Hồng Bào Quái Nhân

Chương 21: Thiếu nữ theo dõi du lang là ai?



Du Hữu Lượng xông vào trước mặt đại hán đang ôm thiếu phụ, chàng cướp lấy được ngay. Đại hán vung chưởng chém tới, Du Hữu Lượng trong lúc cấp vận mười thành công lực vào tay mặt vung lên gạt. Hai cổ tay đại hán liền bị gãy đứt.

Thiếu nữ tái mặt một chút rồi cười hì hì nói:

– Úi chà! Công phu của đại ca ghê gớm thiệt! Lại đây! Tiểu muội xin lĩnh giáo mấy chiêu.

Du Hữu Lượng ngẩng đầu nhìn, trống ngực đập loạn lên miệng lẩm bẩm:

– Lúc bọn giặc vây đánh Viên đại soái ta đã nhìn thấy cô này rồi.

Thiếu nữ đột nhiên phóng ra một chưởng. Du Hữu Lượng thấy trước mắt bóng chưởng mịt mờ, khôn bề né tránh. Chàng không kịp suy nghĩ gì nữa liền đặt thiếu phụ xuống, vận toàn lực chống đỡ. Hai luồng chưởng phong đụng nhau, thiếu nữ lùi lại nửa bước cười:

– Chưởng lực rất mãnh liệt! Rồi cô không tấn công nữa.

Du Hữu Lượng trong lòng kinh hãi tự hỏi:

– Cô bé này ung dung đón tiếp một chiêu, ta đã vận toàn lực mà cô chưa ra hết sức. Hiển nhiên cô có ý nhường nhịn. Sao trong thiên hạ lại có cô bé bản lĩnh cao cường đến thế?

Thiếu nữ chú ý nhìn chàng mấy lượt rồi xua tay dẫn bọn đại hán ra đi. Lúc lên đường cô nhìn Lý Đại Nhân nói:

– Nếu lão còn làm nên tội nghiệt thì hãy coi chừng cái mạng chó má của lão đó.

Dứt lời cô lật đật đi ngay.

Du Hữu Lượng cúi xuống bồng thiếu phụ lên, chàng đảo mắt nhìn quanh thấy bốn mặt ai cũng ngó chàng. Trong lúc nhất thời chàng cơ hồ không nhẫn nại được, những muốn giết người. nét mặt xám xanh, chàng lớn tiếng quát:

– Tránh ra! Mở đường cho ta đi!

Mọi người đứng yên chẳng nói gì. Du Hữu Lượng tức giận đến cùng cực, chàng lại tỉnh táo nghĩ thầm:

– Dù chúng ghét ta hay thóa mạ ta nghìn lần thì còn được, nhưng không thể để chúng làm nhục thiếu phụ này.

Rồi chàng tự nhủ:

– Nếu chẳng ra oai thì bọn ngu phu ngu phụ khi nào chịu mở đường cho ta đi?

Chàng liền lượm lấy hai khúc củi lớn bằng cánh tay trẻ con, quát lên một tiếng thật to rồi cắm phập cành cây xuống đất ngập hết không còn chìa lên chút nào.

Ở phương Bắc hoàng thổ khô ráo rắn như gang thép, Du Hữu Lượng ra chiêu này quả khiến mọi người phải chấn động tâm thần. Họ cho chàng là thiên thần giáng phàm, không dám ho he. Du Hữu Lượng vượt trùng vi đi ra, mọi người tới tấp mở đường.

Chàng ra khỏi đám đông chạy nhanh như bay về phía ngoại thành. Thiếu phụ đã bị khói lửa làm cho hôn mê. Du Hữu Lượng nhẹ nhàng đặt thiếu phụ xuống đồng cỏ. Chàng nắn bóp một lúc thiếu phụ dần tỉnh lại. Chàng cả mừng hỏi:

– Đại muội! Đại muội thử nhìn xem ta là ai?

Thiếu phụ bâng khuâng mở mắt ra nhìn hồi lâu, ngơ ngẩn hỏi lại:

– Ngươi… Ngươi là ai? Sao ta lại đến địa phương này?

Du Hữu Lượng vội đáp:

– Đại ca đây mà! Ta là đại ca của đại muội.

Thiếu phụ ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu nói:

– Ta không nhận ra ngươi.

Du Hữu Lượng sửng sốt. Chàng là người rất cẩn thận, nhìn kỹ lại thì mé bên trái trên trán thiếu phụ quả có vết thương lớn bằng đồng tiền ẩn vào trong đám tóc mai. Tuy đã lâu ngày mà vết sẹo còn rất rõ, đủ chứng tỏ lúc ban đầu miệng vết thương rất sâu.

Du Hữu Lượng ngó thấy vết sẹo không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng chú ý nhìn thiếu phụ, ánh mắt mỗi lúc thêm ôn nhu. Hồi lâu chàng mới hỏi:

– Phải chăng đại muội ở họ Du?

Thiếu phụ bâng khuâng không nói gì. Du Hữu Lượng nét mặt ôn hòa mỉm cười nói:

– Đại muội! Đại muội còn nhớ không:

Năm đại muội mới lên năm tuổi, trong vườn có đào chín đại muội đòi lấy ăn. Đại ca bảo làm xong chút việc rồi lấy cho, đại muội không chờ được tự mình trèo lên cây bị té. Vết sẹo hãy còn kia. Đại muội ơi! Hồi còn nhỏ đại muội rất bướng bỉnh, làm phiền cho ca ca vô cùng! Ha hạ…….

Chàng nói một hồi thiếu phụ vẫn nghi hoặc không hiểu. Trong lòng nổi trận bi ai, không thốt nên lời. Hồi lâu thiếu phụ lắc đầu đáp:

– Ta vẫn không hiểu.

Du Hữu Lượng hòa hoãn nói:

– Đại muội! Đại muội đừng nóng nảy. Cứ ngẫm nghĩ thong thả.

Thiếu phụ đột nhiên lớn tiếng:

– Úi chà! Xem chừng tướng công là người đã cứu tiện thiếp. Tướng công nhận lầm rồi. Bọn họ đi đâu hết cả? Tướng công cứu tiện thiếp tất nhiên đắc tội với họ.

Tướng công có hối hận không?

Du Hữu Lượng lòng như se lại, ôn nhu đáp:

– Đại muội cứ yên lòng. Đã có đại ca đây thì bọn họ không thể làm tổn thương đến một sợi lông của đại muội.

Thiếu phụ nóng nảy đáp:

– Tiện thiếp không phải là đại muội của tướng công. Tiện thiếp là người trơ trọi, trên đời chẳng có một thân nhân nào.

Du Hữu Lượng biết nàng đã mất hết ký ức, trong lúc thảng thốt không thể khôi phục lại được. Chàng liền hỏi:

– Được rồi! Chúng ta coi nhau như bạn hữu được không?

Thiếu phụ trầm ngâm không nói gì. Du Hữu Lượng tiến lại đỡ nàng thì nàng sa sầm nét mặt sẵn giọng:

– Đừng đụng vào tiện thiếp, không thì tiện thiếp chết ngay để tướng công coi.

Du Hữu Lượng sửng sốt. Chàng chợt nhớ tới câu “Nam nữ hữu biệt”.

Thiếu phụ lạnh lùng hỏi:

– Tướng công tưởng cứu tiện thiếp rồi có thể chiếm tiện nghi chăng? Hay tướng công coi tiện thiếp là hạng ty tiện, ai muốn làm gì thì làm?

Du Hữu Lượng thấy nàng lộ vẻ quật cường, tuy sắc mặt lợt lạt mà lạnh như tiền không để cho ai xâm phạm. Chàng nghĩ tới vừa rồi nàng sắp bị thiêu vẫn binh tĩnh như không. Thái độ này cũng như hồi còn nhỏ, nàng chẳng biết sợ trời sợ đất là gi, đến bây giờ vẫn chưa đổi tính.

Chàng mãi ngẫm nghĩ đứng ngẩn mặt ra.

Thiếu phụ đầu bù tóc rối băng băng chạy đi. Du Hữu Lượng hỏi giật giọng:

– Đại muội đi đâu dấy?

Thiếu phụ tưởng chàng là kẻ tiểu nhân ỷ mình đã cứu người rồi làm càn.

Nàng trợn mắt lên nhìn chàng rồi hỏi lại:

– Ta đi đâu thì việc gì đến ngươi?

Du Hữu Lượng mỉm cười nói:

– Ta biết rồi! Đại muội đi kiếm Dư công tử, có đúng thế không?

Thiếu phụ đỏ mặt lên hỏi lại:

– Đúng thì làm sao?

Du Hữu Lượng chợt động tâm cơ đáp:

– Nếu đại muội đi tìm Dư công tử thì ta biết chỗ y rồi.

Thiếu phụ hỏi ngay:

– Y ở đâu?

Du Hữu Lượng làm ra vẻ thần bí cười đáp:

– Dư công tử bảo tại hạ đến giải vây còn y đã ra ngoài quan ải rồi.

Đây là chàng nói bừa, chẳng ngờ lại đúng sự thật. Nguyên Dư công tử nguyên quán ở ngoài quan ải.

Thiếu phụ hằn học hỏi:

– Y… y về nhà làm chi? Phải chăng y sợ chết không dám ở lại trong quan ải?

Du Hữu Lượng đáp:

– Không phải đâu. Dư công tử biết tại hạ có thể giải vây được rồi nên về quan ngoại trước để khỏi bị phiền phức.

Thiếu phụ xẵng giọng:

– Hừ! Y xếp đặt khéo quá! Nếu bữa nay ngươi đến chậm một chút thì ta cháy thành cục than rồi. Cha chả! Y chẳng có chút khí khái nam tử hán chút nào. Làm việc gì cũng úy thủ úy vỹ.

Tuy nàng bất mãn về việc Dư công tử bỏ đi trước nhưng chưa nổi cơn thịnh nộ, nên trong khóe mắt vẫn lộ vẻ thương tiếc. Du Hữu Lượng nói:

– Chúng ta đừng nói chuyện không đâu nữa, nên khởi trình ra quan ngoại ngay.

Thiếu phụ dương cặp mắt đen láy lên nhìn Du Hữu Lượng. Khóe mắt nàng tỏ ra rất thông tuệ muốn nhìn thấu tâm can chàng.

Du Hữu Lượng nóng mặt lên. Hình ảnh quen thuộc làm chàng cơ hồ sa lệ. Sau một lúc, thiếu phụ đáp:

– Được rồi! Chúng ta ra ngoài quan ải. Nếu ngươi có dã tâm là ta chết ngay trước mặt ngươi.

Du Hữu Lượng khẳng khái đáp:

– Con người ở đời phải lấy điều nghĩa khí làm đầu. Tại hạ cùng Dư công tử đã kết giao sinh tử. Sao nương tử còn hoài nghi tại hạ?

Thiếu phụ mỉm cười đáp:

– Xin lỗi! Xin lỗi! Tiện thiếp đã lấy bụng kẻ tiểu nhân đo lòng dạ quân tử…

Du đại ca! Xin đại ca! Xin đại ca miễn trách!

Câu Du đại ca nàng đã quen hô hoán ý trung nhân, Du Hữu Lượng cũng trùng họ Du, lúc gọi lên tình ý triền miên. Du Hữu Lượng chấn động tâm thần miệng lẩm bẩm:

– Ta nhất định chữa khỏi cho cô em bảo bối duy nhất của ta. Ta đưa y về nhà ngoài quan ải để y từ từ nhớ lại những ký ức thuở nhỏ.

Du Hữu Lượng mua một cỗ xe lớn để thiếu phụ ngồi trong, chàng ngồi dong cho xe chạy về phía quan ngoại nhằm Liêu Đông thẳng tiến.

Dọc đường thiếu phụ chiếu cố mọi chuyện rất tinh vi, hồi nàng còn nhỏ tuổi đã tập quán làm hết mọi việc. Nàng thấy trong lời nói của Du Hữu Lượng đầy vẻ thân thiết mà hành động chẳng có chút gì khinh bạc. Dần dần nàng bỏ hết cử chỉ hoài nghi và coi chàng như ca ca vậy.

Đi hơn hai chục ngày, một hôm xe tới Sơn Hải Quan. Du Hữu Lượng nhìn quan ải hùng tráng ở phía xa xa, chàng chợt nhớ mấy năm trước đây đã phát thệ:

Không trả được thù nhà, quyết chẳng trở về cố hương.

Lòng chàng không khỏi bâng khuâng. Thiếu phụ bản tính rất vui vẻ mở rèm xe lên cười nói:

– Du đại ca! Cửa quan này khí thế hùng tráng, chẳng trách Quan Đông sản xuất được nhiều anh hùng hảo hán.

Du Hữu Lượng buột miệng nói theo:

– Dư công tử của cô nương chắc là người văn nhã.

Trong lòng chàng nghĩ:

– Nếu cô chẳng phải là con gái ở ngoài quan ải thì tính tình cũng không mau lẹ thế này.

Thiếu phụ hơi đỏ mặt lên. Dọc đường cô cùng Du Hữu Lượng nói chuyện quen rồi, cô chép miệng đáp:

– Đại ca chả biết gì hết. Đại ca mới là người ôn nhu văn nhã chẳng khác gì một cô gái.

Du Hữu Lượng cười ha hả nói:

– Nếu vậy y là một hán tử vừa cao lớn vừa đen nhẻm trông như pho tượng sắt?

Thiếu phụ lắc đầu:

– Thế cũng không đúng. Này! Hôm nay không thượng lộ nữa, vào quan ải trọ một đêm được chăng?

Du Hữu Lượng đáp:

– Nương tử ban đầu chỉ muốn đi cho lẹ để gặp Dư công tử, bây giờ lại sợ đi đường nhọc mệt. Trời ơi! Hầu hạ nương tử thật là khó quá!

Thiếu phụ mỉm cười nói:

– Tiểu muội nói thế nào kịp được miệng đại ca?

Tâm sự của nàng bị Du Hữu Lượng nói huỵch tẹt ra, nàng có tật giật mình không dám nói nhiều. Du Hữu Lượng vung roi ngựa lên, cỗ xe lọc cọc ra ngoài quan ải.

Chàng quay đầu nhìn lại đoạn đường vừa qua thấy cát vàng mịt mù. Lúc này trời đã hoàng hôn, chàng cho xe chạy tới trước cửa khách sạn liền dừng lại.

Chàng vào khách sạn tắm rửa qua loa rồi cùng thiếu phụ tới một tửu quán kêu lấy rượu nhắm. Du Hữu Lượng nâng chung lên toan uống thì đột nhiên nghe đánh véo một tiếng, một vật từ ngoài cửa liệng vào. Tay chàng tê dại đánh rớt chung rượu vỡ tan.

Nét mặt vẫn thản nhiên, Du Hữu Lượng lượm vật ở dưới đất lên coi qua một lượt, miệng lẩm bẩm:

– Nguy quá! Nguy quá!

Thiếu phụ khẽ hỏi:

– Chuyện gì vậy?

Du Hữu Lượng móc trong bọc ra một viên hùng hoàng đặt xuống chỗ rượu đổ.

Viên hùng hoàng lập tức đen sạm. Chàng khẽ đáp:

– Trong rượu có chất độc.

Thiếu phụ cả kinh. Du Hữu Lượng đảo mắt nhìn quanh không thấy người nào khả nghi, chàng bật tiếng la thất thanh:

– Muội tử! Chúng ta quên mất một chuyện cần. Đi lẹ lên! Không thể ngồi lại đây ăn uống được nữa.

Thiếu phụ sửng sốt. Nàng thấy Du Hữu Lượng đưa mắt ra hiệu liền tỉnh ngộ đáp:

– Phải rồi! Chúng ta đi mau.

Hai người lật đật trả tiền cơm rượu rồi ra cửa đi ngay. Thiếu phụ khẽ hỏi:

– Phải chăng có người muốn gia hại bọn ta?

Du Hữu Lượng lắc đầu đáp:

– Ta không tìm ra được kẻ khả nghi nào. Chẳng lẽ… chẳng lẽ chủ quán nhận ra mình? Nếu vậy thì thật là kỳ?

Hai người chạy về khách sạn. Cửa vừa mở ra đã thấy trên bàn trong nhà bày một mâm rượu rất thịnh soạn. Du Hữu Lượng trầm ngâm ngồi xuống, thiếu phụ bụng đói quá rồi mà thấy trên bàn la liệt những món trân quý. Nàng mừng quá hỏi:

– Đại ca! Đại ca đã dặn họ làm cơm rồi sao?

Du Hữu Lượng lắc đầu, chàng kêu điếm tiểu nhị vào hỏi. Điếm tiểu nhị liền đáp:

– Có một vị đại gia đưa tiền cho tiểu nhân qua Đông Lai Thuận đặt một tiệc rượu để thiết hai vị.

Du Hữu Lượng vẫy tay cho điếm tiểu nhị lui ra. Chàng lại dùng trái Hùng Hoàng cầu thử qua các món ăn thấy không có chất độc, liền bảo thiếu phụ:

– Muội tử cứ phóng tâm mà ăn uống. Đừng ngại gì hết.

Thiếu phụ nguýt chàng hỏi:

– Chà! Dễ thường đại ca chưa đói chăng?

Du Hữu Lượng mỉm cười.

Hai người ăn uống thỏa thích. Suốt ngày hai người vội vã đăng trì, bây giờ đầy bàn rượu là thịt lại toàn của quí, nên ăn uống rất ngon miệng.

Thiếu phụ không uống rượu chỉ ăn đủ các món. Du Hữu Lượng thấy nàng ăn uống thỏa thích chàng cũng vui lòng, bất giác lộ vẻ tươi cười trong bụng nhủ thầm:

– Bất luận họ dùng ngụy kế gì thì Du Hữu Lượng này cũng cứ tới đâu hay tới đó.

Chàng ăn gần no rồi, bỗng nhìn thiếu phụ bảo:

– Đem nay muội tử ngủ trong phòng ta.

Thiếu phụ biến sắc liệng đũa xuống hỏi:

– Đại ca bảo sao?

Du Hữu Lượng thủng thẳng đáp:

– Chúng ta bị người theo dõi, mọi việc nên cẩn thận mới được.

Thiếu phụ đằng hắng một tiếng rồi nói:

– Tiểu muội biết tâm địa quỉ quái của đại ca rồi. Tiểu muội người lớn thế này chẳng lẽ không biết tự lo liệu cho mình?

Du Hữu Lượng hỏi bằng một giọng thành khẩn:

– Muội tử… còn chưa yên lòng ư?

Thiếu phụ lắc đầu quầy quậy đáp:

– Không được! Không được! Đại ca nói thế nào cũng không được!

Du Hữu Lượng đành chịu không biết nói sao. Thiếu phụ bụng bảo dạ:

– Ta tuy biết ngươi là người quân tử, nhưng trai tơ gái lớn cùng ở chung phòng mà Dư đại ca biết ra thì y sẽ nghĩ thế nào?

Tuy miệng nàng nói cứng mà trong lòng cũng có ý khiếp sợ. Hai người ăn no rồi, thiếu phụ cùng Du Hữu Lượng liền đem nhiều chuyện ra nói để giết thì giờ.

Nói chuyện lâu quá rồi, đêm đã sang canh ba. Thiếu phụ ra mở cửa phòng rồi lui quay trở vào. Du Hữu Lượng cười thầm nghĩ bụng:

– Cô này sợ miệng thế gian gièm pha, nửa đêm không dám ở trong phòng đàn ông. Cô ơi! Cô ơi! Thế là cô bịt tai ăn cắp nhạc ngựa, lấy tay che mặt trời.

Nhưng chàng nghĩ lại thấy chỗ dụng tâm của nàng không khỏi cảm động, miệng lẩm bẩm:

– Không hiểu gã họ Dư là nhân vật thế nào mà khiến cho cô em vô pháp vô thiên của ta phải say mê. Ta muốn coi cho biết gã.

Thiếu phụ suốt ngày đi đường, bây giờ nhọc mệt quá. Miệng nàng nói chuyện mà mí mắt nặng trĩu, không chống nổi nữa nàng thiếp đi.

Du Hữu Lượng không dám lơ là giả vờ nằm trên giường ngủ mà trong lòng cực kỳ rối loạn. Chàng ngẫm nghĩ:

– Bọn Bách Độc Giáo cực kỳ lợi hại. Lần trước ta đã ra tay, e rằng phen này không giả vờ ngớ ngẩn được nữa. Hành tung mình bị bại lộ thì thật là phiền.

Chàng vừa nghĩ vừa ngủ gà ngủ gật. Đột nhiên nghe ngoài cửa sổ có tiếng bật ngón tay, chàng ngồi nhỏm dậy thì nghe thanh âm dõng dạc nói vọng vào:

– Này! Có giỏi thì theo ta ra ngoài Đông giao tỷ thí một phen.

Du Hữu Lượng nghe âm thanh quen tai liền khẽ hỏi:

– Các hạ là ai?

Người ngoài cửa sổ đáp:

– Chà chà! Quý nhân hay quên thật. Ông bạn đừng lo cho cô em bảo bối. Ta bảo đảm cô ngủ yên giấc cho tới sáng.

Du Hữu Lượng khẽ đẩy cửa sổ, nhẹ nhàng vọt ra ngoài. Dưới ánh trăng tỏ, chàng nhìn rõ một vị cô nương xinh đẹp đứng cách đó không xa mấy.

Cô nương kia cười hỏi:

– Sao? Liệu có đảm lượng theo ta được chăng?

Du Hữu Lượng tức giận trầm giọng hỏi:

– Phải chăng ngươi đã động thủ động cước vào muội tử của ta?

Vị cô nương kia cười hì hì đáp:

– Ta thấy y mỏi mệt quá muốn giúp y ngủ yên một đêm. Ngươi là con người không biết điều, ta tiếc rằng chưa hạ độc thủ với ngươi mà lại đi đắc tội với người khác.

Du Hữu Lượng kinh hãi. Dưới ánh trăng tỏ chàng nhìn kỹ lại không khỏi giật mình. Cô nương này chính là thiếu nữ chàng đã gặp bữa trước. Bây giờ chàng thấy toàn thân nàng trắng như tuyết lại càng lộ vẻ cao sang.

Du Hữu Lượng hỏi:

– Cô nương theo dõi tại hạ có điều chi dạy bảo?

Thiếu nữ đáp:

– Thôi đi! Đừng nói nhăng? Ai theo dõi ngươi làm chi?

Du Hữu Lượng nói:

– Đa tạ cô nương đã cứu viện cho. Cái ơn sâu đó sẽ có ngày báo đáp.

Bạch y thiếu nữ đáp:

– Ngươi bất tất cám ơn ta, ta mà biết trước ngươi có trái hùng hoàng châu ngàn năm để khắc chế mọi chất độc, thì ta chẳng nhúng tay vào làm chi.

Thanh âm cô rất trong trẻo lọt tai.

Du Hữu Lượng ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm:

– Cô này vẫn theo dõi ta. Nhất cử nhất động của ta đều lọt vào mắt cô. May mà cô chẳng có ác ý gì, không thì thật là đáng sợ!

Bạch y nữ đột nhiên lộ vẻ ngạc nhiên hỏi:

– Sao? Ngươi có dám đi không?

Du Hữu Lượng đáp:

– Bây giờ nửa đêm rồi. Tại hạ…

Bạch nữ ngắt lời:

– Ta nói cho ngươi hay cô em ngươi không có diều gì đáng ngại hết. Ta biết cách trị bệnh “quên” cho mọi người.

Du Hữu Lượng buột miệng hỏi:

– Cách gì? Xin cô nương chỉ bảo cho.

Bạch y nữ nhìn Du Hữu Lượng khẽ vẫy tay. Chàng đang trầm ngâm bỗng ngửi thấy mùi hương theo gió bay lại, khiến người dễ chịu vô cùng. Lòng chàng hơi cảm thấy mê hoặc, miệng chàng nói:

– Được rồi! Tại hạ đi theo cô một chuyến.

Bạch y nữ xoay mình đi ngay.

Du Hữu Lượng không dám chần chừ, chạy theo sau cô. Khinh công của Bạch y nữ rất cao minh, Du Hữu Lượng đã vận toàn lực mà chạy mới theo kịp đi song hàng với cô được.

Chạy trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, Bạch y nữ bỗng dừng bước lại. Du Hữu Lượng đảo mắt nhìn bốn phía thấy đây là một nơi hoang dã. Dưới chân chàng cỏ mọc mềm mại như một tấm thảm.

Bạch y nữ ngồi xuống và vẫy tay bảo Du Hữu Lượng cùng ngồi xuống với cô.

Du Hữu Lượng nói:

– Cô nương vừa bảo có cách trị chứng lãng quên, tại hạ được cô nương chỉ bảo cho ơn ấy xin ghi lòng tạc dạ. Dù có phải vì cô nương mà hy sinh thì muôn thác cũng không từ chối.

Bạch y nữ hắng đặng một tiếng rồi hỏi:

– Ngươi có mấy cái mạng mà bảo muôn thác không từ? Thế là ngươi nói nhăng rồi.

Du Hữu Lượng có điều khẩn cầu cô liền cười đáp:

– Dạ! Cô nương mắng như thế là phải lắm.

Bạch y nữ bật cười hỏi:

– Ta hỏi ngươi:

Sao ngươi lại thích cô em như vậy?

Du Hữu Lượng thở dài đáp:

– Vì ở trên cõi đời này, tại hạ có mình y là thân nhân.

Bạch y nữ nói:

– Ngươi nói dối ta rồi. Ngươi đã nhận gã họ Nhan làm nghĩa đệ lại còn… lại còn vị tiểu cô nương phái Hoa Sơn đối với ngươi tha thiết hơn cả thân nhân.

Du Hữu Lượng cả kinh, miệng há hốc ra cơ hồ không ngậm lại được, vì chàng thấy từ lúc vào quan ải tới nay bao nhiêu hành vi của chàng đều không qua mắt cô này, không hiểu cô ở phe phái nào. Bây giờ dĩ nhiên chàng không dám đắc tội với cô đành nói theo chiều:

– Té ra cô nương biết hết cả rồi.

Bạch y nữ ra chiều đắc ý đáp:

– Ta cho khinh kỵ đi khắp nơi, dù những nhân vật nhỏ bé như ngươi cũng hiểu rõ gốc ngọn. Còn điều chi… điều chi…

Cô nói tới đây đột nhiên cảnh giác không nói tiếp nữa.

Bạch y nữ dừng lại một chút rồi hỏi:

– Ta hỏi ngươi:

Tại sao ngươi lại chiến đấu với bọn người phái Thiên Trì ở Trường Bạch?

Du Hữu Lượng lắc đầu đáp:

– Tại hạ mù mịt chẳng hiểu chi hết.

Bạch y nữ nói:

– Ngươi đối địch với Bách Độc Giáo chẳng kể làm chi, Bách Độc Giáo dùng độc hại người ta cũng không tán thành. Nhưng ngươi ra ngoài quan ải rồi mà còn đối địch với phái Thiên Trì thì ta lấy đầu ngươi đó.

Du Hữu Lượng đột nhiên mắt sáng lên. Chàng nghĩ bụng:

– Té ra đại hán đi theo cô này lần trước là người phái Thiên Trì, xem chừng cô có mối quan hệ sâu xa với phái đó.

Bạch y nữ thấy chàng không trả lời cho là chàng có ý bất phục liền nói:

– Võ công ngươi cũng vào hạng khá đấy, nhưng oai danh phái Thiên Trì ở ngoài quan ải chắc ngươi cũng đã nghe tiếng rồi. Nếu ngươi muốn chết thì tùy ý ngươi, đừng giả vờ ngớ ngẩn trước mặt cô nương nữa.

Du Hữu Lượng chỉ nhăn nhó cười chứ không nói gì.

Bạch y nữ lại nói tiếp:

– Ngươi chữa khỏi cho em gái ngươi rồi lại len lỏi vào đất Trung Nguyên.

Miệng ngươi nói là khảo thí mà thật ra ngươi chưa đọc sách được nửa ngày. Đúng là ngươi treo đầu dê để bán thịt chó.

Du Hữu Lượng thấy Bạch y lên giọng bà cụ để giáo huấn mình lại thấy nét mặt non choẹt, bất giác chàng nhớ tới người nghĩa đệ Nhan Bách Ba.

Du Hữu Lượng thấy trời đã khuya quá, liền xoa tay yêu cầu nàng cho phương thuốc chữa bệnh quên mà không dám mạo muội nói ra miệng, chỉ sợ khiến nàng nổi giận.

Y nữ thấy chàng không ngớt trông chiều trời, liền hiểu ngay ý chàng. Bất giác nàng ngấm ngầm thở dài rồi đột nhiên cười rất tươi hỏi:

– Này! Có phải ngươi thích Thiệu cô nương ở phái Hoa Sơn lắm không?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.