Hồng Bào Quái Nhân

Chương 6: Đường phác quân đả bại bách độc giáo



Du Hữu Lượng muốn nói nhưng lại thôi, lạnh lùng nhìn ra bên cửa sổ.

Trong lúc nhất thời ám khí rít lên veo véo, bao nhiêu tiếng quát tháo đều im lặng mà bầu không khí khẩn trương vô cùng.

Đột nhiên Hương chủ áo lam bên Bách Độc Giáo lấy trong bọc ra một tấm áo lót thật mỏng không hiểu làm bằng gì mặc vào mình trùm hết từ đầu đến chân.

Hắn tiến vào đám bụi vàng, nhưng vừa đi được một bước đã rú lên hai tiếng thê thảm, ngã lăn xuống đất, tắt thở. Chỉ trong khoảnh khắc da thịt toàn thân hắn đều tan nát.

Hoàng Y hương chủ la hoảng:

– Sích Lịch Sa! Đúng là Sích Lịch Sa!

Hắn chí gót chân xuống nhảy lùi lại mấy trượng nghĩ thầm:

– Người này đã chế được Sích Lịch Sa của Độc Vương thất truyền hàng trăm năm nay, không hiểu lai lịch của hắn thế nào? Bản giáo đã phí bao nhiêu tâm huyết nghiên cứu lâu năm để chế tạo thứ phấn này mà không thành công. Giả tỷ thằng cha kia chịu quy thuận bản giáo thì thật là một tay trợ thủ đắc lực.

Hoàng Y hương chủ là một tay thâm trầm. Tuy hắn đang ở vào tình trạng nguy hiểm mà vẫn phân tích được ai là bạn ai là thù, không trách chỉ có một mình giáo chủ mà lãnh đạo được quần hùng trong Bách Độc Giáo.

Hán tử thấp lùn ngang nhiên hỏi:

– Băng tằm ty là một báu vật có thể tránh được nước lửa, ngừa các chất độc khắp thiên hạ! Ha ha! Thế mà không chống nổi đám bụi vàng của tại hạ, thì ra tiếng đồn đã sai sự thực. Bách Độc Giáo đồ tự xưng là những tay đại hành gia về phóng độc khắp võ lâm, vậy mà có chút phấn vàng của lão gia cũng không nhận ra được. Quân đê tiện kia! Sích Lịch Sa giết người là thế này ư?

Hoàng Y hương chủ run lên nghĩ thầm:

– Sích Lịch Sa giết người một cách bá đạo! Trong độc kinh có chép nó giết người như sét đánh, toàn thân nạn nhân bị cháy đen. Xem chừng thứ bụi vàng này không phải là Sích Lịch Sa, nhưng nó có thể xuyên qua tấm áo thiên tằm làm cho người chết thì nó là một độc vật tuyệt thế vô song!

Nguyên Lam y hương chủ vừa mặc tấm áo mỏng đó chế bằng một thứ tơ băng tằm ở đỉnh núi Bắc thiên. Con băng tằm sinh trưởng ở trên núi cực hàn, mười mấy năm nó mới trưởng thành. Gặp ngày xuân phân thì nó kéo kén mà ở. Mười mấy năm mới có một lần thật là khó kiếm. Núi Bắc thiên quanh năm tuyết đọng mà lại hiểm trở trèo lên rất khó. Muốn đủ tơ để chế thành tấm áo phải biết tìm bao nhiêu băng tằm, nên tấm áo này là một báu vật rất hiếm.

Hán tử thấp lùn lại nói:

– Bách Độc Giáo phóng chất độc hại người thì bữa nay nếm thủ đoạn của lão gia. Lão gia dùng độc công độc. Đó là thiên đạo tuần hoàn, báo ứng không sai.

Hán tử nói mấy câu sau vẻ mặt rất bi phẫn, giọng nói phát run.

Bách Độc Giáo đồ không phản ứng chi hết. Hán tử la lên:

– Bách Độc Giáo không biết sợ trời đất. Hoàng Y hương chủ địa vị tôn cao như vậy mà sao chỉ là cái bị thịt hay là giống con ma đen rụt đầu rụt cổ? Thật là quân đê hèn!

Hoàng Y hương chủ bị đối phương sỉ nhục trầm ngâm không nói gì cả. Hắn nhận thấy hiện giờ không có biện pháp nào phá giải được bụi vàng chỉ có cách nghĩ rút lui, nên không khiêu khích nữa.

Thái Bình đạo trưởng chợt nhớ ra điều gì liền quay sang nói với Thiên Cơ hòa thượng:

– Bọn Bách Độc Giáo chúng nhất định đã lấy được hắc thiết kiếm có đá nam châm dùng làm hấp lực làm cho ám khí bay loạn cả lên.

Thiên Cơ hòa thượng nói:

– Thái Bình huynh! Nếu thế thì Long Vân Kiếm Khách của phái Điểm Thương đã bị hại rồi ư?

Thái Bình đạo trưởng gật đầu không nói gì cả.

Hoàng Y hương chủ chợt động linh cơ la lên:

– Họ Đường kia! Người có giỏi thì đón tiếp một chưởng của bản hương chủ!

Hán tử thấp lùn họ Đường ngang nhiên xuyên qua làn bụi vàng nhảy xuống lầu đứng trước ba tên hương chủ Bách Độc Giáo.

Hoàng Y hương chủ mừng thầm nghĩ bụng:

– Nghe giọng nói thằng cha này thì hiển nhiên hắn có mối thù với bản giáo.

Mình đã không dùng được hắn thì cũng không nên để cho hắn sống. Ta phải dụ hắn ra để hạ độc thủ!

Hoàng Y hương chủ quyết định rồi toan phát chưởng đánh ra thì Bạch Y hương chủ đứng bên đã phóng chưởng ra trước.

Hán tử họ Đường xoay tay nghênh địch. Sầm một tiếng vang lên. Bạch Y hương chủ vẫn đứng yên không nhúc nhích mà hán tử họ Đường loạng choạng người lùi lại ba bước. Bàn tay máu chảy đầm đìa nhỏ xuống vạt áo.

Thiên Cơ hòa thượng rung động vạt áo vọt người lên. Hiển nhiên nhà sư nhảy về mé hữu. Người còn ở trên không đột nhiên xoay người để tránh đám bụi vàng rồi hạ mình xuống lầu. Tư thế coi rất đẹp mắt.

Thiên Cơ hòa thượng thân thể to lớn mà nhẹ tựa cánh hồng, chuyển mình trên không bằng một thân pháp kỳ diệu. Đó là tâm pháp Long Phi Cửu Thiên một công phu độc đáo của phái Côn Luân.

Thiên Cơ hòa thượng hạ mình xuống rồi thấy hán tử họ Đường vẫn đứng yên, bàn tay dường như bị thương nặng, máy chảy không ngớt. Mà máu lại sắc đen chứ không một chút sắc đỏ nào.

Thiên Cơ hòa thượng cả kinh nói:

– Đường thí chủ! Mau mau phong tỏa đường hô hấp để chất độc phải xâm nhập vào trong thân thể.

Bạch Y hương chủ lạnh lùng nói:

– Bây giờ thì muộn mất rồi!

Hán tử họ Đường cười khanh khách nói:

– Làm gì mà muộn? Người theo đuổi ông bạn áo xám xuống hoàng tuyền cho có bạn đồng hành!

Thiên Cơ hòa thượng sửng sốt. Bạch Y hương chủ cảm thấy bàn tay đau buốt, hơi thở không thông té huỵch xuống đất. Cặp mắt lồi ra tướng mạo rất dung dữ nhưng đã tắt hơi rồi.

Hoàng Y hương chủ trong lòng kinh hãi vì vừa rồi Bạch Y hương chủ đã dấu độc châm trong bàn tay đã đả thương hán tử họ Đường và chắc hắn phải chết ngay, không ngờ diễn biến đột ngột xảy ra trái với sự tiên liệu của mình, Bạch Y hương chủ lại chết ngay lập tức.

Hán tử họ Đường thò tay vào trong bọc lấy ra mấy viên thuốc bỏ vào miệng nuốt rồi hỏi:

– Còn vị nào muốn cho thỉnh giáo?

Hoàng Y hương chủ lẳng lặng không nói gì. Lúc này bọn Thái Bình đạo trưởng đã đi theo đường vòng xuống lầu. Một tăng một đạo lừng danh thiên hạ thấy hán tử họ Đường thi triển thần oai thì trong lòng rất sung sướng vì lẽ Trung nguyên đã có một vị đại sư về độc đạo thì bọn Bách Độc Giáo khó mà hoành hành được nữa.

Hán tử họ Đường lại nói:

– Đường Phác Quân này là một tên vô danh tiểu tốt trong võ lâm. Ha ha!

Bách Độc Giáo các người đánh không lại một tên vô danh tiểu tốt mà lại hòng đấu với hai vị đại hiệp lừng danh cửa phật có khác gì trứng chọi với đá?

Hoàng Y hương chủ thấy cách hạ độc của hán tử họ Đường cực kỳ quái dị, nên dù công lực của hắn hơn đối phương nhiều mà không dám động thủ.

Giữa lúc ấy đột nhiên một trận gió nổi lên khiến cho làn bụi vàng dày đặc bị thổi tan đi bốn phía.

Hán tử họ Đường lộ vẻ khẩn trương sắc mặt biến đổi mấy lần dường như đang nghĩ một quyết định lớn lao.

Thái Bình đạo trưởng và Thiên Cơ hòa thượng cũng hoang mang vô cùng, vội xoay mình ngó lại thì sau lưng chẳng thấy một ai.

Hai người đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu tự nghĩ:

– Lớp bụi vàng vừa dày vừa nhẹ, và chưởng phong quạt đi hết ngay thì người phát chưởng công lực phải đến trình độ siêu phàm nhập thánh.

Hán tử họ Đường nét mặt nghiêm nghị móc túi lấy mồi lửa thắp lên mấy ngọn liệng ra không gian. Bỗng mọi người ngửi thấy một mùi hôi tanh. Làn mù vàng biến thành nước rớt xuống hết.

Thiên Cơ hòa thượng thở dài nghĩ thầm:

– Nếu làn mù vàng đó mà bay đi các nơi thì làm hại biết bao nhiêu người?

Lửa nóng là khắc tinh của nó, như vậy bản lĩnh của họ Đường thành ra vô dụng!

Hán tử họ Đường ngoài miệng vẫn không chịu kém, lớn tiếng hô:

– Loài rùa kia! Đừng đắc ý vội! Lão gia còn nhiều trò chơi khác!

Bọn Bách độc hương chủ không nói gì.

Thái Bình đạo trưởng ngoảnh nhìn bốn phía, trong lòng rất đỗi khẩn trương nghĩ thầm:

– Bọn hương chủ Bách Độc Giáo tuy lợi hại nhưng công lực không thể thắng được Thiên Cơ hòa thượng và ta. Vừa rồi người nào đã phóng chưởng ra đó công lực hắn cao thâm không thể lường được.

Giữa lúc ấy bỗng nghe đánh huỵch một tiếng. Hai bóng người thấp thoáng nhảy từ trên lầu nhảy xuống. Thân người trước nhanh như điện, vừa thoáng cái đã mất hút.

Bọn giáo chúng cùng hương chủ Bách Độc Giáo sửng sốt ôm lấy thi thể người chết nằm dưới đất cướp đường mà chạy.

Mọi người thấy một hán tử lối tuổi đứng sững trước mặt. Hán tử liếc mắt nhìn mọi người khi mục quang y ngó tới Du Hữu Lượng y hơi biến sắc.

Thái Bình đạo trưởng cúi đầu nói:

– Các hạ ra tay đánh lui người phóng chưởng vừa rồi giải vây cho bọn bần đạo. Bần đạo xin có lời cảm tạ!

Hán tử vội đáp lễ nói:

– Xin đạo trưởng đừng khách sáo. Giữa tại hạ và quý giáo vốn có mối liên hệ sâu xa, có thể kể như người một nhà.

Đoạn y tiến lại trước mặt Thiên Cơ hòa thượng ở phái Côn Luân.

Thiên Cơ hòa thượng chắp tay chào:

– Bần tăng không dám!

Hán tử trung niên trầm ngâm một lúc rồi mặt lộ vẻ thê lương cất giọng âm trầm nói:

– Võ lâm thiên hạ sắp bước vào vòng đại loạn! Võ Đương và Côn Luân là những môn phái lớn để bình định giang hồ, diệt trừ tàn bạo. Công cuộc này trông chờ vào đạo trưởng rất nhiều.

Y nói xong phóng tia mắt nhìn chằm chằm vào mặt Du Hữu Lượng. Du Hữu Lượng thấy hán tử dòm ngó cũng hơi khó chịu liền tiến lên một bước hỏi:

– Tại hạ xin thỉnh giáo tôn tánh đại danh là gì? Dường như huynh đài đã gặp tiểu đệ?

Hán tử trung niên nghĩ thầm:

– Gã thiếu niên này thật là thâm trầm!

Ngoài miệng y đáp:

– Tại hạ là Tô Bạch Phong. Tướng mạo huynh đài rất giống một người bạn của tại hạ. Tai hạ ngờ ngợ thành ra thất lễ, mong huynh đài miễn trách!

Y nói rồi thi lễ cáo biệt, vừa vọt mình đi một cái là đã ra xa mười trượng.

Thiên Cơ hòa thượng sờ cái đầu trọc hỏi:

– Thái Bình sư huynh! Tô Bạch Phong là người như thế nào?

Thái Bình đạo trưởng ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:

– Bần tăng chưa từng nghe nói tới nhân vật này bao giờ!

Thiên Cơ hòa thượng lại nói:

– Y đã đánh lui được người phá tan bụi vàng thì công lực y e rằng khắp thiên hạ chẳng có mấy tay bì kịp!

Thái Bình đạo trưởng nói:

– Cao thủ xuất hiện, không biết là phước hay là họa cho giang hồ.

Thiên Cơ hòa thượng nói:

– Tệ phái sở trường về môn khinh công mà Tô Bạch Phong thí chủ thân pháp mau lẹ còn hơn cả tiểu tăng. Bộ pháp của y có chỗ tương tự như tâm pháp của tệ phái!

Thái Bình đạo trưởng hỏi:

– Theo lời đạo trưởng thì y có tình cố cựu với phái Côn Luân phải không?

Thiên Cơ hòa thượng gật đầu đáp:

– Long Hành Bát Thức là tâm pháp tối thượng của tệ phái, nếu không được chưởng giáo thân hành truyền thụ thì người khác chẳng ai dám truyền cho.

Thái Bình đạo trưởng gật đầu nói:

– Tô Bạch Phong vừa bảo có mối quan hệ sâu xa với phái Võ Đương thì chắc y đã được tôn sư truyền thụ. Y là chưởng bối của mấy gia phái thì trách gì nội công chẳng cao thâm khôn lường. Nhưng bần đạo chưa nghe ai nói tới bao giờ.

Đạo trưởng biến Nhan Bách Ba qua lại giang hồ, kiến thức rộng hơn, đưa mắt nhìn gã, nhưng gã cũng lắc đầu tỏ ý không biết.

Thiên Cơ hòa thượng lại nói:

– Đại sư huynh! Vừa rồi tiểu tăng nói là nếu chúng ta hợp lực thì bản lĩnh địch nhân cao cường đến đâu chúng ta cũng tự vệ được, nhưng bây giờ e rằng không đúng.

Thái Bình đạo trưởng cười ha hả nói:

– Hòa thượng đâm sợ muốn quay về chăng?

Nhưng tiếng cười không được tự nhiên như trước.

Thiên Cơ hòa thượng nghiêm nghị hỏi lại:

– Chưa hàng được ma quỷ thì quay về thế nào được?

– Thái Bình sư huynh! Tệ sư đệ nói cho bần tăng hay là gia sư theo lời mời của quý chưởng môn đi về phía đông bắc. Bần tăng muốn đi xem sao! Sư huynh tính thế nào?

Thái Bình đạo trưởng không phải là người câu nệ mà đầu óc sáng suốt. Đạo nhân thấy thần công của sư phụ không ai sánh kịp mà còn triệu thỉnh chưởng giáo phái Côn Luân đường xa ngàn dặm để cùng đi với, thì nhất định có chuyện kinh thiên động địa. Đạo nhân liền đáp:

– Chủ ý của đại hòa thượng như thế là phải, vậy chúng ta nên đăng trình đi ngay!

Thái Bình đạo trưởng quay sang bảo Nhan Bách Ba:

– Sư đệ cứ tiếp tục xuống Trường An tham gia anh hùng đại hội.

Đạo trưởng tưởng Nhan Bách Ba đòi đi kiếm sư phụ, không ngờ Nhan Bách Ba nhu thuận lại gật đầu nói:

– Sư huynh nói phải đó!

Thái Bình đạo trưởng phất tay áo bào từ giã hán tử họ Đường rồi rảo bước ra đi. Thiên Cơ hòa thượng sóng vai cùng đi với Thái Bình đạo trưởng.

Hán tử họ Đường nhìn Du Hữu Lượng và Nhan Bách Ba rồi nói:

– Tại hạ còn muốn đi kiếm Bách Độc Giáo để tỷ đấu!

Y nói rồi cất bước đi liền.

Du Hữu Lượng thở phào một cái nói bằng một giọng rất thành thực:

– Nếu như không được huynh đài cùng mấy vị hiệp sĩ bảo vệ cho thì cái mạng của tiểu đệ đã chết từ bao giờ rồi!

Nhan Bách Ba nói:

– Huynh đài đọc sách thánh hiền, vậy những chuyện giang hồ chẳng nghe tới nữa là xong.

Du Hữu Lượng nói:

– Nhan huynh! Bây giờ trời đã chiều muộn, chúng ta về khách sạn nghỉ ngơi thôi!

Nhan Bách Ba gật đầu khen phải. Sáng sớm hôm sau hai người lên ngựa tiếp tục đi về hướng tây. Đi cho tới lúc hoàng hôn đã thấy thành Trường An ở phía xa xa. Hai người giục ngựa tiến vào cửa thành.

Trường An là cổ đô trải qua bao nhiêu triều đại. Tuy đây là nơi phồn hoa đô hội nhưng quanh thành lũy cao hào sâu.

Nhan Bách Ba rất quen thuộc thành này liền đi trước dẫn đường. Đường xá trong thành người qua lại đông đúc chẳng thiếu gì giang hồ hiệp sĩ. Gã nghĩ thầm trong bụng:

– Văn lão gia tử ở phái Điểm Thương ủy thác cho hai anh em họ Du ở Quang Trung phát thiếp mời võ lâm, lão nhân gia địa vị cực cao đón tiếp những cao nhân còn chưa xuể. Những người chẳng quản đường xa ngàn dặm tới đây hẳn không phải ít, đáng tiếc Du huynh trưởng đây lại không phải là người trong võ lâm để mở rộng tầm mắt trong cơ hội này.

Gã quay lại nhìn Du Hữu Lượng thấy chàng ngồi trên lưng ngựa nét mặt thản nhiên, liền khẽ vỗ vào mông ngựa, xuyên qua hai đường phố đến khu rừng nhỏ ngoài thành thì dừng lại.

Nhan Bách Ba nói:

– Đây là Quang trung thư viện. Nho sĩ khắp nơi ở đất Tần đều vào đây đọc sách để chờ ứng thí. ý huynh đài thế nào?

Du Hữu Lượng chắp tay đáp:

– Đa tạ nhân huynh đã có dạ ân cần chiếu cố, nơi đây thanh tịnh rất hợp với ý tiểu đệ!

Nhan Bách Ba gật đầu nói:

– Tiểu đệ ngụ trong đại trạch họ Tạ ở phía đông thành. Lúc nào huynh đài nhàn rỗi xin tới đó chơi. Tiểu đệ rất ưa nghe lời cao luận của huynh đài!

Du Hữu Lượng nói:

– Tiểu đệ ở đây hàng ngày cũng mong mỏi huynh đài giá lâm!

Nhan Bách Ba cả mừng nói:

– Tiểu đệ chỉ sợ làm mất thì giờ của huynh đài. Nếu được kề cận huynh đài là một điều mà tiểu đệ rất mong mỏi…

Mặt gã ửng hồng rồi dừng lại không nói nữa.

Hai người đưa mắt nhìn nhau trong lòng Nhan Bách Ba rất đỗi bâng khuâng nảy tình lưu luyến.

Nhan Bách Ba đứng lại một lúc rồi từ biệt lên ngựa ra đi. Gã đi được vài bước bỗng quay đầu lại nhìn thì thấy luồng mục quang mơ màng đang nhìn ra. Nhan Bách Ba động tâm muốn những quay lại, nhưng tai gã bỗng nghe tiếng vó ngựa mỗi lúc một xa. Du Hữu Lượng đã tiến vào Quang Trung thư viện rồi.

Nhan Bách Ba buông tiếng thở dài rồi giục ngựa chạy nhanh.

Du Hữu Lượng xuyên vào con đường nhỏ trong rừng. Chỉ trong khoảnh khắc chàng đến chỗ cây thưa thớt, bỗng nhìn thấy một tòa nhà lớn màu xanh lộ ra trước mặt.

Chàng liền xuống ngựa lại gõ cửa và nêu rõ ý muốn, chàng liền được dẫn vào.

Du Hữu Lượng nghỉ ngơi một lúc, vừng trăng đầu tháng mới mọc, chàng thong thả bước vào thư viện.

Thư viện này ở trong rừng sâu, đèn lửa nơi tỏ nơi mờ. Chỗ nào cũng có tiếng đọc sách. Các thí sinh hiện giờ đang chuyên chú dùi mài kinh sử. Du Hữu Lượng lẳng lặng đứng trước một gốc cây bạch hoa cao ngất, miệng lẩm bẩm:

– Trong thư viện này đầy tử sĩ, thật đáng gọi là sĩ lâm. Những người sớm hôm cần khổ chỉ vì hai chữ công danh. Mình đây trước kia cũng nghĩ vậy. Nhưng hiện giờ…

Trước mắt chàng đột nhiên hiện ra một quầng đỏ như máu mỗi lúc một lan rộng. Chàng lẩm bẩm:

– Lửa! Máu tươi!

Màu hồng dần dần biến đi. Trên mặt Du Hữu Lượng còn lưu lại một nụ cười âm trầm.

Thành Trường An, một nơi cổ đô, tường rất dày vây bọc chung quanh biết bao bậc đế vương anh hùng còn ghi lại dấu vết. Nhưng những cái đó đã trôi theo dòng nước Hoàng hà không trở lại mà chỉ còn trơ lại một tòa cổ thành với cung điện nguy nga lầu rồng gác phượng.

Một buổi sáng sớm, cửa thành vừa mở. Đường phố hãy còn vắng tanh, bỗng một nhà sư đứng tuổi thân thể cao lớn, rảo bước vào thành. Nhà sư này tướng mạo khô ngô tuấn tú, bước chân rất mau lẹ, tiến thẳng vào đứng giữa một đường phố lớn, đảo mắt nhìn quanh một hồi.

Thành Trường An buổi sáng sớm còn là lúc yên tĩnh. Chỉ có mấy nhà hàng dậy sớm kiếm nước rửa rau. Nhà sư đứng tuổi không vào nhà trọ cũng không vào điếm, y đến đứng tựa gốc cây lớn bên cửa thành và lại ngồi tĩnh tọa trên một tảng đá lớn, nhắm mắt dưỡng thần.

Sau không đầy một giờ, thành Trường An bỗng trở nên náo nhiệt. Đường phố tấp nập người qua lại. Các nhà dân khói xanh bốc lên cuồn cuộn. Nhà sư kia vẫn ngồi yên dưới gốc cây không nhúc nhích.

Bỗng nghe tiếng gió ngựa lộp cộp. Ngoài thành có năm người kỵ mã chạy vào. Năm người này ăn mặc ra kiểu nhân sĩ võ lâm, cưỡi toàn ngựa bạch trông càng chóa mắt.

Nhà sư ngồi dưới gốc cây mở mắt ra nhìn một cái rồi nhắm lại tiếp tục dưỡng thần.

Năm người cưỡi ngựa tiến vào chưa được bao lâu thì lại thêm hai người cưỡi ngựa nữa tới.

Hai người này vào cổng thành rồi cho ngựa giảm bớt tốc lực vừa đi vừa nói chuyện.

Người mé tả là một hán tử, nước da đen đủi, râu ria xồm xoàm. Còn người mé hữu có vẻ là văn nhược thư sinh hay một chàng công tử. Hai người này cưỡi ngựa đến bên nhà sư.

Hán tử mé tả râu ria xồm xoàm nói:

– Nhị đệ! Nhị đệ hãy coi năm con ngựa bạch ở phía trước. Hiển nhiên là năm tên đệ tử bảo bối của Hoa Sơn đã tới đây!

Thư sinh mé hữu nói:

– Đại ca! Theo ý đại ca thì bao nhiêu anh hùng thiên hạ đến dự đại hội ở Trường An có đem lại kết quả gì không?

Hán tử râu quăn nói:

– Hàng ngày võ lâm kêu gọi hành hiệp trượng nghĩa, chính nghĩa đạo đức gì đều là giả tuốt. Chẳng một môn phái nào là không nghĩ đến tư lợi. Khi có việc trút lên đầu lại muốn đẩy ra. Theo ta nhận xét thì dù có khai hội đến mười lần cũng chẳng làm được trò gì.

Thư sinh hỏi lại:

– Vậy thì chúng ta còn đến đây làm chi?

Hán tử râu quăn nói:

– Nếu không có Thiết Chưởng Du Phương đưa thư nói khích thì ta không đến thật!

Nhà sư ngồi dưới gốc cây nghe đến bốn chữ Thiết Chưởng Du Phương liền mở bừng mắt ra ngắm kỹ lại hai người kia thì hai người này cũng đang nhìn y. hán tử râu quăn ngó vài lần nữa rồi lại giục cho ngựa chạy đi.

Nhà sư nghĩ thầm trong bụng:

– Hai người này chắc là Lương Châu Song Kiếm lừng danh miền tây bắc.

Y nhắm mắt lại miệng lẩm nhẩm:

– Thiết Chưởng Du Phương mà đến đây thì vụ án của phái Thiếu Lâm ta có thể kết liễu được!

Sau một lúc ngoài thành có mấy toán người võ lâm tới nơi. Nhà sư nhìn qua một lượt rồi thôi. Bỗng thấy một người ăn mặc ra kiểu thương mại thấp lùn lùn mà béo chùn béo chụt. Người này đi bộ tới nơi quần áo không hề dính chút bụi. Trong tay y cầm một chiếc dù, còn một tay cầm một cái bọc nhỏ dường như là bọc sách vở.

Nhà sư vừa ngó thấy người này liền đứng phắt dậy rảo bước tiến ra giữa đường cản lối đi rồi chắp tay nói:

– A di đà phật! Bần tăng thật có thiện duyên!

Người kia ngoảnh lại trông thấy nhà sư rồi xá dài nói:

– Kính chào nhà sư!

Nhà sư nói:

– Trời tươi đẹp thường nổi phong ba bất ngờ. Người ra cửa không lường được họa phúc. Coi tinh thần thí chủ hoảng hốt tất trong lòng có điều khó giải quyết.

Bần tăng muốn vì thí chủ giải một chữ để coi cho biết có thuận hay không.

Nhà sư dừng lại một chút rồi nói tiếp:

– Muốn như vậy thí chủ phải hóa duyên!

Nhà buôn lùn mập ngó nhà sư bằng cặp mắt lạnh lùng hỏi:

– Hòa thượng có hóa duyên hay thanh tu thì cũng ở trong chùa, sao lại ra đón đường đoán chữ kiếm tiền?

Hòa thượng đáp:

– Sinh tử phú quý tuy do trời định, nhưng nếu người ta biết trước được sớm ba ngày rất có thể biến họa thành phúc, đổi chết ra sống. Nét mặt thí chủ có hai điều lo sợ. Theo bần tăng nhận xét thì…

Nhà buôn lùn mập hỏi:

– Theo hòa thượng nhận xét thì sao?

Nhà sư đáp:

– Bần tăng nhận thấy thí chủ đi chuyến này không được tốt!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.