền.

Du Hữu Lượng biết rằng nếu cùng lão đối chưởng thì khó có cơ hội thoát thân.

Chàng vội đề tụ chân khí nhảy vọt đi mấy thước, chỉ cách địch thủ chừng sợi tóc.

Tửu khách trong điếm trợn mắt la hoảng, Du Hữu Lượng ra khỏi tửu lâu vận khinh công đến mười hai thành chạy về phía Bắc.

Chàng chạy đến một giờ thấy đường đi mỗi lúc một chật hẹp và nguy hiểm hơn.

Đột nhiên có tiếng quát tháo theo chiều gió vọng lại. Du Hữu Lượng trống ngực đánh thình thịch la thầm:

– Chắc là có đội quan binh mai phục.

Chàng nhô lên hụp xuống vọt đi một cái ra xa năm trượng, bỗng thấy bên đường hẹp phía trước một đám người đang đội máu chiến đấu.

Du Hữu Lượng chú ý nhìn kỹ thấy trên đám thảo bình trên đường cắm một lá cờ lớn viết chữ “Hạ”. Mấy chục quân sĩ đội khôi giáp đang hết sức liều mạng với hai đại hán võ phục. Đoàn ngựa kinh hãi xúm vào một chỗ, thỉnh thoảng hý lên một tiếng vang dội. Cạnh chân ngựa mấy xác quân sĩ đẫm máu nằm đó.

Bên kia võ tướng trung niên và thiếu nữ hoa lệ đang cùng hai hán tử sử kiếm chiến đấu.

Du Hữu Lượng bụng bảo dạ:

– Những điều ta lo ngại quả đã không lầm. Địch nhân bố trí mai phục bên đường. Trách nào Tiền Kim Ngô chẳng ngăn cản không cho ta dời khỏi tửu lâu…

Trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, chân chàng vẫn chạy nhanh. Chàng lao về phía trước mấy trượng thì thấy bốn hán tử sử kiếm mắt như chim ưng, trán cao mà rộng. Vừa thấy chúng đã nhận ra ngay xuýt nữa bật tiếng hô “Kiến Châu Tứ Kiếm”.

Bốn người này chính là Kiến Châu Tứ Kiếm dưới trướng Đa Nhĩ Cổn.

Du Hữu Lượng ngày trước đã giao thủ với bọn chúng nên biết rõ kiếm thuật của họ không phải tầm thường. Bọn quân sĩ kia dù đã rèn luyện cũng chỉ để xung phong hăm trận thì được, còn về võ nghệ chúng thua bọn Tứ Kiếm xa lắm.

Chỉ trong khoảnh khắc, lại ba tên quân sĩ té xuống. Thiếu nữ hoa lệ và võ tướng trung niên lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Võ tướng trung niên quát:

– Chúng không thể chống nổi bọn địch nhân. Đại tiểu thư lên ngựa đi thôi, đừng can thiệp vào chuyện của bọn tiểu tướng nữa.

Tuy y đạo thương thuần thục, sử cây trường thương rất linh động, nhưng đã ở vào tình thế hạ phong. Y vừa phân tâm hô hoán liền bị đối phương đâm trúng một kiếm vào dưới nách. Máu tươi tuôn ra như suối, áo bào ướt một mảng lớn.

Thiếu nữ hoa lệ thét lên lanh lảnh:

– Nhà họ Tổ trước nay lâm trọng không bao giờ chùn nhục. Hạ Khiêm! Ngươi hồ đồ mất rồi!

Cô nóng nảy liều mạng. Cặp tử mẫu song hoàn đánh mạnh ra bằng chiêu thức liều chết với địch, bức bách đối thủ phải lùi lại mấy bước.

Võ tướng trung niên tên gọi Hạ Khiêm thấy thiếu nữ hoa kệ không chịu rút lui thì trong lòng nóng nảy. Y lại trúng một kiếm vào vai bên phải. Y gầm lên một tiếng thật to múa tít trường thương sấn về phía trước.

Lúc này Du Hữu Lượng đã tới gần vòng chiến. Chàng lạnh lùng quát:

– Bọn Thát Đát! Sao các ngươi còn chưa dừng tay?

Bọn Kiến Châu Tứ Kiếm đang ham đánh nghe tiếng hô chấn động tâm thần, tay kiếm chậm lại một chút. Bọn quân sĩ đều lui về bên đàn ngựa bày thành trận thức ngự địch.

Thiếu nữ hoa lệ vừa ngó thấy Du Hữu Lượng liền bật tiếng la thất thanh:

– Ngươi… sao ngươi cũng đến đây?

Du Hữu Lượng nhảy vào trường đấu nhìn Kiến Châu Tứ Kiếm hỏi:

– Đã lâu chúng ta không gặp nhau rồi nhỉ?

Đứng đầu bọn Tứ Kiếm là Lương Luân trỏ tay vào mặt chàng quát:

– Họ Du kia! Ngày trước ngươi nhân lúc bọn ta sơ hở, thả vị cô nương ở phái Hoa Sơn đi mất. Món nợ này Lương mỗ chưa tìm đến, mà ngươi đã lại mò mặt đến. Thế là bọn quân sĩ lúc lâm tử thêm một người bạn.

Du Hữu Lượng trầm giọng hỏi:

– Phải chăng Đã Nhĩ Cổn phái các ngươi mai phục ở đây?

Lương Luân hỏi lại:

– Ngươi đã biết rồi sao còn giả vờ hỏi?

Du Hữu Lượng đáp:

– Du mỗ muốn chừng thực lời phỏng đoán của mình xem có đúng không?…

Lương Luân nói:

– Ngươi đừng giở trò nữa. Chúng…

Du Hữu Lượng ngắt lời:

– Du mỗ trước không tin như vậy, vì Tiền Kim Ngô là người có đức vọng, sao lại cam tâm làm ăn với giặc, để cho Đa Nhĩ Cổn mua được. Nhưng ngươi thừa nhận vâng lệnh Đa Nhĩ Cổn ở đây mai phục thì hiển nhiên đã có âm mưu thật sự…

Lương Luân cười khẩy đáp:

– Tiểu tử! Ngươi còn chứng thực làm gì nữa? Chẳng lẽ bọn Tứ Kiếm chúng ta lại để ngươi sống sót mà rời khỏi nơi đây?

Du Hữu Lượng nhún vai đáp:

– Các ngươi hãy thử coi…

Ôn Trường Túc đứng ở phía sau Lương Luân tiến lên một bước nói:

– Họ Du kia! Bữa nay ngươi không có Huyền Hồ Quận Chúa hậu thuẫn thì anh em ta muốn giết ngươi chả còn úy kỵ gì nữa. Bữa trước Cửu Vương gia ra một đạo mệnh lệnh…

Du Hữu Lượng lấy làm kỳ hỏi:

– Mệnh lệnh gì? Sao lại liên quan đến Du mỗ?

Ôn Trường Túc đáp:

– Cửu Vương gia đã nghiêm lệnh cho bọn ta:

Không thể thu dụng ngươi được thì giết quách đi. Hà hà! Ngươi đã hiểu chưa?

Du Hữu Lượng động tâm nghĩ thầm:

– Bọn Nữ Chân bắt Thiều cô nương ở phái Hoa Sơn nguyên là để uy hiếp ta phải ra sức cho chúng. Nếu bây giờ ta chưa cứu được Thiều cô nương thì hậu quả khó mà lường được…

Chàng nghĩ tới đây bất giác toàn thân toát mồ hôi lạnh ngắt.

Lương Luân bật tiếng cười đanh ác hỏi:

– Tiểu tử! Sao ngươi còn chưa vươn cổ chịu chém?

Hắn rung tay một cái. Thanh trường kiếm vọt ra những điểm hàn tinh chụp vào các yếu huyệt bụng dưới Du Hữu Lượng. Nhát kiếm đưa tới chậm chạp nhưng rít lên vù vù. Bốn phương tám hướng đều bị màn kiếm bao phủ.

Du Hữu Lượng đứng điềm nhiên. Chàng vận dụng nội lực vào cánh tay từ từ đưa ra. Oai phong lẫm liệt không chùn nhụt chút nào.

Lương Luân thấy chàng phóng ra một chưởng uy lực khủng khiếp hắn không dám coi thường. Thanh trường kiếm trong tay quét ngang một cái, kiếm ảnh chập chờn không nhất định.

Mọi người bàng quang chưa kịp nhìn rõ thủ pháp biến chiêu của hắn đã thấy đầy trời lấp loáng ánh hàn quang. Mũi kiếm trỏ vào huyệt mi tâm trên mặt Du Hữu Lượng.

Đây là Cổ phác kiếm pháp. Ngày trước giỏi như hạng Tam đại pháp vương ở Trường Bạch cũng bị hại về kiếm pháp này thì đủ biết uy lực của nó đến trình độ nào!

Du Hữu Lượng vẫn đứng yên như trước, chờ cho mũi kiếm của đối phương phóng tới gần, chàng đột nhiên đưa tay mặt ra nhằm chụp thân kiếm của Lương Luân. Miệng chàng quát:

– Bẻ kiếm!

Chân phải chàng bước ra nửa bước. Tay mặt chàng chuyển thành ba vòng lớn.

Bỗng một tiếng rắc vang lên. Thanh kiếm trong tay Lương Luân đã bị bẻ gãy.

Lương Luân mặt xám như tro tàn. Tay cầm chuôi kiếm đứng thộn mặt ra. Mới trao đổi hai chiêu hắn đã bị đối thủ bẽ gãy binh khí thì còn mặt mũi nào nhìn thấy ba người anh em nữa?

Hắn có biết đâu Du Hữu Lượng đánh quen trăm trận. Công lực cùng kinh nghiệm của chàng không phải như bữa trước. Công phu đoạt kiếm của chàng là một chiêu thức chàng tự tìm hiểu trong phép Thất khúc đại cửu án. Nay chàng mới dùng đến lần đầu liền thấy hiệu nghiệm.

Du Hữu Lượng cơ hồ không tin ở mình có thể bẻ gãy binh khí của một kiếm thủ nổi danh ngoài quan ải. Lòng chàng cao hứng vô cùng bất giác chàng reo thầm:

– Được rồi! Thế là ta phát huy hoàn toàn được môn “Thiền môn thất khúc”.

đến chỗ tinh túy. Từ nay dù ta có chạm trán những tay cao thủ võ công hơn ta gấp mười cũng không đáng sợ nữa.

Ngoài Lương Luân còn Tam Kiếm đều tái mặt, vây quanh lại.

Du Hữu Lượng cười lạt hỏi:

– Lương Luân! Ngươi thất bại mà dường như chưa tâm phục phải không?

Lương Luân trầm giọng đáp:

– Lương mỗ dùng kiếm mấy chục năm. Bữa nay là lần thứ hai bị bẻ kiếm. Họ Du kia! Thủ pháp đó kêu bằng gì?

Du Hữu Lượng lắc đầu đáp:

– Vừa rồi ta tiện tay bẻ một cái chứ chẳng có thủ pháp chi hết.

Lương Luân lộ vẻ kinh nghi, bụng bảo dạ:

– Gã này còn tuổi trẻ, ngẫu nhiên diệu thủ ta chiêu mà phá được Cổ Phác kiếm pháp, một công phu hao tổn tâm lực suốt đời mới dựng nên.

Gã nghĩ vậy bất giác chán nản đến thừ người ra.

Du Hữu Lượng nói:

– Cả bốn ngươi xông vào đi để đỡ mất thì giờ cho ta.

Lương Luân không còn chí phấn đấu, vẫy tay một cái. Bốn người cùng cắm đầu bỏ đi, chớp mắt đã mất hút.

Kiến Châu Tứ Kiếm lừng danh thiên hạ mà bị chàng thiếu niên cất tay một cái đủ làm cho bở vía phải bỏ đi. Vụ này đồn đại ra ngoài giang hồ, e rằng không mấy ai tin.

Vị tướng trung niên chờ bốn người đi xa rồi mới tiến lại chắp tay thi lễ nói:

– Vừa rồi nhờ hiệp sĩ ra tay viện trợ kịp thời, không thì cục diện bữa nay khó mà cứu vãn được.

Du Hữu Lượng nói một vài câu khách sáo. Võ tướng trung niên quay về liệu lý những người bị thương.

Du Hữu Lượng trở gót toan đi, bỗng nghe thanh âm trong trẻo cất lên:

– Này! Bản lãnh ngươi khá lắm! Ngươi đã đuổi được bốn tên cùng hung cực ác đi rồi.

Du Hữu Lượng cười đáp:

– Kỹ thuật nhỏ mọn của tại hạ khi nào dám múa rìu qua mắt thợ, trước một tay lão luyện giang hồ như cô nương?

Thiếu nữ hoa lệ bẽn lẽn nói:

– Ngươi đừng nói móc nữa. Ta nhận thấy võ công ngươi quả nhiên rất cao thâm. Nếu đem so với gia thúc… cũng không kém mấy…

Du Hữu Lượng động tâm hỏi:

– Lệnh thúc là ai?

Thiếu nữ hoa lệ ngần ngừ đáp:

– Lão nhân gia ít khi bôn tẩu giang hồ, chắc ngươi chưa được nghe qua.

Du Hữu Lượng nói:

– Cô nương cứ cho biết cũng chẳng hề gì.

Thiếu nữ ngần ngừ đáp:

– Gia thúc họ Hồng tên gọi Mộc Phương…

Du Hữu Lượng buột miệng la:

– Linh Lư chủ nhân Hồng Mộc Phương ư? Thế thì bản lãnh của cô nương chắc chắn được lão nhân gia truyền thụ.

Miệng chàng nói như vậy, trong bụng nghĩ thầm:

– Hồng Mộc Phương đứng ngang hàng với Triệu Phụng Hào nổi danh thiên hạ, lại cùng Lộc Bình thúc thúc là chỗ thâm giao. Không ngờ vị cô nương trước mặt đây là điệt nữ của lão. Cuộc tao ngộ này thật là kỳ ngộ.

Thiếu nữ hoa lệ đáp:

– Hồng thúc thúc đặt tên chỗ ở là Linh Lư nghe có vẻ oai lắm nhưng ta coi chỉ là một căn nhà rách nát, chẳng làm gì có linh khí, thật khiến cho người ta tức cười đến chết.

Hai người đang nói chuyện, đột nhiên trên đường quan đạo có tiếng bánh xe lọc cọc vang lên. Mười hai cỗ xe tiêu của Kim Ngô tiêu cục do các tiêu sư áp tải đã đi vào đường hẹp.

Hai con ngựa đi trước đầu cao nghều nghệu chạy lộp chộp pha lẫn với tiếng quát tháo cùng tiếng bánh xe rất nhộn nhịp.

Khi gần tới nơi, Tiền Kim Ngô nhảy xuống ngựa đảo mắt nhìn quanh vẻ mặt rất khó coi.

Du Hữu Lượng cười lạt hỏi:

– Quân sĩ của bản triều vẫn bình yên. Chắc cái đó khiến các hạ ngạc nhiên lắm?

Tiền Kim Ngô cặp mắt âm trầm không trả lời Du Hữu Lượng liếc về phía võ tướng Hạ Khiêm nói:

– Xin tướng quân ra lệnh cho bộ thuộc nhường lối để tiêu xa của tệ cục đi qua.

Hạ tướng quân trầm ngâm chưa quyết định thì có thanh âm như tiếng chuông đồng từ trong khu rừng mé hữu nổi lên:

– A Di Đà Phật! Không nhường được! Không nhường được!

Trong khu rừng thưa, Pháp Minh thiền sư ở chùa Thiếu Lâm mặc áo cà sa rộng thùng thình từ từ đi ra.

Tiền Kim Ngô trầm giọng hỏi:

– Phải chăng đại sư vì rượt theo đoàn xe tiêu của bọn tại hạ mà tới đây?

Pháp Minh thiền sư đáp:

– Có thể nói như vậy.

Tiền Kim Ngô cười ruồi hỏi:

– Đại sư hiển nhiên là tăng lữ chùa Thiếu Lâm mà sao lại phủ nhận?

Pháp Minh thiền sư lẳng lặng không đáp. Tiền Kim Ngô quay về khu rừng mé Đông lớn tiếng:

– Xin mời cao nhân ở phía Hoa Sơn xuất hiện!

Tiếng quát vừa dứt, đột nhiên trong khu rừng mé Đông nổi lên một tràng cười.

Tiếp theo bóng xám thấp thoáng. Mọi người hoa mắt lên. Đỗ đại hiệp và Bạch nhị hiệp ở pháp Hoa Sơn đã đứng sững bên đường.

Đỗ Nguyên Xung thu tiếng cười lạnh lùng hỏi:

– Tiền cục chủ nhận định bọn tại hạ là người phái Hoa Sơn đến đây ư?

Tiền Kim Ngô cười khẩy hỏi lại:

– Môn đồ phái Thiếu Lâm và phái Hoa Sơn cũng giả vờ ngớ ngẩn ư?

Đỗ Nguyên Xung đáp:

– Dù bọn tại hạ có thừa nhận thì bữa nay cũng phải can thiệp vào vụ này.

Tiền Kim Ngô khịt mũi một tiếng trỏ vào Pháp Minh thiền sư hỏi:

– Còn nhân vật ở ngọn Thiếu Thất núi Tung Sơn? Chẳng lẽ cũng quên luôn cả Tổ sư bản phái nữa chăng?

Pháp Minh thiền sư chắp hai bàn tay để trước ngực đáp:

– Tội nghiệp! Tội nghiệp! Bần tăng là Pháp Minh, Kinh đường chủ của chưởng chùa Thiếu Lâm.

Tiền Kim Ngô trầm giọng nói:

– Tiền mỗ chờ ở các vị những câu trả lời đó. Ha ha…

Hắn quay lại nhìn Hà Thất Mãnh nói:

– Hà tiêu đầu! Phiền tiêu đầu lấy cái bọc trên lưng ngựa của Tiền mỗ đem lại đây.

Hà Thất Mãnh dạ một tiếng bước tới trước ngựa cởi cái bọc lớn bằng vải trắng xuống.

Đỗ Nguyên Xung nhảy vọt lên trước một bước lớn tiếng quát:

– Trước khi hắn chưa lấy tín vật của bản môn ra, chúng ta hãy động thủ mau đi!

Bạch nhị hiệp đứng gần Tiền Kim Ngô hơn nghe nói vậy lấy làm khó nghĩ.

Tay trái y đã bằng bặn, tay mặt đánh rứ một chiêu.

Tiền Kim Ngô không chờ chưởng lực của đối phương đánh tới thực sự, lão đã điểm chân xuống đất đưa thân hình qua mé tả.

Tiền Kim Ngô đứng ngoài xa năm bước chưa đông thủ kịp thời, mọi người đã nhìn thấy mặt lão lộ vẻ kinh nghi, miệng ấp úng:

– Tín vật ư? Các vị đã biết hết vụ này rồi, thảo nào vừa rồi phủ nhận cả môn phái của mình.

Bạch nhị hiệp hỏi:

– Họ Tiền kia! Lão không hiểu tại sao chúng ta lại biết lão có mang theo tín vật bản phái ư?

Tiền Kim Ngô đáp:

– Tiền mỗ phải có ý nghi ngờ về chuyện này. Tín vật của phái Hoa Sơn cùng phái Thiếu Lâm do người đó trao tay cho tại hạ, chẳng một người thứ ba nào chứng kiến.

Du Hữu Lượng hỏi xen vào:

– Người đó là Đa Nhĩ Cổn phải không?

Tiền Kim Ngô không đáp.

Trong rừng trúc mé Tây Nam đột nhiên có thanh âm trầm trầm cất lên:

– Chính là lão phu.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.