Đấy, thấy chưa. Đời tôi nếu mà có drama thì cũng tại mối liên hệ với con nhà bên mà thôi. Tôi yên phận thủ thường nhường này thế mà chỉ vì cạnh nhà một con lắm drama nên bị cuốn theo vòng luân lí này.
Tôi đau khổ kể lể với Dương:
– Cuộc đời tao, mày thấy đó, chả bao giờ gây sự với ai. Suốt mười mấy năm ròng rã chỉ biết học với học làm vui lòng bố mẹ. Ấy thế mà không dưng bị dọa đánh. Mà lí do là gì? Là vì mày đó!
– Ơ…
– Ơ gì mà ơ, tao thừa biết mày không thích mấy thằng ất ơ đó nên quyết định cho thằng Danh ăn bơ một cục. Tao, một người bạn vĩ đại, vì muốn mày không phải khó chịu bởi mấy thằng theo đuôi cuối cùng… Hic, sao kết cục lại thảm thương tới vậy?
Tôi giả bộ lấy áo chấm nước mắt, nói một lô một lốc nhằm chọc con Dương. Dương ta nhìn tôi kể công với vẻ chẳng đồng tình gì mấy, môi nó nhếch lên đầy khinh bỉ.
– Thôi đừng bày trò nữa đi ông nội. Nhìn ngứa mắt quá.
Nhưng tôi vẫn không dừng màn kịch thảm thương của chính mình:
– Tao nói đúng chứ có sai đâu. Từ trước đến nay có đắc tội với ai bao giờ…
– Cái gì cơ?
– Ý quên. – Tôi nhìn mặt Dương đang tỏ vẻ muốn nghe lại liền lập tức sửa lại – Ngoài mày ra thì tao chưa đắc tội với ai bao giờ…
Dương bắt đầu giơ tay phải lên sờ sờ vết sẹo dấu nhân hình hai múi khâu khi nó phải đi viện hồi nhỏ xíu. Cả bầu trời tuổi thơ bị tôi lừa lọc dường như lại ùa về.
– Đúng rồi. Đúng rồi. Tao nhớ vụ roi nhà ông Huấn nhé. Tao nhớ vụ chó nhà bà Loan nhé. Tao nhớ từng lần mày lừa tao chơi mấy trò ngu ngốc chỉ để trấn lột đồ chơi của tao nhé.
– Ơ kìa bạn yêu, vụ roi nhà ông Huấn mình vô tội nhé. – Tôi lên tiếng phân bua.
– Thế vụ chó nhà bà Loan? Mày chối nữa đi? – Nó hùng hổ.
– Này nhé, tao nói thật, tại mày ngu chứ tại gì tao. Ném chó ai đời lấy cục bê tông to đùng ném.
Nghe đến đây con Dương không nhịn được nữa phá ra cười ha hả. Những kí ức này từ lâu đã phủ bụi trong bộ nhớ của chúng tôi, bây giờ được lôi ra kể lại đúng như là được sống lại cái thời ngây ngô ấy.
Dương kể lại cho tôi rằng lúc nó ngã sấp mặt khi bị chó đuổi ấy, nó nghĩ thế là nó tiêu đời rồi. Trong mắt của một đứa trẻ mẫu giáo, chó dữ là một con vật gì đó như quái vật trong các truyện cổ tích. Vậy nên Dương nghĩ lúc nó ngã không thể chạy được nữa lũ chó nhất định sẽ xé thịt nó. Ai ngờ sau cú ngã đau điếng, tụi chó nghe tiếng đầu nó cụng vào đường bê tông, lập tức cụp đuôi chạy bốn phương tám hướng.
Còn tôi thì kể nó nghe việc tôi không dám về nhà, ngồi thơ thẩn ngoài sông Lam nghĩ đến việc bỏ nhà ra đi. Cuối cùng đến khi tối mịt, đói quá lại mò về nhà chịu trận.
Hai đứa ngồi ôn lại kỉ niệm xưa đến nỗi tôi quên phéng luôn vụ mấy thằng đầu trâu mặt ngựa chuẩn bị tìm tôi tính sổ. Cho đến khi hai đứa ôm nhau cười đau cả bụng, tự dưng Dương nghiêm túc nói:
– Đúng rồi. Tao còn chưa giã mày một trận ra bã thì đứa nào có tư cách?
Lúc đấy tôi chỉ nghĩ là một câu nói đùa của nó mà thôi.
Mấy hôm sau tôi đến trường với tư thế sẵn sàng bị tẩn.
Thằng Thắng, thằng Trung cũng nghe phong thanh tin tức ở đâu đó, mặt mày lo lắng đến lớp hỏi tôi:
– Người anh em, rốt cuộc mày đã làm trò con bò gì để mấy thằng đó sờ gáy vậy?
– Đừng lo! Anh em ở đây! Bọn tao sẽ… mua bông băng thuốc đỏ sẵn sàng cho mày. – Câu đầu thì hùng hổ, câu sau thì nhỏ dần.
Tôi vẫn nhe răng cười toe toét với hai thằng đấy khi tụi nó bày trò. Thực ra tôi cũng chẳng mấy lo lắng hay sợ hãi. Giỏi thì bị tẩn một trận là xong. Với tư tưởng vô cùng hồn nhiên đấy tôi vẫn thò mặt đi học ngày hai buổi chẳng sợ bố con thằng nào.
Cho đến một hôm đến lớp, thằng Thắng với vẻ mặt hóng được drama to đùng nào đấy phi đến tôi la lên:
– Ôi cha mạ ơi, Việt ơi là Việt! Tao vừa được chứng kiến một pha mỹ nhân cứu anh hùng chưa từng có trong lịch sử!
Thằng Thắng thì không nói làm gì, đến cả thằng Trung cũng phởn phè lên, phi lại tôi với vẻ vô cùng phấn khích:
– Việt, mày đúng là thằng may mắn. Trời, tao cũng muốn có con hàng xóm như mày.
Tôi nhăn mặt, chả hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Nhưng mà liên quan đến con Dương à? Tôi chỉ hỏi câu ngắn gọn:
– Dương sao à?
Thằng Thắng liền hét vào mặt tôi:
– Nó vừa “chiến đấu” với tụi thằng Danh để cứu mày đấy!!