Sau khi quay xong cảnh đó, Minh Tranh đã kiệt sức.
Buổi quay hôm nay không quá thuận lợi, Lý Chí Nguyên lại còn nói muốn cảm giác hút thuốc nghệ thuật… Hôm nay cậu bị bắt hút rất nhiều thuốc, gần như là hút gần một bao, thật sự là rất khó chịu, có thể nói là tinh thần và thể xác đều mệt mỏi
Sau khi kết thúc công việc, người trong đoàn cùng vào thành phố ăn cơm và tiếp đón diễn viên Hong Kong Đàm Lệ, người đóng vai Cao Bân, ba của Cao Tiểu Vũ trong phim.
Ngày hôm sau không quay phim nên họ cũng uống chút rượu.
Đàm Lệ nói nhiều, ngồi trong bàn càng nói chuyện với Lý Chí Nguyên càng vui, nhưng cơm nước xong xuôi còn hẹn đi KTV thì quả thật Minh Tranh không ngờ tới…
Cậu thật sự hơi sợ tiếng ồn, hôm nay còn quay cảnh hút thuốc cả ngày, đến nói chuyện còn hơi khàn giọng thì nào có tâm trạng đi ca đi hát với bọn họ…
Minh Tranh thật sự không còn sức để đi cùng họ nên cậu lên tiếng chào hỏi với Lý Chí Nguyên, nói mình muốn về nghỉ ngơi
Hôm nay cảnh diễn của cậu nặng, quay rất vất vả, Lý Chí Nguyên tỏ vẻ đã hiểu nên để trợ lý tiễn cậu về.
Trịnh Quan Ngữ ở cạnh nghe được thì sáp qua, vừa định nói gì Lý Chí Nguyên thì Lý Chí Nguyên đã cực kỳ quả quyết chặn lại: “Cậu không được đi, có bò cũng phải bò đi hát với chú.”
Trịnh Quan Ngữ: “……”
Trịnh Quan Ngữ muốn về vun đắp tình cảm với Minh Tranh bị đạo diễn Lý vô tình bắt đi.
Khi Minh Tranh trở về khách sạn tắm táp rửa sạch mùi khói thuốc mới cảm thấy dễ chịu hơn. Cậu lau tóc rồi thoải mái trần người nằm trên giường.
Nằm một lúc mới thấy có hơi chán.
Mặc dù rất mệt nhưng bây giờ cũng chỉ mới 8 giờ 40, ngày mai còn không cần quay, đi ngủ thì có hơi sớm.
Mặc dù mệt nhưng chỉ là mệt chứ không muốn ngủ liền.
Cậu cầm điện thoại lướt lướt, thấy Dương Nhất Khiết đã đăng mấy video ngắn trong group diễn viên mà Trịnh Quan Ngữ nhất quyết kéo cậu vào.
Vì chán nên Minh Tranh tiện tay bấm vào xem —
Người được quay là đạo diễn Lý và Đàm Lệ đang hát song ca bài của Ngũ Bách… phong cách khá lạ.
Minh Tranh mở ra xem không quá ba giây đã yên lặng lui ra xem một cái khác.
Trong video, Trịnh Quan Ngữ cầm lấy micro Lý Chí Nguyên kín đáo đưa cho mình trong tiếng hoan hô, nói đầy bất đắc dĩ: “Đạo diễn Lý, cháu không biết hát nhạc của Ngũ Bách!”
Tiếng nhạc đã vang lên… Trịnh Quan Ngữ, người trông rất là bất đắc dĩ chỉ có thể vội vàng nhìn lời bài hát, vội vàng hát theo nhịp.
Minh Tranh mỉm cười bắt đầu xem video đặc sắc này say sưa.
Trịnh Quan Ngữ vừa hát Minh Tranh đã biết y hát còn khiêm tốn, hát rất được, mặc dù biểu cảm gượng gạo và bất lực của y rất buồn cười…
Minh Tranh xem video xong thì mỉm cười lưu lại.
Có lẽ là chán quá nên cậu nhắn cho Trịnh Quan Ngữ một tin — [Hát hay lắm, chỉ là biểu cảm hơi đơ.]
Không được mấy giây Trịnh Quan Ngữ đã đáp lại, mặc dù nội dung là: [Á, hóa ra cậu còn biết nhắn tin và lướt nhóm, anh còn tưởng cậu không biết dùng điện thoại.]
… Đây là đang chế giễu Minh Tranh không thích xài điện thoại, bình thường mọi người tìm y toàn gọi đến.
Trên thực tế, Trịnh Quan Ngữ cũng rất ít khi gọi điện hay nhắn tin cho cậu, dù sao họ cũng gặp mặt trực tiếp, ngày nào cũng gặp nhau.
Minh Tranh trả lời: [Hi vọng anh không say rồi về tìm tôi điên rượu.]
Lần này một lúc sau Trịnh Quan Ngữ mới đáp:
[Sao anh cảm giác cậu đang mong anh say lần nữa.]
[Anh say rồi cậu có đến chăm sóc anh không?]
Nghẹn họng.
Minh Tranh đọc xong cạn lời mà đáp: [Tôi thật sự hy vọng thầy Trịnh đừng uống rượu quá nhiều.]
Thầy Trịnh trả lời cậu:
[Được.]
[Em ngủ sớm đi.]
Không có thêm tin nhắn nào đến.
Sau khi Minh Tranh nhắn tin cho Trịnh Quan Ngữ xong thì nhìn chằm chằm lịch sử trò chuyện của họ, ngây người ra.
Thật ra đánh giá của Lý Chí Nguyên với cậu rất đúng, quả thật cậu có chút cô độc. Vì chưa được mấy tuổi đã bị người nhà ném lên núi tập võ, ảnh hưởng của thời thơ ấu rất khó xóa nhòa nên dẫn tới bây giờ cậu chỉ thích yên tĩnh, không thích nhộn nhịp, luôn độc lai độc vãng.
Cậu cũng không quen có quá nhiều liên lạc với người khác.
… Nhưng nếu là Trịnh Quan Ngữ, có vẻ như có thể chấp nhận được.
Minh Tranh trằn trọc trở mình một lúc cũng không buồn ngủ nữa, cảm thấy tinh thần mình khá phấn chấn nên xem một bộ phim trước khi ngủ.
Lướt rồi lướt tính xem phim của Bergman nhưng không biết sao cái tay lại không nghe lời, ma xui quỷ khiến đi tìm phim của Trịnh Quan Ngữ.
Phim của y rất nhiều, tìm ra còn thấy rất đồ sộ.
Minh Tranh vẫn luôn cho rằng bộ phim hay nhất mà Trịnh Quan Ngữ từng quay hẳn là “Phút chốc” kia, nhưng lướt một lúc cậu lại phát hiện “Phút chốc” lại là bộ phim có số điểm khá thấp của Trịnh Quan Ngữ.
Bộ phim có điểm cao nhất là “Vẻ đẹp không trọn vẹn”, bộ phim Trịnh Quan Ngữ đã giành giải nam chính xuất sắc nhất.
Minh Tranh đã xem bộ phim này và nhớ rằng nhân vật chính trong phim là một diễn viên kinh kịch, sau đó anh ta bị bệnh thì mất tiếng, đã tự xác vài lần… Chi tiết cụ thể không nhớ lắm.
Trịnh Quan Ngữ được hóa trang thành Thanh Y*, rất đẹp, cực kỳ nổi tiếng trong năm đó. (Thanh y: Thanh y là tên gọi chung cho các nhân vật chính trong loại hình đán, các nhân vật thường có tính cách yểu điệu, trang nhã như tiểu thư hay quý phu nhân. Khi biểu diễn thường sẽ mặc áo xanh (thanh y), vai diễn thiên về hát, thoại lời theo vần điệu.)
Minh Tranh xem lại thì phát hiện những bộ phim chất lượng cao của Trịnh Quan Ngữ không có liên quan gì đến quân tử, điều này cũng đủ để chứng minh rằng khán giả có hiểu lầm rất lớn về hình tượng của y… Có thể là vì những tạo hình quân tử của Trịnh Quan Ngữ khá bắt mắt?
Dù sao Minh Tranh cũng cảm thấy quá phiến diện khi hình dung Trịnh Quan Ngữ là quân tử, y cũng đã từng đóng rất nhiều vai khác nhau ngoài quân tử, là diễn viên rất chuyên nghiệp và xuất sắc.
Minh Tranh rảnh rỗi không có gì làm quyết định xem lại bộ phim này, xem như ôn lại kiệt tác của Trịnh Quan Ngữ để giết thời gian.
Trịnh Quan Ngữ đóng vai một diễn viên kinh kịch bị bệnh rồi mất giọng tên là Tống Du.
Đầu phim là cảnh Tống Du quay trở lại rạp sau khi khỏi bệnh —
Bước đi của anh ta vẫn tự tin, đoan trang tao nhã giống như ngày xưa, nhưng biểu hiện của những người xung quanh rất phức tạp, còn có người xì xào bàn tán.
Chỉ cần nhìn vài bước đi mở đầu này của Trịnh Quan Ngữ là có thể nhìn ra Trịnh Quan Ngữ đã bỏ công sức rất nhiều cho bộ phim này, động tác dáng vẻ cực kỳ xinh đẹp, rất có khí chất, quả thật rất giống một đáo kép nổi danh.
Tống Du đi qua những người đó, đi từng bước một đến phòng hóa trang thuộc về mình, đóng cửa lại, bắt đầu trang điểm cho bản thân.
Lần đầu tiên xem không nghĩ gì nhiều, lúc này xem lại… Minh Tranh cảm thấy Trịnh Quan Ngữ rất hợp với vai Thanh Y.
Khuôn mặt của anh có độ bao dung rất kỳ diệu, có thể đóng vai Cao Tiểu Vũ kỳ quái, có thể đóng những vai thư sinh hay quân tử, cũng có thể trang điểm đậm thế này.
Sau khi Tống Du trầm mặc hóa trang cho mình xong, anh ta đứng dậy biểu diễn một màn kịch câm trước gương.
Anh ta hát không ra tiếng, chỉ có thể thể hiện bằng cơ thể và biểu cảm của mình.
Cảnh này rất nặng nề, nếu diễn xuất không tốt sẽ trông như bị thần kinh, nhưng Trịnh Quan Ngữ đã biến cảnh này thành một cảnh kinh điển.
Đây là lời từ biệt. Tống Du biết mình không thể hát hí khúc nữa, sau này phòng hóa trang cũng sẽ không còn thuộc về mình, lần diễn này anh ta chỉ diễn cho mình xem.
Sau khi kết thúc, Tống Du lấy một con dao nhỏ đã chuẩn bị từ trước, cắt xuống cổ tay mình một cách quyết liệt —
Đó là lần đầu tiên anh ta tự sát. Bất thành, được nhân viên của rạp phát hiện và cứu.
Mất giọng với bất kỳ một người khỏe mạnh nào mà nói đã là một chuyện rất khó chấp nhận, huống chi còn là một diễn viên cuồng chỉ biết hát hí khúc.
Tống Du ở nhà buồn chán một khoảng thời gian, mẹ anh ta cẩn thận hỏi anh học ngôn ngữ ký hiệu, còn nói bà đã tìm người để hỏi công việc, đó là chăm sóc người tàn tật.
Tống Du nhìn mẹ một lúc, trầm mặc đặt bát xuống trở về phòng mình, đóng sầm cửa lại.
Ngoài cửa truyền đến tiếng khóc của mẹ.
Đêm đó anh ta mơ một giấc mơ, mơ thấy mình đang đứng trên sân khấu…
Anh ta đã từng rực rỡ, nhưng bây giờ… khác biệt quá lớn. Trước đây anh ta là diễn viên kinh kịch có tiếng, làm sao anh ta có thể chấp nhận được khoảng cách này?
Nghệ thuật như cuộc sống, câu này rất đúng.
Ngày hôm sau anh ta lại tự sát, nhưng đáng tiếc vẫn được người nhà cứu về.
Câu chuyện này thật sự rất tàn khốc, bởi vì nửa đầu câu chuyện kể về việc Tống Du bị vô thường và hiện thực đánh bại từng bước một, nói về Tống Du bị mộng cảnh quấn đến mức không thoát ra được, nói về nỗi đau mất giọng, nói thật thì… có chút gây bức bối.
Trịnh Quan Ngữ diễn giải loại đau đớn nhẫn nhịn đó rất tốt, là một loại tuyệt vọng vừa phải, đã mấy lần Minh Tranh thấy được cảm giác không thở nổi này.
Phim được một nửa, thái độ của Tống Du với cuộc sống đã không còn quá tiêu cực mà dần có chuyển biến.
Lý do cho sự thay đổi thái độ đó là không rõ ràng.
Có lẽ là do anh ta phát hiện ra mẹ mình nửa đêm bật khóc trong nhà tắm
Có lẽ là do một hôm anh ta lang thang đi dạo thì phát hiện công viên nhỏ cạnh nhà mình có một ao sen rất đẹp.
Có lẽ là do anh ta tìm được thứ đáng để mình lưu luyến……
Không nói rõ được cuối cùng là vì nguyên nhân gì, điện ảnh không cho khán giả câu trả lời cụ thể.
Minh Tranh xem rồi xem lại thật sự có cảm giác Tống Du không phải được thứ gì đó giải cứu, mà là giống như bị cái gì đó kèo về cuộc sống chịu khổ lần nữa.
Anh ta mất giọng không thể hát nhưng anh ta vẫn sống trong một vở kịch của người khác, sắm vai một nhân vật anh ta cần phải đóng.
Màu phim từ đầu đến cuối vẫn luôn lắng đọng bình tĩnh. Hướng của kết cục cũng rất có ý vị sâu xa, nhìn bề ngoài có vẻ là một cái kết có hậu, nhưng xem rồi xem lại sẽ thấy hụt hẫng mất mát.
Nhìn từ góc độ một diễn viên, biểu hiện của Trịnh Quan Ngữ ở bộ phim này đúng là không thể bắt bẻ, giải thưởng của anh là danh xứng với thực.
Trong phim, từ đầu tới cuối anh không nói lời nào, một câu thoại cũng không có. Tống Du im lặng từ đầu tới cuối, anh ta không thể phát ra âm thanh nào, nhưng với sự diễn giải của Trịnh Quan Ngữ, Tống Du chỉ khẽ động chân mày cũng đều hấp dẫn. Xem xong đã hơn hai tiếng đồng hồ nhưng bạn sẽ không cảm thấy nhàm chán dù chỉ một chút.
Sau khi xem hết, Minh Tranh cũng không biết Tống Du đang sống vì ai.
Anh ta bắt đầu chấp nhận một cuộc sống bình thường không có diễn kịch, ngoan ngoãn học ngôn ngữ ký hiệu, từ từ thích nghi với cuộc sống hàng ngày của một người khuyết tật…
Sau khi học ngôn ngữ ký hiệu xong, câu đầu tiên Tống Du nói với mẹ bằng ngôn ngữ ký hiệu là — Con sẽ làm bạn với mẹ cho đến khi mẹ già.
Khi Minh Tranh thấy Trịnh Quan Ngữ làm ký hiệu câu kia thì có chút nghi ngờ xem lại, xem lần thứ hai, lần thứ ba…….
Minh Tranh trầm mặc nhấn tạm dừng, chìm vào suy nghĩ.
Trong bộ phim này Trịnh Quan Ngữ không chỉ dùng ngôn ngữ tay với mỗi câu kia, nhưng Minh Tranh chỉ thấy câu này rất quen
Không hiểu sao cậu có một loại trực giác đây là ngôn ngữ tay mà Trịnh Quan Ngữ đã nói với cậu… vào hôm kết thúc công việc muộn của một đêm nào đó.