Hết bọn trong lớp biết rồi đến cô giáo chủ nhiệm cũng biết chuyện hai đứa tôi giận nhau.
Cô giáo chủ nhiệm tôi là giáo viên dạy Toán. Tôi và cả cái con nhà bên đều trong đội tuyển bồi dưỡng Toán. Nói cho sang mồm thế thôi chứ đội tuyển đi thi cấp huyện thôi. Đầu năm cô giáo sẽ chọn ra mười một, mười hai đứa gì đó để đi học bồi dưỡng. Nếu là khoá có tiềm năng thì số lượng có thể đến mười lăm học sinh. Sau đó, học một thời gian rồi loại dần đi, chỉ còn đúng mười học sinh đi thi.
Thực ra mọi học sinh đều có thể chọn một vài môn trong ba môn chính Toán Văn Anh để tham gia bồi dưỡng. Lên lớp tám và chín thì có chín môn là Toán, Sinh, Văn, Lý, Sử, Địa, Anh, Hoá, Giáo dục công dân. Nhưng thường thì không theo được chương trình học, chán nản rồi tự nguyện bỏ cuộc.
Hồi lớp sáu, bảy tôi chỉ muốn tham gia bồi dưỡng Toán mà thôi. Nhưng con Dương lôi tôi đi bồi dưỡng Anh nữa. Còn nó, dĩ nhiên là đi bồi dưỡng cả ba môn Toán, Văn, Anh. Thề là tôi thà bị kéo đi học Anh còn hơn phải nghe giảng Văn.
Tôi vẫn nhớ hồi đấy, ở vùng quê tôi, lớp ba, bốn, năm không được học Tiếng Anh vì không có thầy dạy. Đến năm lớp sáu chúng tôi mới chính thức học Tiếng Anh. Con Dương rất hạp bộ môn này. Lúc nào cũng luôn hào hứng trong tiết Anh, xung phong phát biểu và được cô giáo dạy Anh hết mực cưng chiều. Dĩ nhiên, nó thích học Anh nhất.
Nó thích và nghĩ tôi cũng thích. Tôi thì muốn nằm dài ở nhà hơn là đi học nên ban đầu từ chối nó. Nó chỉ mỉm cười đầy nguy hiểm và thề sẽ kéo tôi đi bằng được.
Hôm sau, tôi thấy nó lù lù ở nhà tôi. Không phải là để gặp tôi mà là gặp mẹ của tôi. Nó ba hoa một hồi về tác dụng to lớn của tiếng Anh sau này mang lại, rồi ra sức khen ngợi tôi có tiềm năng học môn đó. Còn mẹ tôi thì ra sức gật đầu hưởng ứng.
Thế thôi xong, tôi phải đi bồi dưỡng. Nhưng là lê lết ở nhóm cuối, học mãi không vào. Tôi nhớ cảm giác hồi hộp tột cùng khi cô giáo đưa ra quyết định sẽ chọn ai đi thi. Miệng thì luôn nói với mấy đứa xung quanh rằng bị loại là chắc đét rồi nhưng lòng thì vẫn ấp ủ một niềm hy vọng rằng sẽ được đi thi.
Và rồi, cô giáo đánh liều chọn tôi. Tôi xúc động vô bờ bến, con Dương thì nhảy như choi choi chúc mừng tôi. Và càng bất ngờ hơn nữa, tôi đi thi và đậu! Vâng, tôi từng là học sinh giỏi cấp huyện tiếng Anh đấy!
Chà, kể lại thôi mà tôi cũng thấy bồi hồi và sung sướng như thế này đây. Quay trở lại thực tại một chút là tôi được 2,4 điểm tiếng Anh cho bài thi Trung học Phổ thông Quốc gia. Và mừng rớt nước mắt vì đã thoát điểm chết.
Tôi lan man hơi nhiều rồi. Trở về với cô giáo dạy Toán và đội tuyển bồi dưỡng Toán cùng câu chuyện ngớ ngẩn giữa tôi và con Dương.
Lúc học bồi dưỡng, dù Toán hay Anh nó luôn ngồi cùng tôi. Lớp học lúc đấy chỉ có mười đứa học, ngồi thế nào chả được. Con Dương thì bảo học nhóm cho vui, mà thực chất là để bày trò nữa. Nhiều khi buồn buồn thì làm vài ván caro, không thì sẽ một mớ quà ăn vặt ở dưới gầm bàn hoặc là để thu dép mấy đứa đang ngồi học chăm chú phía trên.
Khi chúng tôi giận nhau dĩ nhiên bỏ luôn thói quen đó. Hai đứa thường chọn hai chỗ thật xa nhau, bỏ cái bàn cuối không còn ai ngồi nữa ở đó.
Hôm đó, cô giáo ra một bài toán Hình mà cái đề chiếm mất nửa bảng. Cô bảo bài này khó, nên lập nhóm hai đứa mà thảo luận. Nhưng chúng tôi đã lập nhóm thì thường bu lại với nhau hơn là chia từng nhóm hai đứa thế kia. Vậy là cô phải đích thân ghép nhóm cho chúng tôi.
Và dĩ nhiên tôi và cái con nhà bên một nhóm.
Khi cả bọn đang lục đục chuyển chỗ ngồi để dễ bề thảo luận với nhau thì con Dương kì kèo với cô:
– Cô ơi, để em với bạn Thanh một nhóm đi được không ạ? Hồi nãy em với bạn ấy có thảo luận một chút, có vẻ sắp ra rồi đấy ạ.
Cô giáo chép miệng, hơi khó chịu bảo:
– Lại chỗ Việt mà thảo luận đi. Khi nãy cô cũng liếc qua chỗ em với Thanh rồi, hướng đi sai rồi nhé.
Cô giáo làm Dương cứng họng, nhưng nó vẫn chưa chịu thua:
– Đâu có cô! Em sắp ra rồi đấy. Chắc chắn là cách mới đây ạ…
Tôi ngồi ở đằng xa theo dõi cuộc trò chuyện và cảm thấy cực kỳ khó chịu. Tôi là thằng bị bỏ rơi sao? Tôi là đứa đáng ghét đến vậy sao?
Tôi nhất định phải chơi con kia một vố.
Tôi hắng giọng rồi gọi cô:
– Cô ơi cô?
Cô giáo đang tranh luận với Dương quay lại nhìn tôi, nhướn mày hỏi lại:
– Sao?
Dương cũng theo phản xạ quay mặt lại nhìn tôi, khuôn mặt nó đang gượng cười lấy lòng cô giáo nhìn thấy tôi tự dưng tối sầm lại.
Tôi không để ý nó, tiếp tục thưa chuyện với cô giáo:
– Đáp án là 8,4 cm đúng không ạ?
Cái khoảnh khắc ấy thật ngầu biết bao!
Cô giáo thì thốt lên:
– Ồ? Tính nhanh thế à?
Còn tất cả bọn bạn đều quay mặt lại nhìn vì hiện thời, tụi nó còn mới chăm chú vẽ cái hình, thậm chí chưa chắc đã đọc hết đề trên bảng cơ. Và nhất là con Dương, biểu cảm đó làm tôi thích thú biết bao. Kìa mắt nó đang trợn tròng ra sau đó đôi mày nhăn lại, hậm hực quay mặt ra để khỏi nhìn thấy khuôn mặt đang thách thức của tôi.
Ừ, tao không cần mày nhé, Dương. Không cần mày tao vẫn giải quyết ngon ơ bài Toán này nhé.
Thực ra nếu không có câu nói cuối cùng này của cô giáo thì đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc ngầu lòi và đáng nhớ nhất của tôi.
Cô giáo bảo:
– Nhanh đấy, nhưng sai rồi!
Nụ cười đắc thắng của tôi tắt ngóm. Có cảm tưởng cô giáo vừa dội một gáo nước lạnh vào mặt tôi. Nhục nhã quá!
Con Dương hồi nãy mặt mày còn thằm lằm nghe cô giáo nói thế thì suýt phụt ra để cười.
Cô giáo vẫy vẫy tay với tôi bảo:
– Lên đây, nói cách làm xem nào.
Tôi cầm một cái bút và giấy nháp đi lên bục giảng. Thấy thế, Dương mới bước xuống chỗ bên cạnh tôi rồi đặt cặp ngồi xuống, cúi gằm mặt nháp lấy nháp để không thèm nhìn lên nữa.
Tôi đang chăm chú nghe cô giảng giải chỗ sai thì con Dương ngẩng phắt đầu dậy, mặt hào hứng:
– Được 2,4 phải không cô?
À há, nó muốn trả đũa tôi đây mà. Thảo nào kì cụi làm như vậy.
– Cũng sai nốt.
Cô giáo không nhìn xuống nó mà nói luôn. Đến lúc này tôi cũng trưng ra cái bộ mặt nhịn cười để trêu nó.
Nó nghe cô bảo sai vậy, liền tiu nghỉu nhưng rồi cũng lấy động lực rất nhanh, cầm lại bút rồi lại vẽ chằng chịt lên hình.
Tôi nghe cô giảng xong, ôm nháp và bút xuống chỗ của mình, ngồi xuống cạnh cái con đang nhìn bài toán hình như kẻ thù không đội trời chung.
Cô giáo vỗ vỗ tay để mấy đứa trong phòng chú ý:
– Cô nói luôn đáp án 4,6 nhé. Ai được đáp án ấy đưa lên cô xem cách làm.
Con Dương không quay sang tôi, lẩm bẩm trong miệng để đủ tôi nghê:
– Vẫn gần đáp án hơn ai đó…
Tôi cũng không thèm nhìn sang bên chỗ nó ngồi, khoanh tay lên ngực, cũng lầm bầm như ai đó:
– Sai thì vẫn là sai thôi.
Đến lúc này, nó mới quay mặt sang tôi mắt lừ lừ nhưng cũng không nói được gì. Đến lúc này cô mới hỏi hai chúng tôi:
– Hai đứa chúng mày có chuyện gì sao?
Hai đứa ìm lìm chả nói gì nhưng thế cô cũng đã đủ hiểu chuyện gì đã xảy ra rồi.
Tình trạng hằn học đấy giữa hai chúng tôi cứ thế tiếp diễn ở trong những buổi bồi dưỡng Anh, thậm chí cả những tiết học trên lớp nữa.