Báu Vật Của Đời

Chương 35



Nghe nói để đáp ứng yêu cầu bức thiết của nhân dân vùng đông bắc Cao Mật, phiên tòa xử Tư Mã Khố sẽ thiết lập tại địa điểm Bác-bít chiếu phim lần đầu. Đây chính là sân phơi của nhà Tư Mã, trên sân vẫn còn cái bục đất, dấu vết thời Lỗ Lập Nhân làm cải cách ruộng đất. Để đón tiếp Tư Mã Khố, cán bộ khu huy động dân quân có vũ trang đốt đuốc làm suốt đêm đào mấy trăm khối đất, đập một cái đài cao hơn mặt đê sông Thuồng Luồng, đào một rãnh sâu hình chữ U ở mặt trước và hai bên đài, rãnh đầy nước do bên ngoài thấm vào. Cán bộ khu còn trích từ quĩ đặc biệt một khoản tiền làm tương đương với một tấn gạo, đi ba mươi cây số mua về hai xe chiếu cói dày, màu vàng rơm, dụng trước đài một căn nhà quây bốn bên bằng chiếu cói dán đầy những tấm áp phích lời lẽ khi thì nghiến răng nghiến lợi, khi thì vui sướng điên cuồng. Số chiếu còn thừa thì trải trên nền đài và treo kín bốn ta luy. Trưởng khu tháp tùng huyện trưởng đến xem xét địa điểm phiên tòa. Họ đứng trên đài cao, chân giẫm lên mặt chiếu trơn nhẵn, gió lạnh từ phía sông thổi phồng ống tay áo và ống quần như những khúc dồi lợn khổng lồ. Huyện trưởng xoa xoa cái mũi đỏ tía, lớn tiếng hỏi trưởng khu đứng phía sau:

– Kiệt tác của ai đây?

Trưởng khu chưa rõ huyện trưởng hỏi như vậy là có ý châm biếm hay là lời khen, bèn nói úp mở:

– Tôi tham gia thiết kế, còn chủ yếu là anh ta thực hiện – Trưởng khu chỉ anh cán sự tuyên truyền đứng phía sau.

Huyện trưởng nhìn một thoáng anh cán sự tuyên truyền mặt mày tươi tỉnh gật đầu, hạ giọng nói khẽ nhưng cũng đủ cho người đằng sau nghe thấy:

– Đây đâu phải là phiên tòa, chẳng khác lễ đăng quang của nhà vua?

Phiên tòa quyết định vào buổi sáng ngày mồng Tám tháng Chạp. Những người hiếu kỳ dậy từ nửa đêm, đội trăng đội sao từ làng trên xóm dưới kéo về bãi xử. Trời tờ mờ sáng, bãi đất trống đã dầy đặc những người là người, trên đê Thuồng Luồng, người ta cũng đứng ken nhau như một hàng rào. Mặt trời uể oải nhô lên, nhuốm hồng những cặp lông mi và những bộ ria bám đầy băng, nhuốm hồng những làn hơi thở trăng xóa. Mọi người quên bẵng hôm nay là ngày ăn cháo lạp chúc, nhưng nhà tôi thì không quên. Mẹ giả vờ hăng hái để chúng tôi vui lây nhưng tiếng khóc thút thít của Tư Mã Lương khiến chúng tôi chẳng còn bụng dạ nào nữa. Chị Tám như một bà cụ non, lấy miếng bọt biển lau hai dòng nước mắt cho nó. Nó khóc không thành tiếng, nhưng như thế còn xót xa hơn gào khóc. Chị Cả bám sau mẹ đang tất bật, luôn miệng hỏi:

– Mẹ, anh ấy chết, con có phải tuẫn tiết không?

Mẹ mắng:

– Điên à, ngay dù cưới xin hẳn hoi, cũng không phải tuẫn tiết?

Chị Cả hỏi đến lần thứ mười hai, mẹ mất hết kiên nhẫn, mắng té tát:

– Lai Đệ, con không biết xấu hổ sao? Con với nó chẳng qua là em rể tòm tem với chị vợ chuyện xấu xa chứ hay gì!

Chị Cả sững người nói:

– Mẹ, mẹ khác trước rồi!

Mẹ nói:

– Tao khác trước mà cũng không khác. Mười mấy năm nay, người nhà Thượng Quan chúng ta như những cây hẹ, búi tàn úa búi mọc lên, có sống ắt có chết, chết thì dễ, sống mới khó, càng khó càng phải sống! Càng không sợ chết lại càng phải cố mà sống! Mẹ phải nhìn thấy cái ngày con cháu mẹ mở mày mở mặt với đời!

Mắt mẹ mọng nước, nhưng ánh mắt thì rục lửa, nhìn chúng tôi khắp lượt, cuối cùng đọng lại trên mặt tôi như ký thác niềm hy vọng lớn nhất ở tôi. Tôi cảm thấy vô cùng hoang mang vì tôi chẳng có ưu điểm nào cả, ngoại trừ khả năng học thuộc lòng ttương đối nhanh bài khóa và hát tương đối chuẩn bài Phụ nữ giải phóng ca. Tôi hay khóc, dút dát, nhu nhược, chẳng khác một con cừu đực bị thiến!

Mẹ bảo:

– Thu xếp mau lên, đi tiễn anh ta một tí! Anh ta là đồ đốn mạt, nhưng cũng là trang hảo hán! Những người như vậy, trước đây cứ khoảng mươi năm lại có một người. Từ nay về sau chắc là tuyệt chủng.

Cả nhà tôi đứng trên đê. Những người xung quanh đều né tránh chúng tôi. Rất nhiều ánh mắt nhìn trộm chúng tôi. Tư Mã Lương còn định chen lên, nhưng mẹ nắm cánh tay nó, nói:

– Thôi con, đứng xa mà nhìn cũng được. Gần quá, cha con sẽ bị phân tâm?

Mặt trời lên đến hai con sào thì có mấy chiếc xe hơi thận trọng qua cầu Thuồng Luồng chạy tới chỗ thân đê bị sụt trên xe là các binh sĩ đầu đội mũ sắt, ôm tiểu liên; nét mặt nghiêm trang như sắp xung trận. Xe chạy đến chân đài thì dừng lại, binh sĩ từng đôi nhảy xuống và lập tức triển khai thành vòng cung bao vây lấy khán đài. Cuối cùng, hai binh sĩ chui ra khỏi ca bin, mở nắp sau của xe đẩy Tư Mã Khố xuống. Tư Mã Khố hai tay bị còng, ngã lăn ra nhưng lập tức bị hai binh sĩ cao lớn xốc nách đừng dậy, tập tễnh đến trước căn nhà, máu thấm từng mỗi dấu chân, rồi bước lên khán đài. Sau này một số người nói lại rằng, khi chưa trông thấy Tư Mã Khố, họ cứ nghĩ anh ta phải là một quái vật mặt xanh nanh vàng, nửa người nửa thú, nhưng khi trông thấy anh ta, họ cảm thấy hơi thất vọng. Người đàn ông trung niên đầu bị cạo trọc này có cặp mắt to buồn buồn, hoàn toàn không có vẻ hung dữ, trái lại, còn tỏ ra chất phác, trung hậu, khiến mọi người ngờ rằng công an đã bắt lầm người khác.

Phiên tòa được tiến hành rất nhanh. Quan tòa đọc tội trạng của Tư Mã Khố, rồi tuyên án tử hình. Quần chúng nhốn nháo, người đang ngồi thì đứng dậy, người đang đứng thì chen lấn nhau lên phía trước. Mấy vệ binh giải Tư Mã Khố xuống dưới dài, họ khuất sau căn nhà quây bằng chiếu rồi xuất hiện ở đầu nhà phía đông. Tư Mã Khố bước đi tập tễnh, khiến hai người xốc nách anh ta bước chân quýnh cả lên. Đến bờ đầm, nơi diễn ra những vụ hành quyết nổi tiếng, họ dừng lại. Tư Mã Khố quay mặt nhìn lên đê. Có thể anh nhìn thấy chúng tôi, cũng có thể không nhìn thấy. Tư Mã Lương vừa buột miệng kêu bố ơi thì đã bị mẹ bịt chặt miệng, ghé sát tai dỗ dành:

– Lương con, nghe lời ngoại, con đừng làm ầm lên! Ngoại biết con đau xót lắm, nhưng cái chính là con đừng làm cho bố con bối rối, để bố con ra đi thanh thản!

Lên khuyên của mẹ như có phép lạ khiến Tư Mã Lương thoắt cái trở lại hiền lành như con cừu non. Hai binh sĩ to lớn nắm vai Tư Mã Khố, cố sức xoay người anh lại, quay mặt về phía đầm. Nước trong đầm tù đọng hàng mấy chục năm, xanh màu vỏ chanh, mặt nước phản chiếu khuôn mặt tiều tụy và vết rách do dao cạo trên má. Lưng quay về đội hành quyết, mặt hướng ra đầm, bao nhiêu khuôn mặt đàn bà hiện trên mặt nước, bao nhiêu mùi thơm của người đàn bà lan tỏa mặt đầm, anh bỗng thấy mình trở nên ủy mị, trong lòng đang êm ả bỗng nổi cồn sóng gió. Anh quay phắt lại và bằng cái giọng khiến viên Trưởng phòng Tư pháp Cục Công an và những tên đao phủ giết người không chớp mắt sợ tái mặt:

– Tôi không thể để các ông bắn tù phía sau!

Trước mặt những tên đao phủ mà tên nào cũng ngây ngô đần độn, Tư Mã Khố cảm thấy vết xước trên má bỏng rát. Vết đứt trên má khiến Tư Mã Khố giận điên lên, những chuyện hôm qua trở lại trong ký ức anh. Viên chấp pháp đến thông báo cho anh về án tử hình, anh vui vẻ chấp thuận. Viên chấp pháp hỏi anh có yêu cầu gì không, anh sờ râu ria trên mặt tua tủa như lông nhím, nói:

– Xin ột thợ đến giúp tôi sửa sang râu tóc một tí? Viên chấp pháp nói:

– Tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo!

Ông thợ cắt tóc xách chiếc hòm gỗ, rụt rè bước vào phòng giam tù tử hình. Chân tay run lẩy bẩy, ông ta cạo trọc đầu Tư Mã Khố, rồi cạo râu cho anh. Cạo được một bên, ông ta làm đứt má, chảy máu. Tư Mã Khố gầm lên một tiếng khiến ông thợ cắt tóc bỏ chạy nấp sau hai lính gác.

– Tóc thằng cha này cứng hơn lông gáy lợn! – Ông thợ cắt tóc giơ lưỡi dao cạo cho hai người lính gác xem – Lưỡi mẻ hết cả? Râu hắn càng cứng hơn, như cái bàn chải bằng dây thép. Vậy mà hắn còn vận nội công lên râu?

Ông thợ cắt tóc thu dọn đồ nghề định ra về, Tư Mã Khố chấn: – Đ. mẹ, sao lại thế hả? Định để ta ra mắt bà con với nửa bộ râu này hả?

– Thằng tử tù, râu đã cứng mà còn vận nội công! – Ông thợ cắt tóc chửi.

Tư Mã Khố cười dở mếu dở, nói:

– Con ơi, trăm dâu đổ đầu tằm, ta có biết vận nội công là thế nào đâu?

– Anh cứ nghiến răng ken két, không vận nội công thì là gì? – Ông thợ cắt tóc nói – tôi có điếc đâu!

– Thằng khốn, đó là vì ta đau quá!

Người lính gác bảo:

– Sư phụ, ai lại thế! Ông chịu khó cạo nốt cho người ta!

Ông thợ cạo nói: – Tôi cạo không được, các ông đi tìm người khác!

Tư Mã Khố thở dài:

– Đ. mẹ, trên đời lại có loại người như vậy? Này người anh em – anh ta nói với người lính gác – Mở còng cho tôi, tôi sẽ cạo lấy vậy?

Người lính gác kiên quyết:

– Không được! Nhân đó ông hành hung, chạy trốn hoặc tự sát thì trách nhiệm đổ lên đầu chúng tôi!

Tư Mã Khố chửi:

– Đ. mẹ các ông, gọi một quan chức đến đây! – Tư Mã Khố dập còng vào chấn song sắt loảng xoảng.

Một nữ cán bộ công an chạy vào, hỏi:

– Tư Mã Khố, gì mà làm ầm lên vậy?

Tư Mã Khố nói: – Nhìn bộ râu tôi đây này, cạo một nửa rồi không cạo nữa, cái lý ở đâu thế?

– Chẳng có lý nào như thế cả – Chị ta vỗ vai ông thợ cắt tóc hỏi – Sao không cạo nốt cho anh ta?

– Râu cứng quá, lại còn vận nội công lên râu nữa chứ!

– Đ. cụ anh, lại còn nói ta vận nội công!

Ông thợ cắt tóc giơ lưỡi dao mẻ ra để thanh minh. Tư Mã Khố nói:

– Bạn ơi, bạn có dám bạo gan một lần không? Mở còng cho tôi, tôi cạo lấy, đây là đề nghị cuối cùng của đời tôi?

Người cán bộ công an này đã từng tham gia vây bắt Tư Mã Khố. Chị do dự một thoáng rồi bảo:

– Mở còng cho anh ta.

Người lính gác run run mở còng cho Tư Mã Khố rồi vội vàng né sang một bên. Tư Mã Khố xoa bóp hai cổ tay rồi chìa tay ra. Chị cán bộ công an nhận con dao từ tay ông thợ cạo rồi đưa cho Tư Mã Khố.

Tư Mã Khố đón lấy con dao cạo, nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy ẩn sau cặp lông mày rậm của chị cán bộ công an, giọng cảm kích:

– Chị không sợ tôi hành hung, chạy trốn hoặc tự sát hay sao?

Chị công an cười:

– Nếu vậy thì không phải là Tư Mã Khố!

Tư Mã Khố thở dài: – Không ngờ người hiểu ta hơn cả lại là phụ nữ!

Chị công an mỉm cười khinh miệt.

Tư Mã Khố thèm thuồng nhìn đôi môi cương nghị của chị công an, lại nhìn rất lâu bộ ngực nhô cao sau lần áo quân phục màu vàng, nói:

– Này cô em, vú cô không nhỏ chút nào!

Chị công an cắn môi, thẹn quá hóa giận, mắng:

– Quân đạo tặc chết đến nơi còn nghĩ lung tung!

Tư Mã Khố nói nghiêm chỉnh: – Cô em, tôi đã đ. không biết bao nhiêu phụ nữ, chỉ tiếc rằng cho đến nay vẫn chưa đ. được một nữ đảng viên Cộng sản!

Chị nữ công an giận dữ đánh Tư Mã Khố một bạt tai. Cái tát mạnh đến nỗi bụi trên xà nhà rơi xuống. Nhưng Tư Mã Khố vẫn cười, thản nhiên như không:

– Tôi có cô em vợ là đảng viên Cộng sản, lập trường kiên quyết, vú vê đồ sộ. Tôi ôm lấy cô ta và bảo: Dì ơi, cho anh mần dì nhé! Cô ta bảo: Này anh rể, mỡ này không đến miệng mèo được đâu!

Chị công an mặt đỏ như gấc, nhổ nước bọt vào mặt Tư Mã Khố, khẽ chửi:

– Đồ chó dái, bà thì thiến nhà ngươi!

Tiếng kêu gào của Tư Mã Đình bứt Tư Mã Khố ra khỏi những hồi ức ngọt ngào. Anh trông thấy mấy dân quân sắc mặt hầm hầm xốc nách anh trai, rẽ đám đông đi tới.

– Oan quá, oan quá? Tôi là người có công, tôi cắt đứt quan hệ với nó từ lâu…

Tư Mã Đình kể lể, nhưng không ai thèm nghe. Tư Mã Khố thở dài, trong lòng cảm thấy bứt rút. Quả thực đây là một con người trung hậu, tuy có ác khẩu đôi chút, nhưng vấn đề then chốt là lúc nào cũng hướng về em trai. Tư Mã Khố nhớ lại cái lần lên huyện cách đây đã nhiều năm, khi anh mới lớn, theo anh trai đi thu nợ. Qua ngõ nhà thổ, anh trai bị một đám son phấn lòe loẹt kéo vào. Khi trở ra thì túi đã rỗng tuếch. Anh trai nói:

– Em này, về nói với bố là chúng mình bị cướp!

Một bận khác, hình như vào dịp trung thu thì phải, anh rượu say vào mới đến nhà vợ, bị kẻ nào đó lột sạch quần áo treo lên cây hòe.

– Em cứu anh mấy, cởi dây cho anh! Đầu anh chảy máu.

Tư Mã Khố hỏi:

– Anh sao thế?

Lúc đó anh sao mà hài hước, anh nói:

– Em ơi, đầu bé khoan khoái, đầu to oan trái?…

Tư Mã Đình chân mềm nhũn đứng không vững.

Một cán bộ thôn hỏi dồn:

– Tư Mã Đình, kho báu nhà Phúc Sinh Đường chôn ở đâu? Không nói thì cho đi theo thằng kia?

– Chẳng có kho nào cả, hồi cải cách ruộng đát đã đào hết lượt sâu ba thước rồi! – Anh trai cố thanh minh một cách thảm hại.

Tư Mã Khố cười:

– Anh đừng la toáng lên như thế!

Tư Mã Đình chửi: – Tất cả là cái thằng khốn kiếp này hại tôi!

Tư Mã Khố lắc đầu cười đau khổ. Một cán bộ công an tay đỡ khẩu súng bên hông, khiển trách cán bộ thôn:

– Chỉ bậy, giải đi, chẳng hiểu gì về chính sách cả?

Cán bộ thôn nói:

– Bọn tôi nhân tiện thì khai thác thêm đó thôi! – Anh ta vừa nói vừa kéo Tư Mã Đình đi.

Viên giám quan giơ ngọn cờ bé tí lên, hô sang sảng:

– Chuẩn bị…

Các tay súng nâng súng lên, đợi khẩu lệnh cuối cùng. Tư Mã Khố nhìn những họng súng đen ngòm, trên mặt thoáng một nét cười băng giá. Một đạo hồng quang sáng rục trên đê, mùi đàn bà trùm lên tất cả. Tư Mã Khố la to:

– Ôi đàn bà mới là những người tốt nhất trên đời!

Đám đông đứng lặng như trời trồng. Lời hô của Tư Mã Khố tuy không hùng tráng nhưng nó lại xoáy vào tâm khảm mọi nói. Đàn bà có tốt không? Có lẽ đàn bà là những người tốt, quả thực đàn bà là những người tốt. Nhưng suy cho cùng, đàn bà là những người không tốt! Liền sau đó là tiếng nổ đùng đục, đầu Tư Mã Khố vỡ toác như cái gáo bị dập bể, máu trộn với óc bắn tung tóe. Lúc này, y hệt vở kịch đến đoạn cao trào trước khi hạ màn, thiếu phụ góa chồng Thôi Phượng Tiên, áo lụa hồng, quần đoạn xanh, trên đầu cài bông hoa đỗ quyên màu vàng kim, từ trên đê chạy ào xuống phủ phục bên cái xác Tư Mã Khố. Tôi nghĩ rằng chị sẽ ôm lấy Tư Mã Khố mà gào khóc, nhưng không phải. Có lẽ cái đầu vỡ toác khiến chị khiếp đảm. Chị móc cái kéo giắt bên mình ra, tôi nghĩ rằng chị sẽ tự dâm vào ngực để cùng chết với Tư Mã Khố, nhưng cũng không phải. Trước những cặp mắt nhìn chăm chú của đám đông, chị thọc lút kéo vào giữa ngực cái xác, rồi hai tay ôm mặt, chị vừa kêu gào vừa bỏ chạy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.